Triết học và cuộc sống
Ta tìm mục đích mà ta sống . Ta hướng đến triết học để tìm ra . Liệu có đúng không ?
(Nếu chỉ đọc đoạn đầu bạn sẽ chỉ thấy định nghĩa về cuộc sống mà bản thân tôi tự quan niệm thôi. Còn câu trả lời cho triết học và cuộc sống nằm ở đoạn cuối. Hãy cùng tôi đọc nhé!)
Trong chúng ta sẽ có người đặt ra câu hỏi : "Chúng ta sống để làm gì? Tại sao phải sống? Việc cố gắng không ngừng để tiến bộ để làm gì? Tại sao phải luôn nỗ lực như vậy?"
Và rồi sẽ có rất nhiều cách trả lời câu hỏi này :
"Sống vì tình thương, tình yêu."
"Sống để biết thêm nhiều thứ mới trên thế giới mà bản thân chưa đủ kiến thức."
"Sống để cống hiến."
Hay chỉ đơn giản là "Sống vì bản thân đã lỡ sinh ra rồi?"
Vậy đâu mới là sống, đâu mới thực sự là đáp án chính xác?
Con người chúng ta luôn thay đổi và biến động dưới tác động của không gian và thời gian. Cũng chính vì vậy mục đích sống của chúng ta cũng sẽ biến đổi theo. Do đó tùy thuộc vào hoàn cảnh mà quan điểm về cuộc sống của chúng ta cũng khác nhau.
Khi ta chưa có được thứ gì thì ta khao khát thứ ấy. Nếu đặt dưới hoàn cảnh ta dễ dàng có được nó thì liệu ta có còn trân trọng nó không? Nếu thêm chút gian nan và thử thách vậy thì liệu cách ta nhìn nhận và đối xử có khác nhau không? Bản tính con người là thích được chinh phục và khám phá, vậy chắc mọi người biết câu trả lời đúng không? Do đó, nhiều khi hoàn cảnh chính là chất xúc tác mạnh nhất để ta biết ta sống để làm gì và cảm nhận được hạnh phúc thật sự của cuộc sống. Ví dụ rất đơn giản thôi: Ta phải cực khổ đi kiếm tiền ta mới biết giá trị đồng tiền và trân trọng nó.
Như tôi đã nói thì cuộc sống chúng ta luôn biến động, dẫn đến nhu cầu và mục đích của chúng ta sẽ luôn chuyển động theo những biến đổi ấy.
Khi bé, tầm nhận thức của ta còn hạn hẹp, nhu cầu còn đơn giản thì thứ ta muốn là đồ chơi, là được chiều chuộng, được ăn ngon, được bế bồng... Người mà sẽ đáp ứng được nhu cầu đấy của chúng ta không ai khác chính là bố mẹ. Và khi mà bố mẹ đã đồng ý thì bản thân chúng ta đã có rồi. Nếu bố mẹ dễ dàng chấp thuận thì dần dần bạn sẽ coi đó là điều đương nhiên và tiếp tục đòi hỏi, nhưng lại không biết trân trọng giá trị của nó. Cũng là đồng ý nhưng việc đồng ý không nên tùy tiện, chỉ những thứ thực sự cần thiết và tối thiểu thì đứa bé sẽ trân trọng hơn chứ. Đối với một đứa bé thì sống như vậy là đủ.
Lớn hơn một chút, nhận thức cũng tăng lên, thì nhu cầu cũng biến đổi. Đứa trẻ ngày đó sẽ muốn thêm: bạn bè, được sự yêu quý, nổi bật... Lúc đấy nó sẽ nhận ra rằng thứ mà nó muốn có được không hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ nữa, mà còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường, cũng như hoàn cảnh cuộc sống . Rất thích một món đồ chơi mà điều kiện tài chính không cho phép, muốn được thầy cô yêu quý nhưng thầy cô luôn không ưa mìn , hay là muốn nổi bật trước đám đông nhưng không thể?
Đến độ tuổi thanh xuân, trong thế giới của đứa trẻ đó xuất hiện một "khái niệm" mới: Yêu. Nó muốn được yêu, muốn biết yêu là cảm giác như nào, hay chỉ là nhìn bạn bè rồi muốn được yêu. Trong nó bùng cháy lên khát vọng mãnh liệt muốn được yêu. Hoặc không phải như lí do trên mà là nó đã yêu một người chỉ vì nhìn thấy người đấy nó xác định bên mãi mãi? Cũng không có câu trả lời chính xác. Vậy thì yêu là gì ?
Thời gian trôi đến lúc đứa trẻ thành một chàng trai (cô gái) lập nghiệp, cùng với áp lực đồng trang lứa của mọi người xung quanh. Nếu mà chàng trai chả có gì trong tay, liệu chàng trai ấy sẽ cảm thấy như thế nào? Liệu có cảm thấy thất bại, vô dụng, tuyệt vọng, và phải lao đầu cố cho bằng được. Không phải ai cũng may mắn khi tìm được công việc mình vừa yêu thích vừa giỏi giang. Có những người không tìm được công việc mà họ muốn mà chăm chăm chạy theo đám đông, theo cuộc đời. Cuộc đời đưa họ đến đâu thì họ chấp thuận đến đó. Còn có những người không quan tâm bản thân nhận được lợi ích bao nhiêu từ công việc mà chỉ quan tâm đến đam mê, đến sở thích của riêng mình.
Khung cảnh trôi tiếp đến lúc chàng trai lập gia đình , có một mái ấm, tổ ấm của riêng mình (ở đây tôi xin lấy ví dụ là một người con trai). Những nhu cầu, mong muốn trong cuộc sống lại thay đổi. Nào là lương bao nhiêu để chăm vợ con cho tốt, để vừa cân bằng được thời gian bên người thân lại vừa cân bằng được thời gian cho công việc. Dưới cái nhìn khắt khe của xã hội, đàn ông phải như nào? Có nhà, có xe, có tiền...?
Khi trải qua đủ thăng trầm của cuộc sống thì đứa trẻ thành ông cụ. Khi đó, ông cụ đã nhìn xuyên suốt cả cuộc đời và nhận ra bản thân đã có những gì, những kinh nghiệm mà bản thân đúc kết ra, cũng như những hạnh phúc mà ông đã nhận được. Liệu ông hạnh phúc hay không? Ta không thể chắc chắn được. Nhưng lúc đó ông không làm được gì nữa rồi. Ông già, yếu đuối, kiệt sức. Điều mà ông có thể làm bây giờ chỉ là nhìn con cháu sống và phát triển tiếp như thế nào, có lặp lại những lỗi lầm của ông trong quá khứ không, nhìn người vợ đang bên mình mà hồi tưởng bản thân đã đi đến đâu để có người đồng hành ngày hôm nay. Có thể ông sẽ nuối tiếc , ông muốn thay đổi nhưng đã không kịp nữa rồi.
Vậy là tôi đã chứng minh cho các bạn quan niệm của tôi về sự sống. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là đánh giá trên phương diện cuộc sống chung mà mọi thứ diễn ra chứ không phải đánh giá dựa theo tính cách cá nhân mỗi người . Mỗi người có một tính cách, mà từ đó tính cách chúng ta sẽ hình thành nên cái gọi là "sống" mà chúng ta mong muốn . (cũng có một số thứ được gọi là tác nhân ngoại cảnh sẽ tác động mà chúng ta mong muốn, tôi không hề phủ định ảnh hưởng của chúng nhé!). Chúng ta sẽ có cơ hội lắng nghe về cách sống của rất nhiều người, không đồng tình cũng được nhưng ít nhất hãy tôn trọng họ.
Và đối với tôi, triết học cũng như vậy.
Triết học hướng đến gì? Hướng đến sự bình thản trong tâm hồn, tìm ra giá trị, vị trí của con người ở đâu. Triết học đánh giá chung nhất về cả con người chứ không phải từng cá nhân. Triết học sẽ đưa ra hướng đi gọi là đúng nhất cho cộng đồng, để toàn bộ xã hội cùng phát triển, chứ không phải cho cá thể từng người một .
Thật ra cá nhân tôi, khi mà bản thân quá bất lực trước những thứ mà ta mong muốn , không làm được gì trước cuộc sống thì người ta mới hướng đến sự thanh thản. Nó như một sự chấp nhận, bỏ cuộc vậy. Để làm bản thân bình tĩnh lại và theo đuổi một thứ mới. Nó không xấu nhưng tôi không cho nó là đúng, là chuẩn mực . Phải chăng do tôi cố chấp ư? Tôi không biết, nhưng cho đến nay thì câu trả lời của tôi vẫn là do tôi quyết định cuộc sống của mình. Tôi sẽ không hướng đến bất cứ cái gì để tìm đến sự thanh thản trong bản thân. Tôi muốn sống bằng cả niềm đam mê và sự yêu thích. Có thể tôi buồn, tôi thất bại. Nhưng tôi sẽ không bao giờ hối hận khi nghe trái tim mình mách bảo. Tôi chấp nhận đánh đổi tất cả để theo cái mà bản thân tôi hướng đến. Liệu nó có đáng hay không, không quan trọng, quan trọng đó là thứ mà tôi tin là đúng .
Cuộc sống cũng chính là sự trải nghiệm, đau buồn hạnh phúc là tất nhiên. Vậy nên đừng để bản thân hối hận, hãy luôn tin vào bản thân mình.
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất