Hello mọi người, hôm nay chúng ta sẽ nói chuyện về việc "Có nên trả lương cho thực tập sinh hay không?".
Khái niệm "thực tập" trong bài viết loại bỏ những trường hợp như: thực tập bắt buộc chỉ để đem giấy chứng nhận về cho nhà trường, được bố mẹ người nhà gửi gắm vào thực tập ở công ty người quen,...
Việc thực tập này chỉ nói về những người thực sự lao động và những người thực sự đang thuê lao động. Oke nha?

Lý do là vì các nước kia coi trọng quyền lợi người lao động. Theo đó, công ty có thể trả lương thấp cho thực tập sinh (TTS), nhưng BẮT BUỘC phải trả lương theo một mức tối thiểu. Nếu họ không trả lương cho TTS, điều đó chứng tỏ họ đang BÓC LỘT sức lao động của các TTS chứ không có cách bào chữa nào khác. Chỉ có ở Việt Nam người ta mới bênh vực cái lí lẽ rằng: "TTS đến để học hỏi, đã tạo ra giá trị gì cho công ty đâu mà đòi nhận lương". Xin lỗi đi, bạn ngồi trông quán, cả ngày chỉ xua tay đuổi ruồi người ta vẫn phải trả tiền thuê bạn và trả bảo hiểm cho bạn mà?
Ở FTU mình đã được học về Đạo đức trong kinh doanh. Theo đó, một công ty đa quốc gia được cho là có đạo đức khi biết nghĩ cho cộng đồng không chỉ tại nước sở tại mà còn trên tất cả các đất nước họ hiện diện. Ví dụ, tuân thủ luật bảo vệ môi trường của nước mình, nhưng thấy nước khác không có luật liền tranh thủ xả thải là vô đạo đức rồi; Nộp thuế đầy đủ cho nước mình, mà trốn thuế tại nước khác là vô đạo đức rồi; Tương tự, trả lương cho intern nước mình mà bắt intern nước khác làm không lương là vô đạo đức rồi! Thử nghĩ mà xem, như vậy khác gì thời còn Mẫu quốc và Nước bị đô hộ không? Tại sao ta lại dễ dàng để cho những tên tư bản xuyên quốc gia đè đầu cưỡi cổ người lao động trẻ tuổi nước nhà và tự hào tuyên bố rằng: "Thế mạnh của chúng tôi là nhân lực giá rẻ"???









Hmmmm, tớ không biết sinh viên ngày xưa như thế nào, nhưng sinh viên mới ra trường bây giờ biết nói ngoại ngữ thao thao bất tuyệt nè, biết sử dụng máy tính thành thạo nè, biết rất nhiều về online platforms nè, đi tây đi ta đi tàu nè. Nhiều bạn chỉ cần chỉ việc 1-2 tuần là có thể bắt sóng với công việc rất nhanh rồi. Sau đó thì những sinh-viên-mới-ra-trường-chẳng-biết-cái-gì đó ôm một đống việc, intern mà làm bằng nhân viên full-time, song vẫn viện cái cớ "thực tập, còn phải học hỏi thêm" để thoái thác quyền lợi người lao động.


Bạn có thể tuyển những người nhiều kinh nghiệm hơn, nhiều tuổi hơn, thạo việc hơn, ủa cứ tuyển sinh viên, sinh viên mới ra trường rồi kêu ca họ không tạo ra giá trị là sao ta? 
Có hai trường hợp: 
Một là, nếu bạn tuyển đại trà ai ai cũng được, chứng tỏ bạn chỉ muốn tiết kiệm chi phí, lợi dụng thời gian và công sức của nhiều người trẻ để xào nấu ra các sản phẩm thương mại vốn 0 đồng.
Hai là, bạn tuyển họ vì bạn thấy họ có tiềm năng. Bạn sẽ mài giũa cho họ sáng bóng lên rồi thu lại giá trị trong tương lai!! Hai bên đều muốn lợi ích từ người còn lại, vậy cũng cần làm hài lòng nhau chứ? Bạn có thể đầu tư vào tôi, để đợi tôi sinh lời. Bạn có thể đầu tư sớm, để "hớt váng" những tài năng đang trong giai đoạn dễ tiếp cận nhất. Nhưng không, bạn trả cho tôi những đồng bạc còm cõi (hoặc không trả gì) vì bạn bảo hiện tôi cần được đào tạo thêm? Nếu bạn thấy tôi có tiềm năng, cảm ơn bạn, nhưng người khác cũng thấy điều đó. Ai đối xử tốt với tôi trước người ta được tôi lựa chọn. Hết!
Mình từng làm việc với một khách hàng này. Người ta chiếm dụng của tôi 2 tiếng đồng hồ chỉ để thuyết phục tôi rằng hãy đi theo người ta đi, tôi có tiềm năng phát triển đấy, rằng họ đã hợp tác với khá nhiều người nhưng không hợp và muốn tôi. Nhưng đồng thời họ cũng từ chối trả cho tôi một mức để tôi có thể nuôi sống bản thân(?!) Họ khuyên tôi không nên tham lợi trước mắt, thứ tôi cần tập trung bây giờ là tri thức (cũng giống như là thực tập không lương để học hỏi vậy). Okay, bái bai.
Nói vậy không có nghĩa là tôi cần tiền hơn cần mentor. Tôi không bao giờ quá cần tiền, nhưng một mentor ki bo từng đồng với người lao động thì không đáng trở thành mentor của tôi.




Quay trở lại với giảng đường thời ta còn đang được học chủ nghĩa Mác-xít (Marxism), có lẽ các cậu đã từng bối rối khi chủ nghĩa này cho rằng: Để tạo ra giá trị thặng dư, tư bản phải bóc lột người lao động. Thầy giáo của tớ khi dạy đoạn này đã phải bảo rằng thôi, đừng có gọi là "tư bản bóc lột" nữa, sau này các em đều đi làm cho tư bản mà. Tớ khá là bối rối, vì: trong khi nền kinh tế Việt Nam đang đi theo hướng "tư bản hóa" với phần đa là mối quan hệ giữa công ty tư nhân (tư bản) và người đi làm thuê (người lao động), giảng đường lại dạy một chủ nghĩa phản bác lại cơ chế đó 
 Khá là hài hước.
Gần đây mình có đọc một cuốn sách cực hay - Trại súc vật của George Orwell. Cậu sẽ tìm thấy những hình bóng quen quen tại một cái chuồng, nơi súc vật đã lật đổ giai cấp con người để thành lập một nhà nước của giai cấp súc sinh. Nhưng mà thôi hem nói nữa.


Hãy nhìn rộng ra một bức tranh lịch sử lớn, những gì đang diễn ra ở đây là sự lặp lại của quá khứ. Những nước tư bản hóa sớm hơn chúng ta đã trải qua giai đoạn "bóc lột" này rồi, vì vậy, họ đang đi đến giai đoạn tiếp theo - bảo vệ quyền lợi cho người lao động và chú trọng vào an sinh xã hội.
Không chỉ dừng lại ở chuyện "Có nên trả lương cho thực tập sinh hay không", hãy nhìn ra một bức tranh lớn, chúng ta đang trải qua một giai đoạn tất yếu trong lịch sử - giai đoạn tư bản bóc lột người làm thuê. Đối tượng dễ bị bóc lột nhất là học sinh, sinh viên, người mới ra trường. Nếu các tay tư bản đẩy hết mọi việc lặt vặt, yêu cầu thấp cho những thành phần này và không trả lương, họ sẽ tiết kiệm được kha khá chi phí. Và nếu họ thường xuyên tuyển những thành phần này, họ sẽ tiết kiệm được KHỦNG KHIẾP chi phí.
Và mật ngọt để dụ dỗ những thành phần yếu thế này là gì?
- Em còn non lắm, em còn dở lắm, em chưa xứng đáng nhận đồng lương đâu, nhưng tôi rộng lượng lắm, tôi sẽ ban ân huệ cho em, hãy làm việc 12 tiếng/ngày cho tôi, tôi sẽ trả em bằng "tri thức", nhé?
Nghe cuốn quá còn gì.





Bài viết này không có kết luận cụ thể để chờ những góc nhìn đa chiều. Các bạn nghĩ sao? Hãy comment phía dưới để mình được lắng nghe nhiều góc nhìn hơn nhé!