Ôi Marguerite! Marguerite trẻ trung, xinh đẹp, cao ngạo, vừa từng trải lại vừa ngây thơ. Người kỹ nữ mang trong tim tình yêu của một trinh nữ. Ban đầu, tôi tự hỏi liệu có phải tình nhân trong mắt hóa Tây Thi mà chàng tư sản Armand Duval đã thi vị hóa, thần thánh hóa Trà hoa nữ lên chăng? Đồng ý, đã là kỹ nữ nức tiếng Paris thời đó thì chắc chắn không phải hạng nhan sắc tầm thường. Nhưng miêu tả khí chất bậc đó, vẻ đẹp bậc đó khiến tôi ngỡ đây là một thiên thần, hay một nàng công chúa, bét nhất cũng là cô quận công nào chứ chẳng thể là một cô gái giang hồ. Về sắc đẹp thì là như thế. Còn nói về tính tình, kể cả qua lăng kính tình yêu của Armand rồi, thì trong mắt tôi Marguerite vẫn là một cô gái kiêu kỳ, đỏng đảnh, ích kỷ và có đôi chút nghịch ngợm trêu ngươi. Người thế này mà là nàng thơ của một văn hào bậc nhất sao?
Marie Duplessis


Thế rồi, qua từng trang văn, qua từng câu chữ, tôi như bóc từng lớp từng lớp của củ hành tây, càng thấu rõ cái ruột bên trong thì buồn thương càng dâng lên trong lòng.
Lần đầu tiên Marguerite khiến tôi xót thương nàng là lúc Armand phát hiện nàng ho ra máu và hai người có cuộc đối thoại với nhau trong phòng. Qua từng lời bộc bạch do đã có phần mủi lòng trước những giọt nước mắt của chàng trai trẻ, tôi bỗng phát hiện, Chà, hóa ra Marguerite không hoàn toàn xấc xược và kiêu hãnh như nàng vẫn để cho người ta thấy. Nàng tự rõ thân phận của mình, khi Armand ngỏ lời yêu, nàng tự gọi mình là “Một tình nhân đáng buồn”, “một người đàn bà cau có, bệnh hoạn, hay vui một nỗi vui còn đáng buồn hơn cả sự ưu phiền”, “ho ra máu, tiêu phí đến 100 nghìn franc mỗi năm”. Là người “rất tốt với một ông già giàu có”, nhưng phiền chán đối với một “chàng trai trẻ”, vì rằng “những tình nhân trẻ của tôi đều đã rời bỏ tôi nhanh chóng”.

Đọc thêm:

“Khốn khổ”, “đau đớn”, “không tìm được lời gì để nói” khi lắng nghe lời thú tội đó là tất cả những gì Armand cảm thấy về Marguerite. Và tôi cũng thế. Tôi ước giá mình không cách nhau xa như vậy, tôi đã choàng tay mà ôm nàng vào lòng. Xin nói cho, tôi cũng có một cái bệnh như Dumas con, đó là lòng khoan dung và thương cảm vô cùng đối với những nàng gái điếm (tuy tình cảm ấy chắc chắn không bì được với người được xưng là trạng sư của gái giang hồ).
Tôi xúc động biết bao khi đọc những phản ứng của Armand đối với bệnh trạng và lời trải lòng của Marguerite. Và quả tình, giọt lệ của chàng dường như đã gõ một nhát thật mạnh lên lớp băng dày bao phủ trái tim nàng kỹ nữ, từ đây một khe nứt tiết lộ cho ta thấy trái tim vẫn còn đỏ hồng và hãy còn đập nhịp. Ngày xưa, chỉ có con chó nhỏ của nàng nhìn nàng với đôi mắt buồn rầu mỗi khi nàng phát cơn ho, còn ngày nay, chỉ có Armand là con người duy nhất thật sự nhỏ lệ vì Marguerite. Xin trích dẫn ra đây một đoạn mà tôi vô cùng tâm đắc: “Nếu người ta biết, họ có thể có được gì với giá một giọt lệ thì họ sẽ được yêu quý hơn, và chúng em sẽ ít bị phá hủy hơn nhiều.”
Thế giới của nàng từ nhỏ đến lớn, đã nếm trải qua bao cay đắng đau khổ đến nhung lụa ngọc ngà, nhưng chỉ có duy nhất một lần nàng được sưởi ấm bởi tình người, cũng là lúc nàng đã sắp phải từ giã cõi đời. Tôi bỗng nhớ đến những người chết rét, trước lúc chết họ sẽ cảm thấy vô cùng ấm áp vì máu được thúc bơm đến các tứ chi. Trà hoa nữ cũng là một người chết rét, chết ngay giữa lòng Paris hoa lệ. Nói cách khác, tình yêu của Armand là liều an ủi lúc cuối đời của nàng, nhưng cũng là dấu hiệu báo tử của nàng.
Tại sao lại nói thế? Vì tình yêu đó, nuôi dưỡng nàng, cũng dày vò nàng bằng những phút ghen tuông, những lần ủy mị, những trò trả thù dằn vặt đầy đau đớn từ tình nhân, khiến nàng phải quỵ ngã. Nói thêm về nhân vật Armand, đó là kẻ tôi thấy đáng thương, tôi có thể lý giải tâm tình nhưng tôi hoàn toàn không động lòng. Bởi thói hành xử đầy nông nổi thiếu lý tính của anh ta. Nhưng Margueritte đã tha thứ tất cả, kể cả đến lúc hấp hối, lúc mê sảng, nàng vẫn gọi tên Armand Duval.

Đọc thêm:

Nàng Trà hoa nữ thiện lương của tôi! Tôi gọi nàng như thế. Không chỉ bởi vì nàng đã tha thứ cho những lần tổn thương nàng của nhân tình, mà còn vì sự hy sinh của nàng cho tình yêu ấy. Rõ ràng, chẳng mấy ai lại cần và ai lại muốn cải hóa trái tim của một gái điếm làm gì? Nhưng Armand Duval ạ, tôi muốn nói, anh có thừa sức để tự hào vì đã khiến được nàng kỹ nữ nổi danh của thành Paris ấy yêu anh, đau đớn vì anh, chấp nhận từ bỏ lối sống phù hoa khi trước để sống đời giản dị bên cạnh anh. Và nàng kỹ nữ đó, đã từ bỏ rồi lại từ bỏ tiếp hạnh phúc của mình, để cứu lấy hạnh phúc của một cô gái nàng chưa từng gặp mặt, cứu lấy tiền đồ của người tình bất chấp nỗi đau đớn ập đến quật ngã nàng.
Cha của Armand nói, tình yêu trong sáng chỉ có thể tìm thấy ở những nàng trinh nữ. Ông đã nhầm mất rồi. Như tôi đã nói, Trà hoa nữ là kỹ nữ mang trái tim của trinh nữ, thậm chí còn trong vắt gấp mấy lần tình yêu của những cô gái trinh khác. Vì sao? Người ta nói, cổng trời sẽ vô vàn hạnh phúc khi đón một linh hồn tội lỗi đã được cải hóa hơn là khi đón một trăm linh hồn sống cả đời trong sạch. Chinh phục trái tim của một cô gái trẻ chưa từng biết đến sự đời, là chuyện gã trai 25 tuổi nào cũng làm được. Nhưng để khiến cho một kỹ nữ đã lọc lõi chuyện đời phải yêu mình, là một chuyện khác.
Lúc đọc đến cái kết của câu chuyện, vừa hay điện thoại tôi phát bài Silent Open. Đó chính là OST của phim Vua hài kịch bản Châu Tinh Trì và Trương Bá Chi đóng chính, lần đầu được phát lên khi nàng vũ nữ Liễu Phiêu Phiêu âm thầm bật khóc vì anh diễn viên nghèo lo không nổi thân kia nói muốn nuôi mình. Và sau đó, vì quyết tâm bỏ nghề mà bị đánh đến xanh tím mặt mày. Đàn bà, hễ rơi vào lưới tình là ngu dốt. Càng ngu dốt hơn, khi người đàn bà đó là kỹ nữ. Qua 2 tác phẩm trên, tôi chỉ có thể than như thế.
Viết cho Trà hoa nữ, tôi viết bao nhiêu cũng không đủ. Ý tứ cứ tràn ra như con đập vỡ đến nỗi tôi rối cả tay, líu cả lưỡi nếu phải nói ra. Nhưng nàng à, lời cuối tôi muốn nói cho nàng hay, nàng vẫn may mắn nhiều lắm khi đã chết đi lúc còn xuân sắc, người ta còn tiếc thương cho nàng, hơn là lúc dung nhan nàng đã phai tàn. Vì nào có gì so gan được với thời gian đâu? Cho dù có là hồng nhan cũng thế. Và cái danh Trà hoa nữ chỉ còn vang bóng một thời. Nàng còn may ở chỗ, đã từng là người tình của một anh chàng đầy xúc cảm đến thế. Người ta nói, làm người yêu của thi nhân, nghệ sĩ thì sẽ thành bất tử. Và quả thế, không chỉ bất tử, nàng Trà hoa nữ của hơn 100 năm trước vẫn vẹn nguyên nhan sắc và tâm hồn trong từng trang văn ấy, dù đã qua bao phen vật đổi sao dời.