Bạn đã bao giờ từng trách bản thân vì thường xuyên trễ deadline, chờ nước đến chân mới cuống cuồng làm? Đã bao giờ bạn bước vào bàn làm việc với tâm trạng uể oải, sau đó lướt mạng xã hội, đọc tin tức và bị cuốn theo đó? 
Hay đơn giản như bạn muốn dậy sớm tập thể dục ngày hôm nay nhưng giấc ngủ kéo bạn quay trở về với giường êm ái và tặc lưỡi “Để mai vậy”. Nhưng chúng ta đều biết rằng, “ngày mai” vẫn đang lạc trôi ở một chiều không gian khác. 
Có thể bạn biết sự trì hoãn (procrastination) đang cản trở mình, nhưng có thể bạn không biết, trì hoãn cũng có “trì hoãn this”, “trì hoãn that”. Click vào từng hình để xem mình đang trì hoãn theo kiểu nào và cách để vượt qua nhé!

Kiểu 1: Người cầu toàn

Người cầu toàn thường rất để ý đến các chi tiết nhỏ nhặt. Họ muốn làm đúng ngay từ bước đầu. Họ cẩn thận đến từng chi tiết. Thế nên mỗi khi bắt tay vào công việc, người cầu toàn thường gặp nhiều khó khăn. Họ luôn trong tâm thế căng thẳng hoặc quá sợ hãi để tiếp tục việc đang làm dở.
Lời khuyên dành cho người cầu toàn:
Đừng để nỗi ám ảnh các chi tiết chiếm hết thời gian của bạn. Thay vào đó, bạn có thể chia nhỏ thời gian 15 phút - 20 phút cho từng nhiệm vụ cụ thể. Hãy làm từ bước tổng quan trước, sau đó đi vào từng chi tiết. Ví dụ, nếu bạn cần viết một bài 1500 chữ, đầu tiên hãy lên sườn bài, viết nháp lượt đầu tiên, biên tập lại các ý và cuối cùng mới đến kiểm tra lỗi chính tả, trau chuốt lại câu từ. Bạn sẽ thấy mình tập trung tốt hơn và tốc độ làm việc nhanh hơn khi làm từ đầu tới cuối, thay vì cứ làm giữa chừng lại ngồi tẩy tẩy xóa xóa từng chi tiết nhỏ. Hãy nhớ rằng đôi khi ‘Done is better than perfect’ - Hoàn thành tốt hơn hoàn hảo.

Kiểu 2: Người mơ mộng

Đây là người có bộ óc sáng tạo vô hạn. Tuy nhiên, họ thường bị cuốn theo trí tưởng tượng hơn là thực sự bắt tay vào nhiệm vụ. Đó là rào cản lớn nhất ngăn họ hoàn thành công việc. 
Lời khuyên dành cho người mơ mộng:
Áp lực về thời gian chính là biện pháp hiệu quả kéo bạn quay trở về mặt đất. Bạn có thể lập kế hoạch các việc cần làm mỗi ngày và ấn định khoảng thời gian để thực hiện điều đó. Để hiệu quả hơn, bạn có thể sử dụng các công cụ để đo lường thời gian làm việc từng dự án hay từng bài cần viết, ví dụ như Toggl Track. Đặt mình vào tâm thế “phải làm việc”, bộ não của bạn sẽ hiểu rằng không còn quá nhiều thời gian để mơ mộng. 

Kiểu 3: Người trốn tránh

Người trốn tránh thà bỏ một công việc hấp dẫn hơn là bị người khác đánh giá nếu phạm sai lầm. Họ sợ phải đảm nhận những nhiệm vụ mà họ nghĩ họ không thể quản lý tốt. 
Lời khuyên cho người trốn tránh:
Hãy chọn khung giờ bạn làm việc hiệu quả nhất. Nếu có thể, bạn hãy thức dậy sớm và lập ra kế hoạch làm việc cho cả ngày. Khi làm xong một đầu viết, hãy đánh dấu hoàn thành, đồng thời tự thưởng cho mình một điều gì đó (ví dụ như ăn một miếng trái cây). Điều này sẽ cho bạn cảm giác vừa đạt được thành tích, nạp thêm sự tự tin và mang đến nhiều động lực để bạn hoàn thành công việc. 

Kiểu 4: Người tạo khủng hoảng

Đây là người thường cố tình đẩy lùi công việc cho đến phút cuối cùng, hay nói gần gũi là “nước đến chân mới nhảy”. Họ thấy thú vị khi thời hạn công việc đến gần và tin rằng họ làm việc tốt nhất khi bị ép phải làm nó. “Tôi làm việc tốt dưới áp lực vì không có áp lực thì thôi không làm!”. Nhưng sự vội vã đôi khi khiến họ quản lý thời gian kém và luôn đặt bản thân vào trạng thái cuống cuồng, gấp gáp. 
Lời khuyên dành cho người tạo khủng hoảng:
Khi phải gấp rút hoàn thành công việc, bạn sẽ không có nhiều thời gian để xem xét lại những gì đã làm và tìm kiếm các giải pháp tốt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng công việc sẽ bị giảm sút và bản thân bạn cũng trải qua giai đoạn nước rút căng thẳng. 
Nếu bạn luôn lơ là công việc cho đến phút cuối cùng, ngoài việc đặt timeline tổng cho cả dự án, hãy thử sử dụng kỹ thuật Pomodoro. Kỹ thuật này giúp bạn tập trung trong khoảng thời gian ngắn. Cứ 25 phút, bạn thực hiện một phần công việc. Sau đó bạn nghỉ ngơi 5 phút và tiếp tục công việc trong 25 phút tiếp theo. Cứ như vậy, năng suất làm việc sẽ tăng lên nhanh chóng. Một cách nữa là hãy bắt đầu bằng những mục tiêu nhỏ đến mức khó tin. Ví dụ, hãy đặt mục tiêu đọc 5 từ đầu tiên của một cuốn sách. Tất nhiên, bạn sẽ chẳng thể nào dừng lại sau đúng 5 từ!

Kiểu 5: Người bận rộn

Đây là những người kén chọn. Họ có quá nhiều công việc. Họ gặp khó khăn trong việc ưu tiên thứ tự các việc cần làm. Có khi, họ từ chối làm điều đó bởi vì họ thấy không xứng đáng với công sức bỏ ra. Chính vì vậy, họ mất nhiều thời gian lựa chọn, không biết nên làm cái gì trước.
Lời khuyên cho người bận rộn:
Trước khi bắt đầu ngày mới, bạn hãy sắp xếp danh sách các việc cần làm mỗi ngày theo thứ tự ưu tiên. Bạn có thể sử dụng công cụ Trello, First Things để quản lý các công việc, kiểm tra xem dự án nào sắp đến thời gian bàn giao và cần hoàn thành trước. Hãy nhớ rằng những việc khẩn cấp không phải lúc nào cũng quan trọng. Đừng mở email, mạng xã hội khi bạn đang làm việc, có thể bạn sẽ bị sa đà vào nó và mất nhiều thời gian hơn bạn bạn tưởng.