Trở về với đứa trẻ bên trong bạn
Cách chúng ta đối xử với bản thân là nội tâm hóa cách người khác từng đối xử với mình. Đồng thời, đó cũng là cách ta phản hồi chính mình, về những gì mà tâm hồn đứa trẻ bên trong xứng đáng được nâng niu.
Cách chúng ta đối xử với bản thân là nội tâm hóa cách người khác từng đối xử với mình.
Thật kỳ lạ nhưng một người luôn có nhiều mục tiêu, ước mơ, kỳ vọng như tôi lại từng trải qua những ngày ngán sống. Như đứa trẻ tha thiết vào đời nay lại tất tưởi muốn chạy thoát khỏi cảm giác nhận thức quá rõ về chính mình, cuống cuồng, ủ ê, phức tạp nhưng không hề lấp lánh như tưởng tượng của một gã trưởng thành.
Cách chúng ta đối xử với bản thân là nội tâm hóa cách người khác từng đối xử với mình. Đồng thời, đó cũng là cách ta phản hồi chính mình, về những gì mà tâm hồn đứa trẻ bên trong xứng đáng được nâng niu.
Nhưng tôi đã không làm điều dịu dàng ấy sớm hơn, cho đến khi tôi phát hiện mình không thể chịu đựng những cảm giác héo mòn đó nữa.
Gần 2 năm nay, tôi bắt đầu nghĩ nhiều hơn về việc tử tế với chính mình. Tôi ngồi xuống và xâu chuỗi lại tất cả những vấn đề của bản thân – khi mà mỗi ngày trôi qua vẫn thấy mình lạc lõng, và muốn hóa thân thành một cái cây hay một thứ gì đó vô tri?
Tôi luôn thấy nhàn nhạt với việc để tâm đến chính mình, từ ngoại hình, đến những cảm xúc bên trong. Mỗi sáng tôi vẫn thức dậy, cố xốc mình khỏi cơn đau đầu, và tiếp tục ra ngoài – đi làm và đi học như những cái máy. Tôi vẫn luôn khát khao những điều tích cực, tự thay đổi mình, muốn mình tốt lên, học cách yêu lấy những khuyết điểm của bản thân. Nhưng thật ra, tôi chưa bao giờ nỗ lực để làm điều đó như cái cách trước giờ tôi vẫn cố vận hành mọi việc. Mọi người thường nhận xét những công việc tôi làm ít nhiều cũng tạo ra tác động nhất định đến cộng đồng xung quanh tôi. Mọi người cho rằng tôi là một người truyền cảm hứng, một người sống lề lối và kỷ luật, hay một người luôn biết rõ chính mình. Điều đó có phần đúng, nhưng sự thật còn lại dưới tảng băng thì không tốt đẹp và dễ dàng như thế.
Tôi luôn nhìn mọi người xung quanh bằng một chuỗi những lý do, pha chút đồng cảm. Không cần đặt mình vào họ nhưng lại mãnh liệt nhật ra họ cũng vừa đi qua những nẻo đường cô đơn, và đau đớn.
Tôi đã từng gặp rất nhiều người mỏi mệt, chán nản, và luôn cho rằng họ được tạo ra từ những lắng lo không ngừng nghỉ. Như thể tất cả mọi thứ xảy ra trên đời đều có thể phá vỡ toàn bộ nỗ lực của họ. Họ bỏ bê chính mình, sa lầy, và đứng sững lại hoặc nằm lại đâu đó rất lâu.
Nhưng dù không thừa nhận, tôi lại thấy mình đâu đó trong câu chuyện của những người tôi từng gặp: người luôn rã rời, cố gắng làm tất cả những mục tiêu, và rồi chối bỏ mọi thành tựu. Tôi luôn biết rõ ràng mình muốn gì, nhưng lại không thể làm cho mình thấy hạnh phúc hơn. Lúc ấy chắc tôi đang đứng giữa ranh giới giữa việc tử tế hay bỏ mặc đứa trẻ trong tâm trí mình.
Thời gian trôi qua, tôi nhận ra mọi sự ngờ vực và đồng cảm ấy lại trở thành trăn trở cá nhân – về những gì tôi đang làm cho chính mình – và bằng cách nào mà con người có thể học cách tử tế với đứa trẻ bên trong mình thế nhỉ?
Trong những khoảnh khắc ấy, ắt hẳn là tôi đã tự nhiên tưởng tượng rằng mọi người phải ghét tôi lắm. Vì những cảm giác nặng nề mà tôi vô tình mang vào cuộc đời họ. Mọi người có thể choàng lên tôi vô số những lời động viên, cho đến những suy đoán, thậm chí là ngờ vực về chuyện tôi là người kỳ lạ thế nào,… Ắt hẳn đó là một bức tường giả dối, về một con người luôn mâu thuẫn, làm những việc của người hạnh phúc với một trái tim vô cùng tổn thương.
Tôi tin, những lời đồn sẽ rỉ rả trong đám đông, ngay khi ta vừa bước ra khỏi một căn phòng nào đó.
Sau tất cả, chỉ có ta mới là người cuối cùng chậm rãi ngồi lại với đứa trẻ bên trong mình, lặng im lắng nghe, và cảm nhận, rồi tự ôm lấy nó. Kỳ thật thì chẳng ai muốn đeo mang nhiều nỗi niềm suốt một hành trình dài mỏi mệt. Ai cũng mưu cầu hạnh phúc, nhưng con đường hạnh phúc và cảm giác tử tế với chính mình trong lòng mỗi người đều có vô số những hình dung khác nhau.
Tôi nhớ rõ cảm giác giật mình đã từng nhộn nhạo trong lòng rất lâu khi đọc bản dịch thơ của bài ”Buổi sáng sau ngày tôi tự sát” – Meggie Royer
”Buổi sáng sau ngày tôi tự sát,
Tôi đã cố trở lại thật lâu
Nhưng hóa ra, mãi là không thể
Cứu vãn được điều tôi bắt đầu…”
Tôi tự hỏi mình rất lâu, trong suốt hơn 20 năm nay, rằng tôi đã đánh mất những lấp lánh của hạnh phúc, sự vui tươi, sự đơn thuần ở đâu rồi?
Tôi chỉ mới 23 tuổi, cái tuổi mà nhiều người còn lắm mộng mơ với rất nhiều năng lượng yêu thương dành cho bản thân. Còn tôi vẫn luôn loay hoay kiếm tìm cảm giác tử tế với chính mình. Tôi đã hứa với mình không biết bao lần về việc rất đơn giản: ngủ sớm, học cách chăm sóc tốt cho mình, không làm quá sức, cân bằng giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần,…Và tôi đã thất hứa nhiều lần.
Mãi cho tới tháng 1/2020 sau hàng loạt những biến cố, những đêm ngổn ngang trong đời mình, khi mà sự tiêu cực vượt quá giới hạn của sự chịu đựng, tôi như một chiếc hộp nổ tung. Và từ đó, tôi bắt đầu thấy mình khác đi, chính xác hơn, tôi trở thành một người hoàn toàn khác so với trạng thái tồi tệ trước đây.
1. Tôi bắt đầu dành nhiều thời gian cho chính mình
2. Tôi bắt đầu học cách nói KHÔNG
3. Học cách nói lời cảm ơn chính mình, bao dung tất cả những nỗi đau, trân trọng những gì mình đã nỗ lực để đạt được, và buông tay để những mất mát đã qua được bay lên nhẹ nhàng
Tôi đã làm một cuộc thí nghiệm cố gắng tử tế nhất có thể với chính tôi. Thay vì cố làm méo mó mọi kết quả, tôi tiếp nhận và sàn lọc tâm trí mình bằng những ý nghĩ tử tế và bình yên nhất.
Tôi tạo ra một căn phòng nơi mà tôi thấy thoải mái khi kể về mọi thứ, tái hiện lại quá khứ, và trao đổi với chính mình về những việc đã đi ngang qua đời mình.
Tôi chấp nhận những điều không mấy vui vẻ, những kết quả không mong muốn, thất bại, những nỗi đau, những lời lẽ vô tình mà tôi đã gánh chịu,…dần dần, từng ngày trôi qua, tôi cố nhớ lại để quên đi một cách nhẹ nhàng nhất. Không cưỡng lại, không tức giận, không oán trách, không che giấu, tôi cứ như thế lột trần tâm trí mình trước mặt mình.
Tôi nhận ra chỉ cần tự hỏi mình một câu hỏi rất đơn giản (tuy nhiên tôi đã bỏ qua quá lâu): Tôi yêu thích bản thân mình bao nhiêu?
Đứa trẻ bên trong tôi đã học được quá nhiều về sự thiếu lòng thương xót, về sự hoảng loạn, về sự nghi ngờ bản thân và thấy mình quẩn quanh không lối thoát. Bây giờ là lúc nó cần khám phá lại những đức tính của sự tha thứ, lòng thương xót, sự bình tĩnh và dịu dàng. Mà điều đó, thật may mắn, tôi đã tìm lại được vào một ngày hè năm 2021.
Tháng 09 năm 2021
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất