Nguồn: <a href="https://dv2oc5tyj18yr.cloudfront.net/reel13/files/2021/03/ViewerGuide_ThePiano.jpg">Link</a>
Nguồn: Link
Có thể nói không ngoa rằng bộ phim The Pianist của đạo diễn Roman Polanski, và được thể hiện một cách vô cùng chân thực bởi nam diễn viên Adrien Brody, với 7 đề cử và 3 tượng vàng Oscar năm 2003, là một trong những tượng đài lớn nhất của dòng phim Phản chiến của điện ảnh Thế giới.
Dựa trên một câu chuyện có thật về sự sống sót thần kỳ của nghệ sĩ dương cầm người Ba Lan Władysław Szpilman tại thủ đô Warsaw trong suốt khoảng thời gian từ năm 1939, khi Phát xít Đức chiếm đóng, mở đầu Thế chiến thứ II cho đến khi Warsaw được Liên Xô giải phóng vào năm 1945; mặc dù lấy bối cảnh là thời điểm chiến tranh kinh khủng nhất, cùng sự tàn sát của Đức Quốc Xã với chủng tộc Do Thái của Szpilman, thế nhưng khác với các dòng phim Phản chiến khác, điểm đặc biệt nhất của The Pianist là chỉ xoay quanh khát vọng sinh tồn của một người đàn ông bình thường mà thôi!
“Nhẹ nhàng, nghị lực và rất đỗi thực tế, như cách một con người bình thường sẽ làm khi rơi vào hoàn cảnh đó” – đó là cảm nhận của tôi khi lần đầu xem bộ phim này năm 17 tuổi.
Gần 20 năm sau, bây giờ tôi mới có dịp xem lại lần thứ hai, và lúc này, dưới cảm nhận của một người đàn ông trưởng thành, những ký ức của cậu bé năm xưa dường như không còn giống một chút nào nữa, đây là một bộ phim quá đỗi nặng nề và ám ảnh đến cùng cực!

NHỮNG SỰ TƯƠNG PHẢN NGHIỆT NGÃ

Thủ pháp ẩn dụ và tương phản đối lập đã được đạo diễn Roman Polanski sử dụng vô cùng tinh tế xuyên suốt, khiến The Pianist trở nên đặc quánh và căng thẳng hầu hết thời lượng 150 phút của bộ phim.
Nguồn: <a href="https://i.pinimg.com/originals/29/a8/8a/29a88abefc5e1eddeadce04265177e45.jpg">Link</a>
Nguồn: Link
ÂM THANH
Mở đầu bằng giai điệu piano được Szpilman chơi trong Đài phát thanh Warsaw, thế nhưng rất bất ngờ và ngay lập tức, cả không gian bị xé toạc bởi tiếng bom mà Đức Quốc Xã dội xuống Ba Lan trong đợt không kích đầu tiên ngày 01/09/1939, mở đầu Thế chiến thứ II.
Âm thanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cách thể hiện của Roman Polanski. Mọi thứ âm thanh, tiếng động đều được khai thác một cách bình dị và tạo ra cảm giác chân thực nhất: từ tiếng dương cầm của Szpilman, tiếng người cười nói trên phố đến tiếng súng đạn chát chúa, hay thậm chí là tiếng rơi vỡ của chồng bát đĩa… tất cả hòa quyện lại, khiến người xem cảm giác như đang được xem những thước phim tài liệu chứ không phải là một tác phẩm điện ảnh, cái tài tình và vĩ đại của Polanski nằm ở chỗ đó.
Âm thanh, lại một lần nữa là yếu tố khiến nhịp phim dù từ tốn, nhưng ẩn bên trong nó là sự dồn dập, không ngừng nghỉ, dẫn lối cho cảm xúc được đẩy lên dần đều với mỗi phân cảnh.
HÌNH ẢNH
Khi Szpilman lần đầu tiên được đi ra ngoài khu tập trung, một lần nữa người xem lại cảm thấy bàng hoàng. Đối lập với những điều khủng khiếp phía bên kia bức tường quây người dân Do Thái ngay trong thủ đô Warsaw tươi đẹp, với cái chết, nạn đói, sự man rợ diễn ra hàng ngày; thì ngay bên kia bức tường Ghetto, cuộc sống của những người dân Ba Lan còn lại vẫn diễn ra nhộn nhịp. Những khung hình xoáy sâu vào những sạp hàng đầy bánh mì, tiếng trẻ em đùa vui vẻ, tiếng người qua lại, những bộ xiêm y lộng lẫy…
Chứng kiến sự xa hoa, sầm uất đó qua đôi mắt vô tư không hề có sự căm phẫn hay hận thù nào của Szpilman càng làm lồng ngực tôi đau nhói. Trong cùng một thành phố, cùng những con người từng là hàng xóm, người thân của nhau, mà nay vì chiến tranh, vì chủng tộc mà cuộc sống thay đổi không khác gì thiên đường và địa ngục, được phân chia bởi một bức tường! Cách khắc họa nạn diệt chủng Do Thái khủng khiếp Holocaust bằng hình ảnh của Polanski không chỉ dừng ở việc mô tả sự tàn nhẫn của Đức Quốc Xã, mà còn ở chính những thước phim bình yên này.
Nguồn: <a href="https://quantrivakhoinghiep.org/wp-content/uploads/2021/02/phim18023-2.aspx">Link</a>
Nguồn: Link
Ngay khi chính những đồng bào của mình đang bị tàn sát, thì đại bộ phận những người Ba Lan khác vẫn vui vẻ sống bình yên, hưởng thụ và thậm chí là bị tẩy não bởi chiến tranh. Một điều đáng buồn là vào lúc mà người Do Thái cần cứu giúp nhất thì ở nhiều nơi trên thế giới các cánh cửa đã đóng lại với họ. Luật di dân của Mỹ đã ngăn cản họ vào nước Mỹ. Còn đất tổ Palestine, từ năm 1938, đã ban bố “sách trắng” đóng cửa với người Do Thái. Cuộc diệt chủng này đã dẫn đến cái chết của hơn 6 triệu người Do Thái trên toàn Thế giới thời kỳ đen tối đó.
SỰ PHẢN KHÁNG
Những tưởng toàn bộ The Pianist chỉ là sự mô tả và cam chịu, thế nhưng hoàn toàn không phải như thế. 17 năm sau lần đầu tiên xem phim, lần đầu tiên, bây giờ, tôi cảm nhận được phía sâu bên trong 150 phút phim này luôn là những sự phản kháng bền bỉ, được Polanski lồng ghép cực kỳ tinh tế.
Chuỗi ngày chui lủi của Szpilman vẫn tiếp diễn ngay cả khi ông đã trốn ra khỏi khu tập trung, bị bỏ đói, bị nhốt, phải vật vã chiến đấu với bệnh tật một mình trong làn lửa đạn… thì đâu đó quanh ông, ngoài sự kháng chiến bằng vũ lực của người Do Thái mà đại diện là Majorek, cuộc sống của con người vẫn tiếp tục như một hình thức đấu tranh mạnh mẽ khác mà tôi muốn nói đến, đó là tình yêu, ước mơ và nghệ thuật!
Trong căn phòng trú tạm tồi tàn, lần đầu tiên sau gần 4 năm chui lủi, Szpilman gặp lại cây dương cầm. Có một điều vô cùng thú vị của bộ phim, đó là dù mang tên “Nghệ sĩ dương cầm”, nhưng suốt thời lượng, chúng ta chỉ nghe thấy tiếng đàn của Szpilman đúng ba lần: đầu phim, khi anh còn tự do; cuối phim, khi hòa bình lập lại; và nửa gần kết phim, khi anh được chơi cho sĩ quan người Đức Hosenfield nghe. Thế nhưng với tôi, có lẽ lần chơi đàn trong căn phòng trống đó là khoảnh khắc Szpilman hạnh phúc nhất, dù anh chỉ chơi trong tưởng tượng vì “tuyệt đối không được gây ra tiếng động để người khác biết anh đang trốn ở đây!”
Nguồn: <a href="https://i.ytimg.com/vi/u3jvHxdxjWE/hqdefault.jpg">Link</a>
Nguồn: Link
Bởi khát vọng nghệ thuật trong anh vẫn cháy bỏng sau ngần ấy năm. Chạm vào cây đàn, sờ từng phím đàn, sự đam mê và cả sự hân hoan đến tuột cùng đó đã tạo ra sự khích lệ lớn hơn bao giờ hết trong anh. Trong cam khó nghiệt ngã, những điều thân quen, những niềm vui dù là nhỏ bé, khiêm nhường, nhưng cũng đủ đem đến cho con người niềm hạnh phúc lớn lao nhất, cũng giống như ước mơ “được trở thành nghệ sĩ Cello” của Janina, người bạn của Szpilman trước chiến tranh đã trở thành hiện thực. Bản nhạc anh chơi lúc này là Grande Polonaise brillante Op. 22 của Chopin, đó cũng là lý do tôi cảm nhận như vậy và sẽ phân tích chi tiết hơn ở phần tiếp theo của bài viết này.
Âm nhạc là sự phản kháng lớn nhất, dữ dội nhất và cũng là một thủ pháp nghệ thuật tinh tế nhất của Polanski với bộ phim.
Cũng chính trong căn phòng đó, Szpilman nghe được tiếng cặp tình nhân phòng bên tâm sự, khúc khích cười đùa, vui vẻ cùng nhau, trái tim anh như ấm lại vì chỉ cần còn tình yêu, thì con người vẫn còn nuôi dưỡng được hi vọng về tương lai tốt đẹp hơn.
Thế nhưng tất cả, lại một lần nữa, bị phá tan một cách tàn nhẫn và bất ngờ bằng tiếng súng và lựu đạn chát chúa đến lạnh người trong cuộc nổi dậy của quân khởi nghĩa bên phía bên kia bức tường ngày 19/4/1943. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, bộ phim lại tiếp tục cuốn người xem vào vòng xoáy vô định, bởi thân phận con người vô tội trong chiến tranh là thế, chẳng có gì được dự báo trước cả…
Dấu ba chấm của tôi, như một sự tiếc nuối đến khôn cùng khoảnh khắc đẹp đẽ đó…
CON NGƯỜI
Có lẽ đây là sự tương phản đáng sợ nhất và cũng là nhân văn nhất trong “trường ca Nghệ sĩ dương cầm". Trong thời kỳ đen tối kinh hoàng nhất của Thế chiến lần thứ II và của người dân Do Thái, con người chính là sự vô định lớn nhất.
Nguồn: <a href="https://nvanlies.files.wordpress.com/2013/10/pianist-wreck.png">Link</a>
Nguồn: Link
Giai đoạn này, những người Ba Lan bị phân tách thành hai nhóm: người Do Thái, đối diện với súng đạn, đói khát, cái chết hàng ngày, trên đường phố của khu tập trung; và những người còn lại với điều kiện sống hầu như bình thường. Mặc dù luôn có những người Ba Lan yêu thương đồng bào, tìm mọi cách giúp đỡ vô điều kiện cho người Do Thái như vợ chồng Dorota, vợ chồng Janina… nhưng ngược lại, dưới sự đàn áp và tuyên truyền của Đức Quốc Xã, không ít những người Ba Lan khác coi người Do Thái là kẻ thù.
Họ tố cáo, gào lên trong hận thù hay thậm chí đuổi bắt khi gặp Szpilman. Lại một lần nữa, chúng ta được hiểu chiến tranh là như thế, con người xét cho cùng cũng là sinh vật khao khát được sống mà thôi. Cứ thế, cứ thế, Szpilman chạy trốn trong sự truy đuổi của kẻ thù, và cả chính những đồng bào của mình!
Thế nhưng, đâu đó luôn tồn tại tình thương giữa người với người. Trong chuỗi ngày đó, Szpilman vô tình gặp Hosenfield, sĩ quan chỉ huy cao nhất của Đức Quốc Xã tại chốt phòng thủ cuối cùng của mặt trận Warsaw, là một người yêu nghệ thuật. Bản nhạc được chơi và được thưởng thức trọn vẹn bởi hai con người hai bên chiến tuyến, nhưng lại đồng điệu trong tâm hồn, bỏ qua mọi sự đối địch trong văn hóa, chiến tranh, hận thù… có lẽ đã khắc họa được giá trị cốt lõi nhất của nghệ thuật. Đồng cảm đã khiến Hosenfield giúp đỡ Szpilman tồn tại trong những ngày cuối cùng trước khi Hồng quân tiến vào Warsaw.
Sự đối lập nghiệt ngã ở chỗ, trong bĩ cực, đồng bào có thể quay lưng lại với nhau, nhưng đôi khi kẻ thù lại giúp đỡ và cứu sống nhau. Điều này có lẽ lại làm tăng thêm xót xa với mỗi chúng ta mà thôi…

ÂM NHẠC VÀ SỰ ĐẤU TRANH

Như tôi đã chia sẻ ở phần trên, xuyên suốt The Pianist, âm nhạc được sử dụng như một thủ pháp sâu sắc nhất để khắc họa cảm xúc, tinh thần và sự phản kháng dữ dội nhất của bộ phim. Sẽ là không đủ nếu đưa Âm nhạc của The Pianist như một trong những yếu tố thể hiện sự đối lập, thế nên tôi tách ra một phần riêng để phân tích được sâu hơn.
Nguồn: <a href="https://tablet-mag-images.b-cdn.net/production/43665bd12b2944f2048cebccef449da1fd745b3d-620x416.jpg?w=1200&amp;q=70&amp;auto=format&amp;dpr=1">Link</a>
Nguồn: Link
Toàn bộ OST của The Pianist đều sử dụng âm nhạc của Chopin, trừ bản “Moving to the Ghetto” của Wojciech Kilar (Nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng của Balan) được làm nhạc nền khi bức tường Ghetto được xây lên vào đoạn đầu phim.
Frédéric Chopin là một nhà soạn nhạc vĩ đại thiên tài người Ba Lan, sinh ra và lớn lên ở chính Warsaw, bối cảnh của bộ phim. Cả tuổi thơ ấu cho đến năm 21 tuổi của Chopin gắn bó với các giai điệu dân gian của vùng đồng bằng Ba Lan, với sự thanh khiết, đặc sắc, giàu âm hưởng dân vũ, chính vì thế, âm nhạc của Chopin mang nặng tình quê hương và là niềm tự hào của dân tộc Ba Lan. Đối với The Pianist, âm nhạc của ông được đạo diễn Polanski sử dụng ẩn dụ như một thứ sức mạnh phản kháng vô hình.
10 tác phẩm của Chopin được sử dụng trong bộ phim, tuy nhiên nổi bật nhất là ba phân đoạn mang đầy đủ ý nghĩa và tâm tư mà Polanski muốn truyền tải đến người xem.
1. Nocturne No.20 in C-Sharp Minor Op. post
Nocturne No.20 được tách làm hai phần: Đoạn đầu tiên được Szpilman chơi khi mới bắt đầu bộ phim và phần còn lại được ông hoàn thành sau khi hòa bình, tại đài phát thanh Warsaw, cũng chính là nơi ông đã chơi phần đầu còn dang dở.
Nguồn: <a href="https://lh3.googleusercontent.com/proxy/5zlD5WnQMqyyuPJ2X4UhLgrzQu5log-sLxS_rivgu2GYQhUfERpWtp4oSmRPzdu9tQ74cZDAoOUGSUX6vNnOarDXlspM8aWfkHtCogr7WLejC6bb-Jlq4LG7-A">Link</a>
Nguồn: Link
Đây có thể coi là bản Nocturne đặc biệt nhất của Chopin, được viết năm 1930, tặng cho người em gái Ludwika trước khi ông buộc phải rời Ba Lan đến Pháp vào mùa thu năm 1931 để sống những năm tháng cuối đời. Khi ra đi, ông không hề biết sau đó mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn của mình sẽ chìm vào chiến tranh và mãi mãi ông không thể quay trở lại được nữa. Chopin gửi gắm vào bản Nocturne này là nỗi day dứt, nhớ thương và sự khắc khoải về quê hương. Bản nhạc như tiếng lòng của Chopin cũng như mọi người con Warsaw xa xứ.
Nocturne No.20 in C-Sharp Minor Op. post được công diễn lần đầu tiên vào năm 1970, 21 năm sau khi Chopin qua đời, bởi nữ nghệ sĩ người Do Thái Natalia Karp, người sống sót sau cuộc diệt chủng Holocaust của Đức Quốc Xã.
Lựa chọn bản nhạc này làm khúc mở đầu và kết thúc, Polanski muốn gửi gắm nỗi niềm của ông về tình yêu nước, sự u sầu và đau đớn mà những người Do Thái Warsaw phải đón chịu trong suốt thời kỳ u tối đó trong suốt các trường đoạn tiếp theo của bộ phim.
2. Grande Polonaise brillante in E-flat major
Đây là bản nhạc mà tôi đã nhắc đến ở Phần II (Những sự tương phản nghiệt ngã) của bài viết, được Szpilman chơi trong tưởng tượng, khi ông thấy lại chiếc dương cầm trong căn nhà trú ẩn.
Nguồn: <a href="https://m.media-amazon.com/images/M/MV5BMmYwY2IwZDEtN2MwNy00ZDM2LWFkYmYtY2Q3MDBhZGJkYjQwXkEyXkFqcGdeQXVyNjgxNzM3NjA@._V1_.jpg">Link</a>
Nguồn: Link
Trái với sự u buồn của Nocturne No.20, đây là một tác phẩm có âm điệu nhẹ nhàng và trong sáng. Polonaise là một giai điệu trong âm nhạc dân gian của Ba Lan, bản Grande Polonaise Brillante của Chopin chứa đựng những nốt cao bay bổng, giai điệu tươi vui, mang đậm linh hồn Ba Lan.
Dù là chơi trong tưởng tượng, thế nhưng đó cũng là một khoảnh khắc rất hiếm hoi sau nhiều năm trốn chạy Szpilman đã mỉm cười. Ông cười bởi niềm hạnh phúc được chơi đàn, nhưng ẩn sau đó là nỗi niềm đau đớn của người đàn ông đã mất tất cả, toàn bộ gia đình, sự nghiệp, cuộc sống êm đềm và phải đối diện với những mất mát, kinh hoàng của chiến tranh.
Đây cũng là bản nhạc được Szpilman chơi hoàn thành trong buổi hòa nhạc ở cuối phim cùng đoạn credit, khi ông chơi thành tiếng trong đoàn giao hưởng hoành tráng, như một thông điệp rằng mọi điều dang dở đều sẽ được hoàn thành, vì nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi mà thôi.
3. Ballade No. 1 in G Minor, Op. 23
Đây là đoạn nhạc mà Szpilman chơi cho viên sĩ quan Đức Quốc Xã Hosenfield tại căn nhà trú ẩn cuối cùng trước khi Liên Xô chiếm đóng Warsaw, và đây cũng là một bước sáng tạo tinh tế vô cùng của đạo diễn Polanski và cũng là phân đoạn tôi thích nhất bộ phim
Nguồn: <a href="https://pics.filmaffinity.com/The_Pianist-174753064-large.jpg">Link</a>
Nguồn: Link
Trong cuốn hồi ký có thật của mình, nguyên tác của The Pianist, Szpilman đã kể lại rằng, bản nhạc ông chơi lúc đó vốn là bản Nocturne của Chopin; thế nhưng khi đọc kịch bản, đạo diễn Polanski đã thay đổi thành Ballade No. 1 in G Minor, Op. 23, một bản nhạc hùng tráng và quật cường hơn.
Trước đó, khi trốn trên căn gác xép, Polanski đã vô tình nghe thấy tiếng đàn của Hosenfield chơi bản Moonlight Sonata vô cùng nổi tiếng của Beethoven. Điểm độc đáo, đó là Beethoven là nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức, vì vậy, để đáp lại, Polanski quyết định sử dụng âm nhạc của Chopin, nhà soạn nhạc vĩ đại người Ba Lan.
Phân cảnh chỉ gồm có tiếng đàn, cảm xúc hòa trộn giữa người chơi và người thưởng thức, thế nhưng đằng sau đó là sự đấu tranh bằng âm nhạc, giữa Chopin và Beethoven; giữa Ba Lan và Đức Quốc Xã, chứ tuyệt nhiên không phải giữa con người với con người trong chiến tranh.
Ballade No. 1 được Szpilman chơi bằng tất cả nỗi niềm đau đớn nhất, bắt đầu từ những giai điệu từ tốn, chậm rãi, rồi được đẩy nhanh dần lên, những đoạn nghỉ và những đoạn nối đầy căm hận cứ quyện chặt vào nhau. Đây cũng là lúc duy nhất mà ông thể hiện sự cay đắng, phẫn nộ và cả sự căm hận chiến tranh đã cướp đi của ông quá nhiều điều quý giá.
Hai người đàn ông ở hai bên chiến tuyến, một chiếc đàn và những bản nhạc, phải chăng có là thực tại tàn nhẫn thế nào đi nữa, cảm xúc chân nguyên nhất của con người cũng luôn chạm được vào nhau. Đó là cách mà bộ phim đã đưa những khắc khoải vào trái tim từng khán giả.

MINH CHỨNG LỊCH SỬ

Chẳng cần đao to búa lớn, cũng chẳng cần phải tô vẽ thêm vẻ hào hùng gì cho bức tranh vốn dĩ đã quá u tối thời điểm đó, trong ngần ấy năm tháng bị bỏ lại ở Warsaw, tất cả những gì Szpilman làm chỉ là chạy trốn, chạy trốn và chạy trốn.
Hành trình chạy trốn đã vô tình đưa Szpilman trở thành một chứng nhân lịch sử. Theo bước chân ông, chúng ta được chứng kiến một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất của đất nước Ba Lan nói chung và người dân Do Thái nói riêng trong Thế chiến thứ II.
The Pianist được đạo diễn Roman Polanski nhấn mạnh qua 4 khoảnh khắc lịch sử lớn nhất trong suốt 6 năm Đức Quốc Xã chiếm đóng Warsaw.
1. Khởi đầu chiến tranh Thế giới lần II bắt đầu bằng cuộc không kích của Đức Quốc Xã ngày 01/09/1939
Nguồn: <a href="https://serelysuse.files.wordpress.com/2011/10/the-pianist1.jpg">Link</a>
Nguồn: Link
Vào những phút đầu tiên của bộ phim là đoạn diễn văn rất nổi tiếng được phát trên radio của Phó thủ tướng Anh Neville Chamberlain ngày 03/09/1939, tuyên bố Anh sẽ tham gia vào Thế chiến thứ II khi Đức Quốc Xã đã không phản hồi việc rút quân khỏi Ba Lan:
"This morning the British ambassador in Berlin handed the German government a final note stating that unless we heard from them by 11 o'clock that they were prepared at once to withdraw their troops from Poland, a state of war would exist between us. I have to tell you now that no such undertaking has been received, and that consequently this country is at war with Germany"
Chi tiết này cũng giống với chi tiết bước ngoặt trong bộ phim The Dig (2021) của đạo diễn Simon Stone, nhưng trái với sự lo lắng căng thẳng trong The Dig, gia đình Szpilman và cả Warsaw đều cảm thấy vui mừng khôn xiết, bởi họ biết các nước Đồng minh đã vào cuộc, niềm tin vào tương lai hòa bình trở nên thật sự mãnh liệt.
Nghiệt ngã thay, thực tại lại không phải như vậy, sự can thiệp của Anh không đủ áp lực khiến Warsaw trụ vững, theo sau là một cuộc bao vây sát hại hàng chục ngàn thường dân và tàn phá các di tích lịch sử của Ba Lan. Bị cắt nguồn điện, nước và lương thực, 25% nhà cửa trong thành phố bị phá hủy, Warsaw buộc phải đầu hàng quân Đức vào ngày 27/09/1939; đó cũng là thời điểm những bức tường Ghetto được xây dựng để đưa toàn bộ hơn 500,000 người Do Thái của Warsaw vào tập trung trong không gian chưa đầy 2ha.
2. Cuộc nổi dậy của ZOB (Żydowska Organizacja Bojowa - Tổ chức Do Thái Kháng chiến) ngày 09/4/1943 - 16/5/1943 tại Warsaw
Đây chính là kế hoạch mà Majorek đã lập ra và Szpilman đã tham gia vào công tác vận chuyển vũ khí trong trại tập trung Ghetto Warsaw.
Nguồn: <a href="https://i.ytimg.com/vi/dj1Orq6fOtI/maxresdefault.jpg">Link</a>
Nguồn: Link
Tháng 04/1943, chỉ huy Đức Quốc xã Heinrich Himmler đã thông báo rằng khu Ghetto Warsaw phải được giải tỏa để tôn vinh ngày sinh nhật của Hitler. Đức Quốc Xã đã điều động hơn 1,000 lính SS tấn công khu vực giam cầm người Do Thái với xe tăng và pháo binh hạng nặng, buộc tổ chức ZOB của người Do Thái phải phản công để giành hi vọng sống sót.
Đáng tiếc rằng sau hơn 1 tháng cầm cự, với lượng vũ khí nghèo nàn phải mua với giá cao, cùng với hỏa lực áp đảo của Phát xít Đức, ZOB đã thất bại. Trong cuộc nổi dậy, khoảng 300 lính Đức đã bị giết, và hàng ngàn người Do Thái đã bị tàn sát. Hầu như tất cả những người còn sống sót sau Cuộc nổi dậy đều được đầy tới Treblinka để hỏa thiêu.
3. Cuộc nổi dậy Warsaw (The Warsaw Uprising) ngày 01/8/1944 - 02/10/1944
Chúng ta được chứng kiến một phần của cuộc chiến này ở nửa cuối bộ phim, khi Szpilman trốn trong bệnh viện quân y Đức, và quan sát bên ngoài thông qua một lỗ vỡ trên ô cửa sổ nhà vệ sinh.
Nguồn: <a href="http://www.blogcdn.com/blog.moviefone.com/media/2010/09/pianist.jpg">Link</a>
Nguồn: Link
Nếu chỉ là xem bộ phim, chúng ta dễ hiểu lầm rằng Liên Xô đã giải phóng Warsaw, giải phóng Ba Lan, như một điều tốt lành mà quân Đồng Minh đã làm cho Thế giới, nhưng thực chất không hẳn là như vậy, mà đó cũng là những toan tính chính trị của Stalin và sự bỏ mặc nhằm chia chác và giảm thiểu tổn thất cho Liên Xô mà thôi.
Theo dòng lịch sử, Ba Lan là đất nước đầu tiên bị xâm lược trong Thế chiến thứ hai, bị kéo vào một trong những thời kỳ thảm sát u tối nhất của lịch sử, nhưng khi có hi vọng được giải phóng bởi Liên Xô, Ba Lan lại phải đứng trước một lựa chọn đau thương: hoặc bắt đầu cuộc nổi dậy trong tình hình chính trị khó khăn và có nguy cơ thiếu sự hỗ trợ của Liên Xô, hoặc không thể nổi dậy và đối mặt với việc nếu Ba Lan được giải phóng bởi Hồng quân, thì Ba Lan sẽ bị lệ thuộc vào Liên Xô và mất đi Chính phủ hiện tại.
Trước sự hững hờ và có dấu hiệu trì hoãn của Stalin, Ba Lan buộc phải tiến hành kế hoạch này với hi vọng vừa là một biểu hiện chính trị của chủ quyền Ba Lan vừa là một hoạt động trực tiếp chống lại quân Đức chiếm đóng.
Cuộc nổi dậy đã diễn ra và thất bại trong 63 ngày với rất ít sự hỗ trợ từ bên ngoài. Đây là nỗ lực quân sự lớn nhất được thực hiện bởi bất kỳ phong trào kháng chiến châu Âu nào trong Thế chiến thứ hai. Kết quả là toàn bộ Warsaw bị phá hủy gần như hoàn toàn, gần 200 nghìn người Ba Lan bị sát hại hoặc bị bắt giữ.
4. Giải phóng Warsaw ngày 17/01/1945 của Hồng quân và quân đội chính quy Ba Lan – The First Polish Army
Đây là khoảnh khắc mà Szpilman thấy Hồng quân Liên Xô kéo vào Warsaw, anh vui mừng chạy ra ôm lấy mọi người, khi biết chuỗi ngày hòa bình đã bắt đầu trở lại.
Nguồn: <a href="https://pbs.twimg.com/media/Db4yiIJWsAAN2Y6.jpg">Link</a>
Nguồn: Link
Một chi tiết đáng buồn trong lịch sử mà có lẽ chúng ta cần phải đánh giá lại góc nhìn về Liên Xô trong bộ phim này, đó là ngay khi Đức Quốc Xã xâm lược Ba Lan ngày 01/09/1939 từ phía Tây, thì ngày 17/09/1939 Liên Xô cũng xâm lược Ba Lan từ phía Đông!
Sau khi cuộc nổi dậy The Warsaw Uprising thất bại, dẫn đến những thiệt hại cực kỳ khủng khiếp cả về nhân lực, vật lực của Ba Lan, Hồng quân Liên Xô mới tiến vào đẩy nốt phần còn lại của Đức Quốc Xã khỏi Ba Lan trước khi ký hiệp định biên giới Ba Lan - Liên Xô vào ngày 16/8/1945 dưới sức ép của Chính phủ Anh.

THAY CHO LỜI KẾT

Bộ phim đạt vô số giải thưởng, nhưng danh giá nhất là 3 giải Oscar cho 3 hạng mục quan trọng: Đạo diễn xuất sắc nhất Roman Polanski; Diễn viên chính xuất sắc nhất Adrien BrodyKịch bản chuyển thể xuất sắc nhất Ronald Harwood sau khi có được 7 đề cử vào lễ trao giải lần thứ 75 năm 2003.
Những lời khen dành cho Polanski tôi đã nói quá đủ trong phần nội dung của bài Đánh giá; nhưng để đưa tác phẩm thành hình, truyền được đầy đủ và chân thật nhất cảm xúc cho người xem, không thể không nhắc đến diễn xuất quá tuyệt vời của Adrien Brody với vai diễn Władysław Szpilman!
Để thực hiện bộ phim, Brody phải khổ luyện đàn dương cầm trong nhiều tháng ròng rã và phải giảm 14kg cho đúng với thể hình của Szpilman thời điểm đó. Mọi cảm xúc, nội tâm và nỗi khắc khoải đau đớn nhất của Szpilman được Brody chuyển thể quá hoàn hảo qua đôi mắt xanh đầy ma mị của mình. Vai diễn Szpilman cũng ám ảnh Brody trong suốt 15 năm sau dó. Anh hoàn toàn xứng đáng khi trở thành diễn viên trẻ nhất từng đạt danh hiệu này năm 29 tuổi.
Đây có lẽ là bài Đánh giá điện ảnh dài nhất tôi từng viết, và tôi cũng rất cảm kích những người đọc chia sẻ của tôi đến tận những dòng này; thế nhưng chỉ có cách này mới có thể giúp tôi nguôi ngoai bớt nỗi ám ảnh về The Pianist. Bởi tôi hiểu, chiến tranh là thế, có những người trở thành anh hùng và có những người chỉ cần tồn tại, như đại đa số chúng ta mà thôi.
Danh mục tài liệu Tham khảo: