Sau những năm tháng lãng phí sức khỏe và thời gian cho những việc vô nghĩa, tôi năm 27 đã quyết định sẽ tinh gọn lại những việc nên làm một cách thường xuyên để duy trì thể lực và  nuôi dưỡng tâm hồn, đó là chạy bộ và đọc sách.
Năm 2020 có thể coi là năm trọn vẹn đầu tiên với cả 2 hoạt động trên. Với việc đọc sách, trong năm đầu tiên này quá trình thử-sai-sửa lặp lại khá nhiều, nhưng cuối cùng tôi cũng đã định hình được tương đối về các nhóm sách hợp và không hợp với bản thân.
Quãng nửa năm đầu tôi đọc theo kiểu lấy thành tích, ráng đọc nhiều nhất có thể, nên thể loại cũng chỉ quanh quẩn truyện trinh thám, viễn tưởng, giật gân, kỳ ảo... tóm lại và các loại truyện trọng tình tiết, nặng tính giải trí. Tuy trong đó vẫn xuất hiện một vài đầu sách kinh điển, nhưng tâm thế khi đọc vẫn là "để xem cốt truyện có gì",  nên có hơi thất vọng với những quãng lê thê kể lể thiếu tình tiết. Và sau vài bận như vậy, tôi lại quay lại với loại truyện "dễ đọc dễ hiểu" để tăng thành tích.
Mãi tới vài tháng cuối năm, khi đọc được loạt bài viết của một cây viết trên Spiderum, tôi đã có cái nhìn khác và công bằng hơn với thứ được gọi là Văn Chương, và tôi xin phép tóm lược với vài gạch đầu dòng sau:
- Văn Chương (Literature) khác với Truyện (Fiction)
- Văn Chương mang tính nghệ thuật, hướng đến cái đẹp và trí tuệ
- Truyện tập trung vào cốt truyện, tình tiết
- Thái độ cần khi tiếp cận với Văn Chương là: không tìm sự giải trí, không tìm cốt truyện hấp dẫn, không tìm sự thỏa mãn tức thì
- Đọc Văn Chương là cố gắng thấu hiểu và trò chuyện với tác giả, nên người đọc cần có trình độ nhất định ứng với mỗi tác phẩm
(bài gốc có thể tìm đọc ở ĐÂY)
Với bản tính kì quặc là thích tìm các lối đi đúng đắn nhưng phải ít người đi, tôi đã bị các quan điểm trên thuyết phục. Việc đầu tiên tôi làm là mua ngay cuốn "Bức họa Dorian Gray - bản dịch Nguyễn Tuấn Linh", để coi xem, thứ Văn Chương mà cây viết kia (chính là dịch giả Nguyễn Tuấn Linh) nói tới là như thế nào. Và tôi rất thích nó.
Những ngày tiếp theo đó là quá trình tìm kiếm các tác phẩm Văn Chương nổi bật, và tôi gặp phải 1 vấn đề khác, chọn bản dịch. Vì những tác phẩm như vậy hầu hết thuộc hàng kinh điển, nên thường có nhiều bản dịch cùng được lưu hành, và đương nhiên, ai cũng muốn lựa được bản dịch ưng ý nhất. Tới đây tôi tiếp tục tham khảo Nguyễn Tuấn Linh (tới đây thì ai cũng biết ảnh là Tornad rồi