Tôi muốn huyên thuyên về những cảm xúc khi về quê của một cô gái sống xa nhà đâu đó tầm 800 km (tự nhiên dùng 3 chữ một-cô-gái có cảm giác hơi ngượng tay lúc gõ, nghe như mình sắp kể về phận nữ nhi liễu yếu đào tơ, mong manh dễ vỡ. Nếu nói ra với đứa bạn thân, nó hẳn sẽ cải biên thành “một thằng đàn ông đội lốt bánh bèo”. Chả là vì tôi theo môn phái sống độc lập (chắc chỉ dùng một từ ngắn gọn này thôi) chứ bề ngoài nhìn không đàn ông đâu (hi vọng vậy).
Ngót nghét cũng sống (chủ yếu) xa nhà được 3521 ngày, một cách ngắn gọn là khoảng 10 năm rồi. Mười năm. Quả là một con số không tồi. Có rất nhiều chuyện để kể. Hôm nay chỉ nhắc về vài chuyến “về quê”.
Sinh viên ngố về quê
Hồi còn học đại học, mỗi chuyến về quê đều toàn là háo hức và mong chờ. Đặc biệt là những năm đầu, sự háo hức và mong chờ như là một chiếc nồi lớn sôi ùng ục của mụ phù thuỷ với những thành phần ảo diệu:
  • 100 gram hoan hỉ cho thắng lợi từ kì thi học kì cam go vừa chấm dứt và tôi là một kiểu sinh viên cày sáng đêm mỗi mùa thi đến
  • 500 gram rạo rực đến từ hương sắc của đại lễ xuân (hè) đang lan toả và tôi sẽ là vedet trên sàn diễn này chứ không phải là giảng viên, bí thư và lớp trưởng nữa
  • Và một ngàn tấn phấn khích bởi vòng tay của phụ thân phụ mẫu và các hảo bằng hữu quê nhà đang mời gọi
Những ngày sau đó toàn là thân thuộc, được ngủ trên chiếc giường của mình, ăn cơm của nhà mình, chơi với con chó của nhà mình và cả đi toilet của nhà mình. Nói tóm lại đó là cảm giác của một nô lệ được lên thiên đường.
Sinh viên "mất hết dũng khí" về quê
Chỉ duy nhất một chuyến về quê của thời sinh viên đã không có hương vị đặc sắc của nồi lẩu trên. Đó là một mùa hè thật buồn, rất buồn là đằng khác. Chuyến đi mà những năm trước đối với tôi là chuyến ghé thăm thiên đường thì năm ấy tôi đã định từ bỏ tấm vé hiếm hoi của mình.
Cuối cùng chỉ có một mình tôi trở về năm ấy, không có anh trai. Mùa hè ấy cứ phải ngước mặt lên bầu trời sau hè mong nước mắt chảy ngược vào trong. Bầu trời đêm quê nhà bây giờ vẫn còn rưng rưng trong trí nhớ. Bầu trời trong vắt ngày hè. Mây, núi và cây. Đêm tĩnh lặng lấp lánh sao trời như ngày chúng tôi bé dại. Tôi đã tưởng rằng những người bạn bé bỏng đó đang ngồi bên cạnh, bình luận về những vì sao xa, cảm nhận hơi nóng còn lưu lại trên mặt đất và thả hồn theo cơn gió mát. Tâm hồn chúng tôi lơ lửng cùng những đốm sáng cứ không ngừng di chuyển trên cao, theo những tưởng tượng thật li kỳ về những chiếc đĩa bay, về một thế giới khác, về thần tiên và hiệp sĩ. Tất cả những thứ không thể nào gặp nhau đều hội tụ hết trên bầu trời ấy. Những ngày hè kỳ diệu bình yên ấy khiến tôi như nghẹt thở. Bởi vì khi lớn lên và gặp những trắc trở người ta lại thèm biết bao những tháng ngày tươi đẹp trong quá khứ. Và thật đúng lúc tôi thật sự khao khát nó thì toàn những gợi nhớ đến nó rơi vào đôi mắt. Tôi đã ước tôi có lại một đêm bình yên như thế, bên cạnh có anh trai, có những đứa hàng xóm. Bọn con gái nói về những điều linh tinh. Và bọn con trai nói về những ước mơ thật vĩ đại, cũng phi thực tế nốt.
Tuổi thơ đó té biết bao nhiêu lần vẫn cố chấp đẩy chiếc xe đạp không phanh lên đầu dốc để được cưỡi nó xuống dốc vài giây và xác suất cao là tay chân được xăm trổ thêm vài vết sẹo vẫn liều mình rồi cười thích thú. Vậy mà lúc được nhà nước cấp bằng lái xe máy rồi thì lại biến ra con rùa khóc nhè thiếu dũng khí. Thật tréo ngoe.
Trời ngày càng dày sao và tôi thả tâm hồn buồn rã rời lên cao, nghe nỗi đau thấm thía sâu vào cõi lòng như đang ngưng tụ cùng đêm...
Rồi thật may, bão tố cũng qua đi.
Sinh viên sắp nghỉ hưu về quê
Tôi đã nói về món lẩu, mà một nồi lẩu thì lúc nào cũng sôi sục và thú vị ở hồi đầu của bữa tiệc. Vừa hay, khi tôi tới tuổi nên rời khỏi giảng đường thì nồi lẩu đã vơi đi rất nhiều thành phần ban đầu. Lễ Tết nhạt màu và hội họp bạn bè dần thưa. Chuyến du xuân ngày nào giờ trở thành chuyến nghỉ dưỡng cuối đời sinh viên. Họp lớp chỉ còn là họp nhóm. Cao lương mỹ vị quý hiếm có lẽ là tuyệt chủng, chỉ có những thứ đóng gói dưới chợ mẹ mua về, biết đâu là chuyển từ thành phố trên cùng chuyến xe hồi hương với tôi. Lòng não nề thầm cảm thán “Tuổi già đến nhanh như một cơn gió, chẳng mấy chốc mình sẽ chỉ biết đến hai món là trầu và cau...”.
Được cái là đồng lúa trước nhà nội vẫn xanh. Con sông trên đường qua nhà dì vẫn trong. Cỏ dại vẫn nở hoa ven đường. Và thật ra tôi vẫn trẻ.
Năm tôi tốt nghiệp, tôi đã nghĩ không có chuyến về quê nào trong mùa hè năm đó bởi vì ba mẹ cũng đồng ý rằng tôi nên say đắm trong báo cáo thực tập và khoá luận tốt nghiệp. Nhưng không phải vậy, tôi đã trở về. Trong một đêm đầy sao, bầu trời trong vắt nhưng lòng tôi mơ hồ nghe mưa rơi rớt đâu đó ... (hứa sẽ không nói gì buồn thêm).
Fresher về quê
Vâng, con chim non ngày nào đã đủ lông đủ cánh vào đời, đi làm.
“Cuộc đời là tia nắng ấm vòng tay em xanh ước mơ
Ngày lại ngày qua phố mắt ngây thơ chưa vương sầu nhớ
Ơi cuộc đời như ngàn ý thơ”
(Bài hát "Vào đời" - Nhạc sĩ: Đỗ Đình Phúc- Ca sĩ: Quang Vinh)
Ngàn ý thơ đó như sau:
- Lương bao nhiêu?
- ......
Một bài thơ có kết thúc mở. Thật ra thì tôi cũng không khó chịu lắm với câu hỏi đó. Chỉ là nó lặp lại nhiều quá. Nếu tôi lần nào cũng trả lời giống nhau thì tôi thấy bản thân mình bị kém thú vị như khi trả bài lịch sử. Mà việc phải nghĩ ra những cách trả lời khác nhau lại khiến tôi mệt não quá. Người lớn thì chúa thích nói chuyện với nhau về chủ đề con cái của mình. Phép vua còn phải thua lệ làng. Làng đã hỏi thì em xin thưa vậy.
Người "Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập" về quê
Chắc lúc này thành thị hoá làm tôi quen với lối sống màu mè rồi. Nên quay về với quê nhà mọi thứ đều đơn giản với tôi đến kì lạ. Chuyến này có cả một câu chuyện:
Trên xe buýt từ sân bay về nhà có một bà cụ đi cùng. Giá vé xe của bà là 13 ngàn đồng. Bà đưa cho anh tiếp viên 10 ngàn rồi nói bớt chút tiền lẻ cho bà mua trầu cau. Anh tiếp viên thẳng thắn không đồng ý. Đừng vội cho rằng anh ấy vô tình. Tôi chưa muốn phán xét mà muốn nghe xem anh ấy nói gì. Anh ấy có lý lẽ của mình và anh ấy đúng. Nếu bà cụ nghèo tới mức không có đồng nào anh ấy sẽ cho bà ấy đi mà không cần mua vé. Nhưng bà ấy có tiền, anh ấy không thể bỏ tiền túi của anh ấy ra để thương hại bà cụ. Anh ấy làm vậy sẽ không công bằng với những người khác, hạ giá cho người này còn người kia thì không và anh ấy cũng không có khả năng giúp đỡ tất cả. Tôi nghĩ thầm ở thành phố tôi không tiếc trăm ngàn để tip cho những người xa lạ thì 3 ngàn đồng tại sao lại không thể bỏ ra cho người cùng quê. Tôi chưa kịp lên tiếng thì người phụ nữ bên cạnh đã giúp bà cụ. Các bạn cũng đừng vội lên án bà cụ. Người già là thế, bớt được chút tiền họ cảm thấy vui vẻ. Không phải họ xấu tính, chỉ là đơn giản họ thấy vui vẻ. Ngoài ra, không có gì thêm. Chuyện hết rồi. Nhiều khi sự việc chỉ cụt ngủn như vậy, tự chúng ta suy nghĩ quá nhiều rồi tô vẽ nên những thứ phức tạp.
Tôi có cảm giác mình là một du khách hơn là một người xa quê trở về. Tôi cũng không thấy thân quen với cách sống ở quê. Người ta quan tâm nhau nhiều quá, buổi sáng tôi bước vào phòng giao dịch ngân hàng, giao dịch viên hỏi khách hàng con học trường nào, học phí bao nhiêu bla bla.... Tôi cảm thấy như vậy hơi phiền phức. Tôi đã sống ở thành phố nơi mà ngoài giấy tờ giao dịch ra không có gì nữa, đôi khi gương mặt của giao dịch viên còn lạnh hơn cả những tờ tiền. Tôi nói với mấy đứa bạn rằng mình cảm thấy không quen với cách cử xử kia. Cũng như rất không quen với việc người ta hỏi tôi “có người yêu chưa, khi nào lấy chồng?” và các ông bà già họ hàng nhìn tôi bằng cái nhìn hốt hoảng cộng răn đe khi câu trả lời toàn bộ đều là “chưa.” Thật ra những câu hỏi đó chẳng có gì ác ý, đó có khi còn lại là sự biểu hiện của quan tâm. Nếu không hỏi những câu đó người ta không biết nên hỏi gì khác với một người lâu lắm gặp lại đang lập nghiệp cũng đồng thời ở tuổi nên yêu đương và lập gia đình. Bởi vì đó là tất cả những gì họ biết về chúng ta mà họ lại không thể nào làm ngơ khi chúng ta xuất hiện trước mắt. Chỉ là có những lúc tôi đứng hình khi có ai đó hỏi rằng “con đi học về đó hả?” nhưng chuyến này đã là năm thứ 3 tôi đi làm. Hoá ra mình nhìn trẻ vậy (nếu không muốn nói là nhìn thiếu trưởng thành).
Tôi có hai đứa bạn thân ở quê đều đang làm trong cơ quan nhà nước. Và họ đương nhiên phải góp phần vào bộ máy đó, bao gồm những thứ thủ tục rắc rối, vài chiêu thức sinh tồn. Họ không phải người xấu, chỉ là công việc của họ bản chất của nó đã là một công đoạn của quá trình không tốt.
Một đứa sắp tổ chức đám cưới. Thiệp cưới của nó giá 1,800 đồng một cái, kiểu cổ điển nhất tôi biết làm bằng loại giấy có mùi hơi nồng. Tôi không biết mô tả như thế nào, những người thế hệ 93 trở lại chắc chắn biết nó. Theo logic tôi tự nhiên sẽ liên tưởng tới cái thiệp cưới giá hơn 10 ngàn đồng trong Sài Gòn tôi đã nhận. Suy cho cùng số phận của những cái thiệp đều như nhau: bị vứt bỏ. Tôi không nói rằng hãy in thiệp cưới thật rẻ để tiết kiệm. Đó chỉ là 2 cách sống. Hai cách suy nghĩ. Ở hai nơi khác nhau.
Người ta sẽ tốn từ vài chục triệu trở lên để có một bộ hình cưới. Đa số cặp đôi sẽ có một khung hình lớn đặt ở cổng nơi tổ chức tiệc và in rất nhiều ảnh nhỏ ghép vào một album. Còn bạn tôi bảo nó chỉ chụp hai bức hình lớn để tại lễ cưới thôi. Thật ra hôm đi chụp ảnh sức khoẻ nó không tốt nên chỉ làm vậy, vô tình lại đỡ tốn kém. Cuối cùng hình cưới vẫn bị xếp vào một xó nào đó. Tôi cũng bảo nếu tôi cưới sẽ tự mình chụp ảnh, không in ra album, chỉ lưu làm kỉ niệm. Chỉ là nếu 1 ngày nào đó Facebook, Instagram, Google Photos, ... không còn nữa như Yahoo!360 thì sao? Nếu vậy hi vọng bộ nhớ của tôi sẽ đủ để chứa những kí ức đời mình. Bạn tôi bảo nó cũng chẳng ham hố gì chuyện chụp hình nhưng chồng thấy tội nó, đời con gái có một lần.
Đời con gái có 1 lần thôi sao? Không, đời con gái không chỉ có một lần. Nếu muốn thì kỉ niệm một tháng hay 32 ngày hay 59 ngày .... đều có thể đi chụp hình cưới được (chồng tương lai nhỉ?).
Người chán nản công việc về quê
Giống như có một chu kỳ của sự chán nản. Khoảng 1 đến 1.5 năm gì đó tôi sẽ cảm thấy chán nản những gì mình đang làm một lần. Mỗi lần đều tìm một cách để cân bằng lại trạng thái. Một trong số các cách đó là bỏ đi đâu đó xa Sài Gòn vì thế mà tôi có chuyến về quê này. Trong hành trình này, tôi vẽ ra vài đường gấp khúc để ghé chỗ này chỗ kia. Thế là tôi, một mình, ghé Đà Nẵng dạo biển, đi chùa, ngắm cầu rồng, thăm bảo tàng. Tìm gặp vài đứa bạn (cũng ế) ở đó để luyên thuyên chuyện xàm xí. Tất nhiên không cho ba mẹ biết mình chỉ còn cách nhà tầm 70 cây số. Sau đó mới thong thả ra bến xe đón chuyến xe buýt về ngủ với mẹ vài đêm để nghe càm ràm chuyện chồng con là chính. Thật khổ tâm nhưng tôi đã dần quen với điệp khúc ấy, thậm chí còn biến hoá tiết tấu của nó để có những đoạn hội thoại hài hước, kiểu như:
- Nếu con lấy chồng mà tụi con đánh nhau thì mẹ bênh ai?
- Mẹ bênh con rể mẹ
- Ủa, con mới là con ruột mẹ mà?
- Thì tại con là con ruột mẹ rồi nên con tất nhiên phải thương mẹ, giờ mẹ bênh nó để nó cũng thương mẹ nữa
- ...
Chắc tôi nên đính chính lại, đây là một đoạn hội thoại bi thương đối với tôi, nó cùng lắm là hài hước với mẹ tôi thôi (xin được đặt tất cả các emoticon khóc lóc đau khổ tại đây).
Chuyến du lịch một mình vẫn chưa kết thúc vì đó là Trung Thu và chẳng có lý do gì để bỏ lỡ một đêm hội trăng rằm ở Hội An với hoa đăng lửng thửng trôi trên sông Hoài và rất nhiều con lân tưng bừng nhảy múa ở Phố Cổ. Nếu bạn muốn tìm một nơi thú vị để đi hãy thử về quê tôi này, chán việc thì đến không chán việc thì đến (xin lỗi cú pháp này đang hot mà tôi thì hay bám trend nhưng lời khuyên là chân thành chứ không mang tính chất quảng cáo).
Chắc chỉ kể lể nhiêu đó. Chẳng hiểu sao tôi lại ngồi huyên thuyên về những chuyến về quê một cách không đầu không đuôi thế này. Có lẽ tại hôm trước ngồi kể chuyện hồi nhỏ với đám bạn. Cũng có thể tại đọc gì đấy có nhắc tới từ “quê”.
Quê nhà mười năm rồi vẫn không khác xưa là mấy. Cuộc sống ở đó vẫn giản dị. Người ở quê vẫn mang lại một cảm giác rất chân thật. Có khác chăng chỉ là những ngôi nhà thêm cũ và đầy rêu phong. Có khác chăng là từ mùa hè năm ấy, nội không còn ở đó nữa.
Hai năm trở lại đây ở đó đã có vài nhà máy công nghiệp và trở thành nguồn cung cấp việc làm chính mới thay vì trước đây chỉ có 3 loại hành chính nhà nước, nông nghiệp và thương mại nhỏ (điển hình là tạp hoá). Chiếm đa số vẫn là người làm nông. Ngày trước, mẹ tôi và các cô đồng nghiệp ngoài giờ hành chính đều siêng năng trồng cây này cây kia (giờ thì hết siêng rồi nên chỉ cho tôi ăn đồ mua ở chợ, được cái mỗi lần đi chợ ôn lại kĩ năng trả giá bị bỏ quên vì ở Sài Gòn đi siêu thị nhắm mắt mua đồ, đó là một điều thú vị không tưởng (thật ra là chọc ghẹo mấy cô bán hàng là chú yếu)). Tôi chột dạ nghĩ tới câu "chủ trương giảm nông nghiệp, tăng công nghiệp và dịch vụ" trong các cuốn sách nói về chủ trương kinh tế từ lớp 6 đến đại học. Những lần gần đây về quê, tôi cứ băn khoăn chuyện tại sao đa số người dân đều sống dựa vào nông nghiệp, một đất nước có lợi thế nông nghiệp lại chối bỏ nó. Đáng lẽ ra phải phát triển nông nghiệp hiện đại chứ. Người dân nhắc tới làm nông họ sẽ mặc định làm nông là nghèo, mặc định vì họ là nông dân nên nghèo. Họ sẽ nói “ráng làm để nuôi con ăn học” kiếm nghề khác, không phải làm nông khổ cực nghèo khó như họ. Tôi lại hỏi tại sao những nước không có lợi thế nông nghiệp họ lại mong ước phát triển nó để không phụ thuộc lương thực thực phẩm mua từ nước khác. Tôi lại hỏi tại sao giá nông sản nhập từ nước khác cao vậy mà nông nghiệp Việt Nam không được ưu tiên trong đường lối kinh tế. Có phải vì người ta chối bỏ nông nghiệp không? Tôi thì dạo này cứ muốn đầu tư vào nông nghiệp quá.