David Ricardo, vì cái tốt hay vì cái xấu

Nhà kinh tế học xuất chúng người Anh David Ricardo đã rơi vào cái bẫy tương tự như người bạn Malthus của mình. Là một chuyên gia tài chính, ông đã tích lũy được một tài sản lớn nhờ vào chứng khoán chính phủ. Ricardo đã có nhiều đóng góp tích cực cho kinh tế học, đặc biệt là lý thuyết về lợi thế so sánh và lý thuyết về lượng tiền tệ. Ông đã thúc đẩy tự do thương mại và hóa tệ kim loại (hard money), và các bài viết của ông đã có ảnh hưởng đến việc bãi bỏ đạo Luật Ngũ cốc, một đạo luật khét tiếng của Anh về hàng rào thuế quan cao đối với nông sản vào năm 1846, và sự trở lại của chế độ bản vị vàng vào năm 1844. Tuy nhiên, David Ricardo đã có chỗ sai. Mô hình phân tích của ông là con dao hai lưỡi. Nó đưa ra lý thuyết về số lượng tiền tệ và lý thuyết về lợi thế so sánh, nhưng nó cũng đưa ra học thuyết về giá trị lao động, quy luật sắt về tiền lương tối thiểu và một điều khác mà các nhà kinh tế gọi là “khiếm khuyết Ricardo” (Ricardian Vice), được xác định hoặc là sự sử dụng quá mức việc xây dựng mô hình một cách trừu tượng, hoặc là sử dụng các giả định sai nhằm chứng minh cho kết quả mong muốn (ví dụ như thuyết giá trị lao động của ông). Một vài ý tưởng tồi tệ nhất đã được Karl Marx và các nhà xã hội chủ nghĩa lấy từ cuốn sách giáo khoa của Ricardo – Về các nguyên lý của kinh tế chính trị và thuế khóa (On Principles of Political Economy and Taxation) (1951 [1817]).
Marx đã ca ngợi Ricardo như một người cố vấn trí tuệ của mình. Một trường phái của các nhà chủ nghĩa xã hội “tân Ricardo” đã phát triển dưới tác động của Piero Sraffa, người viết tiểu sử chính thức của Ricardo [2].
David Ricardo (18 tháng 4 năm 1772–11 tháng 9 năm 1823)
Về cơ bản, Ricardo, với tất cả tình yêu của mình dành cho Smith, đã hướng kinh tế học theo một con đường nguy hiểm, thoát ra khỏi các khuyến nghị chính sách của Smith. Ông đã đưa ra một cách tư duy kinh tế mới, đi xa khỏi mô hình “tăng trưởng” hài hòa của Adam Smith và đi theo mô hình “phân phối”mang tính đối kháng, ở đó công nhân, chủ đất và các nhà tư bản đã chiến đấu để tranh giành miếng bánh kinh tế. Marx và các nhà xã hội chủ nghĩa đã khai thác triệt để hệ thống mang tính thù địch của Ricardo. Trong khi mô hình của Smith tập trung vào việc làm thế nào để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng thì mô hình của Ricardo lại chú trọng vào việc nền kinh tế được chia sẻ giữa các nhóm và tầng lớp như thế nào. Ricardo nhấn mạnh vào xung đột giai cấp hơn là lợi ích “hài hòa tự nhiên” của
Smith.

Công cụ Ricardo hay khiếm khuyết Ricardo?

Ricardo được coi là người phát triển kinh tế học như một môn khoa học kỹ lưỡng với sự chính xác của toán học. Chuyên gia về tài chính này có một năng khiếu quý báu về tư duy trừu tượng, phát triển một công cụ phân tích đơn giản bao gồm vài biến số nhưng với các thao tác tính toán lại đưa đến những kết luận có tính thuyết phục cao. Cách tiếp cận mô hình này đã được áp dụng bởi nhiều nhà kinh tế lỗi lạc, bao gồm John Maynard Keynes, Paul Samuelson và Milton Friedman và đã dẫn đến sự phổ biến của kinh tế lượng. Mark Blaug nhận xét: “nếu như kinh tế học về cơ bản là một cỗ máy phân tích, một phương pháp tư duy hơn là một thực thể những kết quả tất yếu thì về nghĩa đen, Ricardo đã phát minh ra kỹ thuật của kinh tế học” (Blaug 1978, 140).
Nhưng “kinh tế học bảng đen” này, như cách Ronald Coase gọi, có một số nhược điểm. Nó sử dụng những giả định thiếu thực tế hoặc thậm chí sai. Không có những tham khảo về lịch sử, xã hội, triết học và khuôn khổ thể chế, công cụ của Ricardo đã trở thành khiếm khuyết Ricardo, tước đi cái tinh tuý của kinh tế học. Lý luận dựa trên diễn dịch thuần túy và các công thức toán học cao siêu đã tách lý thuyết ra khỏi lịch sử. Hãy thử nhìn vào các tác phẩm Nền tảng phân tích kinh tế (Foundations of Economic Analysis) (1947) của Paul Samuelson hay tác phẩm Sản xuất hàng hóa bằng các phương tiện hàng hóa (Production of Commodities by Means of Commodities) (1960) của Piero Sraffa theo trường phái tân cổ điển Ricardo. Tác phẩm của Samuelson không mang nội dung gì ngoài những phương trình vi phân và các giả định xa rời thực tế. Tác phẩm của Sraffa hiếm khi mới thấy một câu liên quan đến thế giới thực. Cả hai đều mang đậm màu sắc Ricardo.
Elton Mayo, một giáo sư kinh tế đã viết rằng “nguồn gốc của sự ngộ nhận mà toàn bộ lý thuyết kinh tế dựa vào có thể được quy cho David Ricardo” (1945, 38). Mayo đã đổ cách lý thuyết hóa phi thực tế của Ricardo là do nền tảng học vấn của ông là một nhà môi giới chứng khoán [3], xa rời thực tiễn của nền kinh tế sản xuất (1945, 39).
Tác phẩm Của cải của các quốc gia của Adam Smith có rất nhiều luận điểm lý thuyết, nhưng các lý thuyết của ông đều được hậu thuẫn bởi nhiều minh chứng lịch sử. Với Ricardo thì không như vậy. “Trí tuệ mẫn tiệp của ông”, một sử gia viết “về cơ bản là trí tuệ của một nhà lý luận xuất chúng, không bao giờ biểu lộ bất cứ sự quan tâm thỏa đáng nào đối với quá khứ” (Snooks 1993, 23). Chính tính chất lý thuyết không thực tế này đã khiến J. –B. Say gọi các nhà kinh tế là “những người mơ mộng hão huyền” (1971 [1880], xxxv). Thậm chí Paul Samuelson (bản thân ông là một nhà tư tưởng xa rời thực tế) đã từng thú nhận: “đôi lúc người ta cho rằng những sinh viên xuất sắc nhất của chúng ta biết tất cả mọi thứ trừ những lẽ thông thường” (1960, 1652). Thật vậy, các nghiên cứu bởi Arjo Klamer và David Colander đã cho thấy một sự thất vọng nhất định đối với mô hình toán học khác xa thực tế vốn phổ biến rộng rãi trong các chương trình tiến sỹ về kinh tế. Sau khi khảo sát các chương trình sau đại học trong nhóm các trường đại học ở miền Đông nước Mỹ, Klamer và Coalnder kết luận rằng “các nghiên cứu kinh tế đang dần rời xa thế giới thực” (1990, xv). Chủ nghĩa hình thức đã ăn sâu, bén rễ.
Việc xây dựng các mô hình kiểm chứng có thể hữu ích trong việc đưa ra những ước lượng tốt nhất cùng các kết quả thích hợp, nhưng việc mô hình hóa cũng có thể bóp méo thực tế và đưa đến những kết quả có hại. Trong tác phẩm kinh điển của mình, Những nguyên lý của kinh tế chính trị và thuế khóa, Ricardo đã đưa lý thuyết của mình lên đến mức cực đoan, ở đó ông đã đưa ra các giới hạn và giả định không đáng tin cậy nhằm đạt được kết quả mong muốn. Cuốn Các nguyên lý của Ricardo tẻ nhạt và thiếu tính thực tế, tràn ngập những diễn dịch kiểu Euclid mà không có các trường hợp nghiên cứu từ lịch sử. Sinh viên thường gọi cuốn sách này là “cuốn sách gây đau đầu của Ricardo” (St. Clair 1965, xxiii).
Các nhà kinh tế hiếm khi có thái độ trung dung về Ricardo. Họ hoặc là yêu, hoặc là ghét ông và đôi khi cả hai. John Maynard Keynes có thể là người tổng kết những ý kiến về điều này tốt nhất “Trí tuệ của Ricardo là trí tuệ vĩ đại nhất đã từng hiến dâng cho kinh tế học”, Kyenes nói, nhưng sau đó ông lại phàn nàn rằng “sự thống trị hoàn toàn của (kinh tế học) của Ricardo trong khoảng thời gian 100 năm là một thảm họa cho sự tiến bộ của kinh tế học”.

Ricardo tập trung vào phân phối, không phải tăng trưởng

Làm thế nào Ricardo chuyển hướng so với người thầy của mình là Adam Smith? Smith đã nhận thấy rằng sự tự do kinh tế và giới hạn về vai trò của chính phủ sẽ tạo ra “sự thịnh vượng toàn cầu”, nhưng người sáng lập của kinh tế học cổ điển đã đấu tranh để phát triển khung khổ lý thuyết hợp lý (hơn là sự phân công lao động), trong đó giải thích làm thế nào người tiêu dùng và người sản xuất có thể phối hợp thông qua hệ thống lợi nhuận và thua lỗ để đạt được “sự thịnh vượng toàn cầu” đó.
Ricardo và những học trò người Anh của ông đã lấy những nhận định đặt trong ngoặc của Smith (chẳng hạn như thuyết giá trị lao động của ông trong một nền kinh tế thô sơ và sự chỉ trích của ông đối với các chủ đất) và tạo ra một mô hình về sự đấu tranh giai cấp hơn là mô hình về sự hài hòa lợi ích – một định luật sắt về lương cơ bản thay vì tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Họ xem nền kinh tế như một chiếc bánh lớn, nơi mà miếng bánh lớn hơn thuộc về các nhà tư bản và chủ đất, nghĩa là những người công nhân chỉ được hưởng miếng nhỏ hơn.
Trong một lá thư gửi Malthus, Ricardo đã giải thích sự khác biệt cơ bản này: “kinh tế chính trị, như ngài nghĩ, là một câu hỏi đi vào bản chất và nguyên nhân của sự giàu có (quan điểm của Adam Smith). Tôi nghĩ nó nên được gọi là một câu hỏi đi vào các định luật mà ở đó xác định sự phân công sản xuất của các ngành nghề giữa các tầng lớp trong xã hội – những người đồng thuận về việc hình thành sự phân công đó” (trong Rothbard 1995b, 82).
Sự khác nhau giữa Adam Smith và Ricardo về mô hình vĩ mô này của nền kinh tế có thể được miêu tả tốt nhất dưới dạng biểu đồ bánh (xem hình 2.1). Đối với mô hình “xung đột giai cấp” của Ricardo, trọng tâm là của cải của nền kinh tế (miếng bánh) nên được chia như thế nào giữa giai cấp công nhân, chủ đất và nhà tư bản. Rõ ràng là nếu chủ đất và nhà tư bản nhận được nhiều bánh hơn thì giai cấp công nhân sẽ nhận được ít hơn. Và ngược lại. Đối với mô hình “hài hòa lợi ích” của Adam Smith, trọng tâm là việc làm cho nền kinh tế tăng trưởng. Nếu như miếng bánh lớn hơn thì tất cả mọi người – công nhân, chủ đất và nhà tư bản cùng nhận được nhiều hơn.
Hình 2.1 Hai mô hình của nền kinh tế
Hệ thống mang tính đối kháng của Ricardo mang lại bi kịch cho tất cả mọi người ngoại trừ chủ đất. Trong “mô hình ngũ cốc” (corn model) của ông, các công nhân của Ricardo bị xem như những đơn vị máy móc, chỉ kiếm được mức lương đủ sống trong thời gian dài. Nếu lương tăng, người công nhân sẽ có nhiều con hơn, điều này đưa đến việc tăng cung lao động và khiến cho lương giảm xuống. Vì vậy, “quy luật sắt về tiền lương của Ricardo” cho thấy một tương lai ảm đạm đối với người công nhân. Nhà tư bản kiếm được nhiều hơn, nhưng không năng động. Trong mô hình của Ricardo, họ có số phận nhàm chán như nhau, tiết kiệm và tích lũy vốn một cách máy móc. Hơn nữa, lợi nhuận chỉ có thể tăng khi chi tiêu cho lương thấp hơn và ngược lại. Trong cuốn Các nguyên lý của mình, Ricardo gọi mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa lương và lợi nhuận này là “định lý cơ bản về phân phối”. Ông nhiều lần tuyên bố “khi tiền lương tăng một tỷ lệ nhất định, lợi nhuận sẽ giảm” (Ricardo 1951, I, 111) và “lợi nhuận phụ thuộc vào lương” (1951, I, 143, 35). Tồi tệ hơn, lợi nhuận có xu hướng giảm trong dài hạn do “quy luật lợi tức giảm dần”. Dưới quan điểm thiển cận của Ricardo, lương cao hơn sẽ khuyến khích sự gia tăng dân số, điều này đến lượt nó có nghĩa là cần nhiều đất canh tác hơn để nuôi đủ lượng miệng ăn gia tăng, cũng có nghĩa là sử dụng ít đất cho sản xuất hơn. Giá thóc lúa sẽ tăng, làm lợi cho tiền thuê đất của chủ đất, nhưng lợi nhuận sẽ giảm do nhà tư bản sẽ phải trả cho công nhân nhiều hơn nhằm giữ cho họ khỏi chết đói (do giá lương thực cao hơn). Người hưởng lợi duy nhất trong bức tranh của Ricardo là chủ đất. Họ kiếm được nhiều tiền thuê đất hơn vì giá thóc cao hơn. Những người nông dân thuê đất không được hưởng lợi từ giá thóc cao hơn vì họ phải trả giá thuê đất cao hơn. Ricardo đã chứng minh cho những ngôn từ của Adam Smith: “chủ đất yêu thích việc gặt hái thành quả do những người khác gieo trồng” (Smith 1965 (1776), 49).
Theo hệ thống thuyết định mệnh của Ricardo, tiền lương có xu hướng trở về mức đủ sống, lợi nhuận giảm trong dài hạn, các chủ đất có thêm thu nhập từ lợi nhuận bất chính. Như Oswald St. Clair nhận xét, các chủ đất “mặc dù không đóng góp gì vào công việc hay sự hy sinh bản thân, tuy nhiên vẫn sẽ nhận được một phần của cải ngày càng tăng được tạo ra bởi cộng đồng” (St. Clair 1965, 3).
Vậy đâu là lỗi trong cách tư duy của Ricardo? Mô hình ngũ cốc của ông đã lờ đi lợi ích mà những công nhân tích lũy từ tiến bộ kỹ thuật, cái khiến họ trở nên năng suất hơn. Lương của họ sẽ tăng khi công ty kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. (Các nghiên cứu thực tế cho thấy những ngành có lợi nhuận biên cao có xu hướng trả cho công nhân cao hơn.). Ông đã không nhìn ra tiền thuê của chủ đất như là tín hiệu về giá nhằm xác định giá trị cao nhất hoặc chi phí cơ hội của đất. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế không nhận ra những phát hiện sâu sắc này cho đến thế hệ kế tiếp. Marx và các nhà xã hội chủ nghĩa đã dựa trên sự tấn công của Ricardo nhằm vào các chủ đất lười nhác và các nhà tư bản bóc lột. Thêm vào đó, sự phê phán của Ricardo đã khuyến khích quốc hữu đất và việc áp dụng thuế đơn (đối với tài sản đất đai) của vua Henry George vào cuối thế kỷ 19.

Ricardo tìm kiếm vô ích giá trị cố hữu trong lao động 

Cuối cùng, Ricardo quyết tâm tìm ra một “phương pháp bất biến để đo lường giá trị”.Thay cho vàng, đơn vị đo lường cơ bản, ông tập trung vào số lượng đơn vị lao động (không phải tiền lương!) như là đơn vị đo lường giá trị (numeraire). Theo  truyền thống cổ điển, Ricardo chọn thuyết giá trị dựa trên chi phí của sản xuất, ông  lập luận rằng giá cả nhìn chung được xác định bằng chi phí (cung) hơn là mức thỏa dụng (cầu). Ông ý thức được những ngoại lệ đối với thuyết chi phí này, chẳng hạn “những bức tranh và tượng quý hiếm, sách và các đồng xu hiếm cũng như các loại rượu vang với số lượng có hạn” (Ricardo 1951, 12), và sự tác động của máy móc. Nhưng máy móc và vốn chính là “sự tích lũy lao động” (1951, 410). Về sau ông viết “đề xuất của tôi rằng trừ một số trường hợp ngoại lệ thì số lượng lao động được tuyển dụng trên hàng hóa sẽ xác định tỷ lệ mà tại đó hàng hóa sẽ trao đổi lẫn nhau… không đúng tuyệt đối, nhưng tôi cho rằng nó gần xấp xỉ với chân lý trong  vai trò là quy tắc về đo lường giá trị tương đối của bất cứ điều gì tôi đã từng nghe tới” (Vivo 1987, 193). Ông đấu tranh với thuyết giá trị lao động mãi đến tận những ngày cuối đời.  
Khoảng một tháng trước khi mất ông đã viết cho những nhà kinh tế cùng thời với mình, “tôi không thể lý giải được về rượu vang được giữ trong hầm rượu từ 3-4 năm, hay được giữ trong những thùng gỗ sồi, vốn có lẽ chỉ có chi phí 2 bảng Anh tính bằng sức lao động, nhưng lại có giá trị lên tới cả 100 bảng” (Vivo 1987, 193). Ngay cả Malthus cũng không đồng ý với bạn của ông, ông viết “không phải lao động cũng không phải các hàng hóa khác có thể là thước đo chính xác về giá trị thực trong trao đổi” (Ricardo 1951, 416).
Các nhà kinh tế qua nhiều năm gặp khó khăn trong việc hiểu “mô hình ngũ cốc” của Ricardo và cuốn sách giáo khoa Các nguyên lý của ông, đặc biệt là những giả định sai sự thật ông sử dụng để chứng minh cho những luận thuyết của mình. Ricardo đã từng nhận xét rằng chỉ 25 người trên toàn đất nước có thể hiểu được nó. Một thế kỷ sau, nhà kinh tế học người Chicago Frank H. Knight đã nhận xét, “có nhiều điều ở đây tôi không thể hiểu” (1959, 365). Joseph Schumpeter chỉ trích Ricardo đã khiến hầu hết những chủ thể kinh tế “bị đông cứng và bị mặc định trước” khi chất chồng “một giả định đơn giản này lên trên một giả định khác” và phát triển một lý thuyết mà “có thể không bao giờ bị bác bỏ và không thiếu thứ gì  trừ sự hợp lý” (Schumpeter 1954, 472-73). 
Có thể Keynes đã nghĩ đến Ricardo khi ông viết, “thật đáng ngạc nhiên là người ta có thể tạm thời tin vào những thứ ngu ngốc nếu người ta nghĩ về điều đó một mình quá lâu, đặc biệt là trong kinh tế” (Keynes 1973a (1936), xxiii).

John Stuart Mill gia cố cho mô hình cổ điển khiếm khuyết

Tuy nhiên David Ricardo có khả năng thuyết phục hầu hết những người đương thời về thuyết giá trị lao động và học thuyết về chủ nghĩa thị trường tự do của ông. “Ricardo đã chinh phục nước Anh hoàn toàn như Tòa án chống dị giáo (Holy Inquisition) chinh phục Tây Ban Nha,” Keynes nói (1973a (1936), 32). Chính là thông qua John Stuart Mill mà thế hệ kế tiếp đã lựa chọn mô hình cổ điển theo hệ thống của Ricardo về “xung đột giai cấp” hơn là mô hình “hài hòa lợi ích” lạc quan của Adam Smith.
Năm 1848 có ý nghĩa đặc biệt trong vấn đề này. Đó là năm của bạo loạn và biểu tình hàng loạt ở lục địa Châu Âu. Karl Marx và Friedrich Engels đã viết cuốn luận văn mang tính cách mạng của mình, Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản (The Communist Manifesto). Một nỗi ám ảnh bao trùm Châu Âu, không chỉ Chủ nghĩa cộng sản mà là một chuỗi các chủ nghĩa khác, bao gồm Chủ nghĩa Fourier, Chủ nghĩa Owen, Chủ nghĩa Saint-Simon, và thuyết tiên nghiệm (transcendentalism). 
Tất cả những chủ nghĩa này đều nằm dưới một cách diễn đạt mới là “chủ nghĩa xã hội”. Đó là chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa xã hội cách mạng và chủ nghĩa xã hội dân tộc. Tất cả đã phát triển do sự phản ứng đối với sự chuyển đổi nhanh chóng từ nền kinh tế nông thôn sang thế giới công nghiệp. Nửa đầu thế kỷ 19 là kỷ nguyên của sự bất mãn – Cuộc cách mạng công nghiệp, các cuộc chiến tranh của Napoleon và cuộc nổi dậy đòi dân chủ trên toàn Châu Âu. Mô hình tăng trưởng của Adam Smith đã bị làm xói mòn bởi những nghiên cứu gây nản lòng của Malthus và Ricardo. Các cuộc nổi loạn của số đông năm 1848 phản ánh những khó khăn thực tế của việc điều chỉnh cho phù hợp với một kỷ nguyên công nghiệp mới.
Năm 1848 cũng là một năm có ý nghĩa đối với John Stuart Mill và sự ảnh hưởng của ông đối với thế giới: đó là năm xuất bản cuốn sách giáo khoa của Mill, Những nguyên lý của kinh tế chính trị học (Principles of Political Economy), một tác phẩm vượt trội trong thế giới phương Tây trong nửa thế kỷ, qua 23 lần tái bản, đến khi cuốn sách giáo khoa của Alfred Marshall thống lĩnh vào năm 1890.
Chính cuốn sách giáo khoa của Mill đã tuyên bố rằng các quy luật sản xuất được xác định một cách khách quan nhưng các quy luật phân phối lại biến đổi.“Phân phối của cải chỉ là một vấn đề của việc tổ chức loài người. Họ có thể đưa chúng (hàng hóa) cho bất cứ ai mà họ muốn và với bất cứ điều kiện nào” (Mill 1884
(1848), 155). Ông nói thêm, “nếu phải lựa chọn giữa Chủ nghĩa cộng sản cùng với tất cả cơ hội thành công của nó và hiện trạng xã hội bây giờ với tất cả những đau khổ và bất công thì mọi khó khăn dù lớn hay nhỏ của Chủ nghĩa cộng sản cũng sẽ chỉ như là hạt cát trên bàn cân” (1884 (1851), 159). Cuốn sách của ông cũng đặt câu hỏi về tính xác thực của tài sản tư nhân. Mill là sự phản ánh thời đại của ông, bí ẩn và lu mờ trong thời đại của tình trạng hỗn loạn. Theo nhiều cách, ông là hiện thân của một anh hùng bi kịch Hy Lạp, một nhân vật chính quyết đoán, người đã kết thúc sự nghiệp của mình trong bất hạnh khôn cùng, trong đó có cái chết sớm của người vợ Harriet yêu quý của ông. Đây là một trí tuệ tuyệt vời, một nhà tư tưởng tự do cổ điển và quan trọng cuối cùng của trường phái kinh tế học cổ điển. Giống như Ricardo, Mill tán thành quyền tự do cá nhân trong cuốn Bàn về tự do (On Liberty) (1989 [1859]). Ông bảo 
vệ mạnh mẽ các quy luật thị trường của Say, nền tảng của kinh tế học vĩ mô cổ điển, và phản đối tiền giấy không hoàn lại được. Ông phản đối đạo đức cưỡng chế, sự không khoan dung và tín ngưỡng quốc gia. Và ông là một người ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ. 
Tuy nhiên Mill nổi tiếng về sự không thống nhất và mâu thuẫn của mình. Ông bảo vệ doanh nghiệp tự do nhưng lại khẳng định mình là nhà xã hội chủ nghĩa. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã cân nhắc theo đuổi chủ nghĩa xã hội, ủng hộ sự thay đổi cách mạng trong văn hóa dưới thời kỳ của nữ hoàng Victoria, đả kích sự đông dân số quá mức, và ủng hộ học thuyết phân phối của Ricardo, tách biệt hoàn toàn sản xuất ra khỏi phân phối [4]. 
Lòng cảm mến của ông đối với chủ
nghĩa thỏa dụng của Bentham đã làm rối trí ông khi coi sự can thiệp thường xuyên của chính phủ vào nền kinh tế là bình thường. Ông không thấy điều gì sai trái trong việc đánh thuế cao đối với các tài sản thừa kế cũng như quốc hữu hóa đất và nghi ngờ tính công bằng của tài sản tư. Theo Friedrich Hayek, chính lối tư duy này đã dẫn các trí thức tới việc ủng hộ mọi hình thức tấn công vào các của cải, tài sản, cũng như ủng hộ thuế nặng và các chương trình sung công nhằm mục đích phân phối lại của cải và thu nhập trong khi cho rằng những chương trình cấp tiến như vậy sẽ được hoàn thành mà không gây tổn thương đối với tăng trưởng kinh tế. Hayek nhận định rằng “Cá nhân tôi tin rằng lý do khiến các trí thức đi theo chủ nghĩa xã hội chính là một người được coi là người anh hùng vĩ đại của chủ nghĩa tự do cổ điển, đó chính là John Stuart Mill” (Boaz 1997, 50). Mill đã gây ảnh hưởng đối với các trí thức, từ H.G. Wells đến Sidney và Bea-trice Webb, khiến họ đi theo tư duy xã hội chủ nghĩa quá nhiều đến mức Sir William, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh đã nhận xét vào năm 1884, “tất cả chúng ta bây giờ là những nhà xã hội chủ nghĩa” (Stafford 1998, 18). Phải mất nhiều năm sau, khi các nhà kinh tế nhận thức được phân tích cận biên, thì họ mới chống lại những người ủng hộ sự phân chia lại của cải một cách cấp tiến – đó chính là những người lập luận rằng lý thuyết phân phối không thể tách rời khỏi lý thuyết sản xuất.
Theo cuộc cách mạng của những người ủng hộ phân tích cận biên, những nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ được trả công dựa trên sức lao động của họ, chính là dựa trên sản phẩm cận biên khấu trừ, và thuế cao sẽ bóp méo động lực sản xuất của họ. Các biện pháp xã hội chủ nghĩa nhằm phân phối lại của cải và thu nhập đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế sâu sắc. Như Hayek nhận định “Nếu như chúng ta 
làm bất kỳ điều gì mà chúng ta muốn với sản phẩm nào đó thì mọi người sẽ không bao giờ sản xuất những thứ đó nữa” (Boaz 1997, 50). 
Mill phê bình chủ nghĩa xã hội cách mạng, nhưng lại biểu lộ sự cảm thông đáng kể đối với chủ nghĩa cộng đồng không tưởng, cái được vận hành bằng lương tâm xã hội và không có sự cưỡng chế. Đây là một loại chủ nghĩa xã hội mà ông ủng hộ. Do đó, Mill đã thiết lập giai đoạn “đổ dốc bắt đầu từ sự ôn hòa của thế kỷ mười tám và chủ nghĩa bảo thủ của David Hume cho đến chủ nghĩa xã hội Fabian và chủ nghĩa tập thể của Beatrice Webb” (Stafford 1998, 19).
John Stuart Mill mong muốn thấy được sự hạnh phúc từ một ngôi làng theo chủ nghĩa cộng đồng tự nguyện, nhưng tất cả những cộng đồng như vậy đã cùng chịu đựng một khiếm quyết: chúng không bao giờ kéo dài. Sự hòa hợp mới (New Harmony), Thời đại tân tiến (Modern Times), Trật tự thống nhất (United Order) – tất cả đều mang những cái tên mỹ miều, nhưng rốt cuộc đã tan rã do lười biếng, nợ nần và gian lận.

Ngành khoa học buồn thảm?

Thomas Carlyle (1795-1881), nhà phê bình người Anh, là người đã chỉ trích kinh tế học cổ điển của Malthus, Ricardo và Mill và gọi nó là “ngành khoa học buồn thảm”, vì ông cho rằng cạnh tranh tự do và nền dân chủ vị lợi sẽ dẫn đến “tình trạng vô chính phủ cộng với cảnh sát”. Nhìn vào sự bi quan của quy luật sắt về tiền lương tối thiểu và tính khắc nghiệt của Mẹ Thiên nhiên, Carlyle đã nhìn thấy một quan điểm bi quan hơn về thị trường phổ quát. Là một nhà luân lý học bảo thủ, lãng mạn dưới thời Victoria, Carlyle đã phàn nàn rằng cầu và cung đặt ra cái giá cho mọi thứ, và “giảm vai trò của chính quyền xuống thành chỉ để con người được tự do làm những gì họ muốn,” dẫn đến “một ngành khoa học ảm đạm, bơ vơ và khốn khổ, đau đớn và… buồn thảm” (Carlyle 1904, IV, 353-54).
Kinh tế học cổ điển, như đã được mô tả bởi Carlyle, đã đẩy phương Tây đến sự mất cân bằng tri thức. Không lâu sau thời kỳ của Mill, một hình thái mới của chủ nghĩa xã hội đã đến, đó là một loại cách mạng bạo lực. Nếu những công dân cùng thời không thể bị thuyết phục để hợp tác và thoát khỏi những yếu kém của tình trạng vô chính phủ và cạnh tranh man rợ, thì sau đó họ bị buộc phải phục tùng thông qua nắm đấm sắt và lưỡi lê. Dần dần, các nhà cải cách hướng cái nhìn đến một nhân vật uy tín, nhà kinh tế thứ hai trong số “ba nhà kinh tế khổng lồ”: Karl Marx – chủ đề của chương tiếp theo.
———-
[2] Để biết một phân tích mang tính phê phán đối với kinh tế học của Sraffa, xem Mark Blaug, Economics Through the Looking Glass: The Distorted Perspective of the New Palgrave Dictionary of Economics (1988).
[3] Một nhà đầu cơ thành công, người đã làm giàu từ công việc của một người đầu cơ chứng khoán và người đấu thầu các khoản vay chính phủ trong suốt các cuộc chiến tranh của Napoleon. Xem bài viết của tôi, “How Ricardo Became the Richest Economist in History,” The Making of Modern Economics (2001, 96–97).
[4] Một vài nhà phê bình đã đổ lỗi câu chuyện tình và đám cưới với Harriet Taylor cho thiên hướng chủ nghĩa xã hội của ông. Xem Skousen (2001, 118-19).
Nguồn: Mark Skousen (2007). “From Smith to Marx: The Rise and Fall of Classical Economics” in M. Skousen, The Big Three in Economics: Adam Smith, Karl Marx, And John Maynard Keynes (New York: M.E.Sharpe), pp. 46-63.
Biên dịch và Hiệu đính: Viện Chiến lược Phát triển
(Hết)