Trầm cảm, nỗi buồn và những điều không phải ai cũng hiểu
Bạn thấy một ai đó suốt ngày ở lì trong phòng và hạn chế tiếp xúc với người khác. Họ có thể thay đổi cảm xúc nhanh chóng một cách bất...
Bạn thấy một ai đó suốt ngày ở lì trong phòng và hạn chế tiếp xúc với người khác. Họ có thể thay đổi cảm xúc nhanh chóng một cách bất ổn chỉ vì một lý do đơn giản với bạn. Bạn nghĩ rằng thật kỳ cục khi họ làm trầm trọng hóa các vấn đề lên và chẳng việc gì phải buồn vì những vấn đề như thế. Nhưng liệu bạn có đang mở lòng để hiểu và thương?
Người có dấu hiệu trầm cảm luôn cảm thấy bị cô lập và khó khăn trong chuyện bày tỏ cảm xúc với người khác. Những điều mà mọi người thường thấy là dáng vẻ né tránh của họ để che giấu cảm xúc thực. Họ không chọn chán nản, lười biếng, trốn tránh, nhưng trầm cảm nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, tạo nên một hàng rào ngăn cản họ chạm đến thế giới xung quanh.
Hôm nay bạn có thể buồn vì một bài kiểm tra. Ngày mai, ngày kia nỗi buồn ấy sẽ mau chóng bay đi và bạn lại trở về với dáng vẻ vui tươi thường có. Tuy nhiên, trầm cảm dẫn tới chuỗi ngày buồn dai dẳng, có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm, ảnh hưởng lớn đến tính cách, sở thích và cách nhìn nhận tương lai của bạn.
Nhiều phụ huynh không chấp nhận con mình bị trầm cảm và họ thường nghĩ con đang giả vờ để lười biếng. Điều này gây không ít tiêu cực, tổn thương và làm bệnh càng trở nên trầm trọng hơn. Người bệnh sinh cảm giác sợ hãi, tội lỗi, còn người thân cũng khó chấp nhận sự thật nếu không chịu mở lòng đón nhận.
Thật khó khăn để vượt qua những yếu tố tiêu cực trong suy nghĩ, cũng không phải ngày một ngày hai có thể chấm dứt được ngay bệnh trầm cảm. Nỗ lực vượt qua vũng lầy để trở lại cuộc sống bình thường không đơn giản. Nhưng bạn biết không, chỉ cần một lần bạn thật lòng lắng nghe, động viên đúng cách, biết đâu nó lại là điều níu kéo sự sống của một ai đó nán lại bên đời.
Điều mình học được khi tham gia lớp tâm lý chính là không phán xét. Bạn sẽ không cần bảo ai đó nên làm điều này, điều kia, mà hãy đồng cảm với câu chuyện của họ, lắng nghe họ chia sẻ. Sợi dây rối trong đầu họ nên để chính họ giải quyết, họ sẽ là người đưa ra quyết định nên làm gì với cuộc đời họ.
Chúng ta ở bên họ, để họ biết rằng dù cuộc đời có trở nên tăm tối nhất, vẫn có một người sẵn sàng lắng nghe.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất