Những clip trên Youtube, sau đó là những bài viết trên Facebook, những comments, status gần đây về tranh luận giữa GS. Hồ Ngọc Đại và GS. Trần Đình Sử trong cuộc đối thoại do Bộ GD&ĐT tổ chức khiến tôi có nhiều suy nghĩ. Là một người ngoại đạo, tôi không dám phán xét hay bình luận về tư tưởng và tính khoa học của hai chương trình, chương trình Công nghệ Giáo dục (CNGD) của GS. Đại, và chương trình SGK mới do Bộ GDĐT chủ trì thực hiện mà GS. Sử đại diện. Nhưng với tư cách là một độc giả độc lập, còn nhiều điểm mơ hồ và bất cập xuyên suốt những cuộc tranh luận, đối đáp này cần được nêu ra.

Thứ nhất, sự rõ ràng và cụ thể trong triết lý và mục tiêu của hai chương trình.

Không phải trong buổi đối thoại gần đây, mà trước đó khoảng 1 năm, GS. Đại đã trình bày rõ những triết lý và quy tắc mà dựa theo đó ông xây dựng nên nội dung và phương pháp của chương trình tiếng Việt CNGD (link của chương trình tại đây). Trong cuộc phỏng vấn dài hơn một tiếng, GS đã trình bày tương đối khái quát về tính khoa học của việc dạy học kết hợp cùng cảm nhận xúc giác và thị giác thông qua các hình khối, triết lý về âm (vật thật) - chữ (vật thay thế) trong quá trình dạy ngôn ngữ, cũng như triết lý giáo dục đối với học sinh lớp 1 và cấp 1.
Ngược lại, thật đáng tiếc khi tôi chưa tìm thấy bất cứ giải thích cụ thể nào của những người có trách nhiệm về triết lý của chương trình giáo dục do Bộ GDĐT xây dựng. Văn bản cụ thể nhất tôi tìm thấy là Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng thông tư này mới chỉ đề cập tới những tiêu chí khái quát đối với việc xây dựng chương trình giáo dục, mà chưa thể hiện cụ thể triết lý cũng như tính khoa học của nó.

Thứ hai, những tranh luận của hai giáo sư.

Sau những clip gần đây về buổi đối thoại, tôi khá thất vọng về những lập luận và tranh luận của cả hai vị GS. Từ phía GS. Đại, tôi mong chờ ở ông những lập luận về phương pháp, cách thức và sự chặt chẽ mà ông dày công xây dựng cho chương trình giáo dục của mình. Sự nóng giận và công kích cá nhân của ông đối với người đồng nghiệp rõ ràng không phù hợp trong bất kỳ cuộc tranh luận nào, chưa kể đến việc nó có mang tính khoa học hay không.
Về phần GS. Sử, mặc dù ông vẫn luôn giữ được sự điềm tĩnh, tôi không đánh giá cao những lập luận phê bình của ông đối với bộ sách CNGD. Ngoài buổi đối thoại, những lập luận của GS. Sử còn được thể hiện rõ hơn thông qua status này (chưa được kiểm chứng tính xác thực). Đầu tiên, những lập luận này chủ yếu vấp phải một lỗi ngụy biện cơ bản: ngụy biện lợi dụng thẩm quyền. Thay vì so sánh và đánh giá dựa trên tính khoa học và chặt chẽ cũng như sự phù hợp về mặt triết lý, việc chỉ dựa vào tính thẩm quyền (chương trình giáo dục do Bộ GDĐT và nhà nước xây dựng nên chắc chắn tốt hơn, hợp lý hơn) để củng cố tính chính danh là không xác đáng.
Bên cạnh đó, những nhận xét của ông về việc chương trình CNGD (VD: quá nặng đối với học sinh, không đáp ứng đủ yêu cầu học tiếng,...) đều thiếu những lập luận vững chắc và đa phần dựa trên nhận xét cảm tính.
Cuối cùng, ở phạm vi vĩ mô hơn, dù đã trải qua ít nhất 4 lần cải cách, chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GDĐT xây dựng bản thân nó vẫn chưa chứng minh được tính khoa học và hợp lý của mình trong những năm đã qua. Trong khi đó, trải qua hơn 40 năm, chương trình CNGD đã đạt được những thành công thực tế không thể phủ nhận chính là những học sinh học viên từ khóa đầu tiên của trường Thực nghiệm cho đến nay. Sự phủ nhận tính hợp lý này rõ ràng không

Thứ ba, sự phán xét của "cộng đồng mạng".

Những bình luận và phán xét trên mạng xã hội, trong các link tôi đã dẫn ra ở trên, là điều khiến tôi thấy thất vọng nhất. Vấn đề lựa chọn chương trình giáo dục là một vấn đề hệ trọng, không chỉ những người làm giáo dục, những người có trách nhiệm soạn thảo các bộ sách mà cả chính những vị phụ huynh và rộng hơn là mọi cá nhân trong xã hội. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này là điều kiện tiên quyết, nhưng tiếp sau là cách chúng ta thể hiện quan điểm, thái độ với nó. Thay vì sự cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng đối với ưu và nhược điểm ở mỗi bộ sách, mỗi chương trình, đánh giá cái đúng, cái sai trong mỗi lời nói, mỗi lập luận, đa phần những bình luận đều thể hiện sự xúc phạm với những lời lẽ miệt thị và quy chụp.
Những lời lẽ xúc phạm đối với GS. Đại, rõ ràng, đang phủ nhận một cách mù quáng những kết quả ấy, và rõ ràng, không thể trở thành một viên gạch xây đắp nên hệ thống giáo dục cho nước nhà.
Lời kết: Như đã nói, tôi không có chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục để đánh giá những chương trình giáo dục khác nhau do các nhà khoa học thiết kế. Mỗi nhà khoa học, dựa trên những nền tảng tư tưởng, triết lý khác nhau đề sở hữu những lý lẽ, lập luận riêng để củng cố cho chương trình của mình. Và tương tự, tất cả những cá nhân độc lập, đánh giá vấn đề này từ vị trí trung lập trung lập, cũng cần giữ lại lý trí để xem xét và đánh giá một cách khách quan nhất, với cứu cánh là sự hoàn thiện của một chương trình, một hệ thông giáo dục bài bản và phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Một số tài liệu tham khảo khác: