Trịnh Công Sơn và cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc
Mục đích tối cao của bài viết không nằm ngoài việc cung cấp các dữ liệu và luận điểm để từ đó độc giả hiểu hơn tư tưởng của Trịnh về chiến tranh.
Tôi viết bài viết này khi trên mạng xã hội diễn ra cuộc tranh cãi gay gắt về ca khúc Gia tài của mẹ, rằng liệu cách mà Trịnh Công Sơn viết về cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm (1954 - 1975) trên lãnh thổ Việt Nam là “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” có phải một sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn hay không. Mục đích tối cao của bài viết không nằm ngoài việc cung cấp các dữ liệu và luận điểm để từ đó độc giả hiểu hơn tư tưởng của Trịnh về chiến tranh.
1. Về các sáng tác âm nhạc của Trịnh Công Sơn
Bắt đầu sự nghiệp hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp từ khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Trịnh Công Sơn đã để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ. Tới hiện tại, vẫn chưa có thống kê chính xác tổng số nhạc phẩm ông sáng tác, tuy nhiên tại Việt Nam có khoảng hơn 200 ca khúc được biết đến trong công chúng.
Chủ đề của nhạc Trịnh, hay các cảm hứng sáng tác của Trịnh Công Sơn, về cơ bản có thể chia làm hai thể loại:
Tình ca:
Gồm những bài hát lấy chủ đề tình yêu đôi lứa làm cảm hứng chủ đạo. Phần nhiều những bản tình ca của Trịnh được biết tới như những ca khúc trữ tình bất hủ của âm nhạc Việt Nam như Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em, Hãy yêu nhau đi...
Nhạc phản chiến:
Gồm những bài hát chứa đựng tư tưởng phản đối chiến tranh. Hiện nay, nhạc phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn ít được biết tới hơn so với tình ca. Số lượng bài có tầm phủ sóng rộng rãi trong công chúng đương đại thậm chí ít tới mức có thể đếm được trên lòng bàn tay như Nối vòng tay lớn, Huyền thoại mẹ. Những bài hát phản chiến của Trịnh còn được gọi là những "ca khúc da vàng".
Nói riêng về các ca khúc “da vàng” hay nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn, chúng bị cấm biểu diễn trong suốt thời kỳ đất nước chia cắt (1954 - 1975) không chỉ bởi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn bởi cả chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Nguyên do cho sự cấm đoán này không phải điều khó giải thích khi chúng được ra đời giữa thời chiến. Trong khi ở cả hai bên chiến tuyến, văn học - nghệ thuật được sử dụng rộng rãi như một loại vũ khí, một cách thức tuyên truyền chính trị và khích lệ quân sĩ, không một chính quyền nào lại muốn những ca khúc chống chiến tranh, làm nhụt nhuệ khí chiến đấu được phổ biến.
Nhiều ca khúc “da vàng” thậm chí còn bị cấm biểu diễn cho tới ngày nay, bởi những cách sử dụng thuật ngữ chiến tranh phần nào đi ngược lại các quan điểm lịch sử - chính trị chính thống. Việc Trịnh gọi cuộc chiến tranh suốt những năm 1954 - 1975 là “nội chiến” trong Gia tài của mẹ và nhiều ca khúc khác là ví dụ điển hình.
2. Trịnh Công Sơn giữa các bên tham chiến
Nhìn nhận Trịnh Công Sơn dưới tư cách một con người sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, từng có những quan điểm từ phía Nam giới tuyến cho rằng Trịnh là một kẻ nhu nhược về chính trị. Một phát biểu có quan điểm như thế được Ban Mai dẫn lại trong cuốn Trịnh Công Sơn - Vết chân Dã Tràng:
“Trịnh Công Sơn chỉ là một cây sậy, hơn thế nữa, là một cây sậy yếu hèn (cho dù có là ‘một cây sậy biết suy nghĩ’ tới đâu). Trong lớp vỏ của một cây sậy, của một thể chất yếu đuối, là một bản chất yếu hèn…”
Trong khi đó, ở phía Bắc giới tuyến, có những người cho rằng Trịnh thiếu lập trường chính trị, thậm chí một số đe dọa đe dọa xử tử ông sau khi tiến về Sài Gòn.
Một chính phủ khác là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (khác với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đơn giản chỉ là không quan tâm tới những ca khúc phản chiến của Trịnh vì cho rằng ông không biết gì về chính trị.
Những trình bày trên đây chỉ ra một cái nhìn nhất quán của cả ba chính quyền tham chiến về Trịnh qua những gì ông viết về chiến tranh: nhu nhược, thiếu hiểu biết về chính trị, không đứng về một phe nhất định.
Đứng từ khía cạnh của người làm chính trị, cách nhìn nhận Trịnh như vậy chính xác và hợp lý. Tuy nhiên, một vài trích dẫn từ các ca khúc được trình bày sau đây sẽ mang lại một góc nhìn, mà tôi cho rằng, khách quan hơn khi nói về Trịnh và cách ông nhìn chiến tranh.
3. Trịnh Công Sơn viết gì về chiến tranh?
Đầu tiên, Trịnh là một người yêu nước và khát khao thống nhất non sông.
Trịnh không yêu phần lãnh thổ nơi ông sống do Việt Nam Cộng hòa cai quản, hay phần lãnh thổ của chủ nghĩa xã hội phía bên kia cầu Hiền Lương. Ông yêu Việt Nam - một dải đất nguyên vẹn, không bị chia cắt.
Hiếm khi thấy Trịnh sử dụng khái niệm đất nước trong các sáng tác của mình. Đây là một khái niệm mà nội hàm của nó phần nào bị ràng buộc sâu sắc với những chính trị, cai trị, chính quyền. Thay vào đó, ông dùng một khái niệm thiên về những ý niệm nhân sinh nhiều hơn - quê hương.
Chờ nhìn quê hương sáng chói mắt mẹ ngày nay chưa mờ
Huế, Sài Gòn, Hà Nội, quê hương ơi sao vẫn còn xa?
Người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
Thứ hai, Trịnh Công Sơn khao khát hòa bình.
Chiến tranh, với Trịnh, là một thực tế tàn khốc mà nó cần được, và phải được phơi bày một cách chân thực, thậm chí là trần trụi, giống như một bức ảnh báo chí: không bị che mờ bởi ngôn từ văn chương hoa mỹ.
Khác với lối viết ẩn dụ dày đặc khi sáng tác tình ca, Trịnh chủ yếu diễn tả chiến tranh tàn khốc bằng hoán dụ: sử dụng hình ảnh những con người, cảnh quan đổ nát… để tái hiện chiến tranh.
Gia tài của mẹ một rừng xương khô/ Gia tài của mẹ một núi đầy mồ
Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người/ Tôi đã thấy, tôi đã thấy, người ta bồng bế nhau chạy trốn
Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng/ Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co
Dựa vào nền tảng của tình yêu quê hương, khát khao thống nhất và thái độ ghê sợ chiến tranh, Trịnh bộc bạch với âm nhạc nỗi đau tột cùng của ông khi đứng trước cuộc chiến, hay chính là nỗi đau của 20 năm chiến tranh: sự tàn sát lẫn nhau của những con người mang cùng một dòng máu. Ở thế giới quan của Trịnh, không có địch, chẳng có ta, chỉ có những con người Việt Nam máu đỏ da vàng trên một dải đất Việt Nam toàn vẹn đang ngày đêm chĩa súng vào nhau.
Mẹ mong con - lũ con đường xa/ Ôi lũ con cùng cha, quên hận thù!
Giòng máu anh em đã nhuộm mặt trời
Gọi thầm với nhau, gọi bằng tên anh, gọi bằng tên em/ Mặt trời quê hương soi chung da mình
Tiểu kết
Trịnh có cách nhìn của Trịnh, có góc nhìn, có lập trường của Trịnh. Lập trường ấy vừa có tính cá nhân vừa có tính cộng đồng, một góc nhìn nhân văn và nhân bản.
Cuộc chiến tranh đằng đẵng 20 năm ấy, dưới con mắt của Trịnh là một cuộc “nội chiến”. Nội chiến, xót xa thay, Trịnh gọi tên nó bằng chính cái ý nghĩa nguyên sơ của nó về mặt ngôn ngữ, là cuộc chiến nơi mà những người anh em ruột thịt máu mủ đang chĩa súng vào nhau.
Và cuộc “nội chiến” ấy, những dư âm của nó còn lại trong máu đỏ, trong da vàng là những hận thù mà thế hệ sau kế thừa lại của thế hệ trước, chẳng phải vẫn hiện hữu hôm nay đó sao?
Tài liệu tham khảo:
1. Trịnh Công Sơn - Vết chân Dã Tràng. BAN MAI
2. Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé. HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất