Gia đình mình - một gia đình nhỏ sống tại mảnh đất xa xôi - nơi chưa có sự can thiệp của những cuộc cách mạng mang tính đột phá. Chính vì lẽ đó cơ sở vật chất và việc tiếp cận và cập nhật những xu thế mới diễn ra rất chậm, có thể ví như tốc độ của Interner Explorer =)). Những chuyện như sử dụng wifi, Internet Banking hay mua hàng online rất đỗi xa xỉ và đó là những khái niệm vô cùng mới mẻ, đặc biệt với thế hệ như ba mẹ mình, hai anh chị đã cập kề 70.
Nhà mình có 3 chị em gái, chị em mình là lứa cuối Gen Y, đầu Gen Z, ba mẹ cho đi học đầy đủ nên được tiếp cận nhiều cái mới, khai mở nhiều điều hay. Rồi việc học hành chuyển từ quê lên phố khi bước vào ngưỡng cửa đại học cũng cho chị em mình cơ hội quan sát, tiếp xúc để trải nghiệm những điều được khai mở. Còn ba mẹ mình thì khác, từ lúc mình sinh ra và lớn lên, mình chưa thấy ba mẹ rời ra khỏi mảnh đất này quá độ 1 tuần, trừ một số lần hiếm hoi có lễ cưới hỏi hay tang lễ của họ hàng xa. Và cứ thế thời gian trôi đi, mọi thứ trong cuộc sống của những đứa con tụi mình trôi chảy rất nhanh, thay đổi rất nhiều, nhưng với ba mẹ mình thì khác. Mọi thứ vẫn diễn ra như những gì vốn có, và điều thay đổi lớn nhất trong gia đình có lẽ là sự lớn lên và hành trình rong ruổi của những đứa con mà ba mẹ sinh thành, nuôi dưỡng.
Từ bối cảnh đó, chị em mình đều nghĩ rằng sẽ rất khó để ba mẹ tiếp cận với internet, với những đồ dùng hiện đại. Suy nghĩ này cộng với chuyện ba mẹ sẵn sàng bật mode từ chối với câu cửa miệng “mấy cái này ba mẹ không biết xài, khó quá” khiến chị em mình cũng gật đầu và cho qua.
Cuộc sống cứ thế tiếp diễn khi chị gái và mình lần lượt đi học rồi đi làm xa nhà, gọi điện về thì cứ đăng ký gói gọi theo phút để tiết kiệm chi phí. Gọi điện hỏi thăm nhà, ba mẹ cứ chỉ nghe giọng con gái qua chiếc điện thoại cục gạch huyền thoại bấy lâu. Rồi về tiền bạc, nếu có cho ba mẹ thì lâu lâu về quê đưa ba mẹ tiền mặt, còn xin học phí, ba mẹ gửi tiền thì phải chạy xe ra ngân hàng, cách 15 cây số để gửi tiền. Có lẽ khi mình đã quá quen thuộc với điều gì đó thì mình không thấy điều đó còn là vấn đề. Thế nên chị em mình đều cảm thấy những chuyện đó khá là bình thường, cho đến khi anh rể mình nhìn ra, góp ý và chung tay vào giải quyết “vấn đề”.
Anh rể mình, chính là người “hóa phép” để gỡ ‘lúa” giúp nhà mình. Từ chuyện trang bị cho ba mẹ những chiếc điện thoại thông minh rồi kêu chị em mình cài app, chỉ ba mẹ dùng Zalo, Facebook, Viber để cả nhà liên lạc, gọi điện thấy cả tiếng lẫn hình. Nhờ vậy mà ba mẹ bớt cảm giác thiếu vắng hình ảnh chị em mình khi cả hai đều không ở nhà qua việc gọi điện hàng ngày hay ăn cơm nhà online… Chị em mình cũng cập nhật tình hình gia đình nhiều hơn khi ba mẹ biết quay video, chụp ảnh về những chuyện đời thường trong nhà: khi là rau mẹ trồng, khi là cá mẹ câu, khi là nay ba mẹ đi đám cưới,..
Cũng từ việc dùng mạng xã hội mà ba mình kết nối lại được với bạn học cách đây 40 năm, mẹ mình kết nối được với những người họ hàng “thất lạc” mấy mươi năm. Thế hệ mình việc thấy nhau mỗi ngày trên mạng xã hội nên khát khao kết nối không mãnh liệt như thời ba mẹ ngày xưa - cái thời thư tay, báo giấy là vua của mọi loại thông tin. Đến khi nhìn thấy hình ảnh bạn học, họ hàng gần xa sau khoảng chừng ấy thời gian quả là “điều kỳ diệu” với ba mẹ mình, mang lại cho ba mẹ những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống đời thường.
Song với đó, em gái mình cũng hướng dẫn mẹ trong việc mua sắm online qua các trang thương mại điện tử. Việc chuyển đổi hình thức mua sắm từ truyền thống qua online cũng giúp mang lại nhiều thuận tiện cho gia đình mình hơn. Thay vì trước đây, muốn mua sắm cái này cái kia, phải ra chợ cách đó 15 - 30 km, thì bây giờ chỉ cần một vài thao tác là đặt mua được. Mẹ mình yếu một bên mắt và tâm lý cũng không vững vì sợ xe lớn nên việc đi xe đường dài cũng không an toàn, việc mua đồ online như vậy không chỉ giúp mẹ mua được những món đồ “hiếm thấy” ở khu mình sống, vì các tạp hóa hầu như không có bán mà còn giúp đảm bảo sự an toàn của ba mẹ khi không phải chạy xe đi chợ quá xa. Đến bây giờ, mình tự nhận thấy mẹ mình còn “master” mua hàng trên sàn TMĐT hơn cả mình, khi mẹ nói rằng “mua trên này mất tiền ship thì cũng bằng tiền xăng mẹ đi chợ,.. bữa nay mẹ biết áp mã giảm giá rồi, phí ship 0đ luôn”,…
Từ việc mua hàng online, lại thêm một bước tiến mới trong việc sử dụng tiền bạc, khi anh rể mình bảo chị em mình mở tài khoản ngân hàng cho ba mẹ. Ban đầu cả chị em mình và ba mẹ cũng khá là ái ngại khi sợ mất tiền hay bị lừa đảo, sợ ba mẹ không biết xài và cứ kì kèo về chuyện mở tài khoản, làm thẻ mãi. Mãi cho đến khi tụi mình mở được tài khoản, ting ting vào tài khoản ba mẹ những con số đầu tiên, ba mẹ sử dụng số tiền đó chuyển lại cho chị em mình và thử mua hàng online, ba mẹ mới bắt đầu tin vào giá trị của những con số trong tài khoản ngân hàng. Có mấy lần mình thấy mẹ chuyển cho mình 10 ngàn, mà mấy lần liên tiếp nhau, hỏi ra mới biết mẹ đang thực hành chuyển tiền. Lúc đó mình mới nghĩ lại hóa ra chuyện này không khó như mình đã từng nghĩ. Đến giờ ba mẹ cũng đã thành thục trong việc chuyển khoản, lâu lâu tặng mình và chị gái vài tô phở ăn chơi - có khi là dịp đặc biệt, cũng có khi không là dịp gì cả.
Cũng từ việc sử dụng tài khoản ngân hàng, việc mình dành ra một khoản nhỏ để gửi ba mẹ mỗi khi nhận lương xong đơn giản và an tâm hơn rất nhiều. Bởi ngày trước nếu có, thông thường sẽ là rút tiền mặt và đem về nhà, hoặc về nhà rồi chạy 20-30km để ra cây ATM rút lấy tiền mặt - những việc này thường giúp gia tăng rủi ro tiền cất cánh ra đi.
Rồi đến việc sử dụng những đồ điện tử khác như máy lau nhà, máy giặt, máy sấy đồ cũng giúp ba mẹ mình tiết kiệm sức khỏe và có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn rất nhiều. Tuy bước đầu, hướng dẫn sử dụng sẽ có nhiều khó khăn vì phần lớn các thiết bị đều là tiếng Anh và ba mẹ cũng không nhanh nhạy để ghi nhớ cách sử dụng chỉ sau vài câu nói. Về sau, như ông bà thường nói “trăm hay không bằng tay quen”, rồi ba mẹ cũng sử dụng được thiết bị đó như một thói quen hàng ngày. Ba mẹ mình làm nông, chi tiêu cũng tằn tiện nên không bao giờ nghĩ đến việc mua sắm mấy thiết bị điện tử, công nghệ hiện đại, cho rằng đó là không cần thiết, ba mẹ cứ làm như bình thường bằng tay cũng không vấn đề gì. Nhưng khi thấy nụ cười và niềm hạnh phúc của ba mẹ, mình mới hiểu vì không có điều kiện để trải nghiệm và cũng không muốn phụ thuộc vào con cái nên đó là lý do "bao biện" cho sự từ chối.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, khi công nghệ giúp mang đến nhiều tiện ích cho cuộc sống của gia đình thì nó cũng mang đến những điều bất cập mà mình cần phải giải quyết.
Chẳng hạn như chuyện mình phải nâng cao tinh thần cảnh giác với ba mẹ nhiều hơn về chuyện mua hàng online: nên mua ở đâu và không nên mua ở đâu để đảm bảo mua hàng uy tín và chất lượng; bảo mật thông tin như thế nào để tránh những rủi ro trên không gian mạng; mã OTP là gì và vì sao cần mã OTP,..
Chưa kể đến việc mạng xã hội là nơi được cá nhân hóa nội dung vào những nội dung đã xem trước đó, mình không ở nhà 24/7 để kiểm soát được nội dung ba mẹ xem là gì. Đây có lẽ là điều mà mình thấy khó xử nhất khi ngày nọ mình ngồi kế mẹ và thấy newfeed của mẹ rất nhiều livestream bán quần áo, các nội dung vlog kể về những vụ g*ết vợ chồng, những gia đình bất hạnh, những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống và cả bói bài, tử vi, số mệnh,.. Dù mình đã cài đặt hạn chế với những nội dung ấy nhưng những lần sau đó vẫn cứ vậy vì mẹ đã chọn xem những nội dung đó và để nhiều nội dung xen lẫn vào suy nghĩ đời thường. Nhiều lần nói chuyện với mẹ, mình luôn hỏi mẹ dẫn chứng về điều mẹ kể là lấy từ đâu để đính chính lại thông tin một cách chuẩn xác nhất, nhưng nói chung cũng khá là khó khăn. Ba mình thì xem các nội dung chó mèo, meme, và chính trị. Không biết đây là điều tích cực hay tiêu cực nữa, hôm nay mình có hơi giật mình khi nghe thấy điện thoại ba mình phát ra âm thanh “ngoan xinh yêu của mẹ đâu rồi” version Pam lực điền =)). Mình không thể nào ngăn cấm ba mẹ mình xem những nội dung đó, vì như mình đã đề cập, mình không ở nhà 24/7 và cũng không có quyền ngăn cấm. Vậy nên chỉ mong sao mỗi người - đặc biệt là content creator - hoặc đơn giản là người đăng tải nội dung lên mạng xã hội sẽ ý thức được về ảnh hưởng của nội dung mình chia sẻ tới những người xung quanh như thế nào - để tạo ra những nội dung văn minh, sạch và tích cực hơn.
Rồi việc mỗi người có một chiếc điện thoại cũng làm cho gia đình ít gần gũi nhau hơn, khi ngày trước cả nhà quây quần xem tivi rồi đi ngủ đúng giờ thì bây giờ, mỗi người một chiếc tivi thu nhỏ trong lòng bàn tay - mỗi người xem một loại nội dung và ít có điểm chung để cùng nhau bàn về. Chính điều này đã khiến chất lượng của giao tiếp trong gia đình giảm sút rất nhiều và ít có kỷ niệm để nhắc về như ngày xưa hơn.
Tựu chung lại là việc mang công nghệ đến đời sống lợi hại đều có, nhưng mình vẫn tích cực ủng hộ vì đó sẽ là xu thế. Xã hội nơi mình sống tuy phát triển chậm nhưng không đồng nghĩa với việc là cứ mãi như thế, tương lai gần hay xa chưa rõ nhưng ắt sẽ có sự thay đổi nên tốt hơn hãy hướng dẫn ba mẹ để họ cập nhật những cái mới, tuy sẽ không cập nhật nhanh nhưng không phải là điều không thể.
Kết lại ở đây, có lẽ mình kết bài hơi lãng, đó là mình thấy rằng nhiều khi vấn đề của chính mình sẽ rất khó nhìn thấy vì mình đã chấp nhận nó như điều bình thường, nhưng người ngoài lại dễ dàng nhận ra. Như anh rể mình chính là người mang đến chìa khóa giúp giải quyết nhiều vấn đề và nâng cấp cuộc sống gia đình mình hình hơn. Đặc biệt trong chuyện khiến mình nhìn nhận lại bản thân với câu hỏi: "Tại sao với mọi vấn đề trong cuộc sống, mình đều nói rằng mình có thể làm được, chắc chắn sẽ làm được, đơn giản là muốn thì tìm cách. Nhưng khi đối diện với ba mẹ, về chuyện dùng đồ công nghệ, mình lại thường cho rằng mấy cái này rắc rối lắm, ba mẹ lớn rồi, không làm được đâu..."