Darth Vader: Triết lý về vị Sith Lord vĩ đại
Đã lâu rồi tôi không phân tích một nhân vật comic hoặc phim nào đó, nhưng gần đây với việc Star Wars Rouge One sắp ra mắt với một teaser...
Đã lâu rồi tôi không phân tích một nhân vật comic hoặc phim nào đó, nhưng gần đây với việc Star Wars Rouge One sắp ra mắt với một teaser về sự xuất hiện của Darth Vader thì không ít các kênh youtube lẫn bài viết geek nerd các kiểu nói về Ngài. Và ngày hôm nay tôi xin vận dụng những kiến thức hạn hẹp cùng cảm xúc của một fan Star Wars từ nhỏ cùng với sự trợ giúp thông tin từ Wisecrack và một quyển sách có tên là "The Denial of Death" bởi Ernest Becker.
Darth Vader- Anakin Skywalker là một nhân vật phản diện xuất sắc bậc nhất của ngành điện ảnh, và thậm chí các đầu truyện Star Wars đã có riêng 1 đầu chỉ để kể về góc nhìn của nhân vật này. Từ một Jedi lừng danh mang trên mình lời tiên tri về việc "Mang lại sự cân bằng cho Thần Lực", Anakin phản bội lại chính các Jedi và trở thành một Sith Lord hùng mạnh dưới trướng Darth Sidious. Và nguyên nhân của tất cả những việc này đã xảy ra chỉ vì một từ mà thôi: Sự sợ hãi- hay đúng hơn là sợ hãi sự mất mát và cái chết, mà tôi tin rằng tất cả chúng ta đều ít nhất một lần trải qua trong đời.
Theo như cuốn The Denial of Death, tất cả các hành động của con người chúng ta, từ nhỏ nhất đến lớn nhất, đều chỉ vì một mục đích duy nhất: sinh tồn- hay trốn tránh và ngăn cản cái chết của chính mình hoặc những người thân như tựa đề sách. Và Anakin đã bị chính những điều này chi phối để dẫn đến cái lí do mà Yoda đã bảo trong The Phantom Menace: Nỗi sợ mất mát sẽ dẫn dắt ngươi đến Bóng tối. Thế nhưng khi Obi-wan đã bảo rằng sẽ lo được việc đó thì Yoda lại tiếp tục bảo rằng Anakin đã quá lớn (hệt như cách Yoda từng nói về Luke), vậy cái quá lớn đó là sao? Sao Luke khi gặp Yoda đã lớn phổng 20 tuổi hơn thì gọi vậy còn hiểu được chứ Anakin thì chỉ mới 9, 10 tuổi cũng bị gọi là quá lớn thì chúng ta buộc phải suy nghĩ về cái định nghĩa "lớn" này.
Wisecrack cho rằng cái lớn đó không phải là độ tuổi, mà là sự phát triển về ý thức của con người về khái niệm của "cái chết". Chúng ta có thể thấy các Younglings trong Attack of the Clones và Revenge of the Sith, chúng cao lắm chỉ ở khoảng 4-6 tuổi mà thôi, mà theo nhiều nhà tâm lý học trẻ em thì ở độ tuổi từ 3-5 tuổi sẽ là lúc các em định hình được thế giới quan thế nên các Jedi hoàn toàn có thể dạy dỗ hoặc "nhồi sọ" các em về việc chấp nhận và không sợ cái chết hay sự mất mát(nghe như cảm tử đánh bom liều chết), Trong khoảng thời gian từ 5-9 tuổi các em sẽ nhận thức được về cái chết nhưng sẽ là nghĩ đến các cụ già gần đất xa trời thôi, nhưng khi ở ngưỡng 9 tuổi trở đi thì các em đã có thể ý thức được trọn vẹn về cái chết rồi, vì vậy Anakin hoàn toàn hiểu rõ mẹ mình có thể chết. Ngoài ra các Jedi còn có một điều luật, như Anakin có nhắc đến, đó là họ không được yêu và có kết nối tình cảm với bất cứ một ai để họ không có điểm yếu và tất cả nội lực tinh thần đều dồn hết vào sự tập trung và sự điềm tĩnh vào Thần Lực và các đòn thế của mình. (Chính điều này giải thích rất rõ về việc mà khá nhiều fan cuồng phàn nàn vì sao ở 3 phần Prequel các Jedi đánh rất đẹp mắt, chuẩn không chỉnh mà ít có các cảnh đánh có cảm xúc giận dữ hay mấy pha đọ kiếm intense như Original Trilogy, lí do là tất cả đã được huấn luyện kiềm chế sự nóng giận của mình- cho dù thầy mình chết trước mặt như Obi-wan đã trải qua.)
Còn Anakin thì khác, Anakin đã 10 tuổi, bỗng dưng rời xa mẹ vốn là 1 nô lệ ở 1 hành tinh mà chết thì dễ hơn là sống yên bình, cậu đã có sự gắn bó quá gần gũi với mẹ mình nên sự lo lắng sợ hãi khi phải rời xa hành tinh của mình, lo nghĩ về an nguy của người thân phải là có- đó là những suy nghĩ rất con người, không thể nào từ bỏ lòng phàm như cách các Jedi dạy dỗ Younglings từ nhỏ, Yoda nói cả Luke lẫn Anakin quá lớn là vậy: Họ đã đủ lớn để biết sợ và có những nỗi lo cá nhân rồi.
Và chính điều này đã làm cho Anakin trở thành một người con của 2 thế giới có triết lý đối nghịch nhau: một bên là kiểm soát được cảm xúc của mình cho một thứ tâm linh cao hơn, một bên là kiểm soát số mệnh của bản thân và những người xung quanh. Thế nhưng tôi dám nói rằng Obi-wan đã hoàn toàn thất bại trong việc huấn luyện Anakin. Dù rất thích Obi-wan tôi vẫn phải đồng ý với luận điểm này vì Obi-wan đã nghĩ rằng cách dạy Anakin kiềm chế chính là kiềm hãm hành động của cậu ở vài tình huống, thậm chí còn có ý chê bai cậu trước mặt một người cậu thầm yêu từ lâu để cậu giữ ý tứ nhưng thật ra những việc đó chỉ vô tình làm cảm xúc của Anakin bùng nổ thêm mà thôi- như nỗi sợ bị mất mặt trước người mình để ý. Nói ra thì Obi-wan cũng chỉ là 1 Padawan chưa hoàn toàn hoàn tất việc học của mình và chỉ được phong làm Jedi Knight vì chỉ mình anh chịu nhận Anakin, và cũng vì di sản của Qui-gon mà anh buộc phải làm Knight mới có thể nhận đệ tử, vì vậy việc Obi-wan có phần thiếu sót và cả là cứng nhắc cũng là chấp nhận được. Ít ra thì lúc ở gần nhau thì Obi-wan còn kiềm Anakin được chứ hở ra một cái thì Anakin như thoát xiềng xích và điên tình lẫn đầy nỗi sợ hãi mất đi những gì mình yêu quý, và tất nhiên là cậu ta phá luật để cưới vợ rồi.
Thế nhưng cũng phải nên thông cảm về điều này, thử hỏi nếu bạn là 1 thằng nhóc 10 tuổi với một nguồn gốc là sinh ra từ 1 người mẹ đồng trinh thông qua 1 năng lực siêu nhiên và bỗng một ngày bị quắp đi qua chỗ khác rời xa tất cả những thứ quen thuộc rồi được cho là Đấng cứu thế (Yup, Vader is Jesus goes dark,) tất nhiên bạn phải có áp lực trên vai là phải thể hiện bản thân xứng đáng chứ; và dĩ nhiên là bạn rất cần một người để có thể chia sẻ hết những nỗi niềm này theo một tình cảm gắn bó hơn là người thầy đang dạy cho bạn những thứ kia. Mặc cho những câu thoại ngớ ngẩn đầy sự exposition rất kiểu George Lucas- Không để diễn viên diễn "sâu" và thoại những câu có ý hoán dụ hoặc ẩn dụ, mà phải nói tẹt lẹt cảm xúc mình ra như "Ta thấy nàng trong giấc mơ, ta mê muội đắm đuối nàng bla bla", nhân vật Anakin được xây dựng rất tốt về mặt cốt truyện và dựng tâm lý bất ổn. Và những điều này chỉ để tôi chứng minh một điều: Anakin không phải là người sinh ra dành cho giáo lý "điều khiển cảm xúc", đây chính là bước đệm cho việc để Bóng tối lùa vào trong linh hồn của cậu.
Và tất cả bắt đầu từ cái chết của mẹ anh, hãy nhìn cái cách Anakin hoàn toàn rũ bỏ bản thân cho cảm xúc của mình: sợ hãi sẽ dẫn đến nổi giận, nổi giận sẽ dẫn đến báo thù và Anakin đã giết hết lũ Tusken Raider. Và sau này, khi cậu biết được Padme có thể cũng phải chết thì sự sợ hãi trong cậu còn dâng lên mạnh mẽ hơn, từ đó khi cậu biết rằng Phe Bóng tối có thể kháng cự lại cái chết qua sự tẩy não của Sidious thì dù đã xin Yoda tư vấn để vượt qua sự sợ hãi (đó là hãy rũ bỏ những thứ vướng nặng đó đi,) Anakin đã không thể làm được và tất nhiên là dâng mình cho cảm xúc của bản thân và phe Bóng tối, nào ngờ chính điều đó lại là con đường giết chết Padme sau này, một lời tiên tri tự hoàn thành.
Và tôi có nói đến việc kiểm soát nỗi sợ hãi và định mệnh của mình như là giáo điều thứ hai đúng không? Nó nằm ở ngay hành động này: giết người. Hành động bạo lực, theo lời Becker là một phản ứng tự nhiên khi chứng kiến sự chết chóc, có thể kiềm chế nỗi sợ của mình khi nó cho chúng ta cảm giác được nắm trọn vẹn sự sinh sát của kẻ khác lẫn trong tay sẽ dần dẫn đến ảo tưởng ta sẽ nắm được sự sinh sát của mình lẫn người thân, đồng thời còn là hành động theo kiểu "loại trừ bớt mối nguy xung quanh gây hại bản thân và người thân" sẽ khiến ta an tâm hơn, và Anakin đã làm đúng như vậy khi giết các Tusken Raiders và cả các Jedi lẫn Younglings ở Jedi Temple gần như tắp lự ngay khi vừa đổi phe mà không hề có 1 sự ngập ngừng hay hối lỗi.
Nhưng thật ra là có đấy, Anakin có suy xét đấy, nhưng nó lại ở trong một phân cảnh thoạt xem có vẻ dư thừa nhưng là 1 visual story telling tuyệt vời: Anakin nhìn qua cửa sổ về hướng Padme như tự nói rằng: "Ta đã làm đúng hay sai? Padme ơi hãy nói cho ta biết, ta vì quá sợ mất nàng mà ta đã ra tay giết hết các môn đệ và đồng đội... Nhưng không, nếu ta không làm vậy thì nàng sẽ chết. Ta đã làm đúng, ta sẽ làm tất cả vì nàng, ta sẽ giữ nàng sống chứ không chết như giấc mơ của ta." Và khi Padme quay ngược về hướng của Anakin như sự tốt đẹp và niềm cứu rỗi cuối cùng cho linh hồn của Anakin thì cậu đã quay đi... Một nỗi sợ hãi đối mặt với sự thật và cái tốt đẹp trước mắt không chừng?
Và chính sự sợ hãi rằng Padme đã phản bội mình khi Obi-wan đi theo cô để đến Mustafar cũng đã khiến Anakin muốn giết luôn cả cô để kiểm soát hành động của mình, và thậm chí cả việc bị Obi-wan đánh bại cũng đến từ 1 nỗi sợ bị xem thường về năng lực bản thân mà ráng nhảy lên Obi-wan đang có lợi thế và bị chém đứt tứ chi.
Tất cả chứng minh một điều: Anakin cần kiềm chế sự sợ hãi của bản thân nhiều hơn là đạo đức! Và để làm được điều đó, Anakin đã, theo lời Becker: "...Chống lại cái chết bằng cách giết đi từng phần của bản thân và cảm xúc của bản thân bị hủy hoại đến mức anh tự tách biệt và lạc lõng như thể đã chết rồi." Và, mỉa mai thay khi không còn phải lo lắng về những người thân sẽ chết như giáo điều của Jedi, Darth Vader đã trở thành một Sith Lord vô cùng đáng sợ.
Thế nhưng Phe Jedi lại có 1 cái nhìn khác về cái chết, đó là một sự giải thoát và họ chấp nhận nó như là một điều hiển nhiên của vòng đời. Ernest Becker gọi đây là hiện tượng "Hiệp sĩ tín ngưỡng" khi một người dùng sự tin tưởng vào tín ngưỡng của mình để tin vào một thế lực nào đó cao hơn sự cáo chung của một thể xác để kìm hãm nỗi sợ hãi của mình, và tất nhiên nó khác xa với phe Bóng tối... Điều này có lẽ thấy rõ nhất ở 3 hình ảnh: Obi-wan chấp nhận hy sinh và bảo rằng sẽ "trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết" vì Force Ghost là bất tử, và có thể cũng để chứng minh rằng Vader đã sai khi sợ cái chết theo một cách tiềm ẩn nhất- Có thể thấy điều này làm Darth Vader bối rối thế nào vì hắn không tin Obi-wan đã biến mất như thế, Yoda cực kỳ thoải mái đón nhận cái chết của mình, và Luke khi suýt nữa đã để sự nóng giận của mình chiếm hữu khi đánh bại Vader đã sẵn sàng đón nhận cái chết từ tay Sidious để chứng minh sự thanh cao trong linh hồn của một người thuộc phe Ánh Sáng.
Có lẽ chính sự "buông tay" của Luke đã làm cho Darth Vader nhận ra được bản chất thật sự của Jedi mà bấy lâu nay mình đã hiểu lầm rằng là sự yếu đuối và mất kiểm soát, thế nên Vader đã đối mặt với chính nỗi sợ ấy của mình bằng cách xả thân giết Sidious và cứu mạng cho con mình, thật sự kết thúc lờ tiên tri về việc "Mang lại cân bằng cho Thần Lực."
(Well, hồi đó chỉ 2 Sith cả đống Jedi nhưng rồi chỉ còn 2 Sith và 2 Jedi, sau này chết hết còn có mỗi Luke so gọi là cân bằng nhỉ? :P)
/phim
- Hot nhất
- Mới nhất