Trên thực tế, Tháp Eiffel rất khổng lồ: cao 324m tính đến đỉnh cột. Nhưng tùy thuộc vào nơi chúng ta đang đứng, tỷ lệ có thể bị đảo ngược một cách dữ dội: tòa tháp vô cùng vững chắc lại trông mong manh và nhỏ bé như một món đồ chơi; còn con người thì giống gã khổng lồ có thể giẫm nát trung tâm Paris trong một đêm với đôi giày chỉ cỡ 42.
Những thủ thuật phối cảnh kỳ dị mà chúng ta có thể tạo ra trong một bức ảnh tiết lộ khái quát về cách thức hoạt động của bộ não: theo bản năng, chúng ta có xu hướng phóng đại quy mô của bất cứ vấn đề gì xảy ra ở gần chúng ta.
Và “thủ phạm” đích thực gây ra vấn đề này không nằm ở tầm nhìn mà lại thuộc về hệ thống cảm xúc của chúng ta.
Nỗi đau, sự sợ hãi, lo lắng hay hối tiếc thường chiếm trọn sự chú ý của chúng ta. Còn những xúc cảm mang lại sự bình yên thì lại bị đẩy xa và trở nên bé nhỏ.
Nếu chúng ta có thể chụp lại trạng thái nội tâm của mình thì nỗi đau khổ sẽ giống một gã khổng lồ đang hung hăng đe dọa; trong khi những yếu tố mang lại sự bình yên và giá trị cho cuộc sống của chúng ta (một tình bạn đẹp, một kỹ năng giỏi, một trải nghiệm vượt qua khó khăn) lại biến mất vào hư vô.
Về tầm nhìn, loài người phải mất một thời gian dài để hiểu - và thành thạo - các kỹ thuật phối cảnh chính xác. Trong những bức tranh minh họa quyến rũ đi kèm với cuốn sách bán chạy nhất đầu những năm 1300, cùng các câu chuyện về chuyến du hành của Marco Polo đến Trung Quốc, chúng ta có thể thấy những nghệ sĩ đang vật lộn để thể hiện kích thước thực sự của sự vật.
Một tòa tháp có thể có kích thước tương đương với một quan chức mặc áo choàng. Một cái cây có thể thấp thoáng trên một lâu đài. Đối với các nghệ sĩ, việc rèn luyện bản thân để thể hiện thế giới vật chất thật chính xác là một công việc to lớn và lâu dài.
<i>Perspective Drawings, Jan Vredeman De Vries, 1604</i>
Perspective Drawings, Jan Vredeman De Vries, 1604
Ví dụ, vào đầu thế kỷ 15, kiến trúc sư và nhà điêu khắc người Ý Filippo Brunelleschi đã nghĩ ra các bài tập cụ thể để giúp cải thiện kỹ năng của mình trong lĩnh vực này. Theo thời gian, ông và nhiều người khác đã có được nền tảng đáng chú ý trong khoa học mới về phối cảnh thị giác.
Vào những năm 1600 đã có những hướng dẫn sử dụng đơn giản, rõ ràng và được truyền bá rộng rãi cho bất cứ ai mong muốn trở nên thành thạo trong những công việc mà trước đây là một nhiệm vụ không thể thực hiện được.
Nhưng chúng ta vẫn chưa phát triển được những kỹ thuật tương tự để giải quyết vấn đề cấp bách và sâu sắc hơn của mình trong lĩnh vực “phối cảnh” của cảm xúc.
Hiện tại chúng ta có thể tham khảo bốn bài tập giúp nhìn nhận vấn đề đúng với kích thước thật của nó.
Bài tập đầu tiên là đơn giản thừa nhận với bản thân rằng vấn đề đang tồn tại nhưng chúng ta có thể nhầm lẫn mức độ nghiêm trọng của nó. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng lại chẳng dễ thực hiện bởi trong những lúc lo lắng, chúng ta hiếm khi thấy mình đang phóng đại câu chuyện mà sẽ khăng khăng cho là vấn đề thực sự khủng khiếp như vẻ ngoài của nó.
Đây là lúc chúng ta cần nhìn lại ký ức của mình. Chúng ta biết rằng trong quá khứ, chúng ta đã phóng đại mức độ nghiêm trọng của một vấn đề; chúng ta đã nổi cơn thịnh nộ, tuyệt vọng hoặc hờn dỗi sâu sắc về một điều gì đó. Nhưng giờ nhìn lại, chúng ta lại thấy chuyện thực sự chả nghiêm trọng lắm.
Đúng vậy, chúng ta có thể dựa vào điều này để nhìn nhận lại vấn đề đang xảy ra trước mắt. Những kinh nghiệm trong quá khứ cho chúng ta cảm giác rất có thể cái chúng ta đang phóng đại sẽ không xảy ra. Chúng ta học được cách không tin tưởng vào những điều hay đi kèm với sự hoảng loạn của chính mình.
Bài tập thứ hai liên quan đến việc khuyến khích bản thân có một tầm nhìn giàu trí tưởng tượng ở tầm vũ trụ :v. Để tham khảo, chúng ta có thể chiêm ngưỡng hình ảnh Sao chổi lớn đã tạo ra một vệt sáng rực rỡ trên bầu trời đêm và được quan sát trên khắp thế giới từ Peru đến Trung Quốc vào năm 1577 năm 1578.
<i>The Great Comet passing above the Bosphorus, Istanbul</i>
The Great Comet passing above the Bosphorus, Istanbul
Và rồi nó biến mất.
Đối với nhiều người vào thời điểm đó, dường như Sao chổi lớn báo trước sự hủy diệt của hành tinh hoặc đánh dấu một kỷ nguyên mới vĩ đại của lịch sử thế giới sắp mở ra.
Nhưng thực tế là nó méo có ý nghĩa gì cả.
Bây giờ chúng ta biết sao chổi chỉ là một khối đá băng giá đang bay trên con đường lệch tâm xuyên qua vũ trụ, đưa nó đến gần Trái đất trong một thời gian ngắn. Bây giờ thì nó đang ở đâu đó ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương, hướng tới những vùng đất hoang vắng ở rìa Hệ Mặt trời.
Những cảm xúc mạnh mẽ của chúng ta cũng giống như sao chổi, lóe lên trong chốc lát và được gắn với nhiều ý nghĩa. Nhưng trên phạm vi rộng lớn của vũ trụ, chúng chỉ là những hạt bụi nhỏ nhất, những khoảnh khắc ngắn ngủi nhất. Chúng không có tầm quan trọng to lớn như chúng ta nghĩ và chẳng bao lâu sau chúng sẽ biến mất.
Một bài tập khác là nhắc nhở bản thân rằng cuộc đời - từ khi chúng ta còn là một đứa trẻ cho tới lúc già đi - là một quá trình rất dài và phức tạp.
Những gì có vẻ kinh khủng khiếp đối với chúng ta tại một thời điểm sẽ không có ý nghĩa gì khi sau này chúng ta hồi tưởng lại. Hàng vạn ngày của chúng ta sẽ hòa quyện vào nhau và bị lãng quên.
Chúng ta đặt hình ảnh của người già và người trẻ cạnh nhau là để nhắc nhở rằng khoảnh khắc hiện tại là một phần nhỏ bé trong chuỗi tồn tại của chúng ta ở kiếp sống này. Chúng ta sẽ có hàng triệu nỗi thất vọng, niềm vui, lo lắng và thỏa mãn. Những gì trong tâm trí chúng ta lúc này còn lâu mới quyết định được tổng thể con người chúng ta.
Và bài tập cuối cùng là hãy tập trung suy nghĩ của mình vào nỗi đau của người khác. Những gì chúng ta đang đối mặt bây giờ chắc chắn rất tồi tệ. Nhưng nó khó có thể đạt đến mức độ nguy kịch như một ngày bình thường ở khu Tai nạn và Cấp cứu trong bệnh viện.
Chúng ta có thể - và có lẽ một ngày nào đó - sẽ nằm trên xe đẩy của bệnh viện, xung quanh là các bác sĩ đang điên cuồng cắt bỏ những mảnh quần áo dính máu của chúng ta, nhét ống vào lỗ mũi và lo lắng kiểm tra nhịp tim dao động dữ dội của chúng ta.
Vấn đề hiện tại mà chúng ta đang đối mặt có thể cực kỳ gây căng thẳng bởi nó nằm trong tâm trí và chiếm vị trí hàng đầu trong ý thức của chúng ta lúc này. Nhưng chúng ta có thể nhận ra một điều là có những người đang phải chịu đựng hoàn cảnh tồi tệ hơn. Điều này không có nghĩa chúng ta không xứng đáng nhận được lòng trắc ẩn, chỉ là tình cảnh hiện tại không đến mức khủng hoảng như chúng ta tưởng.
Một điểm quan trọng về luật phối cảnh của cảm xúc là nó không giả vờ với chúng ta rằng những vấn đề của chúng ta không có thật. Nó không cố gắng gạt chúng sang một bên mà đang tìm kiếm một cái nhìn sâu sắc và khôn ngoan hơn: Nó giúp chúng ta đánh giá chính xác quy mô thực tế của những vấn đề chúng ta đang gặp.
Chẳng hạn, chúng ta bị sa thải vì bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Chúng ta thấy như đây sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp của mình. Toàn bộ cuộc đời của chúng ta đã bị hủy hoại. Chúng ta như đi vào ngõ cụt và sẽ chẳng thể tìm thấy lối thoát.
Nhưng chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng điều này rồi cũng sẽ qua, rằng sao chổi đầy nước mắt và tủi nhục này một ngày nào đó sẽ rời khỏi bầu trời của chúng ta và rằng những ngày êm đềm hơn sẽ trở lại.
Lược dịch từ The School Of Life.
.Ngưn.