VỀ DEMIAN VÀ ĐIỀU ĐÁNG GIÁ.
Lưu ý nhỏ: 1. Bài viết dành cho những ai đã đọc qua tác phẩm. 2. Trong bài viết mình có dùng từ Demian đề cập đến tên tác...
Lưu ý nhỏ:
1. Bài viết dành cho những ai đã đọc qua tác phẩm.
2. Trong bài viết mình có dùng từ Demian đề cập đến tên tác phẩm (theo tựa dịch bản anh của nó), và cũng là tên nhân vật Max Demian trong truyện. Bởi vậy sẽ có đôi lúc dễ nhầm lẫn. Mong các bạn lưu ý một chút nếu đọc nha.
Mình nghĩ là mình đọc Demian vào đúng thời điểm, khi mà độ tiếp nhận của mình với cuốn sách khiến nó trở nên có giá trị, hơn là một lúc nào đó khác của quá khứ. Dù vươn xa thế nào, Demian vẫn là một cuốn sách được viết trên nền tảng chủ nghĩa duy tâm (lấy tâm của cá nhân làm cái lõi bất biến, quyết định những giá trị khác) - thứ mà chắc chắn sẽ có nhiều mâu thuẫn đối chọi với những kẻ thừa hưởng tư duy của chủ nghĩa duy vật như chúng ta. Tuy nhiên nỗ lực của Hermann Hesse cũng như nhân vật Emil Sinclair nằm ở sự phản biện cao độ đối với những cái đã hình thành sẵn trong thế giới duy tâm này: sự ngự trị của tôn giáo. Nổi bật trong cuốn sách là vô số những nhân vật và câu chuyện từ trong giáo lý, kinh sách và trái tim của những kẻ đạo mộ theo Ấn Độ Giáo, Do Thái Giáo và Kito Giáo. Nhưng không gì trong số đó chạm tới Sinclair như một người chỉ đường. Sinclair lướt qua họ, phản chiếu cá nhân lên họ, để rồi khi tiếng nói không hoàn toàn khớp trùng, cậu lại tiếp tục bước đi cho tới khi tìm thấy bản ngã đích thực của mình*- thứ khiến cậu cuối cùng cũng có thể tìm thấy sự an tâm và hạnh phúc vô bờ.
*Trong phạm vi tác phẩm thì đại diện cho tính đúng đắn trên con đường tìm bản ngã chính là sự giác ngộ một vị thần mới- “Ai cũng có một vị thần ngay chính bên trong mình”. Với Sinclair, cậu tìm ra vị thần ấy là Abraxas (thông qua dáng hình của Demian hay bà Eva) - một vị thần coi là ngoại đạo với nhiều tôn giáo, xếp vào hàng quỷ trong tôn giáo khác, nhưng là vị thần của sự hội tụ và hoà hợp ánh sáng- bóng tối.
Với những ai khám phá Demian thì có lẽ nội dung về bức tranh sáng tối, về hai thế giới hay đấu tranh-dung chấp giữa bản ác và bản thiện, giữa tính con và tính người đều đã trở nên rõ ràng. Nhưng những điều ấy có thể đem vào cuộc sống của chính ta như thế nào? Ta làm gì khi ý thức được sự hỗn loạn ấy? Liệu sự dũng cảm theo đuổi cái gọi là đam mê, ước mơ của ta nên hướng về đâu, khi mà ta có quá nhiều điều yêu, nhưng cũng yếu mềm và thiếu đi sự chỉ dẫn từ bất cứ thế lực nào như Sinclair có được?
May mắn thay, trong Demian có một câu trả lời tân tiến cho điều này.
Giữa nội hàm vô cùng hỗn loạn của cuốn sách (mình sử dụng từ hỗn loạn để mô tả), khi mà bản thân mình cũng đi hết từ chất vấn này tới nghi kỵ khác của một kẻ vô thần, thì điều đáng bàn tới là, mình đã thực sự trải nghiệm sự biến chuyển: từ những ngờ vực trong khuôn khổ của tư duy cũ kĩ, tới những điều mới mẻ đến rùng mình, về một đức tin hướng sâu bên trong mà mình chưa bao giờ dám đặt bản thân vào.
Sinclair tiếp cận độc giả bằng một sự dũng cảm trần trụi. Rằng cậu ấy chính là tất cả những điều ấy, hèn nhát có, hổ thẹn có, nhục dục có, bê tha và hỗn độn, lạc lối và bẩn thỉu. Đôi lúc ta đọc và cảm thấy xấu hổ thay, căm ghét thay những điều tệ hại ấy, nhưng rồi cũng tuyệt nhiên cảm thấy quen thuộc đến đáng sợ. Như Demian đã nói “Ta sẽ chẳng băn khoăn về nó nếu như nó không thuộc về ta”. Như thể rằng lâu nay câu chuyện của chúng ta chưa bao giờ được kể lại một cách chân thực và phanh phui tới vậy. Như thể nỗi sợ loài người đối với dấu ấn của Cain, chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi trước Sinclair, vì những điều đen tối và đau đớn ở chính mình.
Nhưng rồi đó cũng mới là những điều ở bề mặt, càng đi sâu vào thế giới nội tâm của Sinclair, ta càng thấy mình ít đi trong đó. Thoạt có thể do ta cảm thấy sự khác biệt về hoàn cảnh, ta dễ lòng đặt ra hàng tá câu hỏi: Sự đau đớn đó ở Sinclair sao lại lớn tới vậy, mạnh hơn tất cả những tiêu cực của ta dù với cậu chỉ là bị một thằng nhóc khác bắt nạt? Sự cảm nhận về việc đúng hướng của Sinclair, hay nỗi khổ bị dày vò bởi những giấc mơ tiên tri của cậu không phải quá hoang đường và khó tin hay sao? Chúng ta chẳng hề có bất kì điều gì như thế, không dấu ấn, không gì để nhận ra sự khác biệt? Vậy ta làm sao cảm thấy can hệ? Hay đó có lẽ là một sự phóng đại sức mạnh của những lí tưởng mà thôi. Đó chỉ là một câu chuyện dẫu sao cũng của riêng Sinclair.
Tác phẩm này coi như đã chết nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đó.
Nhưng nếu ngẫm kĩ lại, lí do mà ta cảm thấy khác biệt với Sinclair không nằm ở những thiếu hụt các dấu hiệu so với cậu. Nó nằm ở sự thiếu hụt niềm tin.
Trước khi biết đến Abraxas như đề cập của Max Demian, đã có một thời gian Emil Sinclair đích thị cũng là kẻ vô thần. Kể cả khi cậu đã có Abraxas làm cơ sở củng cố, chưa bao giờ cậu đội vị thần này lên đầu. Tất cả những điều giá trị với cậu, là niềm tin và khao khát đi tìm một cái gì đó “ĐÚNG” với bản thân mình. Tính chất đúng ấy được hợp lí hoá trong cuốn sách bằng cụm từ “định mệnh”, và sau này được hữu hình bởi vị thần Abraxas. Đó cũng chính là lớp nhân sâu bên trong khiến cho “Demian” không bị cũ đi theo thời gian.
Mình nhận ra rằng, Sinclair hơn chúng ta ở niềm tin vào cảm nhận của chính mình. Cảm nhận rằng NÓ ĐÚNG, MỘT CÁCH DỄ CHỊU VÀ HẠNH PHÚC, KHÔNG HỀ CÓ BẤT KÌ BĂN KHOĂN NÀO. Như việc sau khi trải qua bao nhiêu đau khổ và linh tính, đến nỗi ta có thể chấp nhận luôn nếu Sinclair đơn giản là phi thường và là kẻ được chọn, chuẩn bị tái sinh một hệ thống tôn giáo mới vĩ đại. Nhưng không, điểm đến của Sinclair dường như chỉ cần dừng lại ở khu vườn của mẹ Frau Eva và Demian. Mình đã thất vọng nhưng cũng chợt thấu hiểu. Sinclair không thực sự theo đuổi điều gì quá vĩ đại và to tát như Max Demian. Thứ cậu cần và trân trọng chỉ là cảm giác, cảm nhận về tính ĐÚNG ấy. Nếu nó lấp đầy cậu ở ngay ngôi nhà ấy, khu vườn ấy, thì đó chính là những gì cậu cần. Tất cả. Đơn thuần và không hề tạm bợ lí tưởng.
Phải, còn chúng ta, chúng ta có thể yêu nhiều thứ, nhưng rất ít thứ khiến chúng ta yêu mà không băn khoăn mặc cảm. Chưa đúng ư?
Rốt cuộc thì, làm gì không phải điều quan trọng, ta có thể làm bất cứ điều gì, trở thành bất cứ ai, cảm giác về nó mới thật quan trọng. Con đường luôn có thể khiến ta tin là nó ĐÚNG, không hẳn dựa trên mức độ hợp lí với hoàn cảnh hay năng lực cá nhân. Mà là cách bản thân ta cảm thấy say mê nó đến nhường nào. Nhận thức này làm mình một lần nữa cảm thấy có can hệ rõ ràng với cái điên rất Nietzsche mà NamJoon (trưởng nhóm nhạc BTS) đã nói: “Cần phải có thứ gì đó mà ta cảm thấy có thể điên vì nó”. Đó chính là phần cảm giác để giữ ta đi đúng đường. Đó là định mệnh, là Abraxas với ta.
Chấm dứt tác phẩm tại đây. Toàn bộ giá trị nhất với mình ở cuốn sách này. Trong lòng hỗn độn tìm bản ngã chưa thành.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất