Đây là một bài viết về trải nghiệm của mình với căn bệnh này trong những năm tìm hiểu và chữa bệnh. Trong bài mình có thể đưa ra các ví dụ về nghiên cứu mà thường mình tìm được qua video TED trong thời gian rảnh. Dù mình mượn ví dụ trên mạng cho dễ diễn đạt, những luận điểm của mình đều là mình trải nghiệm mà rút ra. Mong các bạn đọc bài với tư tưởng cởi mở, và mình sẽ rất mừng nếu có những góp ý xây dựng hay fact check.

Trầm cảm là gì?

Theo định nghĩa thông thường tìm được trên wikipedia, trầm cảm là một trạng thái buồn hay mất đi hứng thú với những gì mình từng thích, nếu kéo dài (quá 2 tuần) thì có thể chẩn đoán là bệnh. Bệnh cũng tên là "trầm cảm" nhưng thực ra từ này để chỉ cả hai khái niệm.
Đó là định nghĩa hàn lâm, người ta sử dụng để chẩn đoán bệnh. Nhưng ở mức độ cá nhân, mình còn có rất nhiều thứ câu hỏi
 - Lý do cho những cảm xúc đó là gì? 
- Có phải bệnh của ai cũng giống nhau không?
 - Và thậm chí là nó có thật không?
 Và mãi về sau những câu trả lời mới hiện ra rõ ràng hơn với mình. 

Triệu chứng trầm cảm

Nếu bạn muốn biết đủ triệu chứng cụ thể thì có rất nhiều trên mạng, mình sẽ nói một số điểm mà mình đã nhìn vào để nhận ra bệnh và đi khám:
- Thay đổi khẩu vị, không kiểm soát được cân nặng (tăng, hoặc giảm, hoặc giữ) dù cho có diet.
- Rối loạn giấc ngủ, có thể là ngủ rất nhiều, dậy muộn, nhưng đến đêm thì không ngủ được.
- Mất năng lượng, với mình thì luôn cảm thấy mệt mỏi.
- Khó tập trung.
- Suy nghĩ tự tử
Nếu bạn có các triệu chứng trên, bạn có thể thử đi khám ở các bệnh viện như bệnh viện Bạch mai, bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (đừng sợ chữ tâm thần nhé). Và điều này dẫn đến những phát hiện tiếp theo của mình. 

Bệnh viện và thuốc

Mình đã đến bệnh viện, và khám bệnh 2 lần, bởi hai bác sĩ, trong đó có bác sĩ trưởng khoa. Và dù kết quả hai lần có sự khác nhau, nhưng đều thống nhất ở điểm mình có bệnh trầm cảm. 
Điều đầu tiên mình nhận ra là bệnh này không phải chỉ là suy nghĩ hay lời nói. Một số người có thể nghĩ "tôi nói dối bác sĩ thì làm sao?" Nhưng thực tế thì có cả bộ các câu hỏi và xét nghiệm điện não đồ. Bệnh này hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến não và có thể trông thấy được bằng mắt qua xét nghiệm.
Điều thứ hai mình phát hiện là ở đây, bác sĩ sẽ không trị liệu tâm lý cho bạn theo các câu hỏi như vẫn thấy trên phim, mà họ sẽ cho bạn thuốc để uống. Dù vậy, vì gặp được những bác sĩ có tâm nên mình cũng được nói chuyện với họ một chút và nhận được một vài lời khuyên. 
Sau khi mua thuốc về (thuốc cũng tương đối đắt) thì mình uống theo đúng liều được giao. Quãng thời gian đó cũng cảm thấy vui hơn nhiều. Khi uống thuốc mình cảm thấy rất thoải mái và ngủ ngon, thường tự hỏi 
"Đây là cách mà người khác cảm thấy sao?"
Cụ thể thuốc làm gì thì mình không nghiên cứu sâu, mình có một loại tăng máu lên não, và một cho rối loạn lo âu, một cho trầm cảm.
Sau tầm 4 tháng uống thuốc (thời gian uống tầm 3-6 tháng) thì mình dừng thuốc, vì mình muốn hiểu về trị liệu tâm lý hơn, và sử dụng cách đó như vẫn thấy trên phim ảnh. Và may thay, mình đã tìm được một lớp để học điều đó.

Quá trình theo đuổi trị liệu

Bỏ phần đời uống thuốc lại phía sau, mình tìm hiểu về tâm lý qua nói chuyện, internet, và các lớp học. 
Và đó đã là một quãng trải nghiệm khó khăn nhưng cũng cho mình rất nhiều hiểu biết mới. Mình dù chưa phải là một người chuyên nghiệp, nhưng đã thực hành giúp đỡ một số người cảm thấy tốt hơn trong cuộc sống của họ. Và trong quá trình đó, mình muốn viết một bài viết cá nhân để giúp đỡ 
Mình nhận ra, để hòa nhịp vào dòng chảy văn hóa của thế giới, và để trưởng thành hơn, thì có rất nhiều điều trước đây mình không biết, và cũng không định học. Đây là một số ý chính mà có thể sẽ trở thành phần tiếp theo của bài viết.
- Self-help có giá trị gì?
- Cách giao tiếp với người khác và chính bản thân mình.
- Stress, những góc nhìn khác nhau, ý nghĩa của stress.
- Mối liên kết giữa cơ thể và tâm lý, cảm xúc của bạn có thực sự khó đổi đến thế không?
- Cơn bão thông tin: thời sự, báo chí, facebook memes. Có cách nào để giữ sự tỉnh táo?