Câu chuyện tuyệt đẹp về tuổi thơ và bài học về giáo dục thực sự phải như thế nào.
Nguồn: aFamily
Với mình việc biết đến và đọc cuốn sách này là một điều tình cờ, và tình cờ mà tốt đẹp thì gọi là may mắn.
Trong đôi lần nói chuyện bâng quơ gì đó thì có 2 lần những người bạn của mình nhắc đến cuốn sách “Totto Chan — Cô bé bên cửa sổ”. Rồi mình tìm nó thử, thấy sách thiệt là mỏng và không khó đọc nên đã bắt tay đọc luôn. Lúc đọc nó tôi khá bận rộn nên cũng không phải đọc một lèo hết luôn, nhưng chỉ khoảng 3–4 ngày là đọc xong rồi.
Có lẽ tôi cũng may mắn vì đọc cuốn sách này đúng lúc nữa. Nếu tôi đọc nó hồi còn sinh viên thì sẽ có phản ứng kiểu là “Ôi dào, toàn chuyện tầm phào trẻ con”. Cuốn sách không phải là những chuyện ly kỳ, hay lâm ly tình cảm, hay chứa đựng bí mật đổi đời nào cả. Cuốn sách là những câu chuyện nhẹ nhàng về cô bé Totto-chan 6 tuổi đi học. Chuyện đi tàu, chuyện bạn mới, chuyện ăn trưa, chuyện làm toán, chuyện chú chó,… nói chung là toàn chuyện… trẻ con. Chỉ khi mình đến tuổi này rồi, trả nghiệm cuộc sống một chút, mới thấy trân trọng những chuyện trẻ con đó, nó như những câu chuyện đẹp giữa thực tại bon chen của người lớn. Và đúc kết trong đó là những triết lý giáo dục, những triết lý về nuôi dạy một đứa trẻ mà chúng ta phải có một góc nhìn cởi mở mới chấp nhận được, vì nó quá khác so với những gì hệ thống giáo dục của chúng ta đang làm hiện nay.
Đầu tiên chúng ta nói về những câu chuyện tuổi thơ.
Cuốn sách dễ đọc và tất cả mọi người từ già trẻ lớn bé gì đều có thể đọc và hiểu chúng được. Cuốn sách toát lên sự trong trẻo và dễ thương y như nhân vật chính của nó vậy. Chuyện Totto-chan đi tàu rồi muốn trở thành người soát vé, hay chuyện ngồi cạnh cửa sổ nói chuyện với bạn chim bạn sóc, và gọi cả đoàn nhạc công đến bên cửa sổ chơi nhạc cho cả lớp nghe. Những câu chuyện tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng rất cuốn hút khiến mình cứ liên tục lật sang trang tiếp theo, đọc hết chuyện này nối tiếp chuyện khác.
Và sẽ có đôi khi, những chuyện trẻ con đó sẽ gợi nhớ về tuổi thơ của chính mình. Đọc đến đoạn Totto-chan giúp bạn leo lên nhánh cây, tôi đặt sách xuống và nhớ lại thời còn nhỏ của mình, cũng cùng đám trẻ trong xóm leo trèo đủ các thể loại cây, thường là leo chơi cho vui, đôi khi leo để hái quả. Chuyện ở nhà, ở trường, đi học, chuyện bạn bè của cô bé sẽ khiến bạn nhớ về ngày xưa của mình, cũng hồn nhiên, ngây thơ, đáng yêu và đẹp đẽ như vậy.
Nhưng giá trị lớn nhất mà cuốn sách để lại chính là những thông điệp về giáo dục.
Theo dõi câu chuyện từ góc nhìn của cô bé 6 tuổi, chúng ta sẽ thấy mình bớt đi ràng buộc bởi những định kiến “người lớn”, chúng ta có góc nhìn cởi mở và rộng lượng hơn với những đứa trẻ. Thực sự mà nói, hệ thống giáo dục của chúng ta được xây dựng bởi “người lớn”, những người cũng từng là trẻ con nhưng lại quên mất cảm xúc hồi còn trẻ con là như thế nào. Nên nhìn vào hệ thống giáo dục hiện tại, chúng ta thấy rất nhiều bất cập. Và câu chuyện về trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi, nơi Totto-chan đã theo học như là một liều thuốc, là giải pháp cho những bất cập đó.
Mỗi đứa trẻ đều khác nhau
Đều có điểm mạnh điểm yếu khác nhau, có tài năng khác nhau, mối quan tâm và sở thích cũng khác. Vậy thì tại sao chúng ta lại áp dụng cùng một chương trình học, cùng một cách đánh giá cho tất cả? Rất liên tưởng đến câu nói của Einstein:
“Nếu chúng ta đánh giá loài cá bằng khả năng leo trèo của nó thì nó sẽ sống cả đời tin rằng mình ngu ngốc”.
Những đứa trẻ giỏi nhạc và giỏi toán đâu thể cùng được đánh giá bằng điểm thi toán đơn thuần. Chúng ta dùng chung một tiêu chuẩn cho tất cả những đứa trẻ khác nhau là đang vô tình giết chết những tài năng. Trường Tomoe tôn trọng những khác biệt đó, nên cho các em được học theo những gì các em yêu thích, đánh giá dựa trên tài năng và cố gắng của từng em, và luôn khích lệ những tài năng đặc biệt.
Những đứa trẻ vốn dĩ tò mò và ham học.
Việc cần làm của người lớn là khơi gợi và giúp đỡ quá trình học hỏi của trẻ nhỏ. Nhưng vấn đề hiện nay là chúng ta làm ngược lại, nhồi nhét những điều cứng nhắc vào đầu con trẻ và bắt chúng phải thế này phải thế kia. Điều này chỉ phản tác dụng vì sẽ gây tâm lý chán ghét việc học. Còn phương pháp giáo dục ở trường Tomoe thì lại rất khác, các hoạt động đều giúp khơi gợi tinh thần tò mò và ham học của trẻ, để chúng được học trong sự thích thú và vui vẻ. Chuyện bữa ăn với thức ăn từ biển và thức ăn từ đất cho những đứa trẻ kiến thức về nguồn gốc của những thứ chúng ăn. Những buổi cắm trại dã ngoại cho các em được gần gũi với thiên nhiên, và tự do khám phá.
Và đó là bài học về sự rộng lượng đến vô hạn.
Vì rõ ràng trong con mắt người lớn, trẻ con thật là… trẻ con, chúng thiếu hiểu biết và kỹ năng. Nhưng vì thiếu rộng lượng, chúng ta nhồi nhét vào những đứa trẻ những điều mình biết mà không cần quan tâm cảm giác của chúng ra sao. Chúng ta tin rằng mình đúng và trẻ con phải làm theo. Tôi cũng có hai đứa cháu và tôi rất hiểu cảm giác này, khi chúng vẽ một căn nhà có cái mái to hơn cái móng, tôi đã nói ngay rằng vẽ thế là sai và phải vẽ như tôi thì mới đúng.
Trường Tomoe đủ rộng và đủ cao để bao dung với tất cả những đứa trẻ. Dù chúng làm sai gì, trái lời như thế nào, hay học tập chưa tốt, thì đều được động viên và khích lệ để dần dần tiến bộ. Một ví dụ về sự rộng lượng đến vô hạn là việc thầy hiệu trưởng Kobayashi ngồi hơn 4 tiếng đồng hồ để nghe cô bé Totto-chan kể chuyện, những câu chuyện trẻ con. Chính tôi khi đọc đến đoạn đó vẫn không thấy đồng tình với cách làm của thầy. Thầy là hiệu trưởng mà, còn bao nhiêu việc phải lo, sao lại dành ra chừng ấy thời gian nghe cô bé kể chuyện trẻ con linh tinh vậy, thật là lãng phí thời gian. Tôi thấy chính mình cũng chưa có được sự rộng lượng đó. Nhưng thầy Kobayashi thì có, trường Tomoe thì có, và đó chính là lý do những đứa trẻ học ở trường thật hạnh phúc và luôn vui vẻ mỗi ngày tới trường, và từ đó vươn tới những ước mơ vĩ đại nhất của chúng.
***
Tóm lại thì đây là một cuốn sách đáng đọc. Dù bạn là người không thường đọc sách thì cuốn này cũng rất dễ đọc và không hề dài, dành một chút thời gian buổi tối đọc vài ngày là xong, thưởng thức được sự trong sáng dễ thương của câu chuyện. Nếu bạn làm cha mẹ hay là thầy cô giáo thì càng nên đọc, để hiểu về những đứa con/trò của mình, để rộng lượng với chúng, và giúp chúng được học đúng nghĩa.
Cảm ơn tác giả và những mối nhân duyên giúp tôi có được trải nghiệm đọc sách thật đáng nhớ, dễ thương và cũng thật sâu sắc đến vậy.