Nếu không phải vì cuộc thi có giải thì tôi sẽ chẳng bao giờ chủ động viết hay nói gì về hạnh phúc. Để ý bạn sẽ thấy hầu hết những người nói về hạnh phúc chủ yếu chọn cách gián tiếp, đi lòng vòng, ví von các kiểu; ai mà đi vào trực tiếp, rằng hạnh phúc là abc mà bỏ qua 2 từ "với tôi", thì đọc như đấm vào tai. Đây chẳng phải là ngẫu nhiên. Lý do nằm ở việc hạnh phúc vốn thuộc phạm trù chủ quan. Do vậy mà hầu hết những gì tôi, hay bất cứ ai khác, chia sẻ với mục đích định nghĩa hoặc thu hẹp phạm vi của hạnh phúc đều xứng đáng bị một kẻ nào đó ném vào sọt rác.

HẠNH PHÚC LÀ CHỦ QUAN

Cái vớ vẩn của khái niệm hạnh phúc trong cách hiểu phổ biến hiện nay là như này: họ cho rằng hạnh phúc tương đối giống niềm vui nhưng theo một cách nào đấy trừu tượng hơn nhiều. Mà đi vào trừu tượng thì chẳng thể có một cái quy chuẩn chung nào để mà nói cả, thành ra là bao nhiêu người nói về hạnh phúc là bấy nhiêu cách nói na ná nhau, từa tựa nhau nhưng cả thảy khác nhau. Rốt cuộc chỉ là một mớ thập cẩm tạp nham mà không ai là không ngán ngẩm khi thử nhìn vào.
Một anh nhân viên hạnh phúc khi được thăng chức; một ông trưởng phòng mệt mỏi bỏ việc, bỏ phố về quê.
Ngày họp lớp, có người hạnh phúc khi gặp lại bạn cũ, người khác lại buồn tủi vì bạn bè ai cũng thành đạt còn mình lại lận đận.
Trước cái chết của người thân, gia đình nạn nhân đau khổ vì nhớ nhung, trong khi thổ dân một bộ lạc sâu trong khu rừng nào đó lại hạnh phúc bởi họ nghĩ rằng người thân của họ đã được lên thiên đường.
Có những người luôn rêu rao được sinh ra là hạnh phúc, có những người lại thấy cuộc sống chỉ toàn đau khổ và tốt hơn là không nên được sinh ra (Antinatalists - tôi là một trong số đó).
Trong tương lai, khi chuyện tiêm hoocmon hạnh phúc vào cơ thể đã rất phổ biến và an toàn, một người ăn xin nhặt được 1 hộp đánh rơi loại hoocmon đó. Anh ta sử dụng nó và có cảm thấy hạnh phúc như vừa trúng số 100 tỷ.
...
 Những tình huống trên đều do tôi bịa ra, thành thật thì với cảm nhận của tôi chúng nằm ở giữa ranh giới của niềm vui và hạnh phúc – tức là cũng chưa hẳn là hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn thấy chúng đủ sức nặng để đi đến một kết luận: hạnh phúc, hay bất kì cảm xúc nào khác, trước một sự kiện được và chỉ được cảm nhận bởi cá nhân, không tồn tại cái là hạnh phúc khách quan cũng như bất hạnh khách quan.
Ai có thể nói niềm vui, niềm hạnh phúc của ai đó là không đúng, không phù hợp, sai trái? Không một ai. Nhân loại đã và đang phát triển trong một thế giới có những ý niệm chung, tương đối đồng nhất giữa các nền văn hóa. Nhưng từ đó chỉ có thể suy ra là nhìn chung con người có thế giới quan tương đối giống nhau chứ nó không thể nói rằng đó là cách duy nhất để nhìn nhận thế giới. Và dù có nhiều phần của đạo đức, văn hóa, pháp luật nhận được sự đồng thuận chung đến từ đa số thì quá là nông cạn để cho rằng một sự kiện nào đó sẽ gây ra cảm giác nhất định cho tất cả mọi người.
Nhưng đó là điều đã và đang xảy ra với quan niệm về hạnh phúc. Chúng ta quên một sự thật rằng không thể có điều gì khiến tất cả mọi người đều hạnh phúc và một người có thể hạnh phúc vì bất cứ lý do gì mà không cần biết phản ứng của người khác với sự kiện đó như nào. Vậy 2 người có thể có thể có một quy chuẩn chung về hạnh phúc không? Tôi cho là không. Họ có thể thống nhất đến một mức nào đó về độ hạnh phúc (hoặc không) của một sự kiện thông qua đối thoại kiểu Socrates, tức là liên tục đặt câu hỏi xoay quanh các quan điểm của đối phương và dần cả 2 sẽ tiệm cận một quan điểm chung. Nhưng kiểu nói chuyện này nhiều phen rất mệt mỏi và tốn thời gian – bản thân tôi chẳng mấy khi bắt gặp ngoài đời.
Nói kiểu này hiệu quả nhưng mệt não!!
Nói kiểu này hiệu quả nhưng mệt não!!
Nếu vẫn đồng ý với những gì ở trên, một người có thể sẽ tự hỏi một trong những câu hỏi kiểu như này:
“Sau một thời gian dài đi tìm mua được, người nghiện ma túy có hạnh phúc khi sử dụng chúng không?”
“Kẻ sát nhân có hạnh phúc sau khi ra tay với nạn nhân mà hắn đã lên kế hoạch cả năm trời không?”
Tôi không thấy ai có khả năng trả lời những câu như vậy ngoài chính chủ thể tham gia hành động và dù các hành động có trái với tiêu chuẩn của số đông đi chăng nữa, ta cũng chẳng thể khẳng định rằng một người sẽ không cảm hạnh phúc khi làm điều đó. Con nghiện là người đồi bại, là cặn bã của xã hội; kẻ giết người thật đáng kinh tởm, chỉ có bị tâm thần mới thấy vui khi giết người,... Đời người sẽ bớt đau khổ hơn rất nhiều nếu một người dẹp được đống định kiến được nhồi vào đầu từ khi lọt lòng như trên. Dĩ nhiên tôi không nói rằng ai đó nên làm những chuyện đó ở xã hội hiện tại, vì kể cả bạn là kiểu người như vậy thì bất tiện chúng mang lại có vẻ nhiều hơn rất nhiều những gì bạn được, nhưng hãy dành đôi chút để nghĩ về nó. Bạn sẽ dần thấy mọi sự hợp lý và dễ hiểu hơn nhiều vì nhận ra rằng chúng dựa trên những thế giới quan không giống nhau. Cùng với đó bạn sẽ giảm bớt việc vô thức mặc định thế giới quan đối phương tương tự mình, từ đó bạn sẽ tới gần hơn sự khách quan - cái mà ai cũng nên mong muốn đạt được.

HẠNH PHÚC LÀ CHỦ QUAN, VẬY LÀM SAO ĐỂ HẠNH PHÚC?

Nếu để ý ở trên tôi có viết tôi là một antinatalist, tạm dịch là người theo chủ nghĩa tiền sinh sản. Niềm tin cho rằng cuộc đời mang giá trị âm và tốt hơn là con người không nên được sinh ra. Tôi có thấy được sống là hạnh phúc không? Không. Tôi có hay cảm thấy niềm vui trong cuộc sống không? Tương đối ít ỏi. Nhưng tôi không ở đây để cố gắng thuyết phục người đọc hãy tin vào Antinatalism – chủ nghĩa tiền sinh sản. Thôi thì cứ cho là tôi không biết gì về hạnh phúc, tôi tin là mình biết không hạnh phúc là như thế nào. Vậy nên tôi sẽ chỉ cho những ai vẫn đang kiên nhẫn đọc bí quyết để không không-hạnh-phúc.
Bí quyết là như này:
Để không không-hạnh-phúc, hãy làm những gì bạn muốn làm.
...
Nếu bạn đang thấy sao lại cái bí quyết này vô thường vô phạt, có vẻ dởm dởm thế nào, thì để tôi giải thích tại sao nó không hề dởm. Lấy ví dụ bạn vừa có kết quả thi đại học, sau khi cân nhắc, bạn muốn theo học ngành A trong khi người yêu, gia đình, họ hàng bạn lại muốn bạn theo học ngành B. Bạn nên làm gì? Câu trả lời rất đơn giản, bạn chắc hẳn cũng đoán được tôi sẽ viết gì tiếp theo, đó là hãy học ngành A.

Tại sao lại như vậy?

Bởi vì đơn giản bạn không thể không-hạnh-phúc nếu làm theo ý của mình. Đây là cuộc đời của bạn, không phải của bất kì ai khác, quyết định của bạn gần như chỉ ảnh hưởng đến mỗi bạn thôi và theo tôi đấy là thứ duy nhất bạn nên quan tâm. Miễn là bạn đã dừng lại và dành cho quyết định đó đủ sự cân nhắc. Hãy làm bất cứ thứ gì bạn muốn làm.

Bao nhiêu là đủ?

Hãy thử, nếu bạn vẫn thấy mình sai lầm sau (đủ) nhiều lần thì hãy tiếp tục dành nhiều suy nghĩ hơn nữa cho các quyết định khác. Rồi bạn sẽ biết khi nào là đủ nhiều.

Tôi nên làm gì nếu người khác không ủng hộ?

Hãy thành thật với bản thân, đặt lên bàn cân các lựa chọn (của bạn và của họ) rồi tự bảo vệ chúng một cách khách quan nhất có thể (ví dụ như bỏ qua việc sự phản đối đến từ người bạn yêu hay ghét). Rồi tự bạn sẽ tìm ra lựa chọn tốt hơn, đây là điều quan trọng nhất, còn sự phản đối đến từ ai không nên có ý nghĩa.

Nếu tôi đã dành nhiều đắn đo cho một quyết định và sau khi thực hiện tôi nhận ra tôi đã sai. Tôi nên đối mặt với điều đó như thế nào?

Với câu này, đây là đáp án của bản thân tôi:
Tôi sẽ thở dài, mỉm cười và nói với bản thân rằng mình đã sai. Thật tệ và cũng thật tuyệt. Tệ vì tôi đã sai sau khi đã dành nhiều công sức cho nó, nhưng tuyệt vì thêm một lần nữa tôi đã dám làm theo điều tôi cho là nên làm.
 Tôi cũng chỉ là một người bình thường, có khi đúng có khi sai – cuộc đời sẽ nhạt nhẽo biết bao nếu chẳng bao giờ mình sai.
 Tôi đã sai, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm cho việc đó với bản thân hay bất cứ ai liên quan và rút ra những bài học.
100, hoặc 200 năm nữa, khi tôi đã chết, chẳng ai còn nhớ gì đến tôi chứ nói gì những quyết định này, mà nếu có thì cũng chẳng ảnh hưởng đến tôi nữa, vậy sao tôi phải làm nghiêm trọng vấn đề này?
 Tôi đã có thể làm theo lời ai đó và đổ lỗi cho họ khi thất bại như lúc này, nhưng điều đó chẳng giúp lấy lại được thời gian hay công sức đã bỏ ra. Mà nghĩ đến viễn cảnh chẳng may tương lai gần tôi bị đặt vào tình huống cận kề cái chết, trông những giây cuối cùng tôi sẽ thất vọng với bản thân mình đến nhường nào do đã hèn nhát không dám tự quyết định cuộc đời mình, ở chiều ngược lại, tôi sẽ thoải mái ra đi mà chẳng còn gì hối tiếc vì đã làm mọi thứ theo những gì tôi tin tưởng. Tôi đã sai nhưng điều đó không ngăn cản tôi sẽ tiếp tục sống bằng quyết định của mình và sẽ đón nhận mọi kết quả.

VÀ HÃY NGƯNG BÀN VỀ HẠNH PHÚC

Nếu đã đọc đến đây, tôi thành thật khuyên bạn nên ngưng tìm kiếm hay bàn về hạnh phúc vì bạn sẽ chẳng đạt được gì từ đó cả. Dù ở trên tôi có nói về hạnh phúc như một trạng thái có thật, thì đó chỉ là cách tiếp cận của tôi với khái niệm này cho đồng nhất với cách hiểu chung, theo tôi hạnh phúc nên được xem như một ảo tưởng, bạn chẳng bao giờ biết mình sẽ hạnh phúc khi nào, mà chỉ có thể nghĩ về quá khứ và tự nhủ "Ừ, hồi đấy vui biết mấy!". Kể cả khi đó là những khi vui vẻ nhất, tôi nghĩ bạn cũng khó đặt câu về nó với từ "hạnh phúc", vì dường như chẳng có trạng thái nào như vậy cả.
Bạn được gì khi nói về hạnh phúc? Nếu không phải người thèm khát sự chú ý, khi bạn kể với đứa bạn rằng bạn sẽ hạnh phúc (hoặc rất vui) nếu chuyện A, B, C xảy ra thì chuyện duy nhất xảy ra là bạn đã lãng phí vài giây, và người bạn đó sẽ hỏi gì đó, rồi bạn sẽ trả lời gì đó,... rốt cuộc thì bạn vừa lãng phí 30 phút cuộc đời để không thật sự đạt được gì cả. Vì bạn chưa làm gì tiến gần đến hơn mục tiêu.
Bạn được gì khi ngồi nghe một ai đó kể về trải nghiệm hạnh phúc của ai đó? Một cảm xúc tò mò, một cảm giác lâng lâng nhờ đồng cảm, hơi khó chịu vì ghen tị, khuấy động trạng thái bình thường của bạn trong chốc lát và giảm dần rồi tắt hẳn. Và rồi bạn cũng chẳng đạt được gì, nếu không kể chút niềm tin vào những thứ tốt đẹp như vậy sẽ xảy đến với mình - điều mà bạn thừa biết là sẽ không xảy ra.
Bạn được gì khi ngồi đọc một bài viết chia sẻ cách để hạnh phúc? Đống lời khuyên mà một là vô bổ, huề cả làng làng bởi toàn những điều mà ai cũng biết nhưng được trình bày theo cách khác; hai là đầy tính cá nhân, để khi đem áp dụng vào cuộc đời bạn sẽ trật từ đầu đến cuối vì cả đống lý do mà chỉ có Chúa và bạn mới biết.
...
Tôi tự tin khi nói rốt cuộc bạn sẽ chẳng đạt được gì khi bàn về hạnh phúc ngoài hoài phí thời gian, bỏ qua việc nó có thật hay không, nó có giống niềm vui hay không, thì lý do lớn nhất là bởi chỉ mình bạn mới có định nghĩa hạnh phúc với mình là như thế nào. Thay vào đó, điều bạn thật sự nên làm là hãy xắn tay áo và biến những gì bạn mong muốn trở thành sự thật. Điều bạn quan tâm không nên là thành công hay thất bại, mà là bạn, đã, đang và sẽ làm những điều bạn tin tưởng. Những thứ còn lại, bất kể là gì, tôi cũng chẳng thấy có gì quan trọng hơn vậy.

NGOÀI LỀ (HOẶC KHÔNG)

Tôi từng định dự thi với bài viết về khía cạnh khác của hạnh phúc, một chủ đề rất tôi cho là rất thú vị, cũng là câu hỏi tôi tự đặt ra hồi còn nhỏ:"Liệu hiệp sĩ sau khi diệt rồng cứu công chúa thì cả hai có sống cùng nhau hạnh phúc mãi mãi hay không?"
...Didn't they?
...Didn't they?
Sau đó tình cờ tôi tìm được một đáp án của Stephen King - cha đẻ của hề Pennywise, về chủ đề này. Dù tôi là người vô thần và dù nó không thật sự liên quan lắm đến chủ đề chính, tôi vẫn sẽ mượn nó để làm đoạn kết cho bài viết:
"They did not. No one ever does, in spite of what the stories may say. They had their good days, as you do, and they had their bad days, and you know about those. They had their victories, as you do, and they had their defeats, and you know about those, too. There were times when they felt ashamed of themselves, knowing that they had not done their best, and there were times when they knew they had stood where their God had meant them to stand. All I'm trying to say is that they lived as well as they could, each and every one of them; some lived longer than others, but all lived well, and bravely, and I love them all, and am not ashamed of my love.”
Tạm dịch: "Họ không hề. Không ai như vậy cả mặc cho những câu chuyện viết gì. Cũng như bạn, có những ngày vui vẻ và có những ngày tồi tệ. Cũng như bạn, họ có khi thành công và có khi thất bại. Có những khi họ tự thấy xấu hổ, khi biết rằng họ chưa cố gắng hết sức, và cũng có khi họ biết bản thân đang hiên ngang đứng ở nơi mà Chúa muốn họ đứng vững. Điều tôi muốn nói là họ đã sống tốt như những gì họ có thể, mỗi người trong số họ; một số có thể sống lâu hơn những người khác, nhưng tất cả đều sống dũng cảm và trọn vẹn, và tôi yêu tất cả bọn họ, và tôi sẽ không xấu hổ vì tình yêu này."