Dịch từ bài gốc của Antonia Malchik trên Aeon
---
Mẹ tôi thích tự nhận mẹ sinh ra ở ghế sau chiếc Ford ‘39. Thực tình không phải như vậy. Bà sinh ra trong một bệnh viện ở Chicago. Nhưng chưa đầy một năm sau, ông bà ngoại và mẹ quay về trang trại ở Montana mà nhà bên ngoại đã lưu trú từ đầu thế kỷ 20, tới tận bây giờ. Đó là nơi mà mẹ tính là nơi chào đời, khi bà ra khỏi phía sau chiếc Ford ‘39 và về lại mái nhà là thảo nguyên, ắp đầy những trảng cỏ cùng đất ngát hương và một cây liễu ươm vàng sum suê. “Mẹ chỉ tính khi có Chúa và Tự nhiên dự phần,” mẹ kể về lần mình sinh ra. “Con người ắt có nhà, và họ tự khắc biết khi đã tới nơi.”
Nếu có một niềm háo hức nào đó mãnh liệt hơn cảm giác thuộc về, của mái ấm, của lần tra chìa khóa đầu tiên bước vào nhà, đó là quyền làm chủ một mảnh đất. Nông trang mà mẹ sinh trưởng vẫn còn sực hương đất lành. Từng mẩu đất xoãi ra dưới bầu trời quang đãng Montana, o ấp hoa chuông và mao lương vàng bản địa. Được thuộc về một nơi như thế, biết rằng đó là đất của mình, để chăm nom và sinh sống, mang lại nguồn lực mạnh mẽ và bền bỉ. Trên đất của mình, ta có thể gieo vào đất những loại rễ thường nhắc tới nhưng không thường chăm sóc kỹ càng. “Đã cắm rễ rồi mà,” chúng ta buồn bã mỗi khi rời một nơi hằng gắn bó.  Những chiếc rễ ấy là thật, và càng gắn bó với một nơi bao nhiêu chúng càng rắn chắc và cắm sâu hơn.
Trong mắt ông bà cố cụ kị của tôi và vô vàn những người khác từng sống dưới cương ách của luật đất đai hờ hững ở Châu Âu, Đạo luật đất công Homestead năm 1862 ở Mỹ hẹn hứa một tương lai mà ngày nay gần như không tài nào hình dung ra được: quyền tự do sở hữu mảnh đất mà ta đã dụng công, trang trại đã nuôi sống ta, bờ bãi nơi ta đứng bắt cá cho buổi tối, những cây rợp tán che chở ngôi nhà của ta. Ta có thể mất đi mảnh đất này nếu như phá sản hay từ bỏ nó - đời sống khẩn hoang chẳng phải cuộc phiêu lưu màu hồng, trù phú được khắc họa trong quyển Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, mà là một cuộc sống cằn cỗi, giá buốt, cô độc, khắc nghiệt đã xua đi không biết bao nhiêu con người chỉ sau ít năm đầu ngắn ngủi - nhưng không một lãnh chúa hay thổ quản lánh mắt nào có thể tước nó khỏi tay ta hay đòi hỏi chia chác công sức lao động bỏ ra. Người Mỹ da trắng đắc lợi từ việc khai hoang miền Tây và đạo luật Di dời người da đỏ tàn khốc, bất công trắng trợn sẽ không bao giờ chịu đựng những gì từng xảy ra ở các cuộc di dời vùng Cao nguyên Scotland.
Với tôi, như tổ tiên mình, khung cảnh Montana là một phần của con người tôi hôm nay. Chẳng có tiền bạc nào mua được. Tình cảm dành cho đất đai chính là thứ không thể đếm đo bằng cách ta sử dụng, bởi thị trường bất động sản, hay giá cả hàng hóa. Tình cảm ấy dung dưỡng cho một cảm thức về nhà cửa mãnh liệt. Ngay khi đoan chắc mảnh đất ta đang sống không thể bị tước đoạt, tình cảm kia sẽ tràn dâng ra ngoài biên cõi để ấp ôm lấy đất đai ở xung quanh. Tư hữu có lẽ là nơi khởi sinh của chăn nuôi và bền vững đích thực cũng như khả năng tự cung tự cấp và cả tự ý chí, thế nhưng sở hữu đất đai còn cho phép chúng ta đầu tư vào một cộng đồng, trong đó bao gồm đất và tài nguyên sở hữu công thuộc về tất cả mọi người trong đó, với một lẽ tương thuộc và tương kết.
Trang trại nơi mẹ sinh ra không được riêng xây nên từ công sức của mỗi gia đình bên ngoại. Nó còn dựa vào các tầng ngậm nước bên dưới, vào độ khỏe khoắn của đất mặt và đất đồi bên ngoài giới hạn của nó, vào hàng trăm - thậm chí hàng ngàn - năm được tộc Chân đen mà nơi đây nhẽ ra thuộc về săn sóc, vào khí hậu mà tổ tiên ông bà không thể kiểm soát, vào mặt trời, vào hạt giống, vào cộng đồng thừa biết nó không phải công sức lẻ đơn của riêng ai. Những điều này cấu thành một hệ sinh thái sống còn với sự tồn sinh của họ, và điều này đến ngày nay vẫn còn giữ trọn. Đó chính là những tài nguyên thiên nhiên của chung, hay trước kia từng được gọi là “tài sản công.”
Chúng ta sống trên và sống trong tài sản chung, cả khi chúng ta không coi chúng là vậy. Mỗi một hơi thở, chúng ta đang lấy từ tài sản chung. Mỗi một lần bước trên con đường cũng chính là lúc chúng ta sử dụng tài sản chung. Mỗi lượt ngồi dưới bóng nắng hay nấp dưới vòm mưa, nghe chim hót hay đóng cửa sổ trước mùi hăng sực vào từ nhà máy dầu bên cạnh, cũng là lúc chúng ta đang gắn bó với tài sản chung. Nhưng chúng ta dường như đã quên đi cái vai trò những tài sản chung này có với cuộc sống của mình. Tài sản chung giúp tạo ra sự sống. Hơn nữa, chúng làm nền tảng cho tư hữu. Khi tài sản chung bị suy giảm hay tiêu diệt, việc thưởng ngoạn hay sử dụng tài sản riêng trở nên bất khả. Một chủ trại ở Montana có thể sở hữu hàng vạn mẩu đất nhưng vẫn lệ thuộc hết mực vào sự an lạc của tài sản chung. Một cộng đồng cao tường kín cổng hay những căn hộ penthouse chót vót cũng chẳng thể chặn ngăn bất kỳ con người nào bước ra thế giới rộng lớn bên ngoài vốn vô cùng cần thiết với chúng ta.
Chúng ta đã từ quá lâu có thể thờ ơ hay làm tổn thất tài sản chung mà chẳng hề gánh vác hậu quả. Nhưng bây giờ, sức ép của dân số loài người cũng như sự gia tăng của chủ nghĩa công nghiệp khiến cho câu hỏi càng thêm khẩn bách: làm cách nào chúng ta sở hữu những tài nguyên chung? Làm sao chúng ta bảo vệ các nguồn tài nguyên này để mang lợi ích cho tất cả mọi người? Nào còn biên giới nào để trốn đi, cũng chẳng thể nào vờ vĩnh điều chúng ta làm ở nơi này chẳng hề ảnh hưởng gì tới không chỉ vị hàng xóm nhà bên, mà còn cả các hệ sinh thái cách đó hàng trăm cây số. Ở thời sơ cụ kị nhà tôi, một câu hỏi thao thức trong đầu các du dân Âu Châu sang Mỹ hay các hậu duệ của họ là làm sao để giành được tự do mà tư hữu mang lại. Trong tương lai chúng ta, đây chẳng còn là câu hỏi ai là sở hữu, mà là sở hữu bằng những cách nào.
ảnh của David Alan Harvey/Magnum
ảnh của David Alan Harvey/Magnum
Tài sản chung đúng hệt như tên gọi của chúng: đất đai, sự lưu thông của nước, rừng, không khí. Tài nguyên thiên nhiên của hành tinh chúng ta khiến cho sự sống ra đời. Các xã hội trong suốt lịch sử xưa nay không ngừng lệ thuộc vào rất nhiều hệ thống sử dụng chung tài sản chung này với mong muốn phân bố tài nguyên thiết yếu một cách công bằng, chẳng hạn đất chăn thả và nông nghiệp, nước sạch để uống và rửa ráy, thức ăn săn bắn được, và gỗ để làm chất đốt và xây dựng. Từ tận năm 555 CN, tài sản chung được biên vào luật La Mã, trong đó nêu thẳng thừng một số tài nguyên thiên nhiên thuộc về tất cả mọi người, chẳng do thiểu số sở hữu: “Theo luật tự nhiên chúng là tài sản chung của nhân loại - không khí, nước, biển khơi và do vậy cả vùng bờ biển.”
Quyền lực của truyền thống này khó lòng lý giải, nhưng xem nhẹ lại càng khó hơn, và thực hành truyền thống này vọng vang suốt lịch sử Châu Âu. Đại hiến - Magna Carta - được Vua John nước Anh công nhận vào năm 1215 từ đòi hỏi từ các nam tước, bảo hệ chính các quý tộc này trước viễn cảnh mất đi đất đai trước bất cứ vương quyền nào họ tùng phục. Magna Carta còn đặt ra quyền cáo kiện đồng cấp, trong số những quyền lợi nhân thân khác, và chính là tài liệu được trích dẫn rộng rãi như nền mống của nền dân chủ hiện đại ngày nay.
Điều ít người biết hơn chính là Lâm hiến - Magna Foresta - được thỏa thuận hai năm sau đó, 1927, bởi nhiếp chính cho Vua Henry III, vì Vua John qua đời trước đó một năm. Với Lâm hiến, “quản lý tài nguyên thiên nhiên chuyển từ luật võ đoán của đức vua,” theo Carolyn Harris, học giả người Canada chuyên nghiên cứu về Đại hiến, “thành tài sản chung của toàn dân.” Lâm hiến ban hành quyền sinh kế, luận rằng ‘mọi con người tự do từ đây về sau có thể, mà không bị truy tố, xây dựng trên vùng rừng hay vùng đất đai mình sở hữu một cối xay, một kho lương, một hồ nước, một hầm sét, hoặc một mảnh đất có thể trồng trọt bên ngoài khuôn viên của đất trồng trọt, với điều kiện không gây phương hại tới láng giềng.” Bao gồm trong luật sinh kế là phép được chăn thả động vật và thu gom thức ăn và củi gỗ thiết yếu để sinh sống.
Các quyền lợi này lan khắp nước Mỹ không một mảy may nào suy suyễn và mách bảo các vị cha già lập quốc thiết lập ra hệ thống luật pháp riêng của mình, chú trọng hơn nữa vào quyền lợi của những người bình dân có thể sở hữu đủ đất đai để sống độc lập. (Việc mảnh đất này trước kia thuộc về người bản địa từng sinh sống chẳng tiến được sâu hơn vào lập luận của các vị ấy.) Với Thomas Jefferson, theo lời giáo sư luật Eric T Freyfogle trong quyển sách năm 2003 The Land We Share (tạm dịch: Mảnh đất ta chia), ‘quyền đất đai chủ yếu liên quan tới khả năng giành được đất đai phục vụ cho sinh kế, ở mức giá tối thiểu hoặc miễn phí: Người sở hữu đất hành xử có trách nhiệm trước quyền do cơ hội mang lại, quyền giành đất, chứ không phải quyền tiếm chiếm hay kháng cự lại những đòi hỏi của cộng đồng.’
Cả Benjamin Franklin cũng tin rằng bất cứ đất đai nào không bắt buộc dùng vào sinh kế ‘chính là tài sản của đại chúng, những người theo luật đã tạo ra, và những người do đó theo bất cứ luật lệ nào khác có thể dứt bỏ nó, mỗi khi sự hưng vong của đại chúng bắt buộc họ phải dứt bỏ.” Mục đích ở đây chính là cho phép một cá nhân hay một gia đình giành lấy những phương tiện mang lại cho họ một cuộc sống độc lập, chứ chẳng phải làm giàu từ sở hữu đất đai hay sử dụng tài nguyên thuộc tài sản chung ngoài khung cảnh sở hữu chung. Ý nghĩ này mở rộng sang việc giới hạn luật đột nhập trái phép. Săn bắn trên đất không rào lại của người khác hoàn toàn hợp pháp, và - chiểu theo Lâm hiến - trồng cỏ nuôi gia súc cũng vậy.
Tự thân đất đai, không phải tài nguyên nó chứa đựng, thuộc về tài sản chung. Thử xét về những hàm ý của tư duy này đối với thời đại chúng ta mà xem: nếu quyền tiếp cận các phương tiện sinh kế cá nhân quả thật là quyền lợi của tất cả, nếu như cả tài nguyên công cộng lẫn đất đai công cộng không bao giờ được tước đoạt hay bán đi, thì những kẻ giàu có, một nhà nước, hay các tập đoàn có còn chút quyền lực gì với đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta chăng? 
Suy nghĩ về tài sản chung không hề độc tồn ở lịch sử Anh Mỹ. Ở Nga, từ chí ít đầu thế kỷ 15 và tiếp tục dưới nhiều hình thái khác nhau tới cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917, đất đai được quản lý theo chế độ mir, tức “đồng trách nhiệm”, bảo đảm mọi người đều có đủ đất đai và tài nguyên - gồm cả công cụ lao động - để tự nuôi sống bản thân và gia đình. Những dải đất được chia nhỏ và phân phối lại thường xuyên tùy theo nhu cầu thay đổi của các hộ gia đình. Đất đai tổng thể thì thuộc về mir. Không ai được cuỗm đoạt hay xẻ bán. Ở Ireland trước thế kỷ thứ 7 (là lúc được ghi chép) tới thế kỷ 17, luật Breton cũng phục vụ mục đích tương tự, các sept (bộ lạc) nắm vai trò vừa sở hữu vừa phân bố đất đai cho tới khi các lãnh chúa người Anh xâm lược, tước cư dân đang sinh sống ra khỏi các hệ thống thuộc về tổ tiên và quyền lợi đất đai của họ, để thiết lập ra các thái ấp bằng đàn áp và bạo lực. Sử gia Scotland Andro Linklater đã khảo sát chi tiết vào nhiều biến thể của các hệ thống sở hữu tập thể này trong quyển sách năm 2013, Owning the Earth: hệ thống luật adat của người Iban, lĩnh canh ở Scotland, cách sử dụng đất đai của người Maori ở New Zealand, hệ thống nông nô ở Ấn và Trung Quốc và nhiều Hồi quốc khác, và dĩ nhiên cả lục địa Bắc Mỹ trước cuộc xâm lăng và định cư của người Châu Âu.
Nhưng tài sản chung không hề là di sản của một lịch sử bụi giăng. Nền cộng hòa Kyrgyz từng có một hệ thống chăn nuôi gia súc thành công mang lại lợi ích cho cả mục dân lẫn đất đai. Tan tác trong thời kỳ Xô Viết ưu tiên thâm canh, đất chăn thả chung dần được tái thiết sau khi Luật đồng cỏ được thông qua năm 2009, thay thế hệ thống thuê tư nhân bằng quyền sử dụng tập thể xoay quanh kiến thức về sinh thái và do chính các cộng đồng địa phương quyết định. Ở Fiji, các ngôi làng ứng phó trước áp lực từ đánh bắt cá quá mức và biến đổi khí hậu bằng cách áp dụng một hệ thống xưa cũ cấm đánh bắt cá có tên gọi tabu. Một bài viết trên tạp chí khoa học Nautilus mô tả về sự thiết lập các Khu bảo tồn biển do địa phương quản lý vận dụng truyền thống xa xưa về tài sản chung, lẫn kiến thức khoa học hiện đại, hòng áp dụng quyền cho phép hay ngăn chặn đánh bắt cá cộng đồng trước các nhu cầu mới của hệ sinh thái.
Tức, việc lưu tồn những tài sản tự nhiên chung chưa hề bị lãng quên hoàn toàn. Thế nhưng đã gần như vậy. Tài sản chung về cơ bản là phản đề với chủ nghĩa tư bản và túi tham tư nhân không đáy, và vì lẽ đó suốt hai thế kỷ qua đã bị khinh thường và ruồng rẫy ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Một trong những phê phán thuyết phục và giàu ảnh hưởng nhất dành cho tài sản tự nhiên ở nửa sau thế kỷ 20 tới từ Garrett Hardin, nhà sinh thái và vi sinh vật học. Năm 1968, Hardin công bố một tiểu luận trên tạp chí Science biện luận chống lại các hệ thống sở hữu và sử dụng tài sản chung, với đề tựa Bi kịch của tài sản chung, chủ điểm của tiểu luận cho rằng trên một hành tinh hữu hạn về tài nguyên, quyền sinh sôi nảy nở không được xem là tuyệt đối, mà nó kéo ra nhiều lĩnh vực khác nhau của triết học và đạo đức học. Bi kịch của tài sản chung là một công trình quan trọng giữ nguyên sức ảnh hưởng cho tới khi ông qua đời năm 2003 và cả những năm sau đó.
Hardin khăng khăng rằng hệ thống sở hữu tài sản chung, bao gồm quyền tiếp cận và sử dụng chung, sẽ mãi dẫn tới bi kịch bởi sự ích kỷ tư lợi không chóng thì chày sẽ vượt lên hết thảy mọi nhu cầu của một cộng đồng. Và, một khi xảy ra trường hợp cá nhân hành xử vị ngã, tất cả sẽ làm theo. Thậm chí Adam Smith, theo ông, cũng chẳng thể cam kết được theo đuổi tư ích luôn sẽ dẫn tới công ích.
Lập luận của Hardin lồi lõm ở tại kết luận khi ông cho rằng bất kỳ hệ thống tài sản chung nào cũng nhất thiết phải có tính phi chính phủ. Khi hình dung về một đồng cỏ dành cho mọi người, Hardin cho rằng chỉ có bệnh tật, chiến tranh, và săn bắt trộm mới duy trì được tải năng lành mạnh của vùng đất trước cư dân sinh sống trong đó. Một khi sự ổn định về xã hội đạt được, và người chăn thả có thể nuôi bao nhiêu gia súc tùy thích, mỗi người sẽ có một động cơ muốn gia tăng đàn gia súc của mình, cho tới khi mảnh đất bị tiêu hủy hoàn toàn vì quá tải. “Logic nội tại của tài sản chung,” theo Hardin, “sản sinh ra bi kịch không chút xót xa.” Chi tiết mà ông đã chối bỏ chính là hiện thực của tài sản chung, mà ở đó các hạn mức được thỏa thuận mang lại lợi ích cho cộng đồng chính là một phần cốt lõi và cần thiết cho cả hệ thống pháp lý và xã hội.
ảnh của Joshua Sukoff/Unsplash
ảnh của Joshua Sukoff/Unsplash
Trong cả hai trường hợp hệ thống chăn thả gia súc ở Kyrgyz và các khu bảo tồn biển ở Fiji, lý do mở khai thác tài sản chung chính là khi cộng đồng chịu tác động vận dụng tri thức khoa học và sinh thái để đồng thuận về các giới hạn và cách thức tất cả cùng sử dụng chúng. Ở nước Mỹ miền Tây, một hệ thống quyền chăn thả trên đất công được thiết kế cho phép các chủ trại cỡ nhỏ có thể bám trụ, khi trao cho họ tiếp cận những vùng đất rộng hơn khả năng tự trút chi tiêu ra để sở hữu, đồng thời ngăn cản không cho họ chăn thả quá mức gây phương hại đến hệ sinh thái. Các ứng dụng như thế tiến vào thời hiện đại ngày nay theo cách mà tài sản chung vẫn luôn vận hành suốt dòng lịch sử. Sử dụng bừa phứa, vô tội vạ chưa khi nào được xem là một phần được hệ thống dung chứa.
Dù vậy, điều Hardin nói đúng lại chừng như mang tính tình cờ, ngáp phải. Chối bỏ các hệ thống tài sản chung về sở hữu cũng phớt lờ nốt cách thức chúng vận hành, thế nhưng quan điểm của Hardin cho rằng một hệ thống có chung về chất thải và ô nhiễm đang gây phương hại đến loài người lại đi thẳng vào cốt lõi nơi chúng ta đã sai lầm về tư hữu. “Một biên dân người Mỹ cô đơn xả rác kiểu nào cũng chẳng hề gì,” Hardin chỉ ra, nhưng cái sức ép hiện đại của mật độ dân cư và ô nhiễm công nghiệp gây ra lại chất vấn trực diện sự cơ yếu của tài sản chung. Đây là nơi mà nhận định của Hardin rằng “tự do ở một tài sản chung hủy hoại tất cả” bắt đầu trở nên đúng đắn.  Chìa khóa của tài sản chung, nhẽ ra nên nới mở ra các quyền tư hữu nếu như trở nên phổ biến, lại nằm ở chỗ chúng vẫn đúng nguyên với những quan điểm của Lâm hiến: sử dụng sinh kế là quyền của tất cả mọi người, nhưng chỉ được mở rộng sang các hoạt động không gây hại tới láng giềng. Quan điểm tài sản chung không hề đặc trưng riêng có chỉ ở lịch sử Anh hay Mỹ. Một hệ thống sở hữu chung không bao giờ miễn phí cho hết thảy; nó chỉ như vậy khi việc sử dụng của nó được quản lý sao cho đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Ở Mỹ, chuyển đổi qua hướng cho sử dụng đất đai công nghiệp tần suất cực cao, bất luận tác động lên láng giềng, có được những thành công bước đầu vào đầu thế kỷ 19, khi các kiện tụng ở tòa án bắt đầu rỉ rả chấp nhận việc theo đuổi kinh tế nếu như nó phục vụ đại chúng. Trong một đại chấn trong cách nhìn nhận về tư hữu, các cuộc khai khoáng giờ đây được phép xả chất thải vào đường nước, bất chấp người dân và ngư dân ở hạ nguồn; các công ty đường sắt và nông dân có thể nhân danh quyền tước đoạt để thâu chiếm thêm đất đai mà họ cho là cần thiết để vận hành, cả khi chủ đất không thuận bán.
Việc công nhận lợi nhuận tư là hàng hóa công cộng tăng trưởng toàn cầu xuyên suốt thế kỷ 20 với tốc độ chóng mặt, dẫn tới sự thất thoát trên diện rộng tài sản chung ở thế kỷ 21. Chỉ 10 năm vừa qua, các hãng dầu Trung Quốc đã được cấp phép lắp dàn khoan ở rừng nguyên sinh cuối cùng còn lại ở Ecuador bất chấp phản đối của thổ dân bản địa sinh sống ở đó từ ngàn đời nay. Các quyết định ở Anh Quốc cho phép xả thải liên tục ở đất nông và các cơ sở săn bắt gà rừng khiến các ngôi làng ở hạ nguồn gặp phải nguy cơ ngập lụt, trong lúc một nhà máy điện hạt nhân ở Cumbria đã từ lâu làm nhiễm xạ các loài giáp xác ở Scotland hàng trăm dặm cách đó. Những câu chuyện về quyền sử dụng đất đai và lợi nhuận hủy hoại đời sống, sinh nhai, sức khỏe, hay nhà cửa của láng giềng xa gần còn vô số nữa. Điểm chung giữa chúng chính là cách những hoạt động này phớt lờ, gần như tuyệt đối, cái nhu cầu thiết yếu phải duy trì tài sản chung ổn định và lành mạnh.
Mai mỉa nữa là, hệt như các truyền thống sở hữu công thành công trong quá khứ vẫn còn chỗ đứng ở những chốn như Fiji và Cộng hòa Kyrgyz, tự thân tài sản chung trên toàn thể hành tinh đang gánh chịu sự công kích không chút khoan nhượng, rất giống như những gì Hardin hình dung trong tiểu luận của mình. Thiệt hại mà chúng ta gây ra trên chính đất đai của mình chẳng bao giờ gói gọn bên trong những đường biên được trắc đạc không thôi. Nhưng kể cả khi hiểu biết của chúng ta về sinh thái đã gia tăng đi nữa, mức độ sẵn lòng hạn chế sử dụng đất tư quá mức đã tiêu giảm đi rồi. Một mỏ than, một trại heo xung quanh là những đầm nước thải khổng lồ thấm vào nền nước, một tường chia xây trên đất đầm lầy, một giếng dầu trên đất thiêng - dù là đất công hay tư nhân, nếu như việc sử dụng nó mang lại tiền bạc, nó buộc phải phục vụ công ích. Quan điểm này còn được bảo vệ kể cả khi nó hủy hoại tất cả những gì chúng ta cần cho sự lành mạnh về thể chất lẫn bất kỳ nối kết nào đó sâu sắc hơn mà ta có thể hãy còn duy trì với đất đai dưới chân và bầu trời trên đầu. Kể cả khi đã tước lìa cội rễ của chúng ta với đất đai và xóa bỏ bất kỳ cảm thức chúng ta trót gọi là “nhà”. Chúng ta gần như đã tiến tới, khôn cưỡng, một tình huống nơi đó sự theo đuổi phát triển kinh tế, gia cố bởi một niềm tin vào quyền tư hữu mở rộng, đã đưa chính các hệ thống sinh thái, chính hành tinh mà chúng ta nương nhờ để sinh tồn, vào thế hiểm nghèo.
Các giấc mơ về tự do và tự chủ mà những tầng lớp khai hoang mở đất thời cố sơ kị của tôi nay vẫn còn một quyền năng bí ẩn trên đất Mỹ. Cái quyền năng ấy thường được vận dụng để đưa ra những phán xét lỏng lẻo cho rằng bất kỳ hạn chế nào việc sử dụng đất đai đều là quá sức ép uổng lên thứ tự do mà tổ tiên tôi từng tận hưởng, thứ tự do mà nhiều người hiện vẫn thòm thèm. Khi cánh dân quân vũ trang tiếp quản và chiếm cứ Khu bảo tồn hoang dã quốc gia Malheur nam Burns, Oregon, tháng 1 năm 2016, họ bày tỏ một quan điểm phổ biến (nhưng quan trọng là hãy nhớ rằng, quan điểm này không đại chúng, thậm chí không thuộc đa số) cho rằng sở hữu của chính quyền dành cho các vùng đất bao la, rộng lớn ở miền Tây nước Mỹ đang ngăn họ và nhiều người khác - cụ thể là các chủ trại, các hãng xẻ gỗ, các công ty khai khoáng - sử dụng đất đai theo những cách đem lại lợi ích lớn nhất cho cá nhân lẫn các cộng đồng xung quanh các vùng đất này. Sự bức bối mà họ diễn tả khiến không ít người thắc mắc, thế nhưng thứ khắc khoải rò ra từ bên dưới các đòi hỏi của họ lại rất đỗi thân quen. Nó chứa đựng một bản năng cơ bản của con người mà ta chớ nên chối từ: khao khát muốn đoạt lấy một cuộc sống cho bản thân và gia đình từ đất đai ngay dưới chân.
Theo diễn tả trên đây, nó là một thứ bản năng méo mó, gạt phăng mong mỏi của kẻ khác không cho họ có chung cùng những quyền lợi mình có, từ bỏ bổn phận với xóm giềng và cộng đồng xung quanh, và hoàn toàn ngờ nghệch trước thiệt hại sinh thái rộng khắp do ngành công nghiệp khai thác bừa bãi, không chế tài gây ra. Bản năng ấy phớt lờ cả thực tế con người là một phần của chính các hệ thống sinh thái kia và cũng tổn thương chẳng kém gì tự nhiên bị tổn thương. Nhưng nếu bỏ đi sự ngờ nghệch của cánh dân quân Malheur kia về sinh thái, lịch sử, về sự tối cần thiết duy trì sự cân bằng giữa quyền sử dụng công và tư đối với tài sản chung, chúng ta còn lại một thứ quen thuộc: một tiếng thét nhỏ nhoi cho công lý, mách rằng quyền cá nhân đối với sinh kế từ đất đai - chẳng phải thịnh vượng, chỉ “đủ sống”, hiểu theo bất kỳ cách nào - chính là thứ quyền nên thuộc về tất cả chúng ta.
Lợi ích cộng đồng từ việc sở hữu và sử dụng đất đai đã thay đổi rất nhiều từ thời La Mã, từ lúc Lâm Hiến được đồng thuận, và từ khi Mỹ lập quốc, và sẽ còn tiếp tục thay đổi. Trong một giai đoạn dẫu ngắn ngủi theo lịch sử loài người và lịch sử địa chất nhưng vẫn gây ra tác hại vĩnh viễn, chính phủ và tòa án rốt cuộc đã xem công dụng đất đai hữu ích nhất của chủ đất chính là sản sinh tư lợi. Nhưng quan điểm xem đất đai như một thứ hàng hóa để khai thác thay vì như một phần của tài sản chung cũng còn tương đối mới mẻ. Nếu chúng ta nhất thiết cần xem trọng các vấn đề gây ra tới môi trường, thì hiểu biết về luật pháp và xã hội buộc phải ban hành một nguyên tắc mà ở đó tự do của chủ đất được giới hạn bằng việc hàng xóm có quyền giữ đất đai của mình nguyên vẹn không bị xâm lấn, cũng như một nghĩa vụ không được gây phương hại tới tài sản chung.
Hiểu biết này cũng nhất thiết bao gồm một kiến thức đậm khoa học hơn về sinh thái. Trái đất là một chiếc phễu. Nước chảy không chỉ những nơi nhìn thấy được như sông suối mà còn các tầng đá và tầng ngậm nước. Hóa chất công nghiệp cũng tương tự. Đất sử dụng thái quá có thể bị rửa trôi và biến mất, tương tự như ô nhiễm không khí, sẽ trùm xuống những cư dân xa gần hoàn toàn không có gì để bảo vệ trước tác hại gây ra đối với sức khỏe. Dạt núi để xây lắp các căn hộ thông tầng giá rẻ hay các căn hộ nghỉ dưỡng triệu đô vừa khiến các cư dân phía dưới bị sạt lở, lại phá hủy cảnh quan chữa lành lẫn các cánh rừng đáng ra là quyền tập ấm của mỗi chúng ta. Tài sản chung thấm đẫm mọi ngả ngách tồn sinh của chúng ta.
Chúng ta sẽ cho phép quyền lợi của các tài sản chung, của niềm tin tập thể, của quyền tiếp cận thuộc về mỗi chúng ta đối với một cuộc sống giản dị, bền vững, trôi khỏi ký ức chăng?  Nếu ta cho phép câu trả lời là “có”, vậy thì việc ta mất đi tư hữu, cùng với tài sản chung, là bình thường. Tư hữu và niềm tin tập thể song tồn; không thể có tư nếu không tồn tại một thỏa thuận chung, ở phạm vi xã hội củng cố quyền lợi và luật pháp. Tận hưởng tư hữu không thể nào diễn ra khi tài nguyên công xung quanh nó bị sụt giảm. Một xã hội có trật tự cần cả hai.
Đây không đơn thuần chỉ là chuyện đối đầu với biến đổi khí hậu hay một tác hại môi trường nào đó. Quyền sở hữu mãi luôn vươn xúc tu tới mọi khía cạnh đời sống chúng ta. Thật dễ dàng, thậm chí tiện lợi, quên mất rằng vừa mới đây thôi cả thế giới phương Tây còn chấp nhận việc sở hữu con người mà chẳng mấy đoái hoài tới lương tri. Những hệ quả đáng sợ nằm ở ham thích của chúng ta đối với tư hữu vẫn sờ sờ ra đó, ngoài cả chất vấn đối với sở hữu đất đai: quyền của các công ty cấp phép và do đó tư nhân hóa hạt giống, tước quyền tiếp cận thức ăn ra khỏi địa hạt công sản. Các cuộc chiến giành lấy lập trình mã nguồn mở và liệu thư viện nên được tư hữu hóa đặt ra câu hỏi kẻ nào mới được quyền tiếp cận quyền năng của thông tin và sáng tạo. Quyển The Immortal Life of Henrietta Lacks (2010) (tạm dịch: Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks) của Rebecca Skloot gây chú ý đến với toàn thế giới luận điểm rằng gen và mô của chúng ta có thể được thu thập, kinh doanh, thí nghiệm, và bán như tài sản riêng, một triển vọng mà không ít người không khỏi thấy kinh hãi. Dẫu chặng đường từ sở hữu một chiếc điện thoại di động hay một thửa đất ¼ mẩu phân khu cho tới sở hữu thông tin di truyền cá nhân vẫn còn là một chặng dài, nhưng tất cả các ví dụ vừa nêu đều rơi đúng vào câu hỏi: kẻ nào sở hữu. Các lập luận thiên về bảo tồn tài sản chung đối lại lợi ích riêng có thể đưa ra cho từng ví dụ một.
Hàng thập kỷ ô nhiễm và độc hại từ hầm mỏ, nhà máy, xe cộ, nhà máy điện và nông trại chăn nuôi công nghiệp hầu như chẳng nhích đầu kim ra khỏi quan điểm lợi nhuận và tài sản tư vẫn được cho là lợi ích cộng đồng. Chỉ có khả năng - và giờ đây là hiện thực - về biến đổi khí hậu toàn cầu mới là thứ bắt đầu tạo khung cho đối thoại về quyền lợi của xã hội trước những thứ tài sản chung còn chưa bị tổn hại.
Năm 2015, 21 trẻ em và người vị thành niên khắp nước Mỹ chung sức đeo đuổi một vụ kiện chống lại chính quyền liên bang vì đã bình chân như vại trước biến đổi khí hậu, cho rằng sự ủng hộ không ngừng nghỉ đối với khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang khiến tương lai của các em trở nên bất trắc. Vụ kiện đưa các bạn trẻ vào thế chống lại những lợi ích vững chãi và dữ dội nhất trên hành tinh này, các nhóm kinh doanh bảo vệ đã trình tòa những toát lược rằng vụ kiện của Quỹ Trẻ em chúng ta là một “đe dọa trực diện” đến công cuộc kinh doanh của mình. Ở Hà Lan, công dân kiện chính quyền ra tòa vì vi phạm nhân quyền nhằm buộc chính quyền cắt giảm xả carbon. Với vụ kiện Quỹ Trẻ em tại Mỹ vẫn chưa tạo ra mấy tiến triển, thì tòa án Hague tại Hà Lan rốt cuộc đã buộc chính phủ cắt giảm khí thải carbon xuống 25% trong vòng 5 năm.
Hai vụ kiện này có chung - và sẽ có nhiều hơn nữa những vụ tương tự trong tương lai - chính là cả hai nhận thấy rằng sở hữu tư nhân đất đai và tài nguyên một lần nữa cần phải được khênh theo đối tác từ lâu bị lãng quên mang tên trách nhiệm sở hữu. Cả hai một lần nữa mở ra công nhận rằng tài sản chung là cần thiết cho cuộc sống của con người và sẽ còn là lợi ích của tất cả chúng ta. Nếu ta thật sự tin vào một tương lai lâu dài cho nhân loại, rằng chúng ta sẽ tiến xa vào không gian và sinh sống ở hành tinh này thêm chừng vài thiên kỷ nữa, khi đó sự chạy theo lợi ích kinh tế và lợi nhuận, cũng như quyền sử dụng đất tùy thích, không đời nào còn có thể giẫm đạp bất chấp lên quyền lợi của tập thể đối với nước sạch, với không khí hít thở được, và một hành tinh còn có thể sinh sống.
Câu hỏi để ngỏ trong tiểu luận này - liệu chúng ta có cần thiết phải xóa đi sở hữu tư nhân mới giải quyết được hết các vấn đề môi trường cấp bách? - chẳng phải là một tư nghị nào sất. Trái lại, câu hỏi nhằm khuyến tất cả chúng ta hãy nghĩ khác đi về mối quan hệ giữa công hữu và tư hữu, giữa quyền tư nhân về sử dụng và quyền của đại chúng về tiếp cận và duy trì tài nguyên cần thiết để sinh sống. Luật về tài sản tư có thể cho phép chúng ta sở hữu đất theo cách chúng ta cảm thấy tự do đầu tư vào công sức lẫn sở thích cá nhân. Một nơi ta có thể trú ngụ, như mẹ tôi đã từng, nơi ta sở hữu một ngôi nhà, và chúng ta biết khi đặt chân đến, kể cả khi nó không nằm ở yên sau một chiếc Ford ‘39. Những luật lệ ấy, dẫu vậy, chỉ có thể phát huy tác dụng nếu như chúng ta đồng thời duy trì được tài sản chung. Cho rằng tiền làm ra nhiều cũng có ăn được đâu đã là ước lệ sáo mòn, nhưng vẫn chẳng hề sai. Chúng ta cũng chẳng thể uống, ngủ hay hít thở tiền. Câu hỏi về sở hữu đất đai, và từ đó sử dụng đất đai, quy về mức độ chấp nhận của chúng ta, về những biện pháp chúng ta sẽ chọn để áp dụng.
k.