(Bài viết có spoiler nên các bạn cân nhắc trước khi đọc. Hãy xem phim để tự mình cảm nhận)
Gần đây mới xem bộ phim sinh tồn '' Trò chơi con mực '' của đạo diễn Hwang Dong-hyuk được chiếu trên Netflix.
Bộ phim có rất nhiều điểm chưa thỏa mãn được người xem:
Sự logic trong một trò chơi, bằng cách nào thế nào để thắng được nó. Chẳng hạn về sự thông minh, linh hoạt, mưu trí sẽ có khả năng sống sót cao hơn như những bộ phim sinh tồn khác (Alice In Borderland). Cũng không khai thác quá sâu vào các nhân vật. Những câu chuyện của họ quá ngắn để người xem có thể hiểu và cảm nhận được nhiều hơn.
Vì thế ở bộ phim này tôi chỉ đánh giá về tính nhân văn trong câu chuyện cùng với diễn biến tâm lý của nhân vật và liên tưởng tới xã hội của chúng ta.
Bộ phim không chọn một nhân vật cụ thể mà chọn hẳn một tầng lớp ''người nghèo''.
* Seong Gi Hun. Nhân vật chính. Nghèo bởi vì đam mê cá ngựa, bị mất việc ở công ty lắp ráp ô tô. Đã ly hôn với vợ cũ, bị ám ảnh bởi cái chết của đồng nghiệp trong tập thể khi xảy ra đình công. Tôi nghĩ rằng vụ việc đó cũng không được giải quyết. Ngoài ra anh còn bị sức ép tới từ việc phải có đủ tiền để chứng minh mình có khả năng nuôi đứa con, người dường như là niềm hi vọng duy nhất để anh tiếp tục sống trong suốt quãng đời còn lại.
- Con có đủ tự tin rằng sẽ sống tốt nếu không gặp Ga Yeong nữa à? ( Mẹ của Seong đã hỏi anh)
Anh có nói một câu khiến tôi phải suy nghĩ :'' Bọn họ tự hủy hoại công ty nhưng lại bắt nhân viên chịu trách nhiệm ''.
* Oh Il Nam: Nhân vật thể hiện trần trụi bức tranh về một xã hội khiến tôi cứ đắn đo suy nghĩ mãi về nó. Ông là người khởi động trò chơi. Cũng là người tham gia. Trong ''trò chơi đặc biệt''. Chữ đặc biệt như muốn nhắn chúng ta rằng nó thực sự là mắt xích quan trọng nhất trong tất cả 6 trò chơi.
''Làm ơn....
Dừng lại đi!
Tôi sợ lắm rồi.
Cứ thế này tất cả đều sẽ chết!''
Của cải? Thực sự trong một xã hội chưa phát triển như 100 Năm trước vẫn đủ cho tất cả mọi người nếu họ chỉ lấy những thứ mình cần.
Nhưng cho tới 100 năm sau chúng ta tạo ra nhiều của cải hơn xã hội lại ngày càng phân hóa hơn. Người nghèo ngày càng nghèo, 1% người giàu chiếm 80% của cải được tạo ra trên thế giới.
Ồ. Thực sự là vấn đề không nắm ở của cải. Vấn đề nằm ở chính con người trong xã hội.
Chúng ta không chết vì đói. Chúng ta chết trong mối quan hệ với người khác.
Bạn có một chiếc xe đạp. Bạn sẽ cảm thấy vui, ổn khi tất cả những người xung quanh cũng đi xe đạp. Cho tới khi họ đi xe máy, rồi ô tô. Những cảm xúc bắt đầu xuất hiện: Ghen tị, mong muốn, nghi ngờ, ngưỡng mộ,... Cả tích cực lẫn tiêu cực. Và nó là thứ dẫn dắt hành động, xung đột, mâu thuẫn.
* Cho Sang Woo: Một doanh nhân từng thành đạt. Thông minh, tài giỏi được nhiều người ngưỡng mộ. Phải chăng vì thế mà anh phải luôn tiến xa hơn, bay cao hơn. Đầu tư nhiều hơn: Cổ phiếu, CK phái sinh, cho tới bán cả mảnh đất của mẹ mình. Tham vọng của anh quá lớn tới mức nó đã nuốt chửng con người của anh. Anh đã bất chấp tất cả vì '' GIÀU''.
*Kang Sae Byeok: Một người tị nạn. Luôn bị bắt nạt, phải kiếm đủ tiền để có thể đưa người em trai ra khỏi trại mồ côi. Bố cô đã bị bắn chết khi cố vượt ra ngoài cái định kiến mà xã hội, chính trị đã đèn nén gia đình cô. Để rồi xác của cha cô vẫn còn trôi dạt trên dòng sông ấy. Nó đã có thể yên ngơi phút nào đâu. Còn mẹ cô đã bị bắt tại Trung Quốc đưa về lại Triều Tiên trong nỗ lực thoát ra khỏi đó. Có lẽ bà đã từng thoát, nhưng cái bóng vẫn còn mãi đi theo sau để cố đưa bà quay trở lại.
Tôi cảm nhận được ở cô một nỗi buồn man mát hiện trên từng nét mặt. Cô cũng ở tuổi của tôi, cô vẫn hi vọng về một căn nhà, một hòn đảo nhỏ bé, nơi cô có thể tới sau khi thoát khỏi nơi đây. Ở cô vẫn hiện lên một chút hi vọng, một ngon lửa nho nhỏ đang muốn cháy lên. Cho tới lúc chết cô vẫn muốn tin tưởng ai đó
'' Chú không phải là người như thế mà.'' Đó là câu nói cuối cùng của cô.
* Ngoài ra còn có Ji-yeong. Cũng chỉ là một bạn học sinh còn rất trẻ. Người mới ra tù sau khi giết cha của mình. Cô chẳng còn nơi nào để đi cả.
Cô cũng đã ''cầu nguyện'' sau khi thấy người đồng đội trong trò chơi của cô cầu nguyện sau mỗi lần làm sai của anh ta. Điều đó làm cô nhớ tới cha của mình:
- Ông cũng cầu nguyện sau mỗi lần đánh mẹ tôi, cho tới một ngày tôi không thấy ông cầu nguyện nữa. Mẹ tôi đã bị ông ấy giết chết.
Khá nhiều người làm những việc vì một mục đích tự cho là tốt đẹp mặc dù biết rõ nó gây tổn tại tới những người khác. Cũng buồn thay khá nhiều công ty có thể dễ dàng vì mục đích người tiêu dùng ''cao'' mà bỏ đi những người tiêu dùng thấp. Giữa thị trường 1 tỷ 300 dân với 100tr bạn sẽ chọn ai. Cũng thật tài tình, phần 5 của bộ phim được đặt tên:
THẾ GIỚI CÔNG BẰNG. Có thật là như thế không? Hay đây chỉ là mong muốn của những người ở phía trên đặt ra. Bởi vị họ nghĩ rằng những hành động của họ làm là công bằng với ''người chơi''.
Ngoài ra còn nhiều nhân vật khác. Tôi sẽ đi sâu vào người đàn ông có khối u ở não. Gần như ông sẽ chết vào một ngày nào đó rất gần. Ông chẳng còn gì để mất cả.
- Ông chỉ là người số 001 tham gia trò chơi. Ông là người tạo ra nó vì muốn tìm kiếm niềm vui từ nó. Ông giàu có, ông có tiền, ông muốn làm hài lòng giới quý tộc giàu có là khách hàng của mình những người có tiền nhưng hay nhắn ông rằng họ không còn cảm thấy vui vẻ?
- Ông chỉ là một ông già lựa chọn quyết định quyền được sống và chết thay cho một đám những người trẻ bên dưới kia. Người dường như mạng sống của mình đang còn nằm trên tay họ. Họ không hề có khối u như ông. Họ chỉ có nỗi khổ. Và họ chọn cách đặt mạng sống trên nỗi khổ của mình. Phải chẳng nỗi khổ của họ lớn tới mức như vậy?
- Ông cũng chỉ là một người tư duy lạc hậu. Phải nhìn những người trẻ làm để bắt trước làm theo mong sao có cơ may được sống. Trong xã hội càng hiện đại, chúng ta đâu có những thiết bị nhằm phục vụ hay hướng dẫn tận tình cho người già đâu nhỉ? Facebook, Tiktok mục tiêu của họ cũng đâu phải người già?
Làm sao mà chúng ta có thể biết họ không thích những niềm vui như những người trẻ chúng ta khi mà thậm chí chúng ta đâu có nghiên cứu insights về họ kia chứ?
- Ồ ông cũng chỉ là một người đàn ông già yếu. Mà chẳng mấy tập thể muốn chọn ông. Họ xem thường ông. Nhưng cuối cùng nhờ những hiểu biết của mình. Ông là người đã chỉ những người trẻ cách chiến thắng trò chơi kéo co mặc cho đối thủ là những kẻ hùng hổ đang nhăm nhe đoạt lấy mạng sống của những người yếu ớt như ông.
Đúng như câu nói: Gừng càng già càng cay
- Ông cũng là người cất lời để khiến ban tổ chức dừng trò chơi đặc biệt. Vì ông biết rằng tất cả sẽ chết bởi vì họ tự giết nhau chứ chẳng ban tổ chức nào làm hại họ. Họ còn chưa bắt đầu trò chơi vào ngày mai. Nhưng tối hôm nay họ đã tìm cách để loại bỏ nhau rồi.
Khi đèn tắt. Dường như chúng ta mới lột tả được hết bộ dạng thật sự của mình.
Khi đèn tắt. Chúng ta chẳng thấy gì ngoài những cảm xúc tiêu cực đang bủa lấy trái tim ta.
Khi đèn tắt. Chúng ta không đi ngủ mà chúng ta chọn đi đêm? Liệu có bao giờ chúng ta nghĩ về sự trả giá cho những hành động của mình. Đi đêm sẽ có ngày gặp ma.
- Ông cũng như một bức tượng. Ngồi khép nép trong một góc ở giữa căn phòng. Mọi người đi qua ông nhiều nhưng chẳng ai nhìn thấy ông. Gần như tất cả đã quên đi những người già, quên đi người đã cứu mình trong trò chơi kéo co lần trước. Làm tôi nhớ về sự biết ơn và câu nói uống nước nhớ nguồn.
Ông vẫn ngồi đó. Ông vẫn đợi. Cuối cùng cũng có một cánh tay để ông nắm vào. Có ai đó chịu chìa tay ra về phía ông rồi. Ông sẽ hân hoan đón nhận lấy nó. Người đó là Gganbu của ông. Và ông đã để cậu ta thắng, nhường cậu ta được thắng để thoát khỏi sự sống và cái chết.
Ông đã rất vui vì được chơi cùng nhân vật chính. Người duy nhất còn giữ lại một chút tình người trong mình sau trò chơi.
Cho tới cuối đời ông cũng đã đánh cược với cậu một lần. Để xem còn ai kia ngoài cậu có còn có cái lòng như thế nữa không?
Thật may mắn.... Vẫn còn có những người như vậy. Đâu đó ngoài kia sau rất nhiều làn tuyết rơi. Sau rất nhiều dòng xe qua lại.
Cuối cùng ông đã ra đi mà mắt ông vẫn đang mở.
.........................
Ông có đang nhìn chúng ta không? Nhìn những tập thể này, nhìn những công ty này. Xem chúng ta làm gì để đối xử với tất cả bọn họ.
Cũng có thể ông đang hi vọng, cũng có thể ông đang mơ. Ông đã từng nói ông muốn tìm lại cảm giác năm xưa hồi còn nhỏ của ông. Cảm giác khi cùng vui chơi với bạn bè. Cảm giác được ở bên gia đình của mình.
Tại sao ở tuổi này rồi. Ông vẫn còn mong muốn những điều đó nữa?