“Xem gì lúc ăn cơm?” là câu hỏi đau não thứ 2 trong ngày sau “Hôm nay ăn gì?”. Tối hôm đó, mình đã quyết định xem thử show “Ký ức vui vẻ” do chú Lại Văn Sâm dẫn. Và tất nhiên, như tiêu đề bài viết, trò puzzle đã xuất hiện vào phút thứ 50. 
Mình nhớ những ngày còn bé xíu, mình nằng nặc đòi mẹ mua sữa để được tặng thưởng đồ chơi, nếu may mắn có được một bộ puzzle thì mê phải biết. Lớn hơn một xíu, từ “điện thoại di động” bắt đầu xuất hiện trong cuộc sống mình. Mà hồi đó, phần game ngoài trò rắn kinh điển, bắn đĩa bay với xếp hình, còn gì khác nữa đâu? Cứ mỗi lần cậu từ Hà Nội về là mình lại mon men mượn điện thoại. Một đêm mùa hè nào đó, khi cả nhà vỗ đùi đen đét khi xem World Cup, mình ngồi một chỗ và hí hoáy… chơi puzzle. 
Khung puzzle luôn tồn tại những khoảng trống, và cũng có một khoảng trống lớn từ đêm mùa hè năm ấy tới buổi tối vừa ăn cơm vừa xem “Ký ức vui vẻ” sau này.
Mình tải puzzle về chơi. 
Mình nhận ra “đứa trẻ” ngày nào vẫn còn ở đó, chỉ khác là ngoài sự háo hức ban đầu, nó học được thêm nhiều thứ. 

01. Tìm một cái phao

Mình thử thách bản thân bằng cách chỉ nhìn tranh mẫu một lần, sau đó tự lần mò để ghép lại. Bức đầu tiên mình chọn là hình một chú chó nằm trên bãi cỏ. Khởi động đơn giản thôi ha… Nhưng mình đã nhầm!! Khi nhìn 100 mảnh chỉ toàn xanh lá với nâu, mình cảm giác bị ném ra giữa biển và không biết phải bơi về đâu cả. Mất 5s để trấn tĩnh, mình biết mình-cần-một-cái-phao. 
“Phao cứu hộ” của mình là những cạnh thẳng của miếng ghép. Dựa vào cạnh, mình lọc ra các miếng ở bốn viền ngoài cùng. Từ những mảnh ghép đã phân loại, mình thử và ghép hoàn chỉnh bốn hàng đầu tiên. 

02. Chia để trị 

Bức tranh của mình có ba màu chính: xanh lá của cỏ, nâu của chó và trắng của trời. Trong đó, màu trắng là màu ít diện tích nhất nên sẽ được ưu tiên ghép đầu tiên. Mình để riêng các mảnh màu xanh, nâu, trắng và “tấn công” những mảnh màu trắng trước. 

03. Chọn một điểm để bắt đầu

Dựa vào những khoảng loang màu, mình có thể ghép tiếp những mảnh ở “biên giới”, nhưng xong hàng đó thì cũng...đứng hình. Nhắm mắt nhớ lại bố cục của tranh mẫu, mình quyết định nhặt ra các mảnh đặc biệt để xếp trước. Đôi mắt, chiếc mũi và dây xích là ba điểm nổi bất nhất của chú chó giữa bộ lông nâu sậm. Mình tìm ghép ba phần đó trước, sau đó dựa vào đường nét để xếp tiếp các phần xung quanh. Vậy là bức tranh sơ bộ đã được hoàn thành. 

04. Hãy kiên nhẫn

Bài học lớn nhất mình học được từ bộ môn này là sự kiên nhẫn. Những bức ghép giải trí 36-225 mảnh thế này có thể chỉ mất vài phút tới vài chục phút là xong, nhưng cuộc chơi sẽ kéo dài hàng ngày, hàng tuần nếu bộ ghép của bạn có cả nghìn miếng. Không phải lúc nào thành quả cũng đến một sớm một chiều, dành thời gian càng lâu, trái càng chín ngọt.
Có lẽ không có nhiều khoảng trống như thế từ lần cuối mình chơi puzzle, có lẽ những bài học này đã theo mình suốt từ những ngày ấy. 
Khi bơi lóp ngóp giữa biển bài tập hay công việc, mình luôn tìm những cái phao đầu tiên (gạch ý chính cần làm ra trước); chia nhỏ để trị (giải quyết riêng từng đầu việc); chọn một điểm để bắt đầu (học/làm những phần cốt lõi trước, những phần sau sẽ dễ xử lý hơn nhiều); kiên nhẫn (deadline không tự sinh ra và mất đi, nó chỉ chuyển từ ngày này qua ngày khác). 
Nếu cuộc sống này là một bộ puzzle, mình sẽ lật ngược lật xuôi từng mảnh một, có những lúc “không khớp”, có những lúc bế tắc chứ, nhưng cứ chơi đi, rồi sẽ hoàn thiện thôi mà?