1. Hoàng Tử Bé – hơn cả một cuốn sách dành cho trẻ em.

Tôi đã đọc Hoàng Tử Bé không dưới 10 lần và nghe Hoàng tử bé không dưới 100 lần. Cứ như vậy, Hoàng Tử Bé đã dành được vị trí độc tôn trong lòng cô thiếu nữ suốt những năm tháng chơi vơi cùng tuổi trẻ lạc lối của mình.
Tôi biết đến câu chuyện của nhà văn Exupery khi đang đứng giữa ranh giới rất dễ vỡ tan của trẻ con và người lớn, khi vừa tròn 14 tuổi. Gần 6 năm đã trôi qua, giờ đây, tôi thấy mình giống như bác phi công khi hồi tưởng lại 6 năm trước, trong cảnh tượng nhìn thấy mái tóc óng vàng như màu lúa mì của cậu nhỏ xoã tung trước gió. Tôi đã nghĩ như thế, đã hình dung như thế, như thể mình đã thực sự ở sa mạc, nghe thấy giọng cậu nhỏ thốt lên: “Làm ơn, hãy vẽ cho tôi một con cừu”. Những ai đã từng đọc Hoàng Tử Bé, một cách hời hợt, hẳn sẽ mãi không bao giờ hiểu được đâu là món quà của tình yêu, của sự ngọt ngào tan chảy vào tim qua một cuốn sách với hơn trăm trang giấy và những bức màu nước ngộ nghĩnh đầy sắc màu. Vậy mà, cũng chính những trang sách nhỏ bé đáng yêu ấy, khiến lòng ta trăn trở biết mấy. Một cuốn sách của trẻ con dành cho người lớn.
<i>Lần đầu tiên bác phi công gặp cậu nhỏ, nhìn thấy mái tóc óng vàng của cậu xõa tung trước gió</i>
Lần đầu tiên bác phi công gặp cậu nhỏ, nhìn thấy mái tóc óng vàng của cậu xõa tung trước gió
Hoàng Tử Bé, một cuốn sách mà mỗi ngôn từ hay hình ảnh đều chứa đựng những biểu tượng hết sức sống động và quảng đại. Bạn nghĩ bạn đã hiểu chúng, như cách một nhà thông thái quan sát và nhận xét một công trình nghiên cứu khoa học? Không, đó chắc chắn không bao giờ là cách đúng đắn để bắt đầu suy ngẫm về Hoàng Tử Bé và câu chuyện về chuyến hành trình của cậu qua các tinh cầu. Nhà văn Exupery, sau cùng, đã rất muốn kể câu chuyện này như là câu chuyện thần tiên với mở đầu quen thuộc “Xưa có một lần…”. Ông không mong Hoàng Tử Bé bị bỏ qua một cách hờ hững, song, lại càng không muốn những người lớn dùng đôi mắt phủ đầy sương của họ để phán xét cuốn sách của mình. Vì thế, một lần thôi, hãy để tâm trí của bạn trôi về một khoảng lặng nào đó của ấu thơ, dùng đôi mắt trẻ con đầy tò mò và thoả sức tưởng tượng về hình ảnh một con voi trong bụng một con trăn.

2. Ta thấy gì đằng sau bức màu nước?

Trí nhớ của con người thường có xu hướng ghi nhớ tốt hơn những gì ở đầu và cuối của một vấn đề. Khi đọc Hoàng Tử Bé, có lẽ hầu hết mọi người đều nhớ rõ nhất hình ảnh con trăn kín và con trăn hở ở phần mở đầu và cảnh sa mạc ở cuối cuốn sách. Tôi không biết, liệu đó có phải một dụng ý của nhà văn hay không khi mở đầu cuốn sách của mình với bức vẽ nguệch ngoạc về con trăn. Tuy vậy, nó dường như có, như không bao quát toàn bộ cảm hứng, tư tưởng chủ đạo của cuốn sách. Là trăn trở, là chiêm nghiệm, suy tư và thông điệp của một người lớn biết rõ mình từng là một đứa trẻ, đúng không?
Tôi đã nghĩ rất nhiều về bức màu nước ấy. Tôi đã trăn trở bao nhiêu khi nghĩ rằng, phải chăng đôi mắt mình đã pha trộn quá nhiều những lăng kính của người lớn, để đôi khi dường như hiểu, lại không hiểu những gì mà bức vẽ ấy, nhà văn ấy, người phi công ấy muốn nói. Tôi đủ tỉnh táo để nhận ra, về tư tưởng chủ đạo được nêu lên ngay đầu trang sách, về những sự ngây ngô của trẻ con khi nhìn nhận thế giới, nhưng lại bị xem thường bởi người lớn. Đó là tiếng nói lên án cho sự trưởng thành và lãng quên của con người đối với những gì thuộc về ấu thơ. Nhưng, tôi lại cứ cảm thấy mình đã bỏ qua điều gì đó, dường như rất nhiều. Nó khiến tôi cảm thấy đau khổ, khi đã yêu Hoàng Tử Bé nhiều đến thế, nhưng lại không có được nó, không có được em.
Một buổi trưa nọ của tháng 7, bỗng dưng dòng tư tưởng nọ chạy vào tâm trí tôi, và tôi hét lên trong vỡ oà sung sướng, như tìm thấy kho báu của đời mình. Tôi dường như có được Hoàng Tử Bé, với phát hiện của riêng mình. Tôi-đã-có-được-em.
Và giờ đây, hơn hết, tôi muốn chia sẻ những phát hiện của chính mình, lan toả tình yêu này đến với những độc giả thân yêu của Exupery, những người đã yêu hoặc chưa yêu Hoàng Tử Bé. Dù bất cứ lý do gì, tất cả mọi người đều xứng đáng nhận được món quà của tình yêu, được nhấm nháp nguồn nước mát lành hạnh phúc.
Liệu có phi lý quá hay không khi một con trăn có thể nuốt chửng cả một con voi mà không cần nhai? Quả thật hết sức phi lý, những ý tưởng đến từ óc sáng tạo của trẻ con. Nhưng tôi vẫn thường nghe rằng, nếu muốn thật sự hiểu về thế giới, hãy nhìn thế giới qua đôi mắt của trẻ con. Và hẳn rồi, không một người lớn nào lại có được sức sáng tạo phi thường và sự hiếu kỳ như những em bé. Chúng thấy thích thú với mọi thứ xung quanh, chúng thấy ngộ nghĩnh bởi những điều bé xíu và trên hết chúng có một bộ óc với trí tưởng tượng không giới hạn. Một bức vẽ như con voi đứng trong bụng con trăn, chỉ có thể là từ trí tưởng tượng của một em bé mà thôi. Nhưng, liệu có đúng đắn khi những người lớn phớt lờ đi những ý tưởng tưởng chừng như vô lý của trẻ em? Hãy nhớ rằng, ngày xưa – lúc phát minh của anh em nhà Wright vẫn chưa xuất hiện - khi những đứa trẻ tiểu học vẽ chiếc máy bay trong giờ mỹ thuật, người lớn đã gần như bỏ qua chúng. Song, nhiều năm về sau, chúng ta lại thật sự có được những chiếc máy bay hàng chục - hàng trăm tấn bay trên bầu trời. Saint-Exupery đưa ra một hình ảnh về sự phi lý, để nói về một điều hết sức có lý, sự sáng tạo của trẻ em, đó là mầm mống, là thiên bẩm, là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo. Hơn bất kỳ điều gì vĩ mô và chính yếu, trí óc và đôi mắt tò mò của trẻ em xứng đáng được quan tâm, bảo vệ, bởi chính nó - khởi nguồn của tạo vật.
“Con trăn nuốt chửng cả con mồi mà không nhai, sau đó nó phải nằm mấy tháng liền để tiêu hoá con mồi.” Đây là hình ảnh khơi gợi nhiều suy nghĩ và thôi thúc tôi viết nên những dòng này. Bằng những dòng suy tư và trí tưởng tượng của mình, tôi đồng nhất con trăn với những người lớn và con voi như những sự sáng tạo, ước mơ của trẻ em. Bởi, voi là loài động vật luôn được biết đến và yêu quý nhờ vóc dáng to lớn mà thân thiện của chúng. Voi được xem như biểu tượng vĩ đại của rừng xanh, vĩ đại như những gì mà một trí óc trẻ thơ có thể nảy ra trong những sự quan sát và tò mò của một đứa trẻ vậy. Và tất nhiên, khi thấy một con trăn nuốt chửng một con voi, điều đó thật tệ và gây đau buồn cho những ai yêu chuộng hoà bình và chính nghĩa. Bạn hiểu ý tôi chứ? Hẳn rồi, tôi tự hỏi phải chăng người lớn vẫn đang mỗi ngày bóp chết sự sáng tạo của các em bé bởi sự hời hợt, độc đoán của chính mình. Người lớn đã nuốt chửng ước mơ của trẻ em như cách con trăn nuốt chửng con voi mà chẳng tốn chút sức lực để nhai nó. Và rồi tiêu hoá “con voi” trong nhiều tháng. Rất nhiều những hoài bão lớn lao của trẻ em khắp thế giới, đã bị tiêu hoá như thế đấy, từ từ và chậm chạp như người ta vặn nhỏ một bếp lửa rồi để nó giữa trời gió chờ chúng heo hắt tắt lịm đi. Qua nhiều năm, những đứa bé kia dần quên và mất đi ý tưởng - ước mơ của mình. Dù rằng, những đứa trẻ luôn cố gắng để trình bày, giảng giải thật rõ ràng cho những ý tưởng tuyệt vời của chúng. Như cách mà cậu bé Exupery 6 tuổi đã cố vẽ con trăn hở để bức vẽ của cậu thôi bị lầm tưởng thành cái mũ. Cậu cũng đã vô cùng hào hứng khi hỏi các người lớn rằng họ có sợ bức vẽ ấy không, nhưng đúng là với đôi mắt hời hợt, người lớn khó mà cảm nhận thấy điều gì trong bức vẽ về “trăn” và “voi” cả.
<i>Bức vẽ ngộ nghĩnh về một con voi trong bụng một con trăn</i>
Bức vẽ ngộ nghĩnh về một con voi trong bụng một con trăn

3. Góp một tiếng nói để bảo vệ quyền được mơ ước của trẻ thơ.

Những người lớn có nhận ra rằng, việc nuôi dưỡng “con voi” của óc sáng tạo là điều không hề đơn giản, nhưng việc tiêu hoá “con voi” là hết sức nhanh chóng và dễ dàng?
Tôi xem đó như một vấn nạn cần được lên án mạnh mẽ, việc những người lớn vẫn hằng ngày vùi dập ước mơ của trẻ con. Khi một đứa trẻ muốn trở thành bác sĩ giỏi để cứu người, ta nói rằng suy nghĩ ấy khờ dại quá, bác sĩ là công việc mang lại danh vọng, tiếng tăm và tiền bạc. Khi một em bé nói rằng em muốn trở thành phi hành gia để bay vào vũ trụ, ta lập tức phản đối rằng công việc đó thật viển vông và xa vời. Và, cứ mỗi giây khi một đứa trẻ nảy ra một suy nghĩ hay ho rồi bày tỏ nó thì cũng là mỗi giây chúng nhận lại những sự cười cợt. Người lớn, luôn là thế, rất tích cực tiêu diệt ước mơ của con trẻ thay vì giúp chúng nuôi dưỡng nó. Đến chừng nào, người lớn mới thôi đi việc nhồi nhét vào trí óc non nớt của trẻ em những thứ “thực tế tiêu cực” chỉ vì họ lớn, họ biết nhiều và trải sự đời nhiều hơn? Đến khi nào người lớn mới thôi bẻ cong đi những suy nghĩ hết sức chín chắn, ngay thẳng và cao đẹp của con trẻ? Người lớn đã làm xáo trộn hết, rối tung hết những ước mơ của trẻ em, áp đặt tư duy và lái chúng đi theo những nguyện vọng của mình. Người lớn đang phân loại những ước mơ của trẻ em, những ước mơ phù hợp với mong đợi của cha mẹ, thì là đúng đắn. Còn những ước mơ nằm ngoài vùng an toàn và nguyện vọng của cha mẹ thì là vô lý, điên rồ. Chính từ những sự phân loại đó, mà những người lớn vô tình thu hẹp thế giới ước mơ của trẻ em. Có những ước mơ bị bóp chết không thương tiếc, có những ước mơ bị chèn ép và buộc phải nép mình trong những góc khuất tâm hồn mà không thể chia sẻ cùng ai. Bản thân chúng ta đã không thể phi thường, thì hãy cho phép con cái chúng ta có quyền làm những điều phi thường. Bởi vì trẻ em là những người có bộ óc sáng tạo vĩ đại nhất thế giới này.
<i>Ước mơ trở thành phi hành gia của một em bé</i>
Ước mơ trở thành phi hành gia của một em bé
Hãy dẹp qua một bên những suy nghĩ tiêu cực của mình và đừng cố vẽ lên trang giấy trắng non nớt của trẻ em. Vì bạn biết không, sức mạnh mà bạn có đối với tương lai những đứa trẻ của bạn rất lớn, đến nỗi chỉ một từ “không” cũng đủ để thiêu rụi tất cả những ý tưởng đã nảy nở trong tâm trí bé nhỏ ấy rất nhiều năm. Đau lòng lắm, nếu đứa trẻ của bạn tự tay chôn cất cho ước mơ đã chết của mình, bên cạnh những tưởng tượng đã chết chỉ cách đây vài năm trước.
Vẫn biết rằng, cuộc sống là phải nhìn vào hiện thực, phải hy sinh những thứ không chắc chắn để giành lấy những thứ quan trọng hơn. Thế nhưng, không thể vì cuộc sống này đã tước đi hy vọng của bạn, và vì thế bạn có quyền lấy đi ước mơ của con trẻ hay dạy cho chúng những ước mơ ấy là sai. Ta cứ cho ước mơ là xa vời, hoang đường và phi lý rồi lấy đó làm cớ bỏ qua rất nhiều cơ hội để bắt tay vào những khao khát còn dang dở. Chúng ta, những người cho rằng mình quá lớn để giữ khư khư những giấc mơ con trẻ, đang dần đánh mất những thứ - dù ít - vẫn đang thuộc về mình. Hãy nhìn lại chính bạn, khi bạn là một đứa trẻ chưa lớn, có phải ước mơ của bạn cũng đã bị bóp méo theo những chuẩn mực của người lớn và buộc phải chấp nhận thay thế chúng bằng những mối bận tâm “chính đáng” hơn? Bạn đã nhận ra chưa, rằng mình đang lặp lại những gì đã luôn được lặp lại suốt chiều dài thời gian kia. Điều đó cần phải dừng lại ngay lúc này, bạn hiểu chứ, bằng cách nuôi dưỡng, động viên và khích lệ cho những sáng tạo và ước mơ của con em mình. Hãy để hạt giống của ước mơ nảy mầm trở thành một bông hoa hồng thơm ngát và độc nhất, đừng khiến hạt mầm ấy trở thành những cây bao báp đan rễ chằng chịt khắp hành tinh. Bởi đó là một hiểm hoạ khôn lường đấy.
Và, giống như bác phi công trong “Hoàng Tử Bé”, bạn cũng có thể mua một hộp màu nước và bút chì màu, dù là ở tuổi này, tập tành vẽ vời cũng thật khó. Nhưng bác phi công đã hạnh phúc khi sống lại ước mơ hồi bé của mình, còn bạn, không ngại khi phải bắt đầu tìm lại đôi mắt trẻ thơ của chính mình chứ?