Như đã đề cập đến ở phần trước, ở phần này, chúng ta sẽ tiếp tục với một trong những thực thể địa lý đáng chú ý: SÔNG.
Ba vấn đề chính sẽ được mình tiếp tục bàn thảo trong phần này gồm có:
1. Sông châu Phi
2. Luy Lâu và Thăng Long
3. Mekong, sông Ấn, sông Hằng, Hoàng Hà, Trường Giang, và nỗi buồn Tây Tạng

1. Sông châu Phi

Châu Phi là một lục địa đáng buồn, ít nhất là ở điều kiện địa lý của biển và sông.
Điểm qua một chút về biển. Đường bờ biển của châu Phi dài thăm thẳm, nhưng quá đẹp cho các nhà vẽ bản đồ, mà không đem lại được mấy lợi ích trong thực tế. Không có vịnh biển nào đáng chú ý, và hệ quả của việc này là không có cảng biển nào thực sự lớn và hấp dẫn, vậy thì đương nhiên, thương mại quốc tế cũng không bật lên được.
Sông ư, như nhận định của chính tác giả Tim Marshall. Thật nhiều sông, ờ mây zing ri vờ, nhưng hầu hết chúng chẳng làm được gì hết, chẳng vận chuyển được gì, vì cứ vài dặm là lại gặp thác nước. Có thể kể đến thác Victoria (tên bản địa: Mosi-oa-Tunya – nghĩa là khói bốc lên từ sấm sét), xếp hạng thứ ba trong danh sách các thác nước cao nhất thế giới.
Một minh chứng khác, đập Grand Ethiopian Renaissance (GERD) mặc dù có những thông tin về sự bất ổn, nhưng hiện được công bố là đập thuỷ điện lớn nhất châu Phi, đồng thời lớn thứ 7 hoặc thứ 8 thế giới (tuỳ kênh) được xây trên sông Nile xanh, cung cấp cho ta cái nhìn về lượng nước và độ dốc của sông châu Phi.
Bản đồ tự nhiên châu Phi
Bản đồ tự nhiên châu Phi
Sông ở châu Phi cũng là nguồn cơn của các căn bệnh truyền nhiễm đáng lo, như sốt rét, sốt vàng da, hoặc thậm chí là HIV, dưới sự góp sức của các quân đoàn côn trùng như ruồi muỗi đến từ rừng rậm. Có thể bạn chưa biết, rừng mưa Congo là rừng mưa có diện tích lớn thứ hai thế giới, chỉ sau rừng mưa Amazon.
Ngoài lề một chút, về một điểm đáng buồn khác của châu Phi, đó là các sắc tộc, rất nhiều sắc tộc. Nhưng khác với Danube, sông ngăn họ giao tiếp và giao thương. Và dù rằng Homo sapiens phát sinh ở đây trước nhất (theo chân các học thuyết được chấp nhận rộng rãi), nhưng không có chủng tộc nào vượt trội khỏi các chủng tộc khác, để rồi họ đánh nhau triền miên không hồi kết. Và tiếp tục phát triển bình bình, bị các châu lục khác trên thế giới bỏ xa.
Bạn cũng thấy đó, cái ranh giới vuông vức đẹp đẽ của các quốc gia Bắc Phi chẳng qua cũng chỉ là được những kẻ xâm lược chia hộ. Một nền văn minh phát triển sớm bậc nhất, với những Kim tự tháp biểu tượng, giờ chỉ còn trong quá vãng.
Vậy đó, không phải con sông nào cũng thơ mộng, và cũng có lợi nhiều hơn có hại như ta hay nhầm tưởng.
*Danh sách các sông dài nhất ở châu Phi cho các bạn tham khảo thêm: Nile, Congo, Niger, Zambezi, Limpopo.

2. Luy Lâu và Thăng Long

Sau châu Phi, hãy quay trở về nhà của chúng ta. Sông Hồng và Mekong thì quen rồi, nhưng thành Luy Lâu thì có gì hay ở đây?
Thời Bắc thuộc, Luy Lâu đã từng là trung tâm chính trị, kinh tế - thương mại, văn hoá – tôn giáo lớn nhất và cổ xưa nhất Việt Nam. Đây là một trong ba trung tâm lớn mà Phật giáo truyền vào các quốc gia ngoài Ấn Độ, cùng với Bành Thành và Lạc Dương của Trung Quốc. Thậm chí, có những học thuyết cho rằng, Phật giáo truyền ra ngoài Ấn Độ, thì đến Luy Lâu là trước nhất.
Cho đến nay, các di tích ngàn tuổi còn sót lại ở Luy Lâu như lăng Sĩ Nhiếp, chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn và thành cổ Luy Lâu vẫn còn tồn tại, như một chứng tích về thời kỳ huy hoàng nhất của Luy Lâu, trước khi Đại Việt chọn Hoa Lư, rồi Thăng Long, làm trung tâm chính trị các đời tiếp theo.
Chùa Dâu, Luy Lâu - Thuận Thành - Bắc Ninh, ngôi chùa cổ nhất Việt Nam
Chùa Dâu, Luy Lâu - Thuận Thành - Bắc Ninh, ngôi chùa cổ nhất Việt Nam
Tại sao Luy Lâu lại mất đi vị thế sừng sững vốn có của mình nhanh chóng đến thế? Lẽ nào bởi vì dân chúng chê bai giai đoạn Bắc thuộc ư?
Nếu kỳ công tìm hiểu kỹ, sẽ thấy dân chúng còn cho xây cả lăng Sĩ Nhiếp, lại còn vô cùng tôn kính vị quan ngoại quốc đã có công với vùng đất này, bọn họ thật sự chán ghét đến vậy sao?
Câu trả lời nằm ở SÔNG.
Thời điểm Luy Lâu được lựa chọn, thành thị này là khu vực giao nhau giữa sông Dâu và sông Đuống, giữa trung tâm đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, mà sông Dâu giữ vai trò là trục không gian kiến trúc chính. Mọi thứ quần tụ bên bờ sông Dâu. Nhưng rồi một ngày kia, bãi bể nương dâu, sông Dâu bị cạn, trở thành sông chết, Luy Lâu bởi vậy mà suy tàn theo.
Tạm bỏ qua Hoa Lư, mà có thể chúng ta sẽ cùng ngồi lại khi nào có cơ hội. Tiến trình lịch sử đã chọn sông Hồng, chọn thành Đại La, mà sau này đổi tên thành Thăng Long, và bây giờ, là Hà Nội. Sông quan trọng trong hình hài các đô thị Việt đến nỗi nhà sử học Trần Quốc Vượng đề cập đến một học thuyết là “Tứ giác nước”. Ở đó, ông lý luận rằng, các đô thị cổ đều được giới hạn bởi bốn con sông, hoặc bốn nhánh sông, từ Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long, Huế, đến cả phố Hiến, Hội An…
Tứ giác nước Thăng Long gồm có sự hiện diện của các con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu.
Từ lúc bé học địa lý có lẽ mọi người đều rành rẽ, sông Hồng thất thường, nên các triều đại thường hay cho người dân xây đắp đê ngăn lũ, đến triều Trần còn đặt cả chức quan riêng là Hà đê sứ. Có thể thấy, chọn được sông để cùng sống không dễ dàng, sống cùng nó cả nghìn năm cũng không dễ dàng. Cũng may, nó chưa đến nỗi như Hoàng Hà, mà thôi, Hoàng Hà sẽ bàn cùng nhau ở phần tiếp đây.

3. Mekong, Sông Ấn, sông Hằng, Hoàng Hà, Trường Giang, và nỗi buồn Tây Tạng

Một dãy sông ở đề mục đều là những con sông có thuỷ tính rất khác nhau, gắn liền với những nền văn hoá khác nhau và hình ảnh khác nhau nảy ra trong đầu các bạn lúc này, chắc chắn thế! Tuy nhiên, chúng có một điểm chung, đó là đều bắt nguồn từ dãy núi cao nhất thế giới – dãy Himalaya.
Lược đồ các sông lớn từ cao nguyên Thanh-Tạng
Lược đồ các sông lớn từ cao nguyên Thanh-Tạng
Mekong, dòng Cửu Long thân thương của chúng ta có hành trình đi qua sáu nước, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái, Cam-pu-chia và Việt Nam. Việt Nam ở hạ lưu, có hồ Tonle Sap ở Cam-pu-chia điều tiết nước giùm, coi khá vui. Cho đến khi người người nhà nhà rầm rộ đi xây thuỷ điện. Thiếu nước, đồng ruộng nhiễm mặn. Thuỷ điện chặn, tôm cá không về.
Sông Ấn, nghe tên là thấy của Ấn Độ rồi đó. Nhưng sông Ấn còn mắc ngang qua Pakistan một chút – nó cung cấp nước cho 2/3 đất nước này. Không có sông Ấn, nhiều ngành công nghiệp của Pakistan sẽ tan vào mây khói. Và khốn thay, dù đã có hiệp định này kia, tình trạng nóng lên toàn cầu lại khiến cho lượng nước sụt giảm, Ấn và Pakistan nhăm nhe vùng đất Kashmir để làm của riêng.
Vấn đề cốt yếu của sông Hằng thì lại có chút giống với các con sông châu Phi. Đây là con sông linh thiêng nhất xứ này, là con gái của thần núi Himavan hay Himalaya. Người ta tắm trên sông để gột rửa tội lỗi, người ta ném xương và tro sau hoả táng xuống sông Hằng, và rồi người ta vẫn dùng nó để tắm, rửa bát, đánh răng. Nó là dòng sông ô nhiễm nhất thế giới, và được cho là nguồn cơn của 8% tất cả các bệnh ở Ấn Độ và 1/3 ca tử vong do các bệnh liên quan đến nguồn nước.
Hiện trạng ô nhiễm ở sông Hằng
Hiện trạng ô nhiễm ở sông Hằng
Thực ra cũng không thể trách Ấn Độ, Will Durant đã phải nhận định: ở một quốc gia nóng như thế, người ta chỉ muốn sớm đến Niết Bàn thôi, tất cả đều không quan trọng nữa rồi!
Còn Hoàng Hà, con sông ngang ngược, kể từ năm 602 đến nay, đã có ít nhất 26 lần đổi dòng, làm vỡ, tràn đê không dưới 1500 lần, gây ra những đợt chết người lớn trong lịch sử. Thậm chí trong chiến tranh Trung-Nhật lần 2, Trung Quốc còn cố ý phá vỡ đê Hoàng Hà để dùng sức mạnh tự nhiên mà đối kháng quân Nhật.
Đáng chú ý là hiện tại cả Hằng Hà và Hoàng Hà đều đang tiến đến tình trạng cạn kiệt nước.
Trường Giang thì êm dịu rồi, tạo nên cho Trung Quốc một mảng văn hoá hoàn toàn thơ mộng và lãng mạn.
Bạn thắc mắc không, tại sao tất cả chúng lại thành nỗi buồn của Tây Tạng rồi?
Cờ Lungta chúc phúc ở Tây Tạng
Cờ Lungta chúc phúc ở Tây Tạng
Bởi vì tất cả chúng đều đang bắt nguồn từ cao nguyên Thanh-Tạng, một phần của dãy Himalaya. Trong quá khứ, nơi này thuộc sở hữu của dân tộc Tạng, với các vị Đạt lai Lạt ma và những câu chuyện đường mây, xứ tuyết đậm chất huyền hoặc. Còn bây giờ, người Tạng lại giống như khách trên chính nhà của họ, dù Trung Quốc có tuyên truyền như thế nào đi chăng nữa. Và mặc cho hiện tại Trung Quốc đang nắm quyền chủ động đối với khu vực này, nếu như các bên liên quan đến những con sông này gặp phải các trục trặc khác nhau, cũng chưa thể nào biết chắc được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.  Khi mà chiến tranh thực sự, hoặc các hình thức chiến tranh âm thầm diễn ra, có dân tộc sẽ vui, có dân tộc buồn, chúng ta không biết điều đó rơi lên đầu ai. Nhưng chắc chắn, đối với người dân Tây Tạng, sẽ là nỗi buồn...
Vậy là chúng mình lại đi xong một phần nữa rồi (trong đó phần 1 chủ yếu là kiến thức từ tác giả Tim Marshall), hẹn gặp lại các bạn ở phần 3 – TÙ NHÂN CỦA NÚI.