Tự dựng một bài múa cổ trang
Mấy dạo gần đây mình đang tập tành tự dựng một bài múa cổ trang. Không phải vì để thi thố, không phải để làm nội dung, cũng không phải...
Mấy dạo gần đây mình đang tập tành tự dựng một bài múa cổ trang. Không phải vì để thi thố, không phải để làm nội dung, cũng không phải vì mình được thuê chuyên nghiệp mà chỉ đơn giản vì mình thích. Mình không học trường múa, cũng không có biết nhiều kỹ thuật. Chỉ là hồi nhỏ rất thích đi văn nghệ, múa may các bài mẹ dựng. Mẹ mình hồi đó cũng chỉ là cô bán thịt lợn nhưng rất nhiệt tình dựng bài trong các dịp Trung thu, Tết thiếu nhi. Chắc cái sở thích này mình thừa hưởng từ mẹ. Mình rất dốt nhạc lý, cảm âm kém, tay chân làm việc gì cũng lóng ngóng nhưng với những bản nhạc mình thích, trong đầu luôn chạy xẹt xẹt hằng hà sa số các động tác khớp với giai điệu. Hồi bé tí, mặc dù hơi thừa cân nhưng lúc nào cũng được nhặt vào đội văn nghệ vì chuyện này. Mình nảy số với các động tác nhanh hơn cả kẻ đường phụ lúc học hình. Cứ là thứ mình thích, lúc nằm ngủ mình cũng nghĩ đến. Mình cũng ẵm kha khá giải văn nghệ liên quan đến múa may cho đến một giải thi lớn, mình nặng quá, cô múa cùng không bế lên nổi nên bị loại, đổi bạn múa chính khác. Hồi đó đang mẫu giáo nên ấm ức tủi thân lắm. Cứ nghĩ béo mãi thế này sẽ không bao giờ được múa mất. Thế mà lớn lên đi học phổ thông vẫn được làm lớp phó văn nghệ, siêng năng đi dựng bài cho các bạn dù hồi cấp 3 lớp mình chuyên Toán, chỉ có 12 mống nữ. Giờ già rồi, không có lễ hội nhưng lâu lâu vẫn tự dựng bài cho bản thân. So với múa đương đại hoặc múa dân gian mình thích múa cổ trang Trung quốc hơn cả. Mình thích sự mềm mại của động tác và giai điệu da diết của nó.
Đợt này mình đang tự dựng bài Hương mai lưu niên - OST của Hậu cung Như Ý Truyện vì ấn tượng với bài hát quá. Tình cờ xem một clip lấy bài này làm nhạc nền mà âm thanh vừa nổi lên, mình đã ngứa ngáy chân tay bật dậy thử đi vài động tác rồi u mê cả tối. Có dịp mình tham gia một lớp Sống đam mê mỗi ngày, bạn host có giao bài tập: Một tuần thực hành lại sở thích thời bé. Mình đã nghĩ ngay đến múa. Mình mê lắm. Bạn ấy bảo: những sở thích thuở bé, tự thân nó đã phóng chiếu phần vô tư nhất của chúng ta. Nếu được làm điều đó một cách chú tâm mỗi ngày, em bé bên trong sẽ được giải phóng, chúng ta sẽ đến gần hơn với trueself. Hồi đó ở chung nhà với bạn, ngại nên mình ra ngoài đăng ký một câu lạc bộ múa cổ trang nhưng sau vì dịch cũng không duy trì được. Giờ thì thú vui đó đến, một cách tự nhiên, hấp dẫn mình hơn cả vẽ tranh hay đọc Thị trấn mèo.
Để dựng một bài múa cổ trang, mình bắt đầu với việc hiểu bài hát. Vốn tiếng Trung gà mờ nhưng may hiểu hiểu chút từ Hán Việt nên mình đem vào google dịch, chép lời hán ra rồi dịch nghĩa. 7749 bước làm xong thì chợt nhớ ra trên youtube có đầy Vietsub =)))). Thế nhưng đằng nào bản mình dịch xong cũng thấy ngấm với mình hơn thế là bắt đầu học gắn lời. Hiểu được từng câu chữ bài này xong, mình thật sự xúc động. Chưa kịp múa mà đã xúc động kinh khủng với lời bài hát. Bạn nào xem Như Ý truyện chắc cũng không lạ gì bài này, viết về cảm giác hối tiếc cho tình yêu của Thanh Anh & Hoằng Lịch. Từng câu từng chữ não nề nhưng không thê lương mà rất nhân văn.
Bài gốc dài 4 phút nhưng mình chỉ dựng 2p20s đến hết đoạn điệp khúc 1. Vì dài quá, quay nhiều bị mệt =)))))). Định chỉ dựng đoạn sau trở đi nhưng nhạc dạo đầu quá mượt, nên để dành cho những động tác đi bước nhỏ. Lâu không múa nên tay mình hơi cứng thế là để dựng múa cho được phải tập uốn tay. Thật sự nhiêu khê nhưng thành quả lại rất đáng. Mình dựng rồi tự múa mà không đăng lên đâu, chỉ để bản thân tự xem và tự sướng thôi nhưng với mình đó là một thành quả đẹp *xl vì mèo khen mèo dài đuôi nhé but it's true hị hị*. Nhạc bài này rất buồn và nhiều nhịp nghỉ dài nên mình cũng cho kha khá động tác thả lơi tay. Các bác xem múa bình thường thấy mấy đoạn nó tình với nghệ không chứ mình là mình thấy điểm 10 lắm. Nó có cái gì đó rất thanh thoát và mượt, nhất là với những bạn có ngón tay giữa dài và thon.
Đặc trưng của múa cổ trang là đi lướt. Để đi như không đi, thanh thoát như tiên nữ trượt băng thì cần đi bằng đầu ngón chân, bước nhanh nhỏ, nhịp chân trước nối ngay bằng mũi chân sau, đầu không nhấp nhô, nên mình phải đeo giày múa. Nhưng giày múa vứt ngoài Hà Nội nên tạm dùng cái tất cổ ngắn dày dày vậy. Dựng bài này mình mất 3 ngày, cũng ngắn tại tiêu chuẩn múa cho mình xem nên không cao lắm, chủ yếu là vì vui. Đêm nằm ngủ vẫn nhẩm nhẩm lời với nhịp để xem hợp ghép động tác nào. Cái cảm giác đó hạnh phúc lắm.
Nhưng khó nhất là các động tác xoay bước và xoay tại chỗ. Những đoạn cần xoay bước, mình phải gồng thẳng cơ bụng để giữ vững trọng tâm không xoay xong là úp mặt thấy cả ông bà tổ tiên mất. Đoạn xoay kèm lơi tay thì phải hình dung đang quằn quại trên một bức tường phẳng, xoay thế nào thì xoay nhưng tuyệt đối không được để cả 2 cánh tay rời tường. Các bạn cứ thử dang 2 tay áp tường và xoay theo mình nói là hiểu động tác này nhé. Tui phải ngồi nghiền ngẫm kha khá hướng dẫn kỹ thuật và bài múa mẫu bài này đó hiuhiu.
Múa cổ trang đẹp nhất là quần ống rộng và váy, tiêu chí tiên quyết là mỏng nhẹ nhưng co giãn để dễ chuyển động và tạo cái vẻ thướt tha. Thế là từ đứa chỉ loanh quanh ở nhà với quần đùi áo ba lỗ, mình lại "ăn diện" vào tí. Mà mặc đẹp thì phải makeup, thế là lại makeup.
Nói chung dựng xong, múa xong xem lại thấy cũng giống các ca kỹ trong phim 4-5 phần. Thế là đủ vui rồi. Quan trọng là từ lúc dựng đến lúc múa thật và quay lại, mình cảm giác như được về lại hồi bé. Đầy đủ cảm xúc của thành viên ban văn nghệ từ ngơ ngác thiếu ý tưởng đến lo âu phục trang rồi đến hài lòng thành quả. Chưa kể, bài ost bản Châu Thâm hát rất hay nên nghe xong có đầy đủ cảm xúc được gọi lên, từ ai oán, từ buồn thương đến trân trọng, vân vân mây mây. Phải nói là lâu lắm mới thấy tim rộn ràng kiểu như thế. Nhiều khi, mình chỉ nghĩ đến cảm giác hạnh phúc mà vô tình đè nén một vài cảm giác khác. Thực ra nếu trải nghiệm được chúng một cách trong trẻo, mình thấy mình trọn vẹn hơn nhiều.
Đợt mình xem phim, đoạn gặp cuối cùng của Đế - Hậu, Như Ý có nói:
- Hoàng thượng có biết câu Lan nhân nhứ quả không? Trước còn nhỏ được học câu này, thiếp chỉ thấy tiếc nuối. Nhưng nay đã hiểu hết ý nghĩa của nó thì lại thấy rất đúng.
Thời Xuân Thu, thị thiếp của Trịnh Văn Công là Yên Cật nằm mộng thấy tiên nữ tặng cho nàng một đóa hoa lan đẹp và tĩnh mịch, không lâu sau đó nàng liền cùng với Trịnh Văn Công kết thành vợ chồng. Lan nhân [兰因] vì vậy nói đến sự kết duyên tốt đẹp như bông lan trong mộng; “Lan nhân” trong Phật giáo còn là từ giảng về nhân quả, giác ngộ, thấu suốt, hiểu sự. Còn nhứ quả [絮果] là một ẩn dụ về kết cục ly tán. Bởi vậy, lan nhân nhứ quả [兰因絮果] là một câu thành ngữ dựa trên điển tích nói về nhân duyên thuở đầu tốt đẹp nhưng về sau lại đầu đau thương ly biệt.
Trong lời bài hát có câu Lan nhân như mộng không ta thán nghĩa là thuở đầu đẹp đẽ cũng như mộng ảo vậy thôi, kết thúc rồi, không dám than thở. Đoạn sau đó nói rất nhiều về việc hai bên không hiểu tâm ý đáy lòng để rồi hiểu lầm, đến khi đi một quãng xa mới nhận ra là không thể quay đầu nữa. Dù đã cố gắng không để nhạy cảm quá với một bài hát, một câu nói nhưng đoạn này làm mình nghĩ nhiều về những mối quan hệ đã qua. Không chỉ là tình cảm yêu đương mà với bạn bè, với đồng nghiệp cũ và những quan hệ đã từng đi qua cuộc đời. Tất cả đều bắt đầu tốt đẹp, nghĩ là không bao giờ kết thúc. Giống như lúc bạn cấp 3 của mình nhắn tin bảo:
- Hồi xưa vẫn còn đòi xây nhà cạnh tao mà giờ còn không lưu số tao vậy?
Bằng một cách vô hình nào đó, chuyện kết thúc. Có những mối quan hệ chia ly vì mình, có mối quan hệ vì họ, có người làm mình thương, có người làm mình nể, có người làm mình biết ơn, có người làm mình tiếc nuối, có người mình chỉ muốn họ rời xa mãi mãi. Nhưng, tất cả đều tạo nên mình của ngày hôm nay.
Trước có chị bảo mình: Đôi khi thông điệp đến lúc em không ngờ nhất. Chuyện qua chục năm nhưng đến khi đọc cuốn sách nào đó, nghe lời bài hát nào đó em mới nhận ra "À hóa ra là vậy". Mình nghe lúc đó cũng chỉ biết gật gù nhưng càng ngày thấy càng thấm vì thực chứng được điều đó. 4h sáng tỉnh dậy và tình cờ nghe được Hương mai lưu niên, mình muốn múa. Để múa thì phải hiểu lời và hiểu lời xong mình không chỉ dựng bài múa mà còn dựng bài theo tâm trạng khi nghe từng câu chữ. Không phải vì mình cảm âm tốt, mà vì mình đã nhận được thông điệp dành cho mình qua lời bài hát đó: Có những mối quan hệ dường như không phải để giữ mà chỉ để dành một thời gian nào đó trong đời ở cạnh nhau trọn vẹn, để rồi bước tiếp mà không ngoảnh lại nhìn nhau.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất