Tuổi 24 của tôi nhiều tâm tư!
Bước vào tuổi 24 với bao mong đợi từ gia đình, cũng có thể nói là một dạng áp lực mà tôi đã, đang và sẽ chống lại, chịu đựng, đấu tranh....
Bước vào tuổi 24 với bao mong đợi từ gia đình, cũng có thể nói là một dạng áp lực mà tôi đã, đang và sẽ chống lại, chịu đựng, đấu tranh. Tôi âu lo, mà hầu hết thời gian tôi đều âu lo. Mỗi sáng tôi đều thức dậy để bắt đầu công việc lặp lại thường ngày, mà tôi đôi khi hay bố mẹ tôi luôn cho rằng đó là công việc ổn định, ít rủi ro, không phung phí tấm bằng đại học. Tôi, một người nhạy cảm và dễ lo âu luôn đặt hoài nghi trong đầu: “Công việc này có phù hợp với tao, liệu rằng tao liệu có đi xa được với công việc này. Là do tao chưa đủ cố gắng, hay do tao không đủ năng lực với cái ngành này nghề này.” Tôi đã luôn phải khoác lên mình chiếc áo của ba mẹ mong muốn từ khi còn thơ cho đến khi hết đại học. Tôi luôn cố làm mình cho vừa chiếc áo ấy, cho dù nó lệch tông, thiếu chỗ này thừa chỗ kia, tôi cũng không nề hà bố mẹ. Tôi hiều rằng như bao bố mẹ châu Á, bố mẹ tôi cũng mong muốn con cái mình có được những công việc học thức, ổn định về kinh tế cũng như vị trí trong xã hội. Tôi đã từng trách ông bà rằng, sao ông bà cứ ép con cái mình đi theo cái khuôn mẫu như những người đi trước nhỉ, và rằng sao bố mẹ không ngồi xuống tâm sự với chúng con về những điều chúng con mong muốn, những thứ mà chúng con có khả năng, chúng con sẽ thực sự sống tốt với mong muốn của bố mẹ? Từng có thời tôi ngồi xem những chương trình tivi, những bài báo, những bộ phim về tình cảm gia đình, về sự giáo dục con cái. Tôi cũng đã ước mong ba mẹ mình có thể trở thành những “người bạn” của con mình, hằng ngày ngồi xuống cùng con tâm sự chuyện thường ngày; hay như đi chơi cùng con vào ngày cuối tuần hoặc ngày lễ. Qua đó, chúng tôi đã có thể gần gũi với nhau hơn, dễ dàng thấu hiểu nhau hơn. À mà, tôi cũng muốn lắng nghe câu chuyện của ba mẹ tôi ngày còn trẻ, nhưng mà thực ra cũng ít lắm. Trong quá trình lớn lên của bản thân và giờ đã đi làm, tôi cũng được va chạm với một số thứ, tôi cũng hiểu ra nhiều điều. Chắc chắn một điều là những điều bố mẹ giành cho hai chị từ ngày bé thơ đó là điều tốt nhất trong sự hiểu biết của ông bà lúc ấy rồi. Mặc dù nhiều khi dẫn đến nhiều việc tiêu cực, nhưng tôi cũng đã hiểu rằng lẽ ra mình nên biết điều và sẵn sàng chủ động đề đạt lên vấn đề mà mình mong muốn. Bố mẹ tôi cũng chẳng được học cao siêu, mẹ thì học hết cấp 1, bố thì cũng học được hết cấp 3 và tốt nghiệp được trường nghề. Môi trường xung quanh cũng như điều kiện thực tế chẳng cho phép bố mẹ tôi tiếp cận được đến những tư duy tiên tiến hiện đại ở trên mà tôi đề cập. Tôi cũng thông cảm hơn cho bố mẹ.
