Tại sao lại phải học kỹ năng nhỉ?
Trước giờ tôi vẫn luôn dị ứng ít nhiều với chuyện đào tạo và rèn luyện các kỹ năng sống. Bởi vì trong tôi, luôn có cái ảo tưởng rằng mình đủ thông minh để biết các kỹ năng hoạt động ra sao và thực hiện chúng như thế nào. Chỉ là tôi không muốn, nên tôi sẽ không bao giờ trình diễn những kỹ năng đó – “Tại sao lại phải trình diễn một kỹ năng khi mình không thực sự muốn nhỉ? Để thao túng người khác theo ý mình sao?” – Tôi cho rằng việc này là vô đạo đức nên mới sinh ra cái cảm giác dị ứng như trên.
Nhưng con người thường chỉ có một vài bộ lọc để nhìn thế giới. Nếu tôi gán một tính chất gì đó cho đối tượng khác, khả năng cao tôi cũng gán tính chất đó cho bản thân mình. Nghĩa là khi tôi coi một thứ là "công cụ thao túng người khác" thì tôi đang rất quan tâm tới việc thao túng người khác, vậy rất có thể tôi cũng thường thao túng người khác lắm ấy chứ. Vậy thì tôi cũng chẳng đạo đức gì cho cam!
Không chỉ vậy, có lẽ tôi đã có một góc nhìn không đúng đắn lắm về việc đào tạo kỹ năng sống. Tôi đã coi chúng như công cụ để tác động lên người khác. Tuy nhiên, có lẽ tôi lầm. Gần đây, tôi mới biết chúng là công cụ để bộc lộ bản thân. Nguyên cái ngành công nghiệp "giáo dục kỹ năng sống" rộng lớn được đặt nền tảng trên chỉ một khái niệm duy nhất – "self-assertiveness" (khẳng định bản thân).
Assertive (tính khẳng định) là một tính từ nằm giữa Passive (tính thụ động) và Aggressive (tính xâm kích). Khẳng định bản thân không phải là hung hăng, hay xâm kích người khác, áp đặt quan điểm và giá trị của bản thân lên người khác. Khẳng định bản thân càng không phải là thụ động, nhún nhường và thoả hiệp với quan điểm hay giá trị của người khác. Khẳng định bản thân nằm ở giữa, tức nói ra quan điểm của mình một cách mạnh mẽ đồng thời không áp đặt chúng lên người khác. Chỉ vậy thôi, khi hai bên đã rõ được cái quan điểm của nhau, họ sẽ tự tìm phương án giải quyết với nhau. Với một góc nhìn như vậy thì việc học các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp, v.v.. nhìn chung rất chân thành và thẳng thắn.
Tôi thì luôn là một thằng có mức độ hung tính quá mức cần thiết. Tôi biết điều đó và ai cũng biết điều đó. Bình thường thì tôi khá là thụ động, phớt lờ sự xâm lấn của người khác lên bản thân, khá vui vẻ và dễ chịu. Đến khi không chịu được thì lại bùng nổ một cách điên cuồng. Hay giống như các cụ thường nói: “mấy thằng hiền hiền thường cọc.” Có lẽ vậy, tôi là cọc chúa. Đây có lẽ cũng là cơ chế “con giun xéo lắm cũng quằn” của chị Dậu. Những giây phút bùng nổ của tôi có lẽ hơi quá đáng và có sức huỷ diệt ghê gớm, lên cả bản thân mình cũng như người khác. Có lẽ vì vậy mà tôi đồng tình với quan điểm “muốn trở thành người tốt thì cần phải giỏi, chứ hiền lành không bao giờ là đủ.” Có khi muốn trở thành người tốt thì không được hiền lành ấy chứ. Ý tôi là: khi thấy người khác có dấu hiệu xâm lấn mình một chút thôi, thì cũng phải có cái dũng khí để phá tan bầu không khí vui vẻ và giải quyết vấn đề triệt để. Có thể sẽ trở thành một kẻ nghiêm túc quá đáng, nhưng ít nhất sẽ không rơi vào tình trạng huỷ diệt sau này, mà cái hậu quả khủng khiếp hơn chừng vài trăm lần.
Trong một diễn biến liên quan, tháng trước, tôi có đọc quyển "Change-able" (Mọi Thứ Đều Có Thể Thay Đổi) của tiến sĩ J.Stuart Ablon. Đúng là một quyển sách nổi tiếng không phải vì nó chứa đựng kiến thức gì đặc biệt mới, mà vì nó đưa ra một góc nhìn mới cho những kiến thức cũ rích. Kiến thức trong cuốn sách đó thì đúng là cũ rích, nhưng Stuart Ablon đưa ra một quan điểm thống nhất trong cả cuốn sách, cái quan điểm cực kỳ nhân văn, trái ngược hẳn những gì các giáo trình tâm lý thường gán cho trường phái hành vi. Cái quan điểm ấy là: “khi con người có nhiều kỹ năng hơn, họ có nhiều lựa chọn hơn.” Một người hành động hung hăng quá mức cần thiết, bởi họ không biết cách nói ra quan điểm của mình mà không làm tổn thương người khác. Một người phạm pháp, bởi họ không biết cách kiếm tiền từ những hành vi không phạm pháp. Một đứa trẻ luôn dính vào rắc rối, bởi nó không biết cách nào khác để thu hút sự chú ý từ cha mẹ. v.v..
Chỉ một quan điểm như vậy thôi đã làm tôi thay đổi hoàn toàn góc nhìn về trường phái hành vi: “Đúng nhỉ. Mục đích của việc đào tạo kỹ năng/hành vi thực chất rất khiêm tốn – chỉ cho cá nhân thấy họ có thể thay đổi mọi chuyện theo một hướng rất khác. Sau đó cá nhân toàn quyền quyết định.” Từ đây, tôi mới thấy các sách giáo trình tâm lý học thật vớ vẩn. Họ có những phát biểu đơn giản hoá đến mức sai lệch và rất thường so sánh các trường phái với nhau để tạo hiệu ứng kịch tính. Họ nói nào là “trường phái hành vi cơ giới hoá con người”, “trường phái nhân văn phản đối khoa học”, “trường phái phân tâm tôn thờ quyết định luận”, v.v.. Nhưng thực chất các nhà tâm lý phát biểu những thứ y chang nhau, chỉ là mỗi trường phái đặt trọng tâm vào một thứ khác nhau mà thôi – không tin thì có thể đọc các tác phẩm kinh điển để kiểm chứng.
Dù sao thì, quay trở lại vấn đề chính. Kỹ năng khẳng định bản thân không phải là một kỹ năng dễ dàng. Bởi con người ta thường hành động theo những phản xạ cảm xúc (emotional reaction). Mẹ tôi thì luôn nhắc tôi “sao mẹ nói không bao giờ vâng dạ, mà cứ rồi rồi.” Tôi cũng muốn chứ, nhưng chẳng cách nào mà tôi nói “dạ vâng” được vì đã quá quen với hai chữ “rồi rồi” rồi. Không chỉ là vấn đề ngôn ngữ khi giao tiếp, mà còn là vấn đề của những mô thức hành vi, mô thức phản ứng, mô thức cảm xúc, mô thức ứng xử – khi có người giục tôi, tôi ngay lập tức nổi giận; khi người khác giảng đạo cho tôi, tôi chỉ muốn bật lại họ từng ý một; khi một người khởi sự lập luận logic, ngay lập tức đầu tôi hiện lên hai chữ “tào lao.” Rất nhiều, rất nhiều. Và đó là còn chưa kể: khi đối diện với một khuôn mẫu tính cách này, lập tức những mô thức phản ứng với khuôn mẫu tích cách đó sẽ được kích hoạt. Nhưng việc nhận diện khuôn mẫu tính cách và các mô thức phản ứng đều là sản phẩm chủ quan của tôi, chứ không liên quan gì đến người đối diện, vậy là tôi chỉ đang tương tác với những bóng ma trong tâm trí của mình chứ không phải một con người bằng xương bằng thịt ngay trước mặt. Những sản phẩm chủ quan này được hình thành từ đâu thì tôi không rõ, có thể là do gen, có thể là những kinh nghiệm thời thơ ấu, có thể là do tiền kiếp, hay do tiến hoá để lại, nhưng có một thứ tôi biết chắc là: không dễ để thay đổi chúng.
Thế nên, tôi mới thích một khái niệm của Murray Bowen – Cá biệt hoá bản thân (Differentiation of Self). Cá biệt hoá bản thân có hai trục. Ở trục bên ngoài, cá nhân ý thức được rằng mình với người khác là hai cá thể riêng biệt, có những giá trị và có những quan điểm riêng biệt. Khi phân biệt được điều này, cá nhân vừa có thể yêu mến người khác, vừa có thể suy nghĩ và cảm nhận độc lập với họ – hay như ông gọi là: vừa thân mật vừa tự chủ trong các mối quan hệ.
Ở trục bên trong, cá nhân ý thức được rằng cảm xúc và suy nghĩ của mình cũng là hai thứ riêng biệt. Nhiều lúc, khi người khác đối xử với ta theo kiểu A, ngay lập tức ta có cảm xúc B. Nhưng cảm xúc B vốn chỉ là một mô thức xưa cũ. Nếu bình tĩnh mà suy xét lại, ta có thể thấy ngay cái cảm xúc xưa cũ kia không liên quan tới tình hình hiện tại, nhờ đó thoát ra khỏi được những thói quen phản ứng cứng nhắc. Rồi từ đây, sử dụng những suy nghĩ có ý thức để hình thành nên những ứng xử mới, phù hợp hơn với thực tế.
Cá biệt hoá bản thân là yếu tố cốt lõi cho tương tác lành mạnh và thích ứng trong các bối cảnh xã hội, là chìa khoá giải thoát cá nhân khỏi sự điều kiện hoá của quá khứ, từ bỏ những khuôn mẫu phản ứng độc hại, trở thành một người trưởng thành độc lập, đưa ra những quyết định của riêng mình, có cơ hội lớn hơn trong việc xây dựng một cuộc sống mong muốn.
"Kỹ năng khẳng định bản thân" và "Cá biệt hoá bản thân" thực chất không liên quan tới nhau, khái niệm đầu đến từ trường phái hành vi, khái niệm sau đến từ trường phái hệ thống. Nhưng tôi nghĩ cả hai miêu tả về cùng một vấn đề. Không thể khẳng định bản thân được nếu không có một mức độ nào đó của cá biệt hoá bản thân; tức là bên trong đang rối một nùi thì khó có thể khẳng định bản thân – khẳng định cái gì bây giờ khi thậm chí mình đang có cảm xúc và suy nghĩ gì cũng không phân biệt được. Ngược lại, cũng không thể cá biệt hoá bản thân nếu không thực hành kỹ năng khẳng định bản thân đến một mức nào đó; hệ thống luôn có xu hướng cân bằng nội môi (trở về trạng thái ban đầu) và cá biệt hoá bản thân là một mối đe doạ đối với nó, cần có một kỹ năng tốt để đối trọng lại sức ép tự điều chỉnh này.
Thực ra tôi cũng chẳng biết cách rèn luyện hai cái thứ khỉ gió này đâu. Nhưng tôi tin khi nắm được cái ý tưởng cốt lõi, mỗi cá nhân sẽ có cách rèn luyện riêng của mình.
Dù sao thì, để có cái tham khảo thì có một bài test tên là "Differentiation of Self Inventory" (chỉ định cho người 25+), bài test chia ra làm 4 lĩnh vực nhỏ: Phản ứng cảm xúc (Emotional Reacivity), Đứng ở vị trí "tôi" (“I” Position), Cắt đứt cảm xúc (Emotional Cutoff), Dung hợp với người khác (Fusion with Others). Bài test này có độ tin cậy và độ hiệu lực đã được kiểm định khoa học, nhưng chưa được chuẩn hoá ở Việt Nam, thế nên chỉ để tham khảo.
Photo by JJ Ying on Unsplash