Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương - đây không phải một câu chuyện ngôn tình!
Tôi bắt đầu đọc "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương'' trong một buổi chiều nhàn hạ. Bởi vì quá nhàn hạ sinh nhàm chán mà tôi mới...
Tôi bắt đầu đọc "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương'' trong một buổi chiều nhàn hạ. Bởi vì quá nhàn hạ sinh nhàm chán mà tôi mới lơ đang ngó tới giá sách của mợ ở gác hai. Giữa muôn vàn những cuốn ''Mỗi đữa trẻ là một thần đồng 3 tuổi'', ''Cách dạy con của người Nhật'',… tôi đã tìm được "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương'' như thế.
Thoạt nhìn cái tên, nếu chẳng để ý dòng chữ nhỏ ''Phương pháp dạy con của người Do Thái'', tôi đã nghĩ đây là một kiểu ngôn tình nào đó. Có lẽ cũng bởi thế mà nghe tên từ lâu nhưng tôi chưa có ý định săn lùng quyển sách này. Đợi đến khi khép trang cuối cùng lại, tôi mới thở dài sao mình lại bỏ lỡ nó lâu đến thế.
Lúc mới bắt đầu quyển sách, tôi thực sự bị lôi cuốn ngay từ những lời mở đầu, lời nhận xét của tác giả và bạn đọc. Những phương pháp dạy con mới mẻ làm tôi-dù còn đợi khoảng mười năm mới thành mẹ bỉm sữa-đã thấy vô cùng hứng thú. Ở chương một Sara Imas kể về câu chuyện cuộc đời của bà, về cuộc di dân đến Thượng Hải, về hồi ức sót lại với người cha, về cuộc hôn nhân đổ vỡ và về cái cách bảo bọc con cái quá mức như muôn vàn bà mẹ Trung Quốc khác thế nào.
Việc đưa các con trở lại Isarel khiến cuộc sống của bà lật sang một trang mới. Khi người chị hàng xóm thẳng thắn phê bình cách bà nuống chiều những đứa con, Sara mới nhận ra tình yêu thương của mình đang ''hại'' con thế nào. Sau bao những trăn trở và ngần ngại, Sara quyết định từ bỏ hình mẫu ''bà mẹ nồi cơm điện'',''cha mẹ trực thăng'' để tránh con cái sau này trở thành ''gia tộc dâu tây'' dù vẻ ngoài bóng bảy, căng mọng nhưng bên trong yếu ớt, mềm nhũn. Cuộc cách mạng trong phương pháp dạy con của bà đã đem đến sự lột xác ngoạn mục của ba đứa con Dĩ Hoa, Huy Huy, Muội Muôi.
Chương một có hai hình ảnh so sánh rất thú vị, Sara cho rằng bố mẹ Trung Quốc có tình yêu con hình tử cung-luôn bao bọc lấy đứa con làm chúng trở thành ''những thai nhi quá hạn''. Trong khi đó người Do Thái tâm niệm rằng tình yêu con phải như ngọn lửa, soi sáng, chỉ bảo con tự đi trên con đường của mình. Bà cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu nói của Marsim Gorki: ''Sinh con là việc ngay cả gà mái cũng biết làm, nhưng yêu con lại là việc khác''.
Bản thân tôi thấy chương một thực sự có chút dài dòng, một vài hình ảnh lặp lại nhiều lần khiến độc giả có đôi chút nhàm chán, nếu cách diễn đạt có thể cô đọng lại một phần, chắc chắn chương mở đầu sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều. Thế nhưng từ chương hai, bạn thực sự không nên bỏ sót một chữ nào cả.
Từ chương hai trở đi là lời chia sẻ của Sara Imas về những đổi thay trong phương pháp yêu con của bà theo những gia đình Do Thái khác. Người Do Thái cho rằng con cái từ nhỏ đã nên nhận thức được vai trò của mình trong gia đình, không những phải học những kĩ năng cần thiết cho bản thân, mà còn phải biết quan tâm đến những chuyện trong gia đình nữa. Trẻ con Do Thái, dù ở trong gia đình giàu hay nghèo cùng sẽ được dạy theo những phương pháp như ''có làm có hưởng'', ''quản lí tài sản'', và đều phải tham gia các công việc của gia đình. Thậm chí những gia đình giàu có còn đưa con vào những trường tư-nơi các con sẽ phải học tập và rèn luyện một cách vô cùng nghiêm khắc. Đến độ tuổi nhất định, người Do Thái cho trẻ con quản lí một phần tài sản của mình để các con tự ý thức về việc mua bán hợp lí, các con phải ghi chép tỉ mỉ những gì mình đã chi tiêu và trình bày lại cho bố mẹ vào cuối tuần, khi muốn chi một số tiền lớn, các con phải hỏi ý kiến bố mẹ trước. Tuy đề cao những kĩ năng tài chính và ngoại giao, nhưng tri thức luôn được coi là hàng đầu với người Do Thái. Một doanh nhân dù kiếm được nhiều tiền cỡ nào nhưng không có kiến thức rộng rãi thì chưa thể trở thành một doanh nhân chân chính được. Vì thế, gia đình nghèo đến mấy cũng trích một phần thu nhập để đặt mua sách báo cho con em.
"Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương'' đặt ra một vấn đề cho chúng ta: khi nhắc tới các kĩ năng, tại sao ta chỉ nghĩ tới phát triển cho trẻ em kĩ năng múa, hát, học Toán, học Tiếng Anh,… mà quyên mất những kĩ năng như quản lí tài chính, tìm cách nâng cao chỉ số EQ, AQ ,…..
Ở Việt Nam, hàng năm có hàng trăm sinh viên ra trường không có việc làm. Người ta bắt đầu đổ lỗi cho hệ thống giáo dục lạc hậu và rằng nhà trường thiên quá nặng về đào tạo kiến thức mà quên mất kĩ năng. Nhưng thiết nghĩ, những kĩ năng ấy lẽ ra phải được gia đình rèn luyện từ nhỏ. Nếu không, 18 tuổi, khi bắt đầu vào ngưỡng cửa cuộc đời, chúng ta phải tự có ý thức tự hòa nhập với cuộc sống đang đổi thay từng ngày, chẳng ai có thể đứng yên đợi ai cả, nếu ta không đi tiếp, là ta đang tự giật lùi. Có nhiều người rất lạ, luôn chỉ tìm cách đổ lỗi cho khách quan mà chẳng khi nào nhìn nhận lại bản thân mình cả.
"Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương'' không chỉ là một cuốn sách dành cho các bậc phụ huynh, những ''thai nhi quá hạn'' như đa số thanh niên Việt Nam hiện nay nên đọc cuốn sách này. Đọc rồi ta mới thấy được tấm lòng bố mẹ, dù tình yêu con của đa số phụ huynh Việt Nam hiện nay vẫn hình tử cung. Được bảo bọc như thế, mất một sỗ kĩ năng, nhưng nhìn vào đấy mà thấy ta cần hoàn thiện thêm những gì, chứ không phải lại ngồi trách bố mẹ sao chẳng ''dạy con đúng cách''. Cuốn sách thực sự rất hay, và cần nghiền ngầm nhiều, một lần cho tuổi 18, nhiều lần cho những năm tháng dạy Mo sau này.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất