"Người khôn ngoan không lao vào kiếm tiền rồi để dành"...
nhưng tiền không có thì dù có khôn ngoan đến mấy thì muốn tiết kiệm cũng chẳng được huống gì là đầu tư. Mình đã suy nghĩ như vậy cho...
nhưng tiền không có thì dù có khôn ngoan đến mấy thì muốn tiết kiệm cũng chẳng được huống gì là đầu tư.
Mình đã suy nghĩ như vậy cho đến khi mình hiểu được ba mẹ mình đã đầu tư khôn ngoan như thế nào, mặc dù họ chẳng có nhiều tiền của và thậm chí là họ còn phải bầu bạn với cả cái nghèo, cái đói.
Gia đình 5 miệng ăn với thu nhập 1tr5/ tháng thì đầu tư kiểu gì?
Quanh khu mình ở, dạo gần đây xuất hiện câu chuyện của những hộ gia đình vườn cất cánh ra đi, nhà có mà không được ở vì vỡ nợ. Làng mình ở đếm đi đếm lại chỉ có vài chục hộ, vài chục ấy cũng chẳng đến được con số 30. Người trẻ thấy cảnh nghèo khó thì dù đứa nào học giỏi hay học dở cũng dứt áo mà rời đi. Để lại mảnh đất nơi đây những người trung niên tằn tiện, dày công sức làm lụng để nuôi con ăn học cho đàng hoàng.
Gia đình mình làm nông. Ba làm nông, mẹ làm nông. Đến đời mình, ba mẹ cũng chẳng muốn tụi mình làm nông như vậy. Vì họ cũng đã thấu cái khổ khi dầm sương dãi nắng, làm lụng chân tay vất vả như thế nào.
Nếu mà kể về lịch sử gia đình, chắc chẳng có mấy ai giống nhà mình cả. Ba mẹ mình xuất thân là người miền Trung, cũng vì cái nghèo, cái đói mà di cư vào Tây Nguyên làm ăn sinh sống.
Mẹ mình kể nhà ngoại có tận 12 người con, con trai thì họa may được cho đi học, con gái ở nhà mà làm để có cái mà ăn. Quan niệm của ông bà mình ngày xưa là "con gái lo cửa người ta", đằng nào cũng đi lấy chồng, về lo nhà chồng, nuôi làm gì tốn cơm tốn gạo. Mẹ mình cũng kể ngày xưa, ở làng của mẹ có hoạt động của thanh niên cũng chẳng được hó hé tham gia. Ở nhà vừa làm vừa hát, ông ngoại cũng chẳng cho, ông cấm. Nghèo đói mà, ấy thế nên cũng chẳng màng đến việc làm giàu đời sống tinh thần.
Ba mình ngày trước cũng học đại học ấy chứ, ba mình biết hai ngoại ngữ mà ông hay đùa là tiếng Nga pha lẫn tiếng Pháp. Với mình, ba luôn là một người vô cùng thông minh và đặc biệt là ba có nét chữ vô cùng đẹp. Nhưng đời chẳng dễ dàng và trải đầy hoa hồng cho bất cứ ai. Học được hai năm đại cương thì ba mình phải bỏ học vì ông nội bệnh, về quê chăm ông. Việc học của ba cũng phải dừng lại từ đó. Bỏ cả tương lai, về quê làm lại. Mỗi lần nghĩ về chuyện của ba, mình lại thấy tiếc nuối sao đó. Nhưng tiếc cũng chẳng được gì. Mà có lỡ thay đổi được quá khứ thì không biết liệu mình có tồn tại trên đời này hay không.
Quay về hiện tại, đất nhà mình ở là đất mà ba mẹ ngày ấy độ 25, 28 còng lưng mà khai hoang. Ở cái tuổi ấy, cái lúc người ta đang bắt đầu cho sự nghiệp rạng rỡ của mình thì ba mẹ mình chẳng có gì trong tay, thứ họ có là đôi bàn tay trắng chai sần để cuốc mẫm từng mảnh đất để có thể trồng củ sắn củ mì ăn tạm qua ngày, rồi tiếp tục cố gắng để có mảnh đất mà trồng trọt, mà sinh sống. Mình cũng không thể tưởng tượng được họ đã làm như thế nào để nhà mình có mảnh vườn như bây giờ. Trồng cà phê, đất cần để trồng đâu có ít.
Nghe mẹ mình kể, ngày ấy, khi còn trẻ, ba đến hỏi cưới mẹ làm gì có tiền mà tổ chức linh đình như bây giờ, ba qua hỏi mẹ, mua được ít bún làm quà hỏi cưới. Thương nhau đi đăng kí kết hôn rồi về ở với nhau vậy thôi à. Hai người về ở với nhau, tài sản cũng chỉ được một cái lu đựng gạo và một chiếc xe đạp để mà đi lại. Hai người đến với nhau, nói thẳng ra đúng nghĩa là bắt đầu bằng đôi bàn tay trắng, ông bà hai bên cũng chẳng có tiền mà cho làm vốn.
Mẹ kể, hồi đó, có những khi đói đến độ chỉ mong có cái xương cá để mà mút cho đỡ thèm. Đạp xe cả chục cây số mới ra được chợ để mua một kí cá khô, đem về nấu một nồi ăn có khi.. cả tháng. Cô hàng xóm nhận được chút lương "cao chút đỉnh", mua được ít thịt mỡ bảo qua nhà lấy vài miếng về nấu, ăn cho "có chất". Nghe mẹ bảo, ngày đó vào đây vì trong này có công ty. Làm mướn cho họ, họa may mỗi tháng cũng được 100 ngàn. 100 ngàn những năm 88, 90 chắc cũng đủ để mua vài kí gạo, chút mắm, chút muối. Làm gì có chuyện ăn sung mặc sướng như thời bây giờ.
Nhà mình có 3 chị em. Chị gái mình hơn mình 7 tuổi, em gái mình thua mình 9 tuổi.
Năm mình học cấp 1, chị mình học cấp 2. Chỗ mình thuộc dạng xa xôi hẻo lánh nên muốn đi học cũng không phải chuyện dễ dàng. Học cấp 1 thì 4 cây số, học cấp 2 thì 15 cây, học cấp 3 thì 30 cây số. Mà ngày đó thì chẳng có xe buýt mà đi. Đường chỉ có đường đất. Mùa khô thì bụi phủ mù, quần đen cũng thành nâu, mùa mưa thì trơn trượt, đất dính đầy bánh xe, đạp xe đi học là một hành trình gian khổ. Chị mình học cấp 2, sáng 4h30 có khi đã dắt con xe cọc cạch đạp đi học để kịp đến trường, tối có hôm phải 7h hơn mới về tới nơi nhà. Đường thì xa, nhà thì thưa, cây rừng là bạn. Có hôm về trễ là thấy lo trong người.
Đến lúc mình lên cấp 2 thì cũng đỡ hơn vì lúc ấy cũng đã có ba chuyến xe buýt một ngày để đi học. Xe buýt chỗ mình chắc thuộc dạng độc nhất vô nhị. Bước vào xe chỉ có 5 chỗ ngồi, 1 chỗ đã dành cho tài xế. Vì học sinh cần đón trên một chặng đường dài 30 cây số đều nhét hết vào một chiếc xe ấy. Lắp ghế vào thì chắc có đứa phải nghỉ học ở nhà. Bốn năm cấp hai, đi chuyến xe ấy, số lần ngồi xe buýt đi học chắc cũng đếm trên đầu ngón tay.
Mấy nay, đến ngày các bạn thi THPTQG, mình mới nhớ lại ngày trước, mình nói với mẹ: "Con thiếu 0.05 nữa là con học trường ĐH Kinh tế, hồi đó mà con đậu trường đó giờ không biết sao mẹ nhỉ". Mẹ mới bảo: "Chắc đến năm hai cho mi bỏ học". Mẹ nói vậy vì học phí khá cao, một năm vài chục triệu lấy đâu ra mà ăn mà học.
Giờ thì mình học ở một trường công, trong khối ngành Kinh tế, có mức học phí khá thấp vì trường chưa tự chủ kinh tế. Mình thấy đó là một điều thật may mắn với mình. Vì mình cũng chẳng biết được bản lĩnh và khả năng sinh tồn của mình sẽ ra sao nếu 18 tuổi ba mẹ quẳng mình ra ngoài đời. Bây giờ mình 20 tuổi, mình cũng hoàn thành xong chương trình học của mình và bắt đầu rời xa bờ vai của ba mẹ để không nương tựa vào nguồn tài chính của gia đình nữa.
Nhà mình 5 miệng ăn, mỗi tháng thu nhập từ việc làm đồng áng của ba mẹ cũng chỉ được 1tr5/ tháng. Ấy vậy mà chị em mình đều ăn học đàng hoàng, gia đình mình cũng chẳng nợ nần ai để mà mất nhà, mất cửa như chuyện xảy ra như đỗi thường tình ở cái làng mình.
Mọi người sẽ không tưởng tượng được những bữa ăn của gia đình mình như thế nào đâu. Người ta hay đùa nhau bảo khổ mới ăn mì tôm để sống qua ngày, còn nhà mình có thèm mì cũng chẳng có tiền để mua mà ăn. Bữa cơm nhà mình là cơm trắng và đủ thứ muối trên đời: muối gạo, muối mè, muối đậu, có khi là muối trắng. 1 tháng 1tr5 chi tiêu sao cho thỏa? Gạo, mắm, muối, bột ngọt, tiền điện, tiền phân bón thuốc men cho công việc đồng áng là những khoản chi tiêu phải có trong gia đình. Có tháng chẳng có tiền mua gạo, đi vay nhà người ta hai lon về nấu tạm ăn qua ngày. Quần áo có mua thì chắc cũng vài năm mới mua bộ quần áo mới. Chị em mình đi học chẳng biết tiền ăn sáng là gì huống hồ chi tiền ăn vặt. Học thêm học bớt, điện thoại, internet là những thứ rất đỗi xa xỉ. Và những vấn đề về đời sống tinh thần sẽ chẳng mấy khi được màng đến, chẳng hạn như việc tổ chức sinh nhật, đó là câu chuyện vô cùng xa xỉ và lãng phí mà chẳng mấy khi được đề cập trong nhà mình. Ai mà chẳng có sinh nhật...
Tất cả những chuyện đó đều xuất phát từ chuyện: ăn ngon, mặc đẹp thì lấy tiền đâu ra mà đi học? Ba mẹ chẳng muốn chị em mình khổ, ấy vậy nên mới tằn tiện, tiết kiệm từng đồng để chị em mình được đi học đàng hoàng, tử tế. Có vậy mới thoát được khỏi cái vòng lặp của sự nghèo khổ. Quả là câu chuyện đầu tư khôn ngoan mà mình được biết. Chẳng có tiền để đầu tư vật chất, họ đầu tư vào tương lai của con cái mình, một cách thầm lặng.
Mình viết bài này không phải để kể lể về chuyện nhà mình đã từng sống khổ cực như thế nào, mà qua đó, mình muốn nhìn nhận lại câu chuyện rằng ba mẹ mình phi thường thật. Mẹ mình hay bảo, ngày xưa có bà già nọ, bà nói với mẹ đúng một câu: trẻ thì vất vả, về già thì an nhàn. Đến giờ, mẹ mình cũng đã nghỉ hưu tại cái công ty từng trả cho mẹ 100 ngàn/ tháng với mức lương không phải dư giả nhưng đủ để gia đình mình chẳng phải lo lắng như ngày xưa mỗi khi học phí của mấy chị em vẫy gọi. Nhà mình cũng có hai mảnh vườn, một ao cá, nơi mà mình thường ví như thế giới chưa có sự can thiệp của những cuộc cách mạng. Bởi đến giờ phần lớn phụ thuộc vào nền kinh tế tự cung, tự cấp. Tháng một rau cải, tháng hai rau muống, tháng ba có xoài, mùa nào trồng cái nấy, trồng được gì thì ăn cái đó, mà phần lớn là cái gì cũng trồng được. Nuôi gà có gà, nuôi heo có heo, nuôi cá có cá. Chẳng phải phụ thuộc vào bất cứ nguồn cung nào. Thiên nhiên ban tặng cho gia đình mình rất nhiều thứ, trong đó có cả những sự an lành.
Ba mẹ mình chẳng có nhiều tiền, nhưng họ đã dành tất cả những gì họ có để đầu tư vào tương lai của những đứa con của họ, trong đó có mình. Vòng xoáy của sự nghèo khổ sẽ được đảo chiều khi họ không lặp lại con đường họ đi đối với những đứa con của mình.
Nếu bạn đọc được bài viết của mình, xin đừng vội phán xét, hãy coi nó như là một cơn gió lạ đi ngang qua đời bạn.
Thương mến./.
Thương mến./.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất