VINCENT VAN GOGH và Le Café de nuit: Tấm màn bi kịch đằng sau "Đam mê ghê gớm của nhân loại"
Rốt cuộc, câu chuyện dài đằng sau những bức tranh cần bao nhiêu trang giấy để viết hết thành lời.

Le Café de nuit
Lấy điểm xuất phát từ nhà ga chính của thành phố Avignon, chưa đầy nửa tiếng, bạn đã tới Arles - thành phố sở hữu diện tích khiêm tốn, chỉ chưa đầy 759 km2. Thật dễ dàng để cất bước dạo quanh trục đường chính được kết cấu với hàng trăm chiếc tay là những con hẻm nhỏ, tầng tầng lớp lớp đan xen bởi những toà nhà cổ kính, mang đậm dấu tích La Mã cổ đại kiêu hùng về cuộc chinh phạt của Julius Ceasar. Và không thể không hoà mình vào những tia nắng ấm áp nơi miền Nam nước Pháp, thứ không khỏi khiến lòng người yên bình đi 1 chút mà theo chân những lữ khách, đi từ nơi tắm của đại đế Constantinus cho tới điểm dừng chân Espace Van Gogh. Ngay thời khắc quan trọng đó, không ít người trong chúng ta sẽ nghĩ rằng, Arles đã trở thành nhân chứng sống của lịch sử, lưu giữ những dấu chân về hành trình ngắn ngủi của chàng trai mà sau này người đời biết tới như một trong những danh hoạ vĩ đại nhất - Vincent Van Gogh.
"Đừng bao giờ đi ăn một mình." Cũng chính vì lẽ đó, hôm nay mạn phép được cùng các bạn, chúng ta thực hiện một chuyến du hành thời gian đầy cảm xúc để cùng nhau thưởng thức những ly rượu thi vị bên bờ sông Rhone cùng với người nghệ sĩ Van Gogh thông qua kiệt tác "Le Café de nuit" được ra đời vào tháng 9 năm 1888 ngay chính tại "vùng đất La Mã cổ xưa".
Chúng ta sẽ bắt đầu chặng đầu tiên của hành trình với Paris những năm 1850. Trái với một Paris hoa lệ được biết tới ngày nay với những đại lộ trải dài cùng những hương vị cà phê thơm ngát bao trùm cả dãy phố cùng những nhà hàng sang trọng, đầy sự quý phái, Paris khi đó là sự hiện diện mạnh mẽ của thời Trung cổ, kết cấu bởi những con đường quanh co, nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng. Nhưng cũng chính nơi đây đã đánh dấu những tiến bộ quan trọng của nền hội hoạ thế giới bằng cách truyền cảm hứng cho những chàng nghệ sĩ trẻ vào đầu những năm 1860, như tiền đề cho sự xuất hiện của Impression cùng Claude Monet.

Paris 1850-1860
Gạch nối này tưởng chừng như là một chi tiết không mấy quan trọng nhưng lại chính là nền móng đầy vững chắc cho những bức hoạ thế kỷ của Van Gogh. Trái với "chiếc mặt nạ hề" của những xưởng vẽ, những nghệ sĩ theo trường phái ấn tượng học cách thu nhận thị giác từ ánh sáng, phong cảnh và những tác động của nó. Kể từ những ngày đầu đặt chân tới Paris vào tháng 3 năm 1886, nơi vừa là điểm bắt đầu và cũng là nơi ghi nhận sự tồn tại cuối cùng của những triển lãm thuộc trường phái Ấn Tượng, Van Gogh luôn đối mặt với những khó khăn, đặc biệt nếu chúng ta biết khi những năm đầu chính thức bắt tay vào chổi vẽ, mảng màu của ông được bao trùm hoàn toàn bằng vẻ u ám đến kỳ lạ. Chưa kể, là học trò tại xưởng vẽ của Fernard Cormon, Van Gogh cũng có cơ hội được tiếp xúc với nhiều danh hoạ khác như Bernald hay Lautrec- những hoạ sĩ đầy tài năng của trường phái mà sau này được ghi nhận là "Hậu Ấn Tượng" bởi một nhà phê bình kiêm nghệ sĩ người Anh- Roger Fry.

View of Paris 1886 - Van Gogh
"Là người của thiên nhiên, được bàn tay thiên nhiên dẫn dắt", tiếng nói của Van Gogh tin rằng thế giới thị giác có một sức hút mãnh liệt, chủ đề cũng mang tinh thần và cảm xúc nhiều hơn những sự đơn điệu trong việc khai thác phối cảnh tự nhiên của chủ nghĩa Ấn tượng. Chính điều này đã dẫn đến mối bất hoà giữa Van Gogh và người anh trai của mình "Theo", điều cũng đã trở thành căn nguyên gián tiếp mà theo tôi khiến cho chàng hoạ sĩ ấy rời trốn phồn hoa để về với những mùa hè êm ả phía Đông Nam nước Pháp.
...
