Trò chuyện với chính mình: Nên quan tâm và không quan tâm những gì?
Một câu chuyện dài để tôi học cách yêu thương và sống đúng với phiên bản, con người của mình
Đêm tối tịch mịch, khoảng thời gian đại dịch này dường như đã lấy đi tất cả sự ồn ào, náo nhiệt thường thấy của một khu phố. Bất kể ban ngày cũng như ban đêm, chỉ khác nhau ở chỗ ánh sáng và bóng tối, thay thế nhau.
Có lẽ đây chính là khoảng thời gian mà Người mẹ Thiên nhiên muốn chúng ta nghỉ ngơi chăng? Tôi nghĩ phần nào là như vậy. Bởi vì, có đôi ba lần, muốn dừng lại một chút để nhìn nhận sâu hơn vào phía bên trong của bản thân, để xem nó nói gì? Nó đã thay đổi như thế nào? Nhưng rồi cái dòng chảy và sự tất bật của cuộc sống cứ thế kéo con người ta đi. Để rồi chỉ còn lại chưa đầy 3,4 tiếng đồng hồ mỗi ngày, chẳng đủ động lực để thôi thúc chúng ta quay trở về với bản thân mình nữa…
Vì có thời gian mà, cũng chẳng trò chuyện, giao tiếp nhiều với ai. Nên tôi chỉ có thể trò chuyện với chính bản thân mình thôi. Ai bảo tôi là tự kỷ cũng được, nhưng tôi thấy nó đáng lắm!
Lật giở từng trang nhật ký, ngâm nga đọc lại bản vẽ cuộc đời mình, đó là một cách để tôi thực hành trò chuyện với bản thân. Nhưng nào có phải đọc không, tôi còn phải bình phẩm nữa! Chẳng ai có thể ngồi không chiêm nghiệm mà không có bất kỳ suy nghĩ nào với phiên bản ngày xưa của chính mình.
Những câu nói tự bật phát, đại loại như “Ôi… Ngày xưa sao mà mình ngu thế?!”, “tại sao lúc ấy mình lại hành xử như vậy?”... Lúc này, bỗng chốc có rất nhiều câu hỏi tại sao, vì sao và những câu khẳng định được đặt ra. Chúng ta tập trung cũng như cảm thấy gần gũi hơn bao giờ hết, vì đây chính là quyển sách được viết ra dành cho chính bản thân mình mà không phải một ai khác xa lạ.
Tôi có dịp được học lại bài học của chính mình từ 3 năm về trước, quả là phải mất khoảng thời gian dài mới có thể nhận ra vấn đề nằm ở đâu. Bây giờ mặc dù đã lớn tuổi hơn, già đời hơn, có một cái nhìn khách quan và đúng đắn hơn. Nhưng tôi vẫn tôn trọng phiên bản chính mình của những năm tháng ấy. Bởi vì, nếu không có Tôi ngày xưa thì cũng không có Tôi của ngày hôm nay.
Đó là một câu chuyện dài để tôi học cách yêu thương và sống đúng với phiên bản, con người của mình. Vì sao tôi lại nói vậy? Chẳng phải yêu thương bản thân là điều đương nhiên hay sao, việc gì mà phải học?
Nhưng không các bạn ạ. Những năm tháng ấy, tôi chỉ biết sống vì người khác thôi. Tôi không dám có suy nghĩ cho bản thân mình, cũng chẳng có chính kiến riêng. Tôi nghe lời mọi người nói, nghe theo sự sắp đặt của số phận. Lắm lúc bản thân phải chịu nhiều ấm ức, sự bất công, nhưng tôi chẳng dám hó hé nửa lời. Tôi chấp nhận hy sinh bởi vì nghĩ rằng, nếu không làm như vậy, mọi người sẽ xa lánh và bỏ rơi tôi. Đặc biệt, nỗi sợ cô đơn hay bị cho ra rìa, đối với tôi là một điều không thể chấp nhận nổi. Vì vậy, bao quanh vỏ bọc thân xác lúc bấy giờ là hàng lớp mặt nạ dày cộp, để tôi có thể ứng phó với từng người cũng như là từng hoàn cảnh. Tôi giống như một con tắc kè hoa vậy, riết rồi thời điểm đó chẳng hiểu được đâu mới là con người thật của mình nữa.
Tôi biết đây không phải là trường hợp của riêng mình tôi. Có thể đâu đó trong thế giới rộng lớn ngoài kia, cũng rất nhiều người đang sống như chính tôi ngày trước. Nhưng tôi sẽ không trách những con người ấy sao mà nhu mì, cũng như chính việc đã hoàn toàn tha thứ cho bản thân và giờ đây, thật sự tôi đang sống, chứ không chỉ là tồn tại, một cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều.
Vậy trong chuyến hành trình trưởng thành và phát triển của mỗi chúng ta, không phải lúc nào lời nói hay hành động của bản thân cũng sẽ khiến người khác hài lòng. Đến ngay cả những vĩ nhân trong lịch sử, mặc dù được yêu thích và ủng hộ tới đâu cũng sẽ không bao giờ nhận được sự đồng lòng từ tất cả mọi người. Đó là một sự thật của cuộc sống, buộc chúng ta phải nhìn nhận một cách cân bằng.
Vậy chúng ta nên quan tâm và không nên quan tâm những gì trước vô vàn định kiến xã hội?
Đã bao giờ các bạn tự hỏi hay tưởng tượng thế này chưa?
“Có lẽ tôi sẽ thực hiện những điều mới mẻ trong thời gian này!! Ơ… Gượm đã… Nhưng mà, nếu ai đó thấy tôi kỳ dị thì sao? Biết đâu cái điều mới mẻ lại khiến tôi trở thành một kẻ lố bịch trong mắt mọi người? Thôi… Hay là bỏ đi. Hãy tưởng tượng… Nếu tôi không quan tâm, nếu tôi có thể trở thành ai đó tôi muốn mà không phải lo lắng quá nhiều. Nào… Hãy ngồi và tưởng tượng…”
Ôi… Come on! Các bạn có biết lý do tại sao chúng ta lại để tâm quá nhiều đến suy nghĩ của người khác như vậy không? Tâm lý đến từ việc chúng ta sợ bị tách biệt, sợ không được thích, bị loại bỏ, bị cười chê hay là làm trò hề… Những nỗi sợ ấy có thể đến từ quá khứ thời thơ ấu của chúng ta hay trong quá trình lớn lên, gặp phải một sự kiện nào đó khiến cho chúng ta chịu một cú sốc tinh thần, từ đó hình thành nên nỗi ám ảnh.
Nhưng bằng cách nào đó, dù biết có thể không tốt trong một số hoàn cảnh cụ thể, ta vẫn để tâm đến những nhận xét và định kiến ấy. Bởi vì chúng ta là con người, một con người có đầy đủ cảm xúc.
Sẽ ra sao nếu như thế giới mà ta đang sống, không một ai trong đó quan tâm đến người khác nghĩ hay có cảm nhận gì? Đó thật sự là một thảm họa và tôi không bao giờ muốn sống trong một thế giới vô cảm như vậy.
Chúng ta vẫn cần có sự quan tâm và nên quan tâm. Sẽ là quan trọng với những gì mà người thân yêu nghĩ về chúng ta. Bởi vì điều đó ảnh hưởng trực tiếp lên mối quan hệ mà chúng ta tin tưởng. Cũng như quan trọng trong suy nghĩ của sếp hay đồng nghiệp, vì nó sẽ tác động đến mối quan hệ công việc cũng như là cơ hội của bản thân. Và quan trọng hơn cả, đó là cách mà chúng ta để tâm đến chính những suy nghĩ và xúc cảm của mình. Ta chính là nhân tố tác động trực tiếp đến mọi khía cạnh trong cuộc đời.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể phân biệt khi nào là quan tâm đúng lúc, khi nào thì không? Bởi vì sự quan tâm chỉ đủ dành cho những gì lành mạnh, giúp cho chúng ta được thúc đẩy tiến về phía trước, chứ không phải điều ngược lại, là kìm hãm và nghi ngờ về bản thân.
Tôi đã phải mất khoảng thời gian rất lâu để có thể tìm ra câu trả lời phù hợp. Nhưng chung quy lại, vấn đề đó không giống như một bài toán để có một công thức chung cho tất cả mọi người. Nghĩa là, mỗi người đều sẽ có hoàn cảnh, hành trình trải nghiệm riêng. Nếu như với tôi, việc nghe lời góp ý từ người nhà là con đường đúng đắn để phát triển. Nhưng với bạn, khi những người thân trong gia đình đặc biệt tách rời nhau và không có sự thấu hiểu, thì việc quan tâm đến những lời góp ý có thể sẽ khiến bạn có những suy nghĩ lệch lạc về bản thân.
Vậy nên, tôi đã quay trở lại 2 điều mà đối với tôi sẽ đóng vai trò then chốt. Đó chính là sự tự nhận thức và hiểu được giá trị bản thân mình.
Nhưng trước khi đi sâu vào cách giải quyết, tôi cần làm rõ ý nghĩa “không quan tâm” ở đây. Không quan tâm, đó là cách chúng ta ngừng suy nghĩ, ngừng để tâm đến những gì mà người khác bình phẩm, định giá khiến cho chúng ta tự ti về bản thân, cũng như không dám trở thành con người mà mình mong muốn hướng tới. Đó không phải là khi đang ở trong một bệnh viện cần sự yên tĩnh, chúng ta lại la hét, quát mắng nhau ầm ĩ, chỉ bởi vì “Ai quan tâm người khác nghĩ gì cơ chứ?”. Hay đang trong một bữa tiệc trịnh trọng, khi mọi người đang nâng ly chúc mừng nhau, bạn lại chẳng để tâm những gì diễn ra xung quanh mà cứ cúi đầu ăn cho no. Như vậy, vô thức ta đang đồng hóa khái niệm giữa vô duyên và sự không quan tâm.
Quay trở lại 2 yếu tố then chốt để trả lời câu hỏi lúc nào nên quan tâm và lúc nào thì không. Đầu tiên, chính là sự tự nhận thức.
Theo kinh nghiệm của tôi, khi chúng ta càng cảm thấy khó chịu, không chắc chắn hay lãng quên việc mình là ai? Bản thân mình muốn gì? Chúng ta đại diện cho điều gì? Thì mọi người sẽ càng dễ để tâm và bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những gì người khác nghĩ và nói. Điều ngược lại cũng tương tự. Khi bản thân cảm thấy thoải mái, vững chắc và nhận thức được chúng ta đang đủ đầy, thì việc để tâm vào những tác động tiêu cực từ bên ngoài như những gì người khác nói hay đánh giá, sẽ không còn quá quan trọng nữa.
Điều này dẫn tôi đến yếu tố thứ 2, là hiểu về giá trị của bản thân. Nếu như sự tự nhận thức đến từ bên trong thì việc hiểu được giá trị bản thân sẽ hướng ra bên ngoài.
Tôi lấy ví dụ, nếu bạn là một người ăn thuần chay, bạn nhận thức được rằng bản thân việc ăn chay không phải bởi vì bạn muốn đi tu như những gì bạn bè trêu chọc khi cả đám đi ăn cùng nhau và bạn chỉ chọn ăn rau, uống nước suối. Mà bạn nhận thức được rằng, bản thân mình không thích ăn thịt hay chỉ đơn giản, bạn nghĩ ăn chay tốt cho sức khỏe… Đại loại đó sẽ là những suy nghĩ giúp bạn tự nhận thức bản thân mình là ai? Mình muốn gì? Mình có cảm thấy thoải mái và an toàn với phiên bản đó hay không? Sau khi đã nhận thức được phiên bản bên trong của mình rồi. Lúc này, bạn bắt đầu hiểu hơn về giá trị của bản thân. Từ đó, dẫn đến những hành động được thể hiện ra bên ngoài, định nghĩa nên con người của bạn.
Trong quá trình này, chúng ta được khuyến khích nên đặt nhiều câu hỏi. Câu hỏi chính là điểm khởi đầu có thể giúp chúng ta tìm ra được mọi nguyên nhân của vấn đề.
Câu hỏi là điểm khởi đầu có thể giúp chúng ta tìm ra được mọi nguyên nhân của vấn đề
Tôi có một số gợi ý như là: Bản chất của mối quan hệ này là gì? Tại sao tôi phải nhìn nhận và để tâm đến những nhận xét ấy? Những bình phẩm như vậy sẽ đóng góp vào cuộc đời tôi như thế nào? Họ có hiểu được những gì tôi từng trải qua chưa? …
Đôi lời tâm sự cũng đã dài, tôi hy vọng từ chính những bài học rút ra sau bao nhiêu năm của bản thân, có thể phần nào truyền tải đến các bạn - Người đang giống như tôi ngày trước, để tìm ra cho mình một lối đi và sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn nhé!
Cuối cùng, tôi xin trích dẫn một phần lời bài hát có tên là “Try” của Colbie Caillat mà theo tôi, vô cùng có ý nghĩa. Các bạn có thể nghe Vietsub tôi để link ở phía cuối bài viết henn ^^
Put your make-up on, get your nails done, curl your hair
Run the extra mile, keep it slim…
So they like you?
Do they like you?
Get your sexy on
Don’t be shy, girl. Take it off!
This is what you want, to belong.
So they like you?
Do you like you?
You don’t have to try so hard
You don’t have to give it all away.
You just have to get up, get up, get up, get up
You don’t have to change a single thing
(You don’t have to TRY) x5
Link: https://www.youtube.com/watch?v=rIMfl1Ka5RU
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất