Tổng quan về Pro Wrestling - Số 2: Những khái niệm cơ bản.
Sau số đầu tiên đi về quá khứ và nói về lịch sử, thì hãy cùng quay về hiện tại nào. Ở bài viết này, mình sẽ giải thích về các khái...
Sau số đầu tiên đi về quá khứ và nói về lịch sử, thì hãy cùng quay về hiện tại nào. Ở bài viết này, mình sẽ giải thích về các khái niệm cơ bản của Pro wrestling từ sau cánh gà cho đến lên sàn đấu nhé.
1. SCRIPTED
Bài viết trước mình cũng đã nói một lần, và mình sẽ nói lại. Đúng, kết quả của những trận đấu đều đã được quyết định. Mỗi tổ chức đấu vật, đơn cử như WWE, đều có một team viết kịch bản, họ sẽ có công việc viết nên những câu chuyện, lí do mà một trận đấu được diễn ra, và chọn ra những đô vật sẽ tham gia vào câu chuyện này. Và những người có đầy đủ tố chất sẽ thường được xây dựng để thắng và nắm giữ những danh hiệu từ thấp đến cao nhất ở công ty, hay gọi là "push", qua đó sẽ trở thành gương mặt đại diện cho tổ chức đó.
Theo đó, nếu như những đô vật nắm giữ danh hiệu vô địch không còn duy trì được những điều kiện cần thiết. Ví dụ như sức hút qua các trận đấu, khả năng kết nối với khán giả, hay doanh số bán merch giảm (áo, quần, figure,...), thì câu chuyện của họ cũng sẽ thay đổi, như để họ thua trận đấu tranh danh hiệu, hoặc ít nhất là mất danh hiệu vào tay người đang làm những điều ở trên tốt hơn họ. Qua đó push người nắm danh hiệu mới lên làm bộ mặt của công ty, và vòng quay này lại tiếp tục...
Vậy nên nếu bạn có thấy đô vật mình yêu thích bị thua trận thì cũng đừng bất ngờ nhé, vì đơn giản đối thủ của họ đang được push và cơ hội của họ vẫn chưa đến mà thôi, còn cơ hội đó đến lúc nào... well, cái này hơi khó để trả lời.
2. THỂ THỨC THI ĐẤU
Pro wrestling có rất nhiều thể thức thi đấu khác nhau. Nhưng với một trận đấu cơ bản, sẽ có ít nhất 2 cách để một người dành chiến thắng.
Nếu một đô vật có thể đè vai đối phương xuống đất - hay gọi là Pin, và trọng tài đếm đến 3 mà người bị pin không thoát ra được thì người pin sẽ dành chiến thắng.
Hoặc nếu một đô vật đang trong trạng thái bị khóa bởi đối phương mà không thoát ra được, họ sẽ đập tay xuống đất - hay gọi là Tap Out, báo hiệu đầu hàng, qua đó người đang thực hiện đòn khóa sẽ dành chiến thắng. Cách này khá giống với các trận đấu võ tổng hợp.
3. GIMMICK - FACE, HEEL VÀ NHIỀU HƠN THẾ
Ở bài viết trước, mình cũng đã nói về các gimmick - các nhân vật mà mỗi đô vật sẽ hóa thân vào mỗi khi lên sàn đấu. Giống như một diễn viên và các vai diễn khác nhau của họ, mỗi gimmick của một đô vật cũng là một bản thể, một tính cách riêng biệt, không những vậy, cách nói chuyện, lối đánh của mỗi gimmick cũng sẽ khác nhau. Khán giả vì thế sẽ bị thu hút ở cách các đô vật khắc họa nên nhân vật của họ. Và cũng giống như điện ảnh, các gimmick cũng sẽ có những "người tốt" (face) và "kẻ xấu" (heel), hoặc những kẻ "phản anh hùng" (tweener). Thường, một đô vật có thể là face ở trận đấu này nhưng lại có thể trở thành heel ở một trận đấu khác, điều này sẽ phụ thuộc vào kịch bản và họ có hóa thân tốt vào vai một heel hoặc face hay ko ?
Những đô vật thuộc hàng top thường sẽ có ít nhất là 2 gimmick (có thể nhiều hơn) để đa dạng hóa bản thân hơn trong mắt khán giả. Một số ví dụ tiêu biểu như:
4. FEUD - NHỮNG MỐI THÙ GIỮA CÁC ĐÔ VẬT
Chúng ta đã có những người tốt, kẻ xấu, giờ là lúc để những trận đấu diễn ra. Những mối thù, hay Feud, là câu chuyện (storyline), là lí do một trận đấu được diễn ra. Khán giả sẽ muốn biết vì đâu mà những gã này lại chiến đấu với nhau, về cơ bản các feud sẽ thường là những heel sẽ gây sự với các face, có thể vì muốn nhắm đến danh hiệu họ đang sở hữu, hoặc vì một tư thù cá nhân nào đó. Một feud thường sẽ được xây dựng trong 1 tháng, và trận đấu của cả hai sẽ được diễn ra ở một sự kiện Pay Per View hàng tháng.
Tuy nhiên cũng có những feud đã được xây dựng một cách bền bỉ qua hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Đây thường sẽ là những feud giữa những đô vật nằm ở hàng top, việc xây dựng trong một thời gian dài sẽ thu hút khán giả nhiều hơn, đẩy sự mong chờ lên đỉnh điểm, qua đó hút vé hơn ở các kì PPV tổ chức hàng tháng một lần.
5. TITLE - NHỮNG DANH HIỆU
Và tất nhiên, người ta cần một thứ gì đó để chiến đấu vì, và những danh hiệu được tạo ra. Lấy ví dụ như ở WWE, WWE Champion và WWE Universal Champion là 2 danh hiệu cao quý nhất ở 2 show chủ lực của họ, RAW và SMACKDOWN. Đây là chức vô địch dành cho những đô vật thuộc hàng top của công ty hiện tại, là những người sẽ được khán giả cheer nhiệt tình mỗi khi xuất hiện, họ sẽ dành chiến thắng trong những trận đấu theo cách đường đường chính chính nhất, hoặc sẽ là những kẻ khiến khán giả phải boo "thủng nóc", phải ghét cay ghét đắng mỗi khi xuất hiện, những kẻ này sẽ chiến thắng bằng những cách hèn hạ nhất.
Ở ngay dưới, là những danh hiệu như Intercontinental hay United Stated Champion, dành cho những đô vật đang trên bắt đầu được khán giả chú ý hơn. Ngoài ra còn có rất nhiều những danh hiệu lớn nhỏ khác nhau, với rất nhiều mục đích, từ những danh hiệu nghiêm túc, hay chỉ xuất hiện với mục đích "tấu hài", tạo tiếng cười cho khán giả, vì dù sao, với pro wrestling ở thời hiện đại, đôi khi sự hài hước là yếu tố cần thiết để khán giả "xả hơi" sau khi đã theo dõi những feud khá căng thẳng của những đô vật hàng top.
6. FINISHER - những "chiêu cuối" của các đô vật
Mỗi đô vật khi lên sàn, thường sẽ có cho mình những kĩ thuật thi đấu riêng biệt, trong đó finisher, như tên gọi, là đòn đánh dứt điểm của riêng họ, và mỗi người sẽ có một finisher riêng.
Thường những finisher sẽ được sử dụng ở khoảng thời gian gần cuối của trận đấu trước khi một đô vật dành chiến thắng. Đây sẽ là những đòn đánh mang tính thương hiệu của riêng họ, thứ mà sẽ khiến khán giả nhớ đến.
7. ENTRANCE - "Lên sàn" sao mà thiếu nhạc được
Đúng, mình không đùa đâu. Mỗi đô vật sẽ có một entrance riêng, cái này dịch thì hơi gượng, nhưng họ sẽ có nhạc hiệu riêng, và cách họ lên đài cũng rất riêng biệt, không ai giống ai. Đây như một thứ gia vị không thể thiếu của pro wrestling, mỗi một bản nhạc hiệu sẽ thể hiện một phần cái gimmick mà một đô vật đang sở hữu. Và một điểm nữa là nó rất hay nữa.
TẠM KẾT
Trên đây là những yếu tố cơ bản trong giới pro wrestling cơ bản thời hiện đại. Mặc dù còn rất nhiều công ty khác nhưng mình chủ yếu lấy ví dụ từ WWE vì đây hiện đang là công ty đấu vật lớn nhất thế giới, đại diện cho cả ngành này nói chung.
Dù còn rất nhiều điều nhưng đây sẽ là những yếu tố cốt lõi nhất, giúp bạn có một kiến thức trước khi bắt đầu theo dõi pro wrestling. Nếu mình có thời gian thì mình sẽ viết thêm nội dung xoay quanh chủ đề này với những kiến thức mà mình biết. Nếu bạn yêu thích và có câu hỏi gì thì cứ comment và mình sẽ cố gắng trả lời nhé :D
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất