1. Học hỏi
Mình từng có tư tưởng sau khi tốt nghiệp đại học sẽ không học thêm, bốn năm là quá đủ rồi. Đến khi đi làm để đáp ứng điều kiện công việc, mình học thêm khóa đào tạo sau đại học. Đến lúc này mình mới thấy giá trị của việc tự bổ sung kiến thức có ích như thế nào.
Cảnh trên một đoạn đường đi cơ sở
Cảnh trên một đoạn đường đi cơ sở
Trong công việc khi đưa ra ý kiến cá nhân đòi hỏi mình phải nắm vững kiến thức, tham khảo một số tình huống thực thế. Có như vậy mới phản biện, bảo vệ ý kiến của mình. Đi làm may mắn thì có người chỉ bảo, còn không thì tranh đấu. Môi trường càng nhiều lợi ích thì cạnh tranh càng khốc liệt.
Mình thấy rằng dù mới đi làm hay đi làm lâu năm mà không vững chuyên môn rất dễ bị coi thường. Mình cố gắng khẳng định bản thân bằng việc không ai có thể thay thế vị trí của mình.
2. Chia sẻ nhưng vẫn giữ lại gì đó cho riêng mình
Việc tám chuyện nơi công sở là không tránh khỏi, mà nói những gì, nói như thế nào thì mình phải cân nhắc.
Mình từng có suy nghĩ chia sẻ để người khác góp ý, để nghe được ý kiến khác. Đương nhiên là mối quan hệ thân thiết mới chia sẻ. Rồi mình nhận ra có thế nào thì câu chuyện của mình sẽ trở thành chủ đề của ai đó.
Có lần một chị chơi chung nhóm với mình (cũng làm nhà nước) bị gạ tình. Người gạ là lãnh đạo cơ quan chị đó. Điều mình ngạc nhiên là có người phản ứng rằng "chị không biết con bé đó có bị ảo tưởng không? hình như nó ảo tưởng thằng nào cũng muốn ngủ với nó mà nó 30 tuổi rồi. Có khi thử mấy lần như thế lại lấy được ai đó, hợp nhau chuyện đấy rồi lại chả bỏ được". Nghe được thế mà mình ngỡ ngàng vì ko ngờ rằng sẽ có suy nghĩ như thế.
Sau này mình thấy rằng tốt nhất không nên nói gì, tránh xa mấy câu chuyện ngoài giờ.
3. Từ chối đồng nghiệp
Lúc mới đi làm hầu như việc đồng nghiệp nhờ mình đều nhận lời, cố gắng làm hết khả năng. Suy nghĩ của mình lúc đó là làm để "biết việc". Sau một thời gian bao quát được công việc hơn mình nhận lời giúp đồng nghiệp có chọn lọc và học cách từ chối dứt khoát.
Khi được giao việc mình phải liên hệ với cơ quan khác để trao đổi, lập phương án giải quyết, cho đến khi kết thúc thì quá trình này khép kín, độc lập. Có lần một đồng nghiệp nhờ mình liên hệ công việc với cơ quan khác về phần việc mà anh đang giải quyết. Mình từ chối vì thấy việc đó trực tiếp liên quan đến anh và anh phải là người giải quyết. Kết quả anh ta thu hồi một loạt tin nhắn nhờ mình trước đó và tỏ thái độ. Đối với những trường hợp như thế mình không cảm thấy áy náy; thái độ của người ta giúp mình biết cách đối xử với họ như thế nào.
Mình từng gặp vấn đề muốn từ chối mà không biết nói sao. Sau vài lần chối mình thấy rằng: việc được nhờ có ảnh hưởng tới việc của mình không? nếu nhận lời mình gặp khó khăn gì? đồng nghiệp mình đang gặp vấn đề gì trong chuyện đó,... rất nhiều trường hợp nói là nhờ nhưng mình cảm thấy bị sai vặt.
4. Sống theo cách của bản thân
Môi trường nhà nước gò bó từ giờ làm việc, cách ăn mặc hay tư duy suy xét cuộc sống. Nó khiến mình trở nên khuôn phép, hà khắc với bản thân.
Mình nhớ năm đầu tiên đi làm, mình mặc một chiếc váy liền. Nếu xét về trang phục công sở thì không vi phạm. Vấn đề là các chị cùng cơ quan chê chỗ a chỗ b không đẹp. Sau lần đó mình không mặc lại chiếc váy đó nữa. Hay cách sống của mình khác so với những bạn làm cùng rồi cũng bị chê, bị nói là sống như bà già. Ban đầu mình bị ảnh hưởng, cũng stress. Sau thời gian đó mình thấy: đơn giản là mình khác họ thôi, làm những điều cho là tốt với bản thân thì cứ làm.
Hai năm qua mình theo đuổi lối sống tối giản, 2 tháng trở lại đây mình tham gia trào lưu "no spend month". Mình cảm thấy ổn, cảm thấy bản thân thay đổi theo hướng tích cực hơn. Được sống theo cách của mình, không làm hại ai thì cần bận tâm điều gì nữa.