Mẹ à, mẹ phải khoẻ đó nhé. Về đến nhà sau ngày dài đi làm, thật là có động lực cho con đi tiếp. Giọng mẹ hỏi thăm cứ như là có nguồn tăng lực cho bản thân vậy. Con chỉ muốn cuối tuần phi xe về nhanh với mẹ và gia đình. Đã lâu con chưa về nhà, cũng phải tháng nay rồi đó chứ. Với nhiều người đó là thời gian ngắn, nhưng cứ hễ xa mọi người là con cảm thấy lâu. Con chưa dám đối diện với thực tế mình sẽ người đàn ông có trách nhiệm với gia đình riêng của mình. Con còn chưa đủ mạnh mẽ để nhìn bố mẹ sống riêng mà không có những đứa con. Hình ảnh đó vẫn thân thuộc trong con. Phần nhiều, con cũng chưa báo đáp được bố mẹ gì đáng kể. Con biết, bố mẹ vẫn nghĩ con chưa lớn, chưa trải sự đời. Đúng, điều đấy là đúng. Con chưa đủ lớn để chịu trách nhiệm. Con cần chịu trách nhiệm cho bản thân mình trước. Rồi con mong mỏi có một chuyến du lịch với cả gia đình mình trước khi bố về hưu. Mà lần trước con về bố có nhiều tóc trắng hơn. Con cảm thấy lo lắng vì việc bố sắp phải về hưu. Thu nhập của nhà mình chắc chắn sẽ không được như trước. Rồi nhà cũng sẽ vẫn có đủ thứ khoản lo. Mẹ lại vẫn phải vất vả dậy sớm đêm hôm rét mướt vì gánh hàng buổi sáng sớm. Lẽ ra tuổi này, như nhiều phụ nữ khác có công ăn việc làm ổn định, mẹ đã được nhàn rỗi đi phần nào, cũng có những dự định khi về hưu. Mẹ học thấp, ông bà ngoại khó khăn mà đông con nên công việc cũng vất vả từ bé, công việc của mẹ cũng vì vậy cũng không rõ ràng và lận đận. Mẹ tình cờ tiếp quản gánh hàng sáng của chị hàng xóm, thu nhập của mẹ từ đây cũng ổn hơn, có đồng ra đồng vào. Mà dạo này trên trán mẹ cũng nhiều vết nhăn hơn rồi, những vết sạm của tuổi trung niên trên khuôn mặt ngày càng rõ rệt. Nét trẻ trung ngày nào đang dần nhường lại cho dấu hiệu của tuổi tác và gánh nặng tâm lý. Con biết rằng mẹ sẽ chẳng ngơi tay đâu, lo cho bố, 2 chị em và cả nhà. Mẹ vẫn khéo léo và quán xuyến mọi chuyện. Mẹ dường như ngày một lo âu hơn khi bố sắp về hưu, rồi chuyện gây dựng gia đình của chị. Chị cũng vừa sinh em bé. Mẹ lại tận tình chăm lo cho chị và cháu để chị khỏi bị tủi thân. Rồi đến khi con tính chuyện gia đình, mẹ lại hao gầy thêm thôi. Sao mẹ lại có nguồn năng lượng dồi dào như vậy nhỉ? Mẹ phải khoẻ đấy, sống lạc quan. Con mong ước có kỳ nghỉ thảnh thơi cho cả nhà cùng nhau đi đâu đó. Mẹ vất vả quanh năm rồi, cũng cần thời gian cho não bộ nghỉ nghi, tinh thần được nhẹ nhõm. Mẹ cũng chẳng mấy khi được đi đâu xa, cứ có chuyến du lịch ở công ty bố là nhường chồng, nhường con. Ít nhất, trước khi có gia đình riêng, con muốn được cả nhà cùng đi du lịch một chuyến.
Chị à, sau từng ấy năm sống chung dưới một mái nhà cùng sự chở che của ba mẹ, giờ đi làm dâu nhà người khác thì thấy sao? Tiếng gọi gượng ba mẹ với người khác mà không phải ruột thịt, sống sao cho vừa lòng người ta. Chị cũng vừa mới làm mẹ được gần 3 tháng nay. Cảm xúc khi được làm mẹ như thế nào? Hạnh phúc cũng nhiều nhỉ mà âu lo cũng chẳng ít. Bỡ ngỡ bước vào đời chưa lâu, rồi lại dấn thân vào những bước ngoặt của người trưởng thành. Đúng là học cả đời chị ạ. Làm vợ, làm mẹ, làm con, những môn chị sẽ phải học mà kì học sẽ chẳng có hồi kết. Làm mẹ đâu chỉ phải chuẩn bị tài chính đâu, còn chuẩn bị tâm lý làm mẹ, dạy con sao cho đúng. Chị và em đều biết là chúng ta bị ảnh hưởng bởi cha mẹ như thế nào mà. Càng lớn, em càng thấy đồng cảm vs bố mẹ lúc nhỏ, nhất là sau khi em đã đi làm. Học cách kiểm soát cảm xúc của mình không phải dễ. Đem cái sự bực bội từ xã hội về nhà là rất dễ xảy ra. Em hiểu bố mẹ vô ý trút lên gia đình. Chuyện cơm áo gạo tiền, gia đình, đối nội đối ngoại. Bố mẹ giận dữ với chúng ta là điều dễ hiểu. Nhưng chúng ta không thể cổ xuý cho điều ấy. Đứa trẻ của chị cần được yêu thương và lắng nghe. Chúng ta không thể áp dụng cách dạy con như ba mẹ được nữa. Hàng nghìn thứ đổ lên đầu khi ta lập gia đình. Em cảm thấy kiệt quệ tinh thần khi nghĩ đến những thứ như vậy khi em lập gia đình. Nhiều lúc em muốn trốn tránh sự trưởng thành, tránh xa những áp lực. Nhưng trải nghiệm nhiều, em càng thấy trưởng thành là một điều tất yếu, nhất là khi ba mẹ ngày càng có tuổi. Cơn đau cột sống của mẹ, mái tóc bạc đi của bố khiến ta phải khẩn trương hơn. Hãy vững vàng trước những giai đoạn mới của tương lai.
Hi Linh, mối tình đầu của anh, đã 8 tháng chúng ta yêu nhau. Cả 2 đều là mối tình đầu của nhau. Có nhiều kỷ niệm, giận dỗi, buồn bực hay hạnh phúc đều có, nhưng chắc bất đồng là nhiều nhỉ. Cả 2 đang trong quá trình trưởng thành và chưa nhận thức hết được bản thân và cuộc sống. 2 đứa lớn lên trong gia đình, môi trường sống khác nhau, nên quan điểm khác biệt là điều dễ hiểu. Hy vọng em sẽ thấu hiểu điều ấy. Cả 2 cần hoàn thiện bản thân nhiều hơn để có thể tin tưởng nhau bước tiếp những cột mốc tiếp theo. Tính cách 2 người khác biệt là ngay từ đầu cả anh và em đã thấy rõ. Chúng ta đồng hành đến bây giờ cũng phần nào hiểu về nhau. Nhưng chúng ta vẫn chấp nhận, hy vọng có được sự thay đổi với nhận thức của đối phương. Anh chưa bao giờ hứa với em điều gì quá lớn lao và xa xôi, có lẽ anh đang không có sự tin tưởng vào bản thân cũng như ở nơi em. Đôi lúc, anh cảm thấy em hơi rời xa giá trị bản thân của anh. Lối sống và suy nghĩ của em nhiều lúc khiến anh thấy lo lắng về sợi dây giữa đôi ta cũng như có thể có kết nối với bố mẹ anh sau này hay không? Anh nghĩ là khi yêu ai cũng có chút ích kỷ về bản thân của mình. Anh ít nói, ít khi tâm tư với em, làm em không hiểu hết về con người anh. Tính anh nó thế, bày tỏ thì ngại ngùng, nói chẳng nên lời, nhưng mà lúc suy nghĩ tâm tư cần nói thế này thế kia thì hay lắm. Anh ít khi bộc lộ, bày tỏ lại muốn người ta đọc được tâm tư tình cảm cơ. Tính xấu nhỉ! Người thân ruột thịt thì làm thế còn chấp nhận được. Còn với người ngoài, sống với nhau mà chẳng có bao lâu mà bắt người khác đọc được suy nghĩ chỉ làm người thêm bực tức, khó chịu. Không biết em có đang chịu đựng đau khổ một mình chỉ để giữ lại mối quan hệ này với anh. Hãy lý trí lên. Hãy suy nghĩ thật kỹ cho bản thân mình trước. Anh biết em yêu anh nhiều lắm. Chắc em từng thấy anh yêu em không nhiều như em yêu anh. Anh xin lỗi vì anh chưa đủ mạnh mẽ để xếp tình yêu với em lên trên tình cảm gia đình. Có thể nghe hơi nực cười nhưng chính anh còn hiếm khi bày tỏ tình cảm với cha mẹ như bày tỏ với em. Nên là nhiều lúc anh cũng tự vấn bản thân liệu mình có phải người con tốt, đã đáp lại được tình thương của cha mẹ hay chưa, người nuôi lớn mình hai mấy năm cuộc đời cơ mà, đã bày tỏ được câu chân tình nào hay chưa mà người ngoài mày yêu thương hơn cả cha mẹ. Anh xin lỗi vì không hy sinh tình cảm được nhiều như em. Nhưng anh cần có trách nhiệm của một người con cũng như làm tròn vai của một người bạn trai. Anh muốn cân bằng được cả hai thứ quan trọng với cuộc đời anh.
Tâm tư này như một lời tôi nói lên tiếng lòng của mình sau những tháng ngày phải quẩn quanh trong tâm trí chẳng nói thành lời. Thật khó với bản thân mình để có thể tâm sự với ai. Tôi là người khó tính, cần người cảm thấy có thể tin tưởng và lắng nghe tôi để giãi bày tâm sự. Tôi cũng không giỏi khoa nói nên viết ra dễ điều chỉnh ngôn từ hơn. Tôi mong tâm tư này giúp bản thân nguôi ngoai được ưu phiền nào đó giúp bản thân cảm thấy lạc quan và vững vàng bước tiếp trong cuộc đời này. Cuộc đời này còn nhiều thứ tôi phải khám phá và nhận ra được giá trị của bản thân.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất