Sau khi có hai bài về TTC thứ hai và thứ ba rồi nên Jophanro này quyết định sẽ làm một bản thảo luận về triều đại Vương Quốc Jerusalem,một vương quốc cá nhân gã này thấy khá thú vị. Nếu coi mấy bài TTC trước của tôi là một tựa game thì với Jophanro tôi đây, đây giống như một bản D.L.C. đầy thú vị vậy. Deus Vult! Hãy đến với bản trường ca gần một trăm năm của Vương Quốc Jerusalem nào!
Cờ của Vương Quốc Jerusalem.

I./Cuộc Thập Tự Chinh Lần Thứ Nhất Và Sự Đăng Quang Của Baldwin I-Khởi Đầu Của Vương Quốc Jerusalem.


1./Vua Baldwin I. ( 1100-1118 )
Vào ngày 22 tháng 7 năm 1098, các tướng lĩnh, quý tộc tham gia Thập Tự Chinh tổ chức một cuộc đại hội đồng để thành lập một vương quốc mới ngay trên mảnh đất thánh. Raymond xứ Toulose, người có vai trò to lớn nhất trong cuộc TTC được cử làm người lãnh đạo nhưng ông đã từ chối. Tiếp đến, Godfrey xứ Bouillon được xướng tên. Godfrey chấp thuận, nhưng ông lại từ chối danh hiệu vua mà nhận chức Người Bảo Hộ, có lẽ để đảm bảo thanh thế và sự ủng hộ, nhưng cũng để bày tỏ lòng sùng đạo của mình qua lời tuyên bố từ chối vương miện vàng ở nơi Chúa đã đội lấy một chiếc vương miện có gai.
Hai năm sau, Godfrey mất. Vì vậy, em trai ông và cũng là một tướng lĩnh có vai trò nổi bật trong Thập Tự Chinh, Baldwin, đã chính thức lên ngôi với tâm thế "hạnh phúc của một tang gia" và trở thành Vua Baldwin I Thành Jerusalem, vị vua của Vương Quốc Jerusalem, vị vua của Đất Thánh.

Baldwin I của Thành Jerusalem, vị vua của Đất Thánh



Trong triều đại của Baldwin I, Vương Quốc ngày càng hùng mạnh và tăng nhanh cả về mặt dân số lẫn lãnh thổ bởi sự bồi đắp, gây dựng và nỗ lực phát triển không ngừng của ông trong quá trình xây dựng và mở rộng Vương Quốc, một phần cũng là nhờ cuộc thập tự chinh do Raymond xứ Toulose khởi xướng, và cũng là thứ đã tước đi tính mạng của nhà thập tự quân huyền thoại. 
Trong thời kỳ này, Baldwin liên tục tiến hành những cuộc chiến tranh  để mở rộng lãnh thổ và  củng cố địa vị thống trị của Vương Quốc Jerusalem , chiếm đóng và cai trị nhiều đô thành như Acre (bị chiếm vào năm 1104), Beirut (bị chiếm vào năm 1110), Sidon (bị chiếm vào năm 1111). Đồng thời, ông cũng đã áp đặt sự thống trị đối với các thành bang Thập Tự khác như Antioch, Edessa, Tripoli. Không chỉ như vậy, ngay trong thời kỳ của mình, Baldwin cũng đã thắng rất nhiều trận chiến chống lại quân Hồi trải dài từ triều đại Hồi Giáo Fatimid ở Ai Cập đến hai đô thành Damascus và Mosul. Nhà sử học Thomas Madden đã từng tuyên bố Baldwin I chính là "Người sáng lập thực sự của Vương Quốc Jerusalem". Quả thật là không ngoa khi nói nếu những quý tộc miền nam Nước Pháp , những Bohemond, những Raymond, Godfrey, đã chinh phạt miền Đất Thánh thì chính Baldwin mới là người biến Đất Thánh và Vương Quốc Jerusalem thành một vương quốc thống nhất, hùng mạnh và thịnh vượng.
Mặc dù vậy, Baldwin I lại không hề có con trai nối dõi. Ông đã cưới một người phụ nữ quý tộc tên Arda của xứ Armernia, người mà ông đã cưới để có sự ủng hộ từ xứ Armernia cho đến khi ông rời bỏ bà vì không cần bà nữa. Vào năm 1113, ông cũng đã kết hôn với Adelaide del Vasto, một nhiếp chính quyền lực tại Sicylli những cũng bị thuyết phục rời bỏ bà vào năm 1117. Con trai giữa hai người, Roger xứ Sicylli, đã cực kỳ căm ghét Đất Thánh trong suốt nhiều năm sau đó và không hề có sự giúp đỡ nào đến cho Đất Thánh suốt nhiều thập kỷ. Cuối cùng, ngai vàng được chuyển giao cho Baldwin xứ Le Bourg, một người anh em họ của Baldwin I và cũng là người nắm giữ Thành Edessa. Vua Baldwin I đã mất vào năm 1118, trong một chiến dịch chống lại Ai Cập.
Năm 1118, Baldwin II lên ngôi, chấm dứt thời kỳ cai trị kéo dài gần 20 năm của Vua Baldwin I và mở ra một thời kì mới. 
2./Triều Vua Baldwin II ( 1118-1131 ).
Baldwin II là một nhà cai trị tương đối tốt. Ông đã bảo vệ vương quốc thành công khỏi những cuộc xâm lược của những người Hồi Giáo Fatimid và Seijuk nhưng lại nhanh chóng làm suy yếu thành Antioch trong trận chiến Ager Sanguinis vào năm 1119. Nguyên nhân của thất bại cay đắng này bắt nguồn từ việc Damascus và Ai Cập liên minh với nhau, và Baldwin II phản đối liên minh ấy nhưng bị bắt ép phải giao lấy vùng đất Outrejordain nhằm đổi lấy sự trung lập Damascus. Căng thẳng tiếp tục dâng cao khi Baldwin II thực hiện một cuộc đột kích vào lãnh thổ Damascus và Roger của Salerno, nhiếp chính của Antioch đã dẫn quân đến để đột kích quân Hồi Giáo. Tuy nhiên, việc Baldwin II không cứu trợ kịp thời, cũng như sự dại dột của Thập Tự Quân, khi Roger đã chọn một vùng thung lũng với nhiều sườn dốc, dẫn đến việc quân đội của ông bị bao vây và tàn sát. Thập Tự Quân không phải những người hèn nhát, ngược lại, họ rất dũng cảm và ngoan đạo, nhưng địa hình quá bất lợi cho họ. Cánh trái của Thập Tự Quân là cánh bị vỡ đầu tiên, kéo theo sau đó là trung quân và cánh phải. Thập Tự Quân bị tàn sát, và Roger xứ Salerno đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.   
Trận Ager Sanguinis


Trận chiến sau đó được khắc ghi với cái tên Trận Ager Sanguinis, nhưng vẫn có nhiều người nhớ tới nó với cái tên "Trận Cánh Đồng Máu".
Mặc dù thất bại nặng nề, trận Ager Sanguinis cũng tạo ra điều kiện mới cho Baldwin mở rộng quyền lực của chính mình ở Thành Antioch. Với việc nhiếp chính đã chết và người thừa kế hiện tại, Bohemond II đang được bảo vệ tại miền nam nước Ý, Antioch không còn cách nào khác để Baldwin II nắm quyền nhiếp chính tại đây. Với đó, ông chia sẻ những tài sản của những quý tộc đã mất cho những thuộc hạ của mình, và khẳng định quyền thống trị tại đây. Baldwin cũng hành quân và va chạm với lực lượng của Damascus và chiến thắng trong Trận Hab. 
Vào năm 1120, Baldwin II cùng hội đồng của mình tại Nablus thiết lập những điều lệ mới. Tiếp theo sau đó, Baldwin II tiếp tục thực hiện những cuộc đột kích khắp vùng đất Hồi Giáo, nhưng phần lớn trong số đó đều không đạt được nhiều kết quả, thậm chí ông còn hai lần bị bắt vào hai năm 1121 và 1124.
Vua Baldwin II Thành Jerusalem
Tuy nhiên, không hẳn triều đại của Baldwin II là sự thất bại. Ông lãnh đạo các quốc gia Thập Tự Chinh chiến thắng tại trận Azaz năm 1125, trả thù lại Trận Ager Sanguinis diễn ra 6 năm trước đó. rận Azaz diễn ra ngay sau khi Baldwin bị bắt giam bởi quân Hồi vào năm 1124, để trả đũa, ông tiến hành bao vây Thành Aleppo. Quân Hồi Giáo đã nhanh chóng bao vây thị trấn Azaz ở phía bắc Aleppo. Baldwin II đã cử những lực lượng của mình nhử quân Hồi rồi tiến hành bao vây và tấn công họ trong một trận chiến đẫm máu.
Ông còn thiết lập những đơn hàng quân sự, và những luật lệ thành văn được biên soạn tại Hội Đồng Nablus năm 1120, những luật lệ ảnh hưởng rất nhiều từ Thiên Chúa Giáo và đã trở thành tiêu chuẩn của vương quốc nhiều năm sau đó. Đặc biệt hơn nữa, Baldwin đã xây dựng thành công một mối quan hệ tốt đẹp với Thành Venice ở miền bắc nước Ý, cũng như chấm dứt những vấn đề từ thời Baldwin I và Roger xứ Sicily, nhờ họ mà Vương Quốc đã mở rộng lãnh thổ lên thành Tyre. Quyền lực của nhà vua Jerusalem tiếp tục được mở rộng và ảnh hưởng sang những vùng đất khác, khi Baldwin là nhiếp chính của Antioch và hiện tại đang cho người của mình nắm giữ lấy Thành Edessa.
Không chỉ như vậy, Baldwin II cũng đã đạt được những thành tích quân sự rất đáng nể khi đột kích Thành Homs, đánh bại Sultan của Damascus, Toghgekin trong khi đột kích vùng đất của Damascus và hành quân lên phía bắc của Joscelin của Edessa nhằm đối đầu với Al-Bursuqui, người đã đối đầu với ông trong trận Azaz lần trước. Cả hai đều tránh một trận chiến đẫm máu, vì vậy hai bên đã tạm thời giảng hòa.
Vấn đề về quyền thừa kế một lần nữa trở thành một sự rắc rối. Bản thân Baldwin II không phải là người có con, ông đã lấy Moruty xứ Melitene , và họ có 4 người con gái: Hodierna và Alice thì được gả cho những công quốc Tripoli và Antioch để củng cố sức mạnh và quyền lực của Jerusalem: Hodierna đã lấy Raymond II của Tripoli và sinh ra Raymond III của Tripoli, một người có ảnh hưởng lớn đến lịch sử vương quốc trong khi vào năm 1126 Alice đã lấy Bohemond II của Antioch, người đã trở về quê hương đã lấy lại quyền lực và chấm dứt giai đoạn nhiếp chính của Baldwin II tại đây.  Trong khi đó, người con gái Loveta lại trở thành một nữ tu có ảnh hưởng. 
Bản đồ Jerusalem vào năm 1135, ngay giữa Thập Tự Chinh Lần Thứ Nhất và Lần Thứ Hai
Cuối cùng, người con gái cả, Melisende cuối cùng kế thừa ngai báu của cha. Bản thân Baldwin II cũng nhận ra để cho Vương Quốc trường tồn thì Melisende bắt buộc phải cưới một quý tộc giàu có và quyền lực, một người có thể đảm bảo sự viện trợ của phương tây. Vì vậy mà bà cưới Fulk V của Anjou, một nhà quý tộc đáp ứng đủ những điều kiện trên và họ cùng nhau có hai người con trai mang tên Baldwin ( ra đời năm 1130 ) và Amalric ( ra đời năm 1136 ).
Năm 1131, Vua Baldwin II chết sau 13 năm trị vì. Con rể và người thừa kế của ông, Fulk V xứ Anjou lên ngôi và trở thành vị vua thứ ba của Vương Quốc Jerusalem, cùng với Nữ Hoàng Melisende I.

II./Cuộc Thập Tự Chinh Lần Thứ Hai và những khủng hoảng diễn ra sau đó.


1./Thời kỳ của vua Fulk ( 1131-1143 )-những sóng gió cùng những vấn đề trong quản lý đất nước.
Fulk V của Anjou , vị vua thứ ba của Vương Quốc Jerusalem. Một điểm thú vị là triều đại của ông cũng bắt đầu sự liên hệ đến Pháp, Anh với Jerusalem, khi mẹ ông, phu nhân Bertrade de Comfort là vợ của vua nước Pháp Phillip I, ông là ông nội của Henry II của Anh cũng như cha của một lãnh chúa nước Pháp, Geoffrey V xứ Anjou, con trai của ông với người vợ đầu tiên.
Fulk là một quý tộc không chỉ giàu có, quyền lực mà còn giàu kinh nghiệm chinh chiến. Ông là người đã hỗ trợ quân sự cho vương quốc trong một chuyến hành hương đến Đất Thánh vào năm 1120. Kinh nghiệm chiến tranh cũng là một điều rất cần thiết, khi biên cương của vương quốc ngày một suy yếu. Việc lên ngôi của ông là một yếu tố gây tranh cãi, khi Melisende bắt buộc phải trở thành nữ hoàng và kế thừa di sản của cha, trong khi Fulk hiện đang là người phối ngẫu ( cũng như người hỗ trợ ) cho Melisende. Cuối cùng, dưới sức ép của Fulk và điều kiện của vương quốc, Baldwin II đã đồng ý cho Fulk lên ngôi vua.
Như vậy, Fulk xứ Anjou đã đăng quang vào năm 1131, và một triều đại sóng gió bắt đầu từ đây.
Hành động đầu tiên của Fulk sau khi lên ngôi vua đó chính là đưa vương quốc Jerusalem vào lãnh địa của Đế Quốc Angevin với tư cách là cha đẻ Geoffrey V xứ Anjou và ông nội của Henry II của Anh ( người mà sau này chính là thân phụ của Richard Lionheart nổi tiếng ). 
Không phải ai cũng đồng ý với hành động này, và việc để một gã nước ngoài lên làm vua lại càng khiến họ phản đối. Năm 1132, cả Tripoli, Edessa và Antioch đều đứng lên phản đối lại quyền cai trị tuyệt đối mà Jerusalem áp đặt lên họ. Nguyên do của cuộc chiến có lẽ bắt nguồn từ việc Fulk được cho là một kẻ kém quyền lực hơn những vị hoàng đế tiền nhiệm trước đó, cùng với đó là việc Antioch hiện đang được giữ bởi Alice, em gái của nữ hoàng Melisende.
Cuộc chiến diễn ra nhanh và gọn. Sau khi đánh bại Tripoli và liên minh với Antioch qua một sự sắp đạt về hôn ước ( một mối liên hôn giữa Raymond xứ Poitier, người thừa kế của Antioch và Constance, con gái của Alice ), Fulk phải củng cố nền cai trị của mình khi các quý tộc liên tiếp nổi loạn. 
Năm 1134, Bá Tước Jaffa Hugh II cùng lãnh chúa Oultrejordain ,Roman xứ Le Puy tuyên bố nổi loạn và liên minh với thành Ascalon của Ai Cập.        ( Nguyên nhân của cuộc nổi loạn có vẻ khá thú vị khi mâu thuẫn bắt đầu từ bộ ba Fulk-Hugh-Melisende. Hugh II thực chất là anh họ của Melisende, và những tranh cãi về quyền thừa kế cũng như ý thức hệ đã đẩy ông đến cuộc nổi loạn. )
Tuy nhiên, vua Fulk vẫn còn có những lực lượng quân sự mạnh, và vị vua tiến hàng bao vây thành Jaffa. Lúc này, những nhà chư hầu của Hugh II chắc chắn là không hề thích thú gì với việc bị bắt và có khả năng là bị xử tử khi phải chết chùm chung với gã này. Cuộc nổi loạn nhanh chóng được dẹp tắt. Bản thân Hugh II được một chuyến đi đày 3 năm và bị cắt đất, nhưng nhọ cho ông là được làm chuyến đi đày sang âm phủ ngay khi vừa cập bến. Những lãnh chúa chư hầu chống lại Hugh như Baldwin xứ Ramla và Barisan xứ Ibelin được ban thưởng, Baldwin xứ Ramla được ban thưởng mảnh đất Ramla, Barisan được ban Ibelin và dần trở thành một quý tộc và một người có vai trò quan trọng trong triều đình. Bản thân Balwin và Barisan cũng dần củng cố liên minh với nhau qua việc Barisan cưới con gái Balwin xứ Ramla và Helvis.    
Mặc dù vậy, Fulk phải đối mặt với một kẻ thù mới-mà-cũ-và-nguy-hiểm-hơn-nhiều: Zengid, kẻ giờ đang là tiểu vương của thành Aleppo và Mosul. ( cái lão bị ám sát vào năm 1145 và khởi đầu TTC Lần Thứ Hai đấy).Zengid giờ đang có một kế hoạch cực kỳ rõ ràng: Nhắm vào Damascus, đô thành hùng mạnh bậc nhất Tiểu Á. Với sức mạnh của cả ba đô thành cộng lại, Aleppo, Mosul và Damascus, thế giới Hồi Giáo sẽ có một cơ sở để giáng một đòn mạnh mẽ vào Jerusalem và lấy lại Đất Thánh về tay đạo Hồi. 
Từ năm 1137-1138, Hoàng Đế John II Komennos của Đế Quốc Đông La Mã đã tiến hành một đợt can thiệp vào Tiểu Á để khẳng định sự thống trị và áp đặt quyền lực của Đế Quốc Đông La Mã đối với Tiểu Á, cụ thể là các quốc gia Thập Tự Chinh, nhưng nó chẳng ảnh hưởng đến đại cục là bao (Sao tôi không ngạc nhiên nhỉ). Năm 1139, cả Damascus và Jerusalem đã nhận ra sự đe dọa nghiêm trọng của đế chế Zengid nên đã ký kết một hiệp ước liên minh. Tuy nhiên, ngay khi vừa lập liên minh với nhau chưa được bao lâu, Fulk đã bất ngờ hy sinh trong một tai nạn săn bắn vào năm 1143. Thi thể của vị vua bị nghiền nát bởi chính con ngựa của ông, và theo như William xứ Tyre, Fulk đã chết một cách tàn bạo khi xương sọ của ông vỡ ra và não bắn ra ngoài, theo đường lỗi mũi và tai ( dù khó có thể xác thực được tài liệu của William )
Chớp lấy thời cơ, Zengid chiếm Edessa vào năm 1144 và rồi-bị-ám-sát-bởi-một-chai-rượu vào năm 1145. Cái chết của Zengid đã làm tan rã chính đế chế của ông ta khi những người con trai của Zengid dần dần thâu tóm các lãnh thổ khác nhau trong đế chế của cha mình. Nổi bật nhất chính là Mosul thuộc về người con cả và Aleppo thì thuộc về người con thứ---Nur ad-Din Zengid. 
Như mọi khi, một công thức thường lệ được diễn ra: Giáo Hoàng gọi cho các nước Châu Âu, các nước Châu Âu hưởng ứng và cùng nhau đi đánh Hồi Giáo. Chỉ khác là lần này, các quý tộc không chỉ tham gia mà còn cả các vị vua và không chỉ một, mà đến tận hai vị vua của hai đất nước hùng mạnh bậc nhất Châu Âu tham gia: Louis VII của Pháp và Conrad III của Đức. Và đoán xem? 
Cuộc TTC lần thứ II thất bại thảm hại. TTQ thua trận một cách thảm hại, ngu ngốc và toàn diện tại vùng Tiểu Á. Thắng lợi duy nhất của họ chính là cuộc bao vây thành Lisbon cùng những chiến dịch khác tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhưng họ không hề dành được thắng lợi quan trọng nào tại Đất Thánh, và thất bại toàn tập khi không thể lấy lại được về thành Edessa và Damascus
Cuộc Thập Tự Chinh Lần Thứ Hai

Cuộc thập tự chinh thứ hai đã để lại những hậu quả nặng nề cho vương quốc. Trong suốt nhiều năm tiếp theo, chỉ có những quý tộc nhỏ lẻ với sự hỗ trợ quân sự không đáng kể tiếp tục quá trình hành hương đến thành Jerusalem. Sức mạnh quân sự của Jerusalem bị suy giảm. Chớp lấy thời cơ, Nur ad-Din Zengid nhanh tay chiếm lấy thành Damascus vào năm 1154 và đánh baị quân Antioch trong trận Inab vào năm 1149. Trong thời kỳ của Nur ad-Din, một vị vua ngoan đạo, ông liên tục thúc đẩy ý niệm về quyền kiểm soát và thống trị Đất Thánh của người Hồi Giáo cũng như nỗ lực khôi phục các giá trị chân chính của đạo Hồi.
2./Triều vua Baldwin III ( 1143-1163 )- Giai đoạn nhiếp chính của Thái Hậu Melisende và Nội Chiến Đất Thánh.
Những tưởng không có gì có thể tệ hơn nữa thì Vương Quốc Jerusalem nổ ra Nội Chiến. Nguyên do bắt nguồn từ việc triều đình đang diễn ra cuộc chiến tranh giành vương quyền giữa Thái Hậu Melisende và Vua Baldwin III. Vua Baldwin III đăng quang vào năm 1143 ở tuổi đời còn rất trẻ, vị vua mới 13 tuổi và vừa mất cha nên Melisende sẽ đóng vai trò như một nhiếp chính. Tuy nhiên Melisende tiếp tục giữ chức vụ Thái Hậu Nhiếp Chính đầy quyền lực rất lâu sau khi Baldwin III trưởng thành, thậm chí vào năm 1152 khi vị vua đã ngoài 22 tuổi. Hỗ trợ Thái Hậu Melisende gồm Manasses xứ Hierges, một thành viên của hội đồng phong kiến và là cánh tay phải đắc lực của Melisende; người con trai thứ Amalric, đảm đương chức vị Bá Tước Xứ Jaffa; Phillip xứ Milly và Gia Tộc Ibelin, một gia tộc ngày càng trở lên quyền lực từ khi Barisan xứ Ibelin dập tắt cuộc nổi loạn của Hugh II. Vua Baldwin III lại khẳng định sự tự chủ của mình khi trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp giữa Tripoli và Antioch; dần có được sự ủng hộ của những anh em của nhà Ibelin , vốn là những người con trai của Lãnh Chúa Barisan quá cố. Sự ủng hộ của họ bắt nguồn từ việc họ phản đối quyền lực ngày càng gia tăng của Manasses xứ Hierges và là người bố dượng của họ sau một cuộc hôn nhân với người mẹ góa vợ của họ, Helvis xứ Ramla (Barisan đã chết vào năm 1150, để lại một Helvis góa phụ)
Cuộc chiến tranh giành quyền lực tiếp tục với đỉnh điểm là hai mẹ con đưa vấn đề về quyền thừa kế ra trước hội đồng hoàng gia. Quyết định này đã chia cắt vương quốc thành hai nửa, với Baldwin trị vì hai vùng lãnh thổ Acre và Tyre ở phương bắc và Melisende Thành Jerusalem và các thành phố ở phương nam. Nhưng vị vua trẻ không chấp nhận điều này, và cả vương quốc bị lôi vào một cuộc nội chiến. Baldwin đích thân dẫn quân chinh phạt miền nam và đánh bại quân đội của thái hậu Melisende. Jerusalem được mở cửa, và Melisende cùng Amalric bị bao vây trong tháp David suốt nhiều ngày liền. Cuối cùng, một sự hòa giải đã được đề xuất ra. Melisende vẫn sẽ giữ vững Nablus, trong khi Manasses bị lưu đày. Thay thế Manasses là một quý tộc đã ủng hộ Baldwin, Humfrey II của Toron. Năm 1154, Baldwin đã nhận ra vai trò thực sự của mẹ mình và để bà nắm giữ quyền lực trở lại một cách không chính thức cũng như nhiếp chính khi ông đi chinh chiến.   
3./Baldwin III chính thức lên nắm quyền.
Vua Baldwin III

Năm 1153 là một năm thuận lợi cho vương quốc khi Baldwin III đã chiếm thành công thành Ascalon và đảm bảo biên giới phía nam cho vương quốc,giúp chặn lại những cuộc xâm lăng từ triều đại Fatimid của Ai Cập, thậm chí Ai Cập còn phải cống nạp cho Vương Quốc Jerusalem. Vấn đề biên giới của Vương Quốc ngày càng trở nên phức tạp: Nhà Zengid thì đã chiếm được Damascus khuếch trương thế lực trong khi Syria lại đang được thống nhất, điều đó dẫn đến việc vương quốc chỉ có thể khuếch trương thế lực của mình ở Ai Cập. Ba năm sau, vị vua trẻ tuổi bắt buộc phải tự ký một hiệp ước với Nur ad-Din. Năm 1157-1158, Baldwin cố gắng chiếm Shaizar nhưng thất bại vì tranh chấp giữa Flander và Raynald xứ Chatillon, nhưng vào năm 1158, ông đã có thể tự mình đánh bại được Nur ad-Din Zengid.
Một vấn đề nữa trong hoàng gia chính là Đế Quốc Byzantine/Đông La Mã. Hoàng đế Byzantine, Manuel I Kommenos, đã tuyên bố quyền lực của mình lên Antioch. Nhận ra một liên minh là cần thiết để chống lại những thế lực Hồi Giáo ngày càng mở rộng thế lực, Baldwin III đã tiến hành những thỏa thuận Byzantine và thiết lập liên minh với Đế Quốc này. 
Liên minh với Byzantine là một điều cần thiết. Vương Quốc Jerusalem cần một cuộc TTC, và với việc TTC được sinh ra để hỗ trợ cho Byzantine chắc chắn khiến Đế Quốc này là một mảng quan trọng trong TTC. Không chỉ như vậy, Byzantine còn góp phần cung cấp thực phẩm và là tuyến hậu phương quan trọng cho Vương Quốc. Bên cạnh việc xúc tiến một vài vùng đất cho Byzantine, Baldwin III còn chú ý đến việc kết nối cả hai qua con đường hôn nhân. Vì vậy, một cuộc hôn nhân đã được tổ chức giữa Maria, em họ của Baldwin III với Manuel I. Baldwin III cũng làm điều tương tự khi có một cuộc hôn nhân với Theodora Kommenos, cháu gái của hoàng đế Manuel I. Cô dâu 13 tuổi, và chú rể 28 tuổi, nhưng chắc chắn sẽ đạt được lợi ích. 
Những tưởng cuộc hôn nhân sẽ tốt đẹp nhưng không. Baldwin III đột ngột qua đời vào năm 1163, kết thúc 20 năm trị vì ở độ tuổi 33. Vị vua qua đời mà không có con nối dõi, mặc dù anh đã có một cuộc hôn nhân với Theodora và như vậy, vương miện được chuyển giao cho Amalric, người con trai thứ của Thái Hậu Melisende.

III./Triều vua Amalric I: Cuộc thập tự chinh Ai Cập và sự suy thoái của Vương Quốc.



vua Amalric I, vị vua thứ 5 của Vương Quốc Jerusalem

Nếu các bác đã theo dõi những bài viết trước của tôi về Thập Tự Chinh, cụ thể là người anh hùng bất tử của Hồi Giáo---Saladin, chắc hẳn các bác đã biết đến về việc Saladin cùng người chú Shirkuh đã đến Ai Cập vào năm 1163.
Sau thắng lợi trước thành Ascalon của Quân Jerusalem vào năm 1153 dưới triều của vua Baldwin III, Vương Triều Fatimid của Ai Cập đã phải duy trì chế độ cống nạp cho Jerusalem và mặt phía nam của vương quốc đã tạm thời yên ổn. Vương Triều Fatimid lúc này đang được kiểm soát bởi tể tướng Shawar, tuy nhiên ông ta bất ngờ bị cách chức tể tướng và bị thay thế bởi chính kẻ thù chính trị của mình, Dirgham. Khao khát bảo vệ quyền lực tối thượng của mình, Shawar đã kêu gọi Vương Quốc Jerusalem đến giúp đỡ mình nhưng Dirgham đã đánh chặn thành công bọn họ nhờ lợi dụng những con đập trữ nước. Quân Thập Tự Chinh bắt buộc phải rút quân. Shawar bắt buộc phải đề nghị sự trợ giúp từ phía Aleppo. Không muốn bỏ lỡ miếng mồi ngon là Ai Cập, Nur ad-Din Zengid đã cử hai chú cháu Shirkuh và Saladin đến vào năm 1163. Đây có lẽ là một kế hoạch hoàn toàn thuận lợi, có cơ sở và thành công được. Những cuộc tranh giành quyền lực đã làm cho Vương Triều Hồi Giáo Fatimid suy yếu, và quân đội Zengid tương đối tinh nhuệ, đặc biệt đặt dưới sự chỉ huy của một vị tướng danh tiếng như Shirkuh. 
Tuy nhiên, Nur ad-Din không hề nhận ra rằng, mặc dù quân đội của ông hoàn toàn có thể chiếm được Ai Cập, nhưng Ai Cập sẽ không bao giờ sát nhập vào lãnh thổ của ông.
Mặc dù ban đầu giúp đỡ Shawar đánh bại Dirgham nhưng quân Zengid vẫn cứ ở lỳ tại đây và dần dần thao túng quyền lực ở Ai Cập. Nhận ra sai lầm của mình, Shawar liền nhờ Amalric đến tấn công Ai Cập. Vua Amalric là một người đủ khôn ngoan để nhận ra hiểm họa nếu như để Ai Cập rơi vào tay Nur ad-Din. Nếu Ai Cập bị chiếm, Vương Quốc Jerusalem sẽ lâm vào thế yếu khi bị các thế lực Hồi Giáo bao vây trong khi các thế lực Hồi Giáo ngày càng mở rộng, nhưng nếu như họ chiếm lại được Ai Cập, giỏ bánh mì của Châu Âu thời đó, thì chính họ sẽ có một cơ sở hậu phương vững chắc hơn cả Byzantine và gia tăng binh lực để bảo vệ Jerusalem, một mũi tên trúng cả hai cái đích Byzantine và Hồi Giáo. Vì vậy, Amalric đồng ý và huy động quân đội để tiến hành cuộc xâm lược Ai Cập lần thứ hai.          
Đích thân Amalric dẫn quân và bao vây Shirkuh tại Billbeis vào năm 1164 cho đến khi Shirkuh rút về Damascus. Thật đáng tiếc thay, vị vua của Đất Thánh lại không thể tiếp tục cuộc hành quân của mình tại Ai Cập vì quân đội Zengid do Nur ad-Din lãnh đạo đã bất ngờ tấn công hậu phương của ông, cụ thể nhắm vào Công Quốc Antioch và đánh bại Thập Tự Quân trong trận Harim, thậm chí ông còn bắt sống Bohemund III của Antioch và Raymond III của Tripoli. Vị vua ngay lập tức quay về Vương Quốc Jerusalem và củng cố lại các tuyến phòng thủ. Mặc dù vậy, việc giữ được Ai Cập cũng đã là một chiến thắng đối với Shawar khi hắn phục hồi lại được quyền lực và Shirkuh phải rút quân. 
Shawar vẫn tiếp tục cai trị Ai Cập, nhưng nền cai trị Ai Cập của hắn không tồn tại lâu khi ngay vào năm 1167, Shirkuh đã trở lại và chuẩn bị tấn công hắn. Một lần nữa, Shawar lại nhờ đến quân Thập Tự Quân Jerusalem. Và như vậy, Thập Tự Quân đã đến Ai Cập lần thứ ba. Khi Shirkuh đến, Shawar ngay lập tức kêu gọi Thập Tự Quân đến giúp đỡ mình. Amalric đáp lại lời kêu gọi của Shawar và hành quân đến với Ai Cập. Không như Quân Zengids, Quân Thập Tự có ưu thế mạnh trên biển nhờ vào lực lượng hải quân và được hỗ trợ bởi đế chế Byzantine. Vì vậy, Almaric nhanh chóng đến Ai Cập. TTQ hội quân với Quân Fatimids và cùng nhau hành quân đón đánh Shirkuh. 
Trong khi đó, Shirkuh bất ngờ di chuyển về phía nam. Amalric thúc quân đuổi quân Hồi Giáo, vượt qua thung lũng sông Nile và phía nam Giza. Nhưng khi cuộc rượt đuổi bắt đầu vượt qua cả những mảnh đất màu mỡ của sông Nile và đến với sa mạc, quân Hồi Giáo đột ngột dừng lại. Gió và những đụn cát đã cản trở tối đa kỵ binh và những cung thủ tinh nhuệ của Amalric. Shirkuh đã khéo léo thu hút mũi nhọn của TTQ lao vào trung tâm của Quân Zengids, kéo TTQ ra thành nhiều hướng khác nhau, chệch hướng họ đi và tạo ra nhiều cuộc giao tranh nhỏ thay vì một cuộc giao tranh lớn. Mặc dù đã có một trận giao tranh đẫm máu xảy ra nhưng cả hai bên vẫn bất phân thắng bại.
Lược đồ trận đánh al-Babein
Kết thúc trận chiến, Quân Zengid đã nhanh chóng đến Alexandria với kế hoạch sử dụng thành phố này làm cảng nhưng đã thất bại khi hạm đội TTQ đãbao vây cảng. Quân Zengid thua trận và phải rút về và Shawar nắm giữ Ai Cập với một đơn vị đồn trú TTQ ở Cairo. Một hiệp ước thuận lợi cho cả hai bên đã được lập ra dẫn đến việc Ai Cập cống nạp hàng năm cho Vương Quốc Jerusalem. 

Amalric tiếp tục củng cố hôn nhân của mình bằng cách kết hôn với Maria Kommene, một người cháu gái khác của hoàng đế Manuel Kommenos. Liên minh được thành lập và những kế hoạch viễn chinh được lập thành nhưng vào năm 1168, Amalric đã cướp phá thành Billbeis mà không cần hải quân của Đông La Mã, khiến Shawar chơi đểu lão và về phe Shirkuh, nhưng hắn nhanh chóng bị ám sát và Shirkuh nắm quyền kiểm soát Ai Cập. Không lâu sau, Shirkuh chết và cháu ông là Saladin lên thay. Và đoán xem? Vương Quốc Jerusalem mất đi đồ cống nạp từ Ai Cập, Hồi Giáo ngày càng tăng cường sức mạnh, thiệt hại và thâm hụt về tài chính tăng dần theo thời gian. Còn có gì tệ hơn nữa không nhỉ?  Yep, còn tệ hơn được đấy: Vua Amalric cũng mất đột ngột vào năm 1174 cùng Nur ad-Din. Bốn năm sau, Hoàng đế Manuel I cũng mất nốt và khiến cho vương quốc không chỉ bị suy yếu nặng nề mà còn mất đi đồng minh hùng mạnh nhất của mình.

IV./Vương Triều Của Vị Vua "Hủi" Baldwin IV-Hồi kết cho Vương Quốc.


Vua Baldwin IV Thành Jerusalem, vị vua thứ 6 của Vương Quốc Jerusalem, trong trận chiến Montgisard
Vua Baldwin IV, một trong những vị vua nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử thế giới vì căn bệnh hủi của mình và tài năng quân sự xuất chúng cùng những chiến lược độc đáo và tài tình đã ra đời vào ngày 11 tháng 7 năm 1161. Ông là trưởng nam của vua Amalric I và phu nhân Agnes xứ Couternay. 
Vị hoàng tử không có một tuổi thơ quá hạnh phúc khi cha đang bận rộn với những công việc của triều đình và mẹ thì phải tạm thời rời xa gia đình hoàng tộc. Không chỉ như vậy, vị vua trẻ bị mắc bệnh hủi vào năm 9 tuổi ( theo William xứ Tyre, người cũng chính là thầy giáo và người đã để lại một số tài liệu ghi chép về sau ) và phải chịu đựng những di chứng nặng nề nhất của căn bệnh này.  
Vấn đề lên ngôi của vị vua trẻ tuổi cũng gắn liền với một cuộc tranh cãi rất lớn trong triều đình, khi một phe muốn đề nghị chủ hòa với Saladin và những phe cánh Hồi Giáo khác trong khi một phe lại muốn tiếp diễn quan hệ chiến tranh. Hai phe lần lượt được dẫn đầu bởi Agnes xứ Courtenay, mẹ của Baldwin IV và Raymond xứ Tripoli. Cuộc chiến giữa họ cuối cùng dẫn đến việc Milles xứ Plancy trở thành nhiếp chính. Nhưng ông lại bị ám sát, điều đó dẫn đến việc Raymond xứ Tripoli nắm quyền nhiếp chính. Để bảo vệ vương quốc và tạm thời ổn định lại triều chính, Raymond đã ký kết hòa bình với Saladin, ít nhất là vài năm.
Vấn đề thừa kế một lần nữa trở thành một cơn ác mộng. Baldwin IV là một người bị bệnh hủi, vì vậy nên ông không thể nào có con trai nối dõi. Như vậy, quyền thừa kế sẽ được chuyển về cho hai người: Sibylla và Isabella. Người thứ nhất, Isabella là chị gái của Baldwin I. Năm 1174, Baldwin đã mời William xứ Montferrat, anh em họ với vua Louis VII của Pháp và Frederick Barbarossa. Cuộc hôn nhân dẫn đến sự ra đời của một cậu bé trẻ tuổi cùng tên với nhà vua, tuy nhiên không may thay, William xứ Montferrat đã chết chỉ sau 1 năm đến Jerusalem và Guy xứ Lusignan đã được lựa chọn làm người chồng của cô. Người thứ hai, Isabella lại là em gái cùng cha khác mẹ của Baldwin IV ( Amalric I đã kết hôn với Maria Kommenos nhằm củng cố sức mạnh vương quốc. Mối hôn nhân của cô được xe duyên với Humfrey IV xứ Toron, cùng với đó là mẹ kế của Baldwin IV, Maria Kommenos kết hôn với Balin, vị lãnh chúa của vùng đất Ibelin.
phả hệ hoàng tộc Vương Quốc Jerusalem
Tạm gác lại chuyện thừa kế, hãy đến vấn đề quân sự chính trị của vương quốc. Vị vua trẻ mặc dù bị bệnh hủi nặng nề nhưng đã thể hiện rất rõ khả năng chiến thuật táo bạo và quả cảm, với sự hỗ trợ đến từ Raynald xứ Chatillon. Vào những năm  Vào năm 1174, Vua Baldwin IV khi mới được 13 tuổi đã đích thân cầm quân dẹp loạn đánh thắng Saladin. Bằng cách bao vây Thành Damascus, cứ điểm quan trọng của Saladin, Baldwin IV đã thành công trong việc giả vây Aleppo. Baldwin IV cũng có một tham vọng rất lớn: đánh chiếm Ai Cập, căn cứ địa quan trọng bậc nhất của Saladin. Nếu như điều này thực sự xảy ra, thì Baldwin IV có thể khiến Saladin bị suy yếu nặng nề và Vương Quốc Jerusalem sẽ trường tồn thêm mấy trăm năm nữa nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực. Năm 1175, William xứ Montferrat, nhân tố quan trọng gắn kết nhà vua với những cường quốc châu Âu đột nhiên qua đời, bệnh tình của Baldwin IV ngày một thêm nặng, điều đó dẫn đến chiến dịch thất bại ngay từ lúc chưa được bắt đầu.
Ba năm sau, vào năm 1177, khi những vị tướng lĩnh, quý tộc quan trọng như Phillip xứ Flander, Bohemond III và Raymond III đi lên phía bắc đánh chiếm Hama, để Baldwin một mình Saladin nhân cơ hội đã dẫn hơn 26 ngàn quân đến tấn công Đất Thánh nhưng điều ông không thể ngờ đến là vị vua trẻ tuổi mới 16 tuổi đầu đã đích thân dẫn một lực lượng quân sự chỉ có vài ngàn người đánh úp vào bên kia Quân Hồi trong một trong những trận đánh nổi tiếng nhất thế giới-trận Montgisard ( Tôi đã nói về trận chiến này trong bài viết trước đó ). Công bằng mà nói, Quân Hồi lúc ấy đang tản ra cướp bóc và vẫn chưa tập hợp được đội ngũ, trong khi Baldwin IV đã đánh một đòn quá bất ngờ, nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng và lòng quả cảm của ông. 
Vào năm 1177, Baldwin IV đã mời Phillip xứ Flander đến thăm vương quốc và nhờ ông giữa chức vụ nhiếp chính kiêm chỉ huy quân sự. Phillip từ chối nắm giữ chức nhiếp chính nhưng ông lại phản đối việc bổ nhiệm Raynald thay thế vị trí đó. Phillip dần dần muốn lấn chiếm quyền lực khi đề nghị hôn ước giữa em gái của vua Baldwin IV và một trong những người hầu của mình cho đến khi ông bị phản đối bởi những quý tộc. 
Vào năm 1181, Raynald xứ Chatillon đột kích vào phía nam Ả Rập. Đáp trả lại,vào năm 1182, Saladin dẫn quân tiến đánh nhưng bị đánh bại ở lâu đài Beilvor. Raynald tiếp tục bày mưu nhằm tổn hại đến danh tiếng của Saladin qua các cuộc đột kích thất bại của ông nhưng vẫn không thành. 
Năm 1184, cuộc hôn nhân giữa Isabella, em gái của Baldwin IV với Humfrey IV của Toron được tiến hành. Tuy nhiên, Saladin đã bao vây lấy thành Kerak, nơi đang diễn ra cuộc hôn nhân. Baldwin IV, dù đang phải nằm cáng nhưng vẫn đến Kerak thách thức Saladin. Hoảng sợ trước Baldwin IV và đối đầu với tình thế nội ngoại công kích, Saladin rút quân.
Cùng năm đó, Guy xứ Lusginan được chọn làm nhiếp chính khi căn bệnh thống phong ngày một đe dọa đến tính mạng của Baldwin IV. Tuy nhiên, mặc dù dũng mãnh và có tiềm năng, nhưng Guy thiếu kinh nghiệm đã dẫn đầu quân đội chống lại quân đội Saladin đang xâm lược vương quốc. Không ai đạt được thành công, và Guy bị chỉ trích vì đã không tấn công Saladin khi không có cơ hội. Không lâu sau, Vua Baldwin IV phục hồi lại, cách chức nhiếp chính của Guy xứ Lusignan và đưa cháu trai Baldwin lên làm đồng vương vào tháng 11 năm đó.  Raymond xứ Tripoli được bổ nhiệm làm nhiếp chính mới.
Guy xứ Lusignan
Khoảng vài tháng sau cái chết của phu nhân Agnes, bệ hạ yếu dần. Nhiều chính sách của ngài đã được thực thi để củng cố lại vương triều. Ông cố gắng chia tách Sybila với Guy, nhưng thất bại. Kiệt quệ vì công việc triều chính và những chiến dịch quân sự tại vùng Kerak, nhà vua đã nằm xuống. Bệ hạ chỉ mới hai mươi tư tuổi, và đã trị vì Vương Quốc được mười một năm. 
Vua Baldwin IV Thành Jerusalem, người đã bảo vệ Thành Jerusalem và cứu lấy vận mệnh của cả vương quốc đã về với Chúa vào mùa xuân năm 1185. Người người khóc thương cho ông. Vị vua, mặc dù bị bệnh hủi nhưng đã bất chấp tất cả để bảo vệ lấy Vương Quốc của mình. 
Sinh thời, ông đã cố gắng để giữ hòa khí trong gia tộc và trong đất nước duyên hải của tổ tiên ông, nhưng điều đó đã thất bại khi Vương Quốc Jerusalem sẽ có một cuộc nội chiến giữa Sybilla và Isabella, nhưng đó vẫn chỉ là một khả năng trong tương lai, bởi ngay lúc này, Saladin đã trở lại và dẫn hàng vạn quân xâm lược Vương Quốc Jerusalem sau cái chết của Vua Baldwin V, người cháu của ông, chỉ sau một năm cai trị ngắn ngủi dưới quyền những nhiếp chính vào năm 1186. Và vương quốc, rất nhanh sau đó, bắt đầu sụp đổ dưới sự tranh đấu quyền lực giữa những nhiếp chính và sự lớn mạnh của Saladin. Câu chuyện về Vương Quốc Jerusalem kết thúc tại đây, một bản trường ca xuyên suốt gần một trăm năm, có lúc oai hùng, có lúc trầm lắng, nhưng đó luôn là một bản trường ca đáng nhớ.

Như vậy, tôi đã viết xong series dài kỳ về Thập Tự Chinh, về Jerusalem và về những biến cố xảy ra sau đó. Đây là một series nếu đến giờ nhìn lại vẫn chưa bao giờ làm tôi ưng ý cả, nhưng tôi vẫn sẽ luôn cảm ơn những ai đã đồng hành cùng tôi và.... đọc cho đến dòng này. Tôi vẫn sẽ tiếp tục viết lên những câu chuyện về Thập Tự Chinh cùng những biến cố xảy ra sau đó, nhưng đó sẽ là một thời điểm khác. Một câu chuyện khác. Còn bây giờ, một lần nữa, xin cảm ơn các bác và hẹn một ngày không xa!