Mỗi đứa con đều được sinh ra trong niềm kỳ vọng và hân hoan của bố mẹ.

        Từ nhỏ, chúng ta được kỳ vọng là một đứa trẻ ngoan, ăn nhanh chóng lớn, và chỉ cần ngủ trưa cũng đã có thể trở thành niềm tự hào của gia đình. Tôi đã không là đứa trẻ ngoan từ giai đoạn này, tôi liên tục toạc đầu chảy máu vì những trò rượt đuổi của đám con trai, có lần tôi còn thấy máu từ gối chảy giọt từng giọt xuống đường vì mải mê rượt thằng nhóc trêu tôi "động phòng" với một thằng nhóc hàng xóm khác. Về nhà, ba tôi hỏi, tao đẻ mày con gì để mày như này? Tôi khóc, chỉ vì chảy máu đau. Rồi hàng tá lần chuồn học để lội xuống ruộng ngắt bông lúa chơi với mấy đứa lớp trên- những đứa mà người lớn gọi chúng là "trẻ hư", tôi thấy chơi với chúng vui phết đấy chứ, rồi thì đi ra quán điện tử, mặc dù lúc ấy ngoài chat Yahoo ra, tôi chả biết chơi gì như mấy trò Audition mà hồi đó đám bạn tôi đã đạt đến trình độ tuyệt kỹ thượng thừa. Nhưng lúc ấy, tính ra tôi vẫn là một đứa ngoan trong mắt người lớn, tôi được chọn đi thi cuộc thi kể chuyện, liên tục đạt giải nhất trong các cuộc thi viết chữ đẹp, là liên đội trưởng và là đứa có thành tích cao nhất trong kỳ thi vào trường điểm cấp 2 ở tôi. Tôi mù mờ nhận ra hình hài của hai chữ "kỳ vọng". 
         Lớn lên cấp 2, cấp 3, niềm kỳ vọng lớn hơn khi đây là giai đoạn phát triển và định hình nhân cách. Bố mẹ bắt đầu đẻ thêm đứa con "nhà người ta" vào một lúc nào đó chúng ta không hề được thông báo, và từ đó, "nó" trở thành con cưng của bố mẹ, thay vì là chúng ta(?!). Thường xuyên bị so sánh, bị chỉ trích, bị áp đặt, đó là mẫu số chung cho giai đoạn này của chúng ta. Càng cố gắng, càng cảm thấy không đủ, và thật ra sẽ không bao giờ là đủ. Tôi bắt đầu theo lũ trai đi đánh liên minh, chơi bóng rổ, bia bọt thuốc lá, chạy xe hơn chục cây số chỉ vì hôm đó chán học, thậm chí có những kỳ tôi nghỉ học nhiều hơn cả số buổi quy định để được quyền thi học kỳ nếu không có lớp trưởng "hậu thuẫn" cho, hay sẵn sàng bật lại thầy cô nếu cảm thấy họ vô lý khi sử dụng quyền lực của nhà giáo để dập vào mặt chúng tôi. Nhưng, tôi vẫn là một đứa ngoan trong mắt người lớn, tôi liên tục đầu vào trường điểm, điểm số tốt, không kỳ nào bị dính "hạnh kiểm khá" (-một hiện tượng mang nhiều uẩn khúc?!). Tôi nhận ra mình bắt đầu dẫm theo vết chân "trả nợ" cho kỳ vọng. Tôi khóc, vì bắt đầu thấy mệt.
        Lớn hơn chút nữa, bố mẹ lại kỳ vọng cho đứa con gái một cuộc sống an nhàn, ổn định, không xô bồ, không khói bụi cuộc đời làm cho ngạt thở. Họ vô tình lờ đi những ước muốn của đứa con đang bước vào những ngày trẻ rực rỡ nhất. Vì đã đi qua hết những ngày bão giông, họ ngại chấp nhận những suy nghĩ bồng bột và đổi mới của những đứa con. Chúng ta cần hành trình, người lớn lại chỉ cần đích đến. Sự mâu thuẫn tư tưởng của thế hệ cũng như vị  trí khác nhau thật sự là rào cản rất lớn để cố gắng đi đến sự dung hòa. Những người trẻ được bố mẹ ủng hộ trên mọi mặt trận, tôi gọi họ là những người may mắn. Có lẽ phần lớn chúng ta dù vô hình hay hữu hình cũng đang "trả nợ" kỳ vọng cho bố mẹ, từ nhỏ đến giờ. Nhưng sau cùng, việc con cái có được một cuộc sống như nó muốn, mới thật sự là điều mà bất cứ bậc cha mẹ nào mong muốn trong suốt những năm cuộc đời trăn trở từ lúc mang nặng đẻ đau chúng ta? Tức, niềm vui của con cái chính là niềm vui và niềm kỳ vọng sâu nhất của bố mẹ. 
        Hãy để những đứa con được lựa chọn và thật sự được sống cho lựa chọn đó của nó, có thể nó sẽ sai, thậm chí là sai ngay khi nó đưa ra chọn lựa, nhưng đó mới thật sự là đặc ân của đời người mà bất cứ cá thể nào cũng có quyền nhận lấy. 
        Tôi mong cho tôi, hay bất cứ ai đang "trả nợ" kỳ vọng, một lòng kiên định rắn rỏi nhất, để đi bước đường của mình một cách vững vàng nhất. Lúc đó, chỉ là ta đang dùng cách của ta để đền đáp sự kỳ vọng thiêng liêng ấy.