Những Lời Nói Vô Nghĩa
Chuyện 1 Tôi có một người bạn tên H, chuyên mở các lớp học về làm giàu và kiếm được rất nhiều tiền từ các khóa...

Chuyện 1
Tôi có một người bạn tên H, chuyên mở các lớp học về làm giàu và kiếm được rất nhiều tiền từ các khóa học đó. Các khóa học này giống như những những gì bạn tưởng tượng hay được nghe về nó: nó được tổ chức ở những nơi sang trọng với các công thức, bí quyết, cách làm giàu. Tôi hay nói chuyện với nó về cách nó vận hành công ty, nhưng điều tôi quan tâm là tại sao nó lại làm như vậy. Một tối nọ tụi tôi đi ăn với nhau và bàn chuyện:
Tôi: Này tớ thấy nó cứ sai sai thế nào ấy, thực sự cậu biết rằng rõ ràng người ta khó làm giàu được từ các khóa học như thế này. Tớ thấy kinh doanh kiểu này không ổn.
H: Ừ đúng, cái này đúng là giống như đi bán giấc mơ vậy. Nhưng mà T, cậu không thể nói nó không hiệu quả, ít nhất cậu cũng khiến người ta có động lực để làm gì đó.
Tôi: Cậu không thấy kì khi làm như vậy sao? Ý là về mặt đạo đức. Rõ ràng người ta không thể kiếm được triệu đô chỉ nhờ tham gia các khóa học ngắn hạn tổ chức một ngày, hai ngày như vậy.
H: Ok nhưng mà cậu thử nghĩ như vậy xem. Thứ nhất, tớ nghĩ rằng người ta nghèo là do bẩm sinh (nó cười). Nghĩ xem, tớ biết nhiều người. Tớ biết rằng nếu tớ không tổ chức lớp học, thì họ cũng sẽ qua bên khác và tham gia lớp học của bên khác. Và bên đó còn làm tệ hơn cả bên tớ, rồi thì họ mất tiền cho bên đó. Nếu như vậy có nghĩa là dù tớ không làm gì, thì người ta vẫn sẽ mất tiền ở đâu đó thôi. Vậy thì tại sao mình không để số tiền đó chảy vào bên mình? Cậu thấy đấy, tự họ muốn bị mất tiền, và mình chỉ đảm bảo là mình được hưởng lợi từ việc đó.
Thứ hai, rõ ràng đây là một khái niệm định lượng, cậu không thể nói được là nó không có hiệu quả. Rõ ràng cậu không thể đo được. Cậu có thể chỉ chính xác quyển sách nào đã giúp cậu có được suy nghĩ như hiện tại? Rõ ràng là không, trong hàng trăm quyển sách cậu đọc, có quyển cậu nghĩ là vô dụng nhưng hóa ra nó lại hữu ích cho cậu ở mức tiềm thức mà cậu không nhận ra, giống như hồi mình đi du học và cậu đi bộ nhiều và vô tình chân cậu khỏe hơn mà cậu không nhận ra.
Tôi: Nhưng tớ vẫn cảm thấy có gì không ổn khi mà đi bán một thứ mơ hồ vậy. Tớ thấy cứ sai sai.
H: Sai là thế nào? Cậu không thể cứ suy nghĩ hoài về mặt đạo đức được, quan tâm tới chuyện hợp pháp thì hơn. Công ty tớ có giấy phép kinh doanh đàng hoàng, và tụi tớ cũng chẳng lừa ai, ai đóng tiền thì tụi tớ dạy, chẳng thu thêm hay quịt tiền ai cả. Cậu không thể đợi được, cậu phải làm. Khi có cơ hội thì phải làm. Một thứ có thể vừa hợp pháp vừa đúng đắn về mặt đạo đức không? Chưa chắc, nhưng ít ra không phạm luật thì cậu không đi tù.
Chuyện 2
Tôi đi uống cà phê với sếp. Ở công ty tôi các sếp thường có buổi trò chuyện riêng với từng người hai tuần một lần (gọi là 1-1). Thường thì buổi cà phê sẽ là về mức hiệu quả của nhân viên, các kế hoạch sắp tới và các kì vọng sắp tới mà nhân viên đó phải đạt được. Nó cũng là dịp để nhân viên có thể nói ra những gì họ không hài lòng về công ty. Do công ty tôi cũng nhỏ (là startup chưa tới 40 người) nên tụi tôi có thể thực hiện điều này thường xuyên. Chúng tôi đang phát triển sản phẩm cho các nhà đầu tư của mình sử dụng.
Hôm đó tụi tôi vô Cộng cà phê và nói về những yêu cầu từ nhà đầu tư. Hôm đó sếp nói nhiều.
Sếp: Vai trò của chúng ta là phải đưa ra được hành động cụ thể, chúng ta không thể cứ tranh cãi mãi về việc nên làm hay không nên làm. J (nhà đầu tư) yêu cầu chúng ta phải làm sao để ông ấy không cần đăng nhập mà vẫn vô xem được văn bản tài liệu và kí duyệt chúng. Chúng ta không thể ngồi phân tích mặt tốt mặt xấu của việc này và rồi trình bày cho J để J quyết định. Không. Nếu J muốn thì chúng ta làm, bởi vì người dùng mong muốn vậy. Chúng ta là người đưa ra quyết định. Nếu chúng ta không làm chúng ta sẽ nói tại sao và nếu chúng ta làm chúng ta sẽ nói tại sao. Chúng ta sẽ không dừng ở mức đánh giá. Nếu đó là một yêu cầu khó mà chúng ta làm được, thì tức là chúng ta cho họ thấy chúng ta nghe họ và có đủ năng lực để làm điều họ kì vọng.
J nói rằng J muốn không cần đăng nhập mà vẫn vô được trong hệ thống. Vậy điều chúng ta phải quan tâm tới nhất là về mặt an ninh hệ thống thứ hai là chức năng chính, không đăng nhập mà vẫn hoạt động như là đăng nhập. Và đó là điều quan trọng nhất. Sẽ có nhiều thông tin sẽ bị lược bỏ không hiện thị vì thông tin đó cần đăng nhập. Chúng ta có biết được liệu khách hàng cần thông tin đó không? Chúng ta không biết. Nhưng không thể vì không biết mà không làm, phải có khởi đầu từ đâu đó. Đừng để bị kẹt mãi ở các cuộc tranh luận xem thông tin nào là cần thiết, cái nào phải lược bỏ, cái nào phải giữ. Lợi ích của tính năng này là gì, bất lợi là gì. J sẽ chẳng quan tâm đến mấy cái đó. Cứ cho ông ấy thứ mà ông ấy muốn đã, rồi mình sẽ dần cải thiện những cái nhỏ sau.
Hai câu chuyện trên kể về hai người đã quyết định làm điều gì đó sau khi đã suy nghĩ và tranh luận nhiều về điều đó. Bởi vì họ đã thấy được rằng nếu không hành động, lời nói và tranh luận của họ không dẫn đến được điều gì có ý nghĩa thực tế cả.
Câu chuyện thứ 3 dưới đây cũng tương tự nhưng ở cấp độ vĩ mô hơn.
Greta Thunberg và Boyan Slat
Trong tháng qua, truyền thông quốc tế và dư luận trên thế giới đã dành nhiều thời gian để nói về bài phát biểu của cô bé Greta Thunberg 16 tuổi đến từ Thuỵ Điển. Đứng trước lãnh đạo của nhiều quốc gia tập họp trong hội nghị về môi trường tổ chức bởi Liên Hợp Quốc, cô bé đã chỉ trích họ vì đã "đánh cắp tuổi thơ" của cô, và suốt ngày chỉ nói về những "câu chuyện cổ tích" về tăng trưởng kinh tế mà không đếm xỉa gì về môi trường. Cô cáo buộc họ đã phản bội lại thế hệ tương lai.
Bài phát biểu cực kì nặng nề của cô bé (kèm theo những nét mặt giận dữ) đã tạo lên một cuộc tranh luận rộng khắp. Từ các trang báo lớn như BBC, CNN, CNBC, Bloomberg đến các diễn đàn chia sẻ Reddit, Quora, đến các hội nhóm Facebook, đến Medium, mọi người đều nói nhiều về tính đúng sai của bài phát biểu, đâu là sự thật, bàn về môi trường, về các động cơ chính trị. Tóm lại đây là sự kiện để giúp con người trên toàn cầulàm thứ mà họ thích nhất và có lẽ là giỏi nhất: bàn luận.
Ai cũng có ý kiến và ai cũng thích người khác nghe ý kiến của mình. Không dừng ở đó, mọi người còn hỏi xem người khác nghĩ gì, hoặc là nêu ý kiến của mình về ý kiến của người khác về ý kiến của Greta Thunberg. Mọi thứ giống như một lốc xoáy hút tâm trí của mọi người vào.
Bài phát biểu của Greta Thunberg theo tôi nghĩ là một thứ không đáng để quan tâm. Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây không phải là chúng ta bàn luận về bài phát biểu của Gteta Thunberg mà đó là chúng ta dành quá nhiều thời gian để bàn luận về một thứ không dẫn đến hành động cụ thể. Bài phát biểu này chỉ có giá trị trong việc khiến mọi người chú ý hơn đến vấn đề môi trường, nhưng nó chỉ dừng ở mức như thế.
Đây là một ví dụ tiêu biểu cho sự lãng phí thời gian trong cuộc sống hiện đại. Các phương tiện truyền thông khiến mọi người dễ dàng chia sẻ những gì họ nghĩ trong đầu, đến mức họ quên rằng những gì họ nói thật sự chẳng quan trọng. Tôi không nghĩ rằng vài tuần sau những người đó có thể nhớ được họ đã đăng những gì.
Một ví dụ trái ngược với Greta Thunberg là Boyan Slat.
Năm 2011, khi mới 16 tuổi (bằng tuổi Greta hiện nay), cậu bé Boyan đến từ Hà Lan đi lặn biển ở Hy Lạp và thấy rằng dưới lòng biển có nhiều túi nhựa hơn là cá. Sau đó cậu tham gia dự án nghiên cứu tìm hiểu rác thải nhựa đến từ đâu và bằng cách nào mà con người có thể loại bỏ nhựa khỏi biển. Sau đó cậu nghĩ ra ý tưởng thiết kế một hệ thống gom rác khổng lồ trên biển và chia sẻ ý tưởng đó trên Ted Talk vào năm 2012. Năm 2013 Boyan lập ra công ty phi lợi nhuận The Ocean Cleanup (Dọn Sạch Đại Dương).
Nhiệm vụ của The Ocean Cleanup là dọn dẹp Đảo Rác Thái Bình Dương (The Greate Pacific Garbage Patch) trôi nổi trên biển. Bãi rác này có diện tích lớn hơn cả nước Pháp.

Ý tưởng của cậu không chỉ dừng ở mức ý tưởng. Hệ thống dọn rác đó đã được hoàn thiện và đưa ra biển thử nghiệm vào mùa hè năm 2018. Sau khi trải qua nhiều thất bại ban đầu, đến tháng 9 vừa rồi, vào thời điểm bài phát biểu của Greta làm dậy sóng thế giới, thì hệ thống này đã vượt qua được các bài kiểm tra kỹ thuật và cho thấy nó có thể gom được rác.
Tôi đã theo dõi dự án này từ ngày nó được đưa xuống biển bằng cách vô đọc các cập nhật của họ đăng trên trang chủ. Tôi vẫn nhớ rằng tháng nào tôi cũng vô đọc, kể cả trên Twitter. Tôi nghĩ thực sự website của họ là một khóa học thực sự về việc phát triển sản phẩm vì nếu bạn đọc trên đó bạn sẽ hiểu được:
- Cách xác định vấn đề.
- Cách tạo ra giải pháp giải quyết vấn đề.
- Cách vượt qua các khó khăn về mặt kỹ thuật lẫn quản lý để biến giải pháp từ ý tưởng thành hiện thực.
- Lợi ích từ sự sáng tạo, bởi vì khi hệ thống này ra đời, nó đã tạo ra thêm một công cụ mới cho con người trong cách dọn dẹp rác thải trên đại dương.
- Nó cho thấy rất nhiều người trên Trái Đất này quan tâm rất nhiều đến môi trường.
- Nó cho thấy sức mạnh của hệ thống tài chính tư bản của các quốc gia Tây Âu, bởi vì nó đã bơm tiền không mệt mỏi trong suốt 5 năm liền để giúp những bộ óc tài ba nhất biến những ý tưởng mơ hồ thành một hệ thống dọn rác khổng lồ chưa từng có và có thể hoạt động trên biển 24/7 .
Bạn có thể đọc thêm nhiều ở đây.
Tranh luận, suy nghĩ phản biện để làm gì

Với những điều kể trên, chúng ta hãy quay lại và suy nghĩ về việc phát triển tư duy phản biện và kỹ năng tranh luận. Tôi nhận thấy rằng vì kỹ năng tranh luận và tư duy phản biện không được dạy một cách có hệ thống ở trong hệ thống giáo dục Việt Nam nên thường mọi người tự học. Và khi mọi người tự học và đắm chìm trong các tiểu tiết mọi người quên mất một điều:
- Rốt cuộc con người phát triển tư duy phản biện và kỹ năng tranh luận để làm gì? Để suy nghĩ tốt hơn sao? Nhưng suy nghĩ tốt hơn thì có ích gì?
Tôi nghĩ rằng vì quên mất điều này, mọi người hay đến với các buổi tranh luận với tinh thần học hỏi góc nhìn, chia sẻ kiến thức. Tôi nghĩ điều đó là sai.
Mọi người có thể đọc rất nhiều về sách của Adam Smith, của Karl Marx, của Pascal, về toán, về xác suất thống kê, về kỹ năng tư duy, về các lỗi ngụy biện, về Freud, nhưng những điều đó sẽ có ích gì nếu rốt cuộc chúng ta không biến được những điều đó thành những giá trị thực thụ trong cuộc sống. Tôi nghĩ rằng nếu bạn còn đang là học sinh và sinh viên thì việc dành phần lớn thời gian tranh luận là chấp nhận được, vì nó rèn luyện tư duy bạn sắc bén. Nhưng đến một lứa tuổi nhất định, bạn cần phải thay đổi và chuyển sang hành động nhiều hơn. Bởi vì hành động của bạn sẽ thay đổi cuộc sống của người khác nhiều hơn là lời nói hay từ ngữ của bạn.
Do đó một cuộc tranh luận tốt là cuộc tranh luận mà hành động cụ thể được đưa ra rõ ràng.
Nếu bạn muốn biết sức mạnh của hành động, thì bạn hãy nhớ rằng tổng số nhân viên của Facebook trên toàn cầu chỉ có 40,000 người và sản phẩm của họ đã làm thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người (hiện nay Facebook có 2 tỷ người dùng thường xuyên). Còn Google tính đến năm nay thì có 103 nghìn nhân viên và sản phẩm của họ đã thay đổi bộ mặt của hành tinh 7 tỷ người này, thay đổi cách họ tiếp cận thông tin, cách họ liên lạc, cách họ suy nghĩ, cách họ học, cách họ kinh doanh (bạn có thể kiếm được bao nhiêu công ty mà tên của nó đã trở thành động từ của hàng trăm quốc gia trên thế giới này?).
Tôi không nói rằng bạn dừng tranh luận hay dừng viết, dừng nói, tôi chỉ nói rằng sẽ có thời điểm bạn nên nghĩ rằng bạn tranh luận vì lý do gì. Hoặc chí ít trong những gì bạn viết ra, mọi người biết được rằng họ nên làm gì.
Ví dụ bài viết này:
Vấn đề lớn nhất của bài viết này không phải là vì thái độ của tác giả, hay là cách tác giả viết, mà vấn đề lớn nhất đó là sau khi đọc xong người đọc không biết phải làm gì. Nếu đây là một bài chia sẻ kiến thức thì tôi sẽ không phàn nàn về điều này, vì chia sẻ kiến thức chỉ là chia sẻ kiến thức. Nhưng nếu phản bác một việc người khác đang làm, thì tôi nghĩ rằng người viết có trách nhiệm viết rằng người đó đang làm sai cái gì và nên làm cái gì đúng.
Nếu bạn viết ra một bài viết 30 phút đọc mà đọc xong không đọng lại được gì, tức là bạn đang lãng phí 30 phút đọc của người khác, và nếu bạn đọc dành thời gian bình luận đúng sai về các ý tưởng trong bài viết này, thì tức người đọc cũng đang lãng phí thời gian của họ. Và nếu có 6000 người đọc bài viết này (với giả định rằng tất cả đều đọc từ đầu đến cuối), tức là đã có 6000 x 30 = 180,000 phút bị lãng phí. Đó là chưa kể thời gian tranh luận.
(Ngoài lề: tôi đưa bài viết này cho bạn tôi đọc, và bạn tôi bảo nó nên là một bài nhạc rap hơn là một bài viết).
Tại sao lại gọi là lãng phí? Bởi vì nếu bạn tranh luận đúng sai về một ý tưởng mơ hồ, cuộc tranh luận đó sẽ kéo dài mãi không hết và tệ hơn bạn chẳng thấy tốt đẹp hơn chút nào. Bạn sẽ mãi chìm đắm trong việc tìm sơ hở trong tranh luận của người khác và cố gắng chứng minh mình đúng.
Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta muốn viết ra một chủ đề để tranh luận, chúng ta nên có trách nhiệm đưa ra một kết luận cụ thể với những ý tưởng và hành động khuyến nghị rõ ràng để người khác đọc xong biết được rằng họ nên làm gì. Nếu người khác đồng ý, họ biết họ đang đồng ý với cái gì và tại sao. Nếu người khác không đồng ý, họ biết rằng họ đang bất đồng với cái gì và tại sao.
Tôi không đồng ý với ý kiến rằng chúng ta đi tranh luận là để học hỏi nhau, và rồi ai cũng đúng không ai sai. Bởi vì thứ nhất, điều đó là sai, khi tôi đi tranh luận tôi đã phải tìm hiểu rằng đối phương sẽ nói điều gì và tôi đã phải chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó. Ví dụ nếu tranh luận về việc phá thai có nên hay không, và nếu tôi ủng hộ việc cho phép nạo phá thai thì tôi phải chắc chắn rằng tôi biết tất cả các lý do mà bên không ủng hộ sẽ đưa ra. Nếu họ nói ra một luận điểm khiến tôi bất ngờ (mà mọi người hay nhầm tưởng là học được điều mới) thì tức là tôi đã chuẩn bị thiếu sót. Tôi đến với cuộc tranh luận không phải là để học hỏi, mà tôi đến để thuyết phục mọi người rằng tại sao tôi đúng. Bởi vì phải có một bên đúng thì một hành động mới có thể đưa ra được.
Còn nếu muốn tạo ra môi trường học hỏi, thì đó nên là một cuộc trao đổi chia sẻ, hỏi đáp hơn là tranh luận.
Chúng ta rèn luyện kỹ năng tư duy là để tranh luận, và khi tranh luận chúng ta phải thuyết phục được mọi người rằng chúng ta đúng.
Hành động
Vậy tôi viết bài này ra để làm gì? Để nói rằng:
- Sẽ đến một thời điểm mọi người nên dừng việc dành quá nhiều thời gian bàn luận về những ý tưởng mơ hồ. Sẽ đến thời điểm dừng mài kiếm và nên dùng thanh kiếm đó để chiến đấu.
- Mọi người nên nghĩ nhiều hơn về giải pháp.
- Nếu mọi người muốn tranh luận, hãy chuẩn bị với tinh thần rằng mình sẽ thuyết phục được người khác nghe theo mình.
Chúc bạn tìm được thứ đáng để quan tâm.
Các bài viết khác:

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

duongAQ

Cảm nhận đầu tiên của mình khi đọc bài này cũng giống với bác Gwen83, đó là: "bài viết đang có xu hướng kêu gọi bớt tranh luận (nhảm) mà nên tranh luận hướng tới hành động". Nhưng thực sự thế nào là tranh luận nhảm lại khó xác định. Bởi với người ở góc nhìn thứ 3 thấy nó nhảm, nhưng người trong cuộc lại thấy nó ko nhảm.
Mình thì có quan điểm thế này:
1. Môi trường tranh luận sẽ quyết định có hành động.
Môi trường là website, internet thì hành động duy nhất thể hiện ra được là cào phím. Việc họ cào phím tức là họ đang hành động. Bởi họ không mặc kệ cái họ nhìn thấy, cái họ đọc được, mà họ đưa ra bình luận, đưa ra quan điểm, thế là họ đã có hành động. Còn giá trị của hành động đó đến đâu lại tùy vào sự phát triển tiếp theo của nó.
2. Hành động khác (ngoài lời nói) chỉ làm được tốt khi ý nghĩ đã thông suốt.
Cái khiến người ta ko đưa ra được hành động phần nhiều là do họ suy nghĩ quá nhiều. Bởi góc nhìn hạn hẹp, bởi không có ý kiến trái chiều... nên mọi sự trì hoãn đều do họ tự suy diễn ra và ngăn cản chính họ. Nên việc họ viết ra, nói ra, nghe người khác nói... chính là cách họ bắt đầu có hành động. Bắt đầu bằng việc viết ra, họ sẽ có thể có hành động khác nữa. Mọi thứ đều cần sự bắt đầu. Chặng đường từ 0 đến 1 sẽ khó khăn hơn từ 1 đến 10.
Đầu tiên là bước qua sự trì hoãn, tiếp đến là mở rộng góc nhìn, tiếp nhận sự ủng hộ, lường trước những khó khăn... thì động lực để hành động sẽ mạnh mẽ hơn, hành động dứt khoát hơn, thay vì "vừa đái vừa dòm".
3. Sự chuẩn bị
Rõ ràng việc 1 người chủ động đưa ra quan điểm để "mời những kẻ khác vào tranh luận" thường có sự chuẩn bị nhiều hơn. Những kẻ tham gia thường ở vào thế bị động, không có sự chuẩn bị kỹ. Vậy thì rất khó để mà "phản biện thành công" 1 quan điểm của người khác. Trừ trường hợp luận điểm đưa ra ban đầu đã có hàng tá lỗ hổng do không chuẩn bị kỹ.
Vậy cớ sao người ta lại đưa nó ra để mời người khác tranh luận? Theo mình có 2 mục tiêu chính:
- Tỏ ra thượng đẳng, hơn người hoặc muốn áp đặt 1 luận điểm. Họ chuẩn bị rất kỹ và thường quyết thắng trong cuộc tranh luận. Sẵn sàng tranh đấu đến cùng để có thể giữ vững lập trường. Cái này hay gặp ở mấy ông luật sư. Muốn phân định rõ ràng, cần có 1 bên thứ 3 làm quan tòa. Nếu không sẽ không có hồi kết.
- Muốn được hoàn thiện luận điểm. Ở đây họ biết luận điểm chưa hoàn thiện, chưa đủ cơ sở hoặc chưa kiểm thử trên nhiều đối tượng (luận điểm cá nhân, cảm tính). Họ đưa ra với mục đích: cái gì họ cho là đúng sẽ bảo vệ nó, cái gì họ thấy mới lạ sẽ kiểm thử rồi nếu đúng sẽ áp dụng. Đôi khi việc này khiến họ "bác bỏ cả quan điểm gốc" nếu không có tâm thế vững vàng. Cái này thường gặp rất nhiều, đặc biệt là tranh luận trên mạng. Nơi chẳng cần thẩm phán. Thích thì nghe, ko thích thì bỏ ngoài tai hoặc xóa. Vậy nên người ta thấy tham gia tranh luận kiểu này khá mất thời gian. Bởi chẳng có gì đảm bảo đối tương sẽ tiếp thu (mặc dù mục đích của họ là vậy).
4. Tranh luận là để cho mình, không phải để cho người.
Như ở (3), việc tham gia tranh luận sẽ chẳng bao giờ hướng tới người khác được. Bởi họ có tiếp nhận hay ko là quyền của họ. Còn quyền của mình là được bình đến khi họ đóng cửa. Vậy nên khi chọn tham gia 1 chủ đề, cái người ta hướng tới là được nói, được thể hiện, được phát triển tư duy lập luận, trình bày vấn đề, được "thử" thuyết phục người khác. Vậy đối với họ là có ích. Dẫu họ nói ra nhảm, ko căn cứ hoặc nói thiếu logic... thì với họ vẫn tốt. Bởi họ biết được họ chưa tốt chỗ nào. Được người khác chỉ ra cái sai có ích gấp ngàn lần được người khác ủng hộ cái ta cho là đúng.
---
Thế nên, ta không thể biết điều gì là tốt cho người. Mọi lời khuyên hay chỉ bảo người khác hầu hết đều là gieo mầm. Khi đi gieo mầm, ta biết đó là mầm tốt là đủ. Còn kỳ vọng mầm tốt nảy nở là thừa.
- Báo cáo

Solomon Grundy
Mình đồng ý với bạn về tư tưởng "tranh luận". Có vẻ tác giả đang nghĩ tất cả những cuộc tranh luận trên thế giới này đều như thể là có một thẩm phán vô hình và chúng ta là đám luật sư đang gào lên luận điểm của mình để kết án hoặc bào chữa, và rồi chúng ta phải chuẩn bị cho tất cả những gì chúng ta sẽ nói, dự đoán tất cả những lý lẽ phản biện,... Tôi cảm thấy mệt với suy nghĩ kiểu này, như thể mọi cuộc tranh luận đều là một cuộc chiến, và như thể chiến thắng sẽ là vẻ vang dữ dội khắp năm châu bốn bể và chúng ta sẽ áp đặt được như thể lập trình ghi đè lại một quan điểm nào đó trong đầu đối phương. Mà sự thực thì đâu có dễ thế, chắc tất cả chúng ta đều có tố chất của một luật sư thiên tài hoặc một bác sĩ tâm lý tiềm năng để làm vậy nhỉ. Hơn nữa tác giả còn cho rằng chúng ta chẳng học thêm được gì từ tranh luận, nghe cũng có lí với trường hợp người tranh luận chỉ có mức độ kiến thức ngang hoặc kém hơn chúng ta, còn để tranh luận với một nhà học giả uyên thâm chắc cái sự tự tin đó nó cũng chẳng cao lắm đâu. Bài viết này, phải nói là đặc sệt quan điểm cá nhân, và dĩ nhiên ý kiến trái chiều là không thể tránh khỏi
- Báo cáo

The Merc

Cũng có thể tôi là người vốn theo chủ nghĩa thực dụng cho nên tôi không nghĩ bài này nói về vấn đề tranh luận thì vô dụng hay hữu dụng, mà cụ thể hơn là vô dụng trong trường hợp nào và hữu dụng trong trường hợp nào. Ngay bản thân vấn đề này cũng là một vấn đề phổ biến trong khoa học, vốn coi trọng cả lý thuyết lẫn thực nghiệm, nhưng cần phải phân định rõ ràng khi nào dùng lý thuyết bổ sung thực nghiệm và khi nào dùng thực nghiệm bổ sung lý thuyết.
Cá nhân tôi khi đọc ba đoạn này thì góc nhìn của tôi như sau:
- Câu chuyện 1: Nếu ngay lập tức hành động không có cơ sở lý thuyết được xây dựng trên tranh biện (arguments) thì việc ngay người hành động có khả năng lệch lạc và không đảm bảo các giá trị nhất định là việc không thể tránh khỏi.
Ở đây bạn của Husky đang hành động theo nguyên lý "Lesser of two evils" chứ không phải theo nguyên lý "sustainable development" (Phát triển bền vững). Tôi nhìn câu chuyện này ở một góc mở, và kết quả hay hậu quả của việc này là cái không đoán trước được.
Đối với người như tôi chẳng hạn, thì đây là cách làm lợi bất cập hại, lợi về mặt kinh tế nhưng hại về mặt tư tưởng, tuy nhiên có thể trong quá trình triển khai lại có những thứ sẽ tốt ở mức không lường trước (unintended consequence). Nhưng đối với người chọn hành động, họ sẽ chỉ cần quan tâm đến ngay lập tức thực tế sẽ phản ứng thế nào.
- Câu chuyện 2: Tương đối rõ ràng, khi đã xác định chính xác được vấn đề, mà không có hành động cụ thể thì chỉ phí thời gian.
- Câu chuyện 3: Đối với tôi đây là câu chuyện khó phân tích nhất, lý do nó nằm ngoài khả năng phân tích và hiểu biết của tôi về một lĩnh vực nhất định. Trên thực tế, nếu đánh giá khách quan thì việc tăng độ nhận biết và thực nghiệm có phương pháp đều tốt, và (nên) song hành nhau, chứ không chắc chắn được cái gì sẽ hơn cái gì.
Bản thân bài viết này nhằm đưa đến một hướng dẫn cách suy nghĩ để thoát khỏi vòng tròn feedback tiêu cực đến từ những cuộc tranh luận không rõ ràng và không có mục đích, khi phương pháp luận lẫn phương pháp thực hành chưa rõ ràng, chứ không phải là để nói rằng tranh luận vô nghĩa. Và nói thêm "vô nghĩa" ở đây có điều kiện (đối với góc nhìn thực dụng) là không đưa ra được phương pháp luận lẫn phương pháp thực hành phá vỡ status quo. Nhiều tranh luận hiện tại ở môi trường facebook chẳng hạn là các tranh luận "xung quanh status quo" chứ không phải nhằm "phá vỡ status quo". Bài viết này khá chân phương về mặt ý tưởng, khó có thể suy diễn rộng hơn những gì bài viết đề cập đến được.
- Báo cáo

Eien♫♫
Một ý kiến tốt nhất mình đọc ở đây. Một chủ đề lớn mà bài viết quá nông cạn thường sẽ có nhiều tranh cãi là hoàn toàn đáng
- Báo cáo

Viet Anh Tran

Mình nghĩ mọi người có vẻ đang hiểu sai ý Husky muốn nói trong bài viết này thì phải. Ý chính của bài viết đâu phải là "bớt tranh luận đi mà hãy hành động"? Chính xác thì mọi người dựa vào những chi tiết nào trong bài để nhìn ra ý này vậy? Mình nghĩ trước hết nếu muốn tranh luận ở đây thì cần làm rõ điểm này đã. Comment duy nhất mình thấy có hơi đề cập đến điều này là của anh Trà Kha, cụ thể là đoạn "bởi cái tựa bài "Những Lời Nói Vô Nghĩa" và các lập luận trong bài". Phần "các lập luận trong bài" thì có lẽ cần đi sâu hơn để hiểu rõ hơn nên mình chưa dám bàn, còn tiêu đề "Những Lời Nói Vô Nghĩa" thì cá nhân mình không cảm thấy là vấn đề gây hiểu sai ý được. "Những lời nói vô nghĩa" có thể vô nghĩa trong hoàn cảnh này nhưng có ý nghĩa trong hoàn cảnh khác, khi không có bối cảnh được đặt ra thì việc đưa ra giả định khái quát trong mọi hoàn cảnh là không hợp lý.
Theo mình hiểu thì bài viết này kêu gọi mọi người "tranh luận tốt" và Husky có đưa ra quan niệm của bạn ấy về thế nào là "tốt". Mình sẽ trích dẫn thẳng những đoạn mình nghĩ thể hiện quan niệm của Husky:
"Một cuộc tranh luận tốt là cuộc tranh luận mà hành động cụ thể được đưa ra rõ ràng"
"Mọi người nên dừng việc dành quá nhiều thời gian bàn luận về những ý tưởng mơ hồ"
"Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta muốn viết ra một chủ đề để tranh luận, chúng ta nên có trách nhiệm đưa ra một kết luận cụ thể với những ý tưởng và hành động khuyến nghị rõ ràng để người khác đọc xong biết được rằng họ nên làm gì. Nếu người khác đồng ý, họ biết họ đang đồng ý với cái gì và tại sao. Nếu người khác không đồng ý, họ biết rằng họ đang bất đồng với cái gì và tại sao."
"[trong tranh luận] phải có một bên đúng thì một hành động mới có thể đưa ra được"
Bàn luận thêm một chút về câu trích dẫn cuối: Theo như mình hiểu thì ý Husky ở đây không phải là đúng - sai, thắng - thua tuyệt đối như mọi người đang bàn luận; Husky muốn nói trong một cuộc tranh luận đúng nghĩa, sẽ luôn phải có những quy tắc để đảm bảo có một bên đúng và thuyết phục hơn để dẫn đến hành động. Điều này không đồng nghĩa với chuyện lý luận của bên còn lại không có ý nghĩa; chỉ là trong khuôn khổ một cuộc tranh luận nhất định (với những khuôn khổ & tiêu chuẩn nhất định), sẽ luôn cần tìm ra một giải pháp "đúng hơn". Một cuộc tranh luận "tốt" theo quan điểm của Husky là cuộc tranh luận có thể đưa ra được giải pháp như vậy. Theo mình thì đây mới chính là điểm cốt lõi cần tập trung nếu muốn phản biện bài viết này của Husky
Chính chủ có thể vào bổ sung hoặc chỉnh sửa thêm nếu mình có hiểu gì sai @Huskywannafly

- Báo cáo

Blah Blah
Mình đồng ý về việc tranh luận thì phải có mục đích, nếu không sẽ không đi tới đâu, không thu được gì hữu ích. VD đọc xong bài "Ra gì và này nọ" kia, sau khi gạt đi việc sử dụng ngôn ngữ, những kết luận mang tính chủ quan của người viết mà không có chứng minh rõ ràng thì sẽ chẳng còn đọng lại được gì. Phí thời gian đọc. Sẽ hữu ích hơn nếu bạn này nói thẳng vào việc các bài viết của các tác giả Trung Thanh Nguyen, Một Cốc Muối, Vui Lên làm bạn ý bệnh cụ thể ra sao.
Mình không đồng ý về việc tranh luận phải dẫn tới hành động cụ thể liên quan tới chủ đề tranh luận. Miễn là nó có mục đích nào đó là ok rồi, không nhất thiết mục đích là phải dẫn tới hành động. Mình thích xem người khác bàn luận / tranh luận vì nó giúp mình hiểu được bản chất của vấn đề (theo thế giới quan của mình), cái giúp cho mình nâng cao kiến thức và làm cho các định kiến của mình tốt hơn (cho mình), cái mà sẽ giúp mình sinh hoạt hàng ngày, làm việc chuyên môn tốt hơn.
VD với vấn đề cô bé Greta Thunberg, khi xem mọi người bàn luận mình biết thêm về:
+ Cô bé là ai?
+ Biết thêm một số thứ căn bản về môi trường, cái mà ít khi mình tìm hiểu, không quá quan tâm, nhưng cũng nên biết gì đó về nó.
+ Tự đưa ra các kết luận của mình về vấn đề này: cô bé có thể nói những gì cô bé muốn; người lớn không nên đưa cô bé lên hội nghị thượng đỉnh đó để nói những điều đó, để phục vụ mục đích riêng của họ...
+ Những suy nghĩ lan man về việc những bài phát biểu như của cô bé so với cái Boyan Slat đang làm liệu có giống Khoa học cơ bản so với Khoa học ứng dụng không. Cái nào cũng cần cả.
Mấy cái trên có giúp mình có hành động gì cụ thể liên quan tới chủ đề không? Không. Mình có thấy phí thời gian không? Không, nó tốt cho bản thân mình, giúp mình rèn cái cách suy nghĩ mạch lạc, vào bản chất vấn đề của mình.
Kiếm thì cứ mài thôi. Chém ở chỗ khác, chém cái khác cũng được mà.
- Báo cáo

The_Joker_VN
Ở công ty tôi hiện nay, phần lớn quyết định cuối cùng được đưa ra sau 1 cuộc họp nào đó là do kết quả phân định thắng thua sau 1 hồi cãi vã (mà người ta tưởng là tranh luận, phản biện), nghĩa là ông nào cãi giỏi hơn (hoặc ông đó có power hơn), ý kiến của ông đó sẽ được chọn. Điều đó không đồng nghĩa đó là ý tưởng hay, hiệu quả cho cty. Nhân viên chúng tôi hầu hết là bị buộc phải làm theo và không được tham gia vào việc ra quyết định cuối cùng. Dần dà chả mấy ai quan tâm đến tầm nhìn hay tính hiệu quả nữa, sếp bảo sao nghe vậy cho xong. Thói bị động và khôn vặt được dịp lên ngôi, còn tính sáng tạo thì đi xuống.
Tuy nhiên, cũng có những cá nhân ở các phòng ban có quy mô nhỏ, họ thực sự là 1 nhóm có tính sáng tạo rất tốt, tốt hơn hẳn các phòng ban có quy mô lớn với nhiều nguồn lực được cty hỗ trợ. Họ có nhiều sáng kiến trong công việc chuyên môn của mình, họ thảo luận và đưa ra giải pháp rất tốt.
Câu chuyện của công ty tôi chỉ ở quy mô nhỏ, ko mang tầm vĩ mô như vấn đề môi trường hay chính trị, hay mạng xã hội toàn cầu. Nó cho thấy rằng ở quy mô nhỏ như vậy, việc mọi người được tham gia bàn luận và được lắng nghe sẽ kích thích tính sáng tạo và truyền cảm hứng hành động đến họ hơn, vì ở quy mô đó, họ được chú ý, họ cảm giác được là 1 phần, là 1 mắt xích cũng rất gì và này nọ của 1 cái gì đó. Tôi nghĩ, chính vì lẽ này nên khi tham gia vào các vấn đề vĩ mô mọi người thường chỉ bàn luận và đưa ra ý kiến, vì tính vĩ mô của vấn đề khiến cho mọi người không cảm thấy mình có thể tham gia nhiều hơn, ko cảm thấy mình là 1 mắt xích trong đó, nếu có thì cũng ko biết tham gia từ đâu.
Hơn nữa, 1 vấn đề lớn ko thể giải quyết bằng 1 người, hoặc 1 nhóm, cho dù nhóm này có nguồn lực mạnh đến đâu. Vì vấn đề lớn sẽ có rất rất nhiều khía cạnh, và để giải quyết thì cần sự kết hợp của nhiều nhóm chuyên biệt về 1 khía cạnh nào đó.
Vì vậy, lời kêu gọi mọi người tham gia hành động thì nên cụ thể hơn là hãy khuyên họ bắt đầu bằng cách trở thành 1 phần của cái gì đó nhỏ thôi. Đừng quá tham lam.
- Báo cáo