Đó là một chiều thu tháng 10 buồn bã, tôi vô tình bắt gặp hình ảnh nhiều chữ bên dưới và thầm nhủ: "Chà, phim ảnh bây giờ cũng giống khoai lang dưa hấu rồi hay sao? Hay người Việt Nam cứ khóc lóc mãi nó quen đi?".
Image result for trời sáng rồi ta đi ngủ thôi
Đây là thumbnail.
Tôi vốn thích thể loại indie (viết tắt của independent, nghĩa là độc lập), vì nó vốn gần gũi với tôi hơn cả. Cho những ai chưa biết, Indie vốn là thuật ngữ dành riêng cho âm nhạc, để chỉ thể loại nhạc mà bạn tự sáng tác, tự đàn, tự hát, tự thu âm và tự lo luôn việc public tác phẩm của mình. Sau này chúng ta có thêm game indie, phim indie... đại loại chỉ những người hay nhóm người tạo ra sản phẩm một cách độc lập.
Cá nhân tôi xem indie thuộc nhóm tier 2, là bước đệm để bước đến các nhóm tier 1 như thị trường hay hàn lâm, chứ bản thân indie không thể đặt chung mâm so sánh với "thị trường" (nhạc thị trường, phim thị trường vs nhạc indie, phim indie... kiểu kiểu thế).
Image may contain: 1 person, text

Vì theo tôi quan sát, hầu hết những tác giả indie sau này đều trở thành "gà" của các công ty và có cả ekip đằng sau chống lưng, chứ không duy trì mãi sự độc lập đã nuôi họ trưởng thành. Chúng ta có Vũ chấm, Đen hay Sơn Tùng ở lĩnh vực âm nhạc, Huyme hay FapTV ở lĩnh vực vlog-youtuber... Những cá nhân/nhóm này đều được cộng đồng biết đến nhờ những sản phẩm tự thân, nhưng sau đó nhanh chóng phát triển nhờ vào các ekip chuyên nghiệp.
Có thể thấy, indie là vùng đất màu mỡ để thể hiện cái tôi vô tư và tài năng của các cá nhân đặc biệt, nhưng chưa bao giờ là đích đến hay nơi họ thuộc về. Những nghệ sĩ indie thường chỉ có một nhóm nhỏ khán giả (nhóm khán giả này cũng thường tự xem mình đặc biệt nữa) và sản phẩm của họ không phổ biến với khán giả đại chúng (và nhiều người cũng nghĩ đây là điều đặc biệt).
Thật ra hai điều trên chả có gì đặc biệt, cũng chả phải lý do hợp lý để cho rằng indie đặc biệt hơn các thể loại khác. Điều đặc biệt là khi một nghệ sĩ indie trở nên nổi tiếng với công chúng, thì họ bỗng chốc không còn là nghệ sĩ indie nữa mà đều thuộc về công ty, ekip chuyên biệt nào đó. Indie cứ như vùng thị xã giữa làng quê và thành phố, nơi mà mọi người luôn sẵn sàng rời đi khi có đầy đủ điều kiện.
Image result for trời sáng rồi ta đi ngủ thôi

Trong bối cảnh mầm mống của chủ nghĩa Hậu hiện đại đang dần phát triển, người ta dễ dàng suy từ những điều ít người biết, thành những điều hay ho, đặc biệt hoặc đặc biệt hay ho. Buồn cười hơn nữa khi fan của Vũ chấm (hay các ca sĩ indie khác) vẫn thường bình luận rằng "trả Vũ lúc trước lại cho em", hay "nhạc này hay nhưng mình không muốn ai biết tới cả"... cứ như thể nhiều người biết đến thì tự dưng nhạc sẽ hết hay, hoặc ca sĩ sẽ hát dở nếu nổi tiếng vậy. Sự khác biệt, thật ra đến từ cái tôi đang thổn thức của những đứa trẻ bỗng dưng bị cướp mất một chiếc bánh được chế tác đặc biệt dành riêng cho nó (à ờ ờ, làm gì có cái bánh nào giống cái bánh nào đâu, special cookies lmao).
Điều này, có lẽ cũng giống với tâm lý của cả những người nghệ sĩ indie, tâm lý cho rằng mình đang làm điều gì đó đặc biệt nhưng bị thời thế thất sủng.
Nào, chúng ta cùng bất đầu đấm nhau cho tỉnh ra thôi.

Tác phẩm hay thì không cần kêu gọi

Indie không nên là đặc quyền để được ưu ái châm chước chuyện chất lượng, đặc biệt khi đã tung sản phẩm ra thị trường để cạnh tranh.
Không ai có quyền yêu cầu các bạn phải tạo ra những tác phẩm chất lượng với kinh phí thấp, cũng như các bạn không có quyền bắt người khác phải thích những tác phẩm kém chất lượng của mình bằng những lý do mà ai cũng biết. Thị trường có quy luật của riêng nó, khi quyết định tham gia vào cuộc chơi này, điều tiên quyết là các bạn phải hiểu và chấp nhận luật chơi, chứ không nên làm Chí Phèo.
(thật ra làm phim về Chí Phèo còn hay hơn nè)
Những lý do về mặt kinh phí, kinh nghiệm hay tiềm lực có hạn, ai cũng biết không cần các bạn phải kể, nhưng thứ bạn và mọi người quan tâm đến (và nên quan tâm đến) luôn là việc sản phẩm cuối cùng trông như thế nào.
Những bộ phim indie như Trời sáng rồi, ta đi ngủ thôi hay Nhắm mắt thấy mùa hè đều không tệ, nhưng chẳng có gì đặc biệt. Những bộ phim chỉ như MV mở rộng cho bài hát chủ đề của phim, với một kịch bản nông cạn, diễn xuất vừa đủ, kỹ thuật vừa đủ... thất bại về mặt thị trường là điều có thể thấy trước. Để tôi nhắc lại cho các bạn biết, phim của các bạn thất bại không phải vì thị hiếu khán giả, cũng không phải vì thời thế không ủng hộ, phim của các bạn thất bại vì nó chưa đủ hay. Chỉ đơn giản thế thôi.
Phim indie hay phim kinh phí thấp vốn không mới trong giới yêu điện ảnh. Nhưng những bộ phim indie hay đều thành công nhờ kịch bản có chiều sâu, câu chuyện độc đáo và cách khai thác tốt, chứ chưa bao giờ hay chỉ vì nó là... indie. Tiêu biểu có thể kể đến: Reservoir Dogs, Before Sun Rise, Momento, Pulp Fiction, Requiem For A Dream, 500 Days Of Summer...
Tôi biết có những khó khăn rõ ràng giữa nền điện ảnh nước nhà và thế giới, nhưng chỉ không muốn các bạn phải đi cầu xin để khiến tình hình trở nên tệ hơn. Vì cầu xin một là không khiến tác phẩm của các bạn hay lên được, hai là tạo bias như thể thất bại của các bạn là yếu tố khách quan. 

Life is just so hard, but you dont have the right to say that out loud.

''Vì cộng đồng'' và giới hạn của sự cầu xin

Dù ủng hộ hết mức có thể, khán giả cũng chỉ đi xem một lần hoặc hai lần, chứ không thể thay đổi quan điểm hay dở về bộ phim nào đó. Thú thật, nếu là tôi, tôi cũng chẳng vui vẻ gì nếu biết mọi người rủ nhau đi xem phim của mình chỉ vì thương hại và muốn "giải cứu điện ảnh indie".
Lúc trước tôi có dịp đi bàn chuyện xuất bản sách bán cho cộng đồng với ông anh, ông chủ của công ty sách nọ có dặn dò "có cộng đồng để bán là tốt, nhưng sự ủng hộ của họ cũng có giới hạn thôi, muốn thành công phải nghĩ xa hơn nữa". Sự ủng hộ cũng như lòng kiên nhẫn của cộng đồng là thứ tài nguyên có hạn và cần được khai thác hiệu quả trong thời gian ngắn để có thể tiến xa hơn. Và chỉ đến thế thôi.
Image result for trời sáng rồi ta đi ngủ thôi

Có lẽ cũng nhiều bạn biết đến dự án Việt Sử Kiêu Hùng, nhân đây mình muốn kể vài chuyện. Thật ra chuyện của team mình không muốn nhắc đến vì cũng không đóng góp được gì, nhưng vì nghe tin team sắp dừng dự án nên mình cũng vui vui nên muốn chia sẻ. Thú thật, mình thấy dự án này đã hút cạn tài nguyên và sinh lực của các thành viên trong team rất nhiều, và dừng lại dù không phải quyết định vui vẻ nhưng theo mình là quyết định đúng đắn. 
Cá nhân mình không quan tâm đến dự án này, mà chỉ quan tâm đến những người trong team. Kể từ những ngày đầu gặp mặt cho đến lần gần nhất trông thấy các thành viên của team, dự án "vì cộng đồng" dường như hút cạn sức lực của những nghệ sĩ trẻ. Tất cả, có lẽ cũng vì vấn đề nguồn lực. Mình cảm thấy vui vì rốt cuộc các nghệ sĩ trẻ đã thôi phải chạy deadline từ đồng tiền "xin" từ cộng đồng, không phải chịu áp lực vì đang "làm vì cộng đồng" (như kiểu cống hiến cho một chân lý nào đó ấy), hay leader của team không phải thao thức mất ngủ nghĩ xem nên làm thế nào để cứu dự án và cứu team như thể đang cứu lấy điều ý nghĩa cuối cùng của đời mình. 
Mình vui vì mọi người quyết định dừng lại sau một dự án (như bao dự án khác) và học được điều gì đó từ nó.
Một bộ phim, một dự án hay bất kỳ điều gì khác muốn thành công và được công nhận cần rất nhiều nỗ lực mang tính kỹ thuật của nhiều người, chứ không phải chỉ đam mê, máu lửa hay những tính từ mỹ miều thường xuất hiện trong truyện cổ tích.
Tài năng của những nghệ sĩ indie trẻ là không thể phủ nhận, nhưng nếu đặt vào bàn cân so sánh với những người trong nghề cũng chẳng đáng bao. Mình nghĩ có thể các bạn còn giỏi hơn rất rất nhiều người khác, nhưng tư duy chơi với thị trường vẫn còn non nớt. Đấy là riêng mình nghĩ thế.
Image result for indie
(Source: INDIE SALES)

Dành cho những người hâm mộ indie thượng đẳng

Thật ra tôi không muốn quá khắt khe với các ekip indie Việt, vì vốn dĩ chẳng thể giúp gì cho họ mà cứ chê thì cũng chả ra làm sao. Cái tôi muốn nhắm đến không phải là cá nhân hay tập thể, mà là hiện tượng. Tôi không thích việc cầu xin khi tung sản phẩm ra thị trường, và cũng không thích việc thượng đẳng của các fan indie. Phần sau đây sẽ chỉ nhắm vào những fan indie thượng đẳng, thượng đẳng như nào có lẽ định nghĩa cũng đã mơ hồ xuất hiện trong đầu các bạn từ lâu nay.
Để tôi nhắc lại cho các bạn nhớ, TẤT CẢ những bộ phim indie Việt từng xuất hiện và thất bại là do họ kém, chứ không phải do thị hiếu người xem hay do indie là thể loại phim gì đó quá ư cao siêu (thật ra indie là từ thiên về cách thức sản xuất hơn là thể loại chuyên biệt).
Những người làm phim thị trường họ cũng phải lao động, phải nỗ lực và dồn rất nhiều nguồn lực, chứ không phải ngồi chơi xơi bát vàng. Và không như các bạn nghĩ đâu, phim thị trường Việt cũng lỗ sặc máu chứ không phải thành công gì. 
Tất cả đều do bài toán thị trường được giải không tốt, và do nhà sản xuất kém, thế thôi.
Một bộ phim đến được trước mắt bạn và bạn khen hay, thì phía sau nó là hàng trăm câu chuyện nỗ lực của hàng nghìn người. Họ đã phải đem kịch bản đi khắp nơi để xin đầu tư, phải tìm kiếm mỏi mắt những tài năng phù hợp, phải làm việc liên tục suốt mười mấy h/ngày để hoàn thành sản phẩm tốt nhất và phải lo cả việc có thể xuất bản phim.
Việc một bộ phim bị chê (nhất là khi nó không hay thật), chưa bao giờ là "thị hiếu người Việt thật đáng báo động" hay "khán giả Việt coi như bỏ". Tôi nghĩ các bạn đã đánh giá quá cao trải nghiệm của bản thân, cũng như cách các nhà làm phim đánh giá quá cao sản phẩm của họ. Những tác phẩm hay, bất hủ... từ trước đến nay được định nghĩa là nhờ các thước đo của thị trường, của khán giả, của số đông thị hiếu người xem.
Tức là, một mặt các bạn khen những bộ phim hay từ cổ chí kim (mà quên mất nó được đánh giá hay là nhờ khán giả đánh giá hay), mặt khác các bạn lại chê khán giả không biết xem phim khi nhận xét trái ý của bạn. Quả là tiêu chuẩn kép.
Việc khóc lóc của những nhà sản xuất phim Việt không phải mới, nên tôi mới bảo chắc người Việt khóc mãi nó quen đi. Ngô Thanh Vân không phim nào là không khóc. Các phim khác, diễn viên chưa đủ tuổi, không khóc được thì phải tạo drama. Lượng người xem gia tăng nhờ chiêu trò khóc lóc hay drama không thể thay đổi sự thật về phim hay hay dở được. Rốt cuộc, khán giả mất niềm tin vào phim Việt, còn nhà sản xuất chỉ trông chờ vào khóc lóc và drama.
Điều đáng buồn là, tôi nghĩ các nhà làm phim indie thì nó phải khác đi, ai dè cũng lại khóc lóc tiếp. 
Tóm lại, tôi khẳng định phim indie Việt thất bại là do họ "chưa đủ tuổi" và nên cố gắng thay vì khóc lóc. Còn khán giả muốn ủng hộ thì cứ việc, nhưng đừng nói về "thị hiếu người Việt kém" chỉ vì họ không thích những bộ phim tầm tầm nông cạn. 
Thay vì "làm từ thiện" cho các nhà làm phim cả trẻ lẫn già ở Việt Nam, tôi nghĩ các bạn nên khắt khe hơn với tất cả. Vì dễ dãi là một biểu hiện của thị hiếu kém. Vì ủng hộ chẳng giúp những đoàn làm phim mít ướt khá lên được. Và vì như thế là bất công với những người đang âm thầm nỗ lực mà chưa một lần kêu khóc. 

Thế giới phẳng, luật chơi công bằng rồi, khóc mãi thì bao giờ mới khá lên? Mà có phải vì bất công gì cho cam, là do mình kém cơ mà.

Khoai lang, dưa hấu năm nào cũng khóc vì không giải được bài toán cung cầu. Giới nghệ sĩ nay cũng tập khóc lóc vì phim chả ai xem. Thiết nghĩ những kiến thức căn bản ở trường chẳng ai thèm quan tâm, họ chỉ nghĩ rằng mình đang làm đúng và cứ thế mà làm còn việc của thế giới là nên đối xử với họ tốt hơn?
Trời sáng rồi, đừng mơ ngủ nữa các bạn ơi!

Hình ảnh từ bộ phim Trời sáng rồi, ta đi ngủ thôi!