Ở chặng tiếp theo của hành trình, đó là những ngày cuối tháng 2 mà cụ thể là ngày 21 tháng 2 năm 1888, khi ông đến đây bởi lý do chính không gì khác ngoài một cơ thể đã bị tàn phá nặng nề với hơn 30 chuẩn doán bệnh án khác nhau về căn bệnh thần kinh quái ác - điều mà khiến cho các nhà phê bình cũng như những người thẩm tranh phải thắc mắc rằng nó có tác động kinh khủng thế nào tới những bức hoạ triệu đô. Chưa kể, các chứng bệnh của Van Gogh ngày càng trở nặng vì chứng nghiện Absinthe cũng như thuốc lá, đi kèm là việc có thể không ăn không uống, thức nhiều đêm liên tiếp để có được 200 tác phẩm tại Kinh đô Ánh Sáng.
Bởi vậy, việc đặt chân đến Arles cũng là ánh sáng hi vọng thắp lên giữa màn trời tăm tối sâu thẳm tâm hồn của người nghệ sĩ bạc mệnh. Chất xúc tác hoàn hảo đây rồi, người nghệ sĩ ấy đã có dịp được thể hiện cái bảng màu mới của mình đã có từ những năm cuối còn ở phía Bắc nước Pháp. Cái bảng màu mới đó chỉ chờ có vậy mà thể hiện cái niềm hi vọng lớn lao, niềm say mê thiên nhiên bất tận, tin vào cái sức mạnh kì diệu của tạo hoá - thứ đứng đằng sau nguồn cảm hứng cho hàng loạt kiệt tác ra đời, được chắt lọc gọn lại bằng 2 chữ "tinh tuý".
"Nhưng sự trừu tượng đã đi quá xa để cái thực tại lùi lại quá nhiều."
Van Gogh ở thời điểm đó quả là một gã "tay trái ôm mơ, phải ôm rác." Rác ở đây đại diện cho sự bần hàn, nỗi lo cơm áo gạo tiền, trở thành gánh nặng đè nén dưới lớp vỏ bọc của những chiếc bánh mì - thứ đã là hình ảnh biểu tượng đại diện cho cuộc sống ngày qua ngày của chàng hoạ sĩ đã qua đầu 3. Nói nghèo trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt bức tranh sơn dầu giá trị kia quả là sự bất công quá đỗi, nhưng nếu không có 2 chữ "nghèo túng", có lẽ hôm nay chúng ta đã chẳng có dịp cùng nhau tham gia chuyến du hành thời gian này.
Cũng vì thế, bức "Le Café de nuit" trở thành đại diện tiêu biểu cho thứ "khát vọng ghê gớm của nhân loại" muôn đời mà Van Gogh mong muốn nói với chúng ta.
Bức vẽ này được người nghệ sĩ khéo léo tạo ra sau 7 tháng kể từ khi ông đặt chân đến miền đất hứa theo chính ông, vào một ngày thu tháng 9 năm 1888. Không ngẫu nhiên, cái nghèo được xuất hiện với cơ duyên rất đặc biệt mà theo như Van Gogh nói vui rằng "đó là sự trả thù với người chủ quán" vì đã lấy đi rất nhiều tiền của ông. Bản thân câu nói này cũng đã là một bức rèm che đi cái thực tại, cái thực tại đáng buồn là những bức tranh mà chúng ta biết tới ngày nay lại là những món hàng với mục đích thanh toán đối với những khoản nợ.
Công cuộc trả thù dí dỏm này được nhen nhóm vào những ngày cuối tháng 8 cùng năm và được bắt đầu bằng cái nhìn sắc lẹm của người nghệ sĩ đặt vào trong nội thất quán cà phê, nơi anh ta có một căn phòng - địa điểm nương náu của rất nhiều cá thể khi họ không có tiền thuê nhà để ở hoặc quá say để vào nhà. Tôi đã tự nhủ rằng phải chăng đây chính "giá trị tâm lý và đạo đức" mà chính ông vẫn thường nói tới. Nhìn thấy họ - những người vô gia cư, ông cũng như đang thấy hình bóng con người nghèo khó của mình trong đó mà không tiếc lòng trao đi sự thương cảm sâu xa bên trong tâm hồn bằng cách dành cho họ một góc tri ân bên trong bức tranh của mình.
Sự thương cảm đó được pha trộn và làm nổi bật bởi những mảng màu đối lập xen kẽ nhau "vàng - xanh - đỏ" như đang biểu thị một tâm hồn dày vò xâu xé một cách dữ dội. Khi này, chúng ta đã hiểu được cái đỉnh cao ngôn ngữ của hội hoạ - điều đã trở thành điểm nhấn trong cái phong cách nghệ thuật của Van Gogh giữa muôn vàn những hoạ sĩ tài ba khác trong lịch sử.
"Màu sắc đã tự nó thể hiện một cái gì đó"
Màu đỏ của máu tươi, màu xanh lục đậm được va chạm với ánh đèn vàng mờ ảo cùng những ánh cam biểu đạt sự trầm mặc, sự trống rỗng của căn phòng đầy bí hiểm, u uất. Điểm đặc biệt trong nghệ thuật chơi màu trong bức tranh là ánh đèn vàng được thắp sáng le lói bằng gas. Nếu chúng ta nhìn riêng biệt ra khỏi cuộc chiến về màu sắc thì màu vàng lại mang hàm ý những ánh sáng nhỏ nhoi còn sót lại bên trong những "tâm hồn đã bị nguyền rủa" của những con người trong bức tranh này. Cũng chính Van Gogh đã được dịp nói với chúng ta rằng:
"Trong bức ảnh của tôi về quán cà phê đêm, tôi đã cố gắng thể hiện ý tưởng rằng quán cà phê là nơi mà người ta có thể tự huỷ hoại mình, phát điên hoặc phạm tội."
Một bữa tiệc rượu đã tàn, nơi những gã côn đồ nằm gục xuống cùng chiếc bàn bi-a đặt chính diện giữa căn phòng với những viên bi và cây gậy còn nằm ngổn ngang. Những chiếc ghế xiên xẹo, những ly rượu đã được nốc cạn trước sự chứng kiến của gã chủ quán Ginoux đứng ngay chính giữa trung tâm bức tranh. Tất cả sự yên lặng của chúng cũng không thể che đi được những tội lỗi, mệt mỏi đã khắc ghi lên chúng một như dấu ấn của thời gian thông qua bố cục đặc biệt 9/4. Những chiếc ghế hằn lên dấu X như đại diện cho vết tích của những xô xát nảy lửa, cái nhìn đầy mệt mỏi của gã chủ quán với đôi lông mày đăm chiêu hướng thẳng vào "góc nhìn của người thứ nhất"như đang thay lời muốn nói cho thứ tầm trạng đang bao phủ cả căn phòng này.
Kết thúc của bức tranh là hình ảnh mang tính điểm kết cho chặng hành trình của chúng ta, gợi lên nhiều suy ngẫm thú vị. Những tấm rèm cong bao quanh lối vào, cuộc trò chuyện phiếm tình tứ của một gã bên cạnh một cô gái điếm thuở xưa, chiếc đồng hồ đã điểm quá 12 giờ đặt ngay trước lối đi của một hành lang bí hiểm, được đặt trong bố cục đóng khung như muốn dẫn lối chúng ta đi tới hành lang bí ẩn đó.
Hành lang được khắc hoạ bằng màu vàng mà theo tác giả lý giải đối với ông là "chân lý của cảm xúc, ánh sáng của mặt trời, của cuộc sống và của Chúa". Hành lang ánh sáng bên trong căn phòng hỗn loạn có lẽ chính là tiếng nói sâu xa nhất của Van Gogh. Có lẽ, vị "lữ khách" này đã tìm được chân lý, đã tìm được ánh sáng của cuộc đời sau nhiều năm, bị chôn vùi bấy lâu bởi cái tâm trí giằng xéo suốt nhiều năm. Nhưng dẫu sao hành lang được phủ bởi màu vàng, cùng tấm rèm màu xanh lục đậm sâu xa nhất bên trong cũng dường như là mảng sương mù vô định bên trong tâm trí của tác giả, vừa là hình ảnh ẩn dụ cho những bí ẩn hiểm nguy còn kinh khủng hơn đằng sau tấm rèm đó.
Điểm cuối của bức tranh tựa như một bộ phim còn dang dở với một cái kết mở, tấm màn cuối cùng được lật sẽ mang một hình ảnh khác nhau tuỳ vào người nào mở nó. Những sự nổi bật về màu sắc, hình ảnh và cả bố cục suy cho cùng đều làm rõ nét sự đối đầu giữa cái tâm hồn dày vò, nhúng tràm tội lỗi của chính người nghệ sĩ đa tài đó trong quá khứ và hành lang tương lai nằm tách biệt qua ô cửa với hy vọng bỏ lại đằng sau cuộc sống đầy rẫy những "dục vọng, chất kích thích và những món nợ". Đấy chính là lý do tại sao tôi nói rằng "Le Café de nuit" chính là những tấm màn bi kịch đằng sau đam mê ghê gớm của nhân loại.
...
Để thay cho điểm kết của cuộc du hành thời gian, tôi xin được một lần nữa trích dẫn những miêu tả của ông về tuyệt tác nay đã được nằm trang nghiêm trong Phòng trưng bày nghệ thuật đại học Yale:
"Tôi đã cố gắng thể hiện niềm đam mê khủng khiếp của nhân loại bằng màu đỏ và xanh lá cây. Căn phòng có màu đỏ máu và màu vàng sậm với một bàn bi-a xanh ở giữa; có bốn đèn màu vàng chanh với ánh sáng màu cam và xanh lục. Ở khắp mọi nơi có một cuộc xung đột và tương phản của màu đỏ và xanh lá cây, trong những tên say rượu ngủ, trong căn phòng trống rỗng, màu tím và xanh dương. Máu đỏ và vàng xanh của bàn bi-a, ví dụ, tương phản với màu xanh lá cây mềm kiểu Louis XV của quầy, trên đó có một bông hồng. Quần áo trắng của chủ nhà, đứng quan sát ở một góc của cái lò đó, chuyển sang màu vàng chanh, hoặc xanh nhạt".

Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này