Trong công việc hằng ngày, sẽ có những lúc bạn cần làm những thứ sau, và với người ngoài, nhất là với những ai theo Phật giáo, nó có thể gây ra hiểu lầm không đáng:
  • Nâng cao năng suất lao động: Để có thể làm công việc một cách hiệu quả, bạn cần lên kế hoạch dài hạn, và rút kinh nghiệm từ quá khứ. Nhưng tưởng tượng ra tương lai hay nhìn lại quá khứ thì đều là xem những thứ không có thật là thật. Bạn cần phải thấy thứ chưa thành hiện thực có thể thành hiện thực thì mới có lý do để làm. Nên nhìn từ ngoài vào thì sẽ chỉ thấy bạn đang sống với những thứ không có thật/những thứ đã qua
  • Cần sự chú ý của người khác: Khi làm việc sẽ có những lúc bạn cần sự đồng ý của người khác để tiếp tục. Nếu họ chưa cảm thấy việc của bạn đủ quan trọng thì thì tất nhiên bạn cần làm họ thấy nó đáng quan tâm hơn. Nhưng nhìn từ ngoài vào thì sẽ không thấy nó khác gì bạn đang mong họ quan tâm tới bạn
  • Không chấp nhận luận điểm của người khác: Chấp nhận nhiều quan điểm khác biệt là một chuyện, nhưng thấy rằng họ tự mâu thuẫn với điều họ muốn là chuyện khác. Khi họ lập luận thiếu căn cứ thì bạn có quyền phủ nhận nó, nhưng nhìn từ ngoài thì sẽ thấy không khác gì bạn chỉ cho rằng mình bạn đúng
  • Cần hiển ngôn những cảm giác để không hiểu lầm: cái này thật ra là ý thứ 3, chỉ là nói theo một cách khác
Không chỉ đứng từ ngoài nhìn vào khó mà biết được bạn có đang dính mắc (attach) hay không khi đang có những thứ này, mà ngay cả bạn nhiều khi cũng hoang mang không biết. Cách chắc chắn nhất để biết là mình đang không dính mắc là ở trạng thái giác ngộ/niết bàn. Nhưng thiền định tốn rất nhiều năng lượng để tập trung; thứ bạn cần là tập trung vào công việc chứ không phải là suốt ngày xem mình có đang dính mắc gì không. Tôi nghĩ có lẽ trạng thái giác ngộ không phù hợp cho công việc trí óc.
Nhưng nếu bạn làm điều đó vì từ bi, thì dù không ở trạng thái ngộ bạn vẫn có thể khẳng định là mình không dính mắc. Vì nhờ có từ bi mà bạn có thể đảm bảo mình luôn không phân biệt dù đang không ở trạng thái giác ngộ, nên bạn giảm được một nỗi lo lắng (tức là giảm khối lượng thông tin cần xử lý). Lúc đó dù bạn có việc phải làm cho bằng được, một việc mà bề ngoài trông như dính mắc 100%, thì bạn vẫn có thể bỏ qua dị nghị để tiếp tục. Tất cả những gì bạn cần là đảm bảo rằng công việc bạn làm thật sự thứ giúp ích cho người khác trước lúc bạn bắt tay vào làm là được. Sau đó thì vô tư làm việc.
Bạn có thể thấy điều này qua cách viện Mind & Life thiết kế email gửi cho những người nhận tin. Viện Mind & Life là viện nghiên cứu khoa học do Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 hợp tác cùng các nhà khoa học để nghiên cứu về những điều Phật giáo quan tâm. Nếu là do chính Đạt Lai Lạt Ma sáng lập, thì những hoạt động của nó hẳn sẽ mang tính Phật giáo rất cao. Vậy, ta hãy xem một mẩu email của nó được thiết kế như thế nào:
Cách thiết kế email là tạo phấn khích ở người đọc, muốn họ tham gia ngay không chần chừ nữa. Những phần được bôi vàng: thrilled, excited, look forward, nút call-to-action, v.v. đều là để tạo "nghiệp". Trong những cảm xúc này, sẽ không có chánh kiến, chánh niệm gì cả. Nhưng nếu bảo là viện này đang dính mắc thì có vẻ hơi mâu thuẫn. Vậy chỉ có thể nói là nó chỉ trông như dính mắc thôi, chứ không thật sự là dính mắc.
Nên tôi nghĩ từ bi (hoặc nói rộng hơn là suy nghĩ cho người khác) có hai chức năng chính sau:
  • Phi phân biệt hóa mọi suy nghĩ phân biệt
  • Làm giảm khối lượng thông tin cần xử lý

(Đây là một phần trong bài Rắc rối của từ bi (bản ngắn). Nếu có gì thay đổi sẽ sửa trên đó trước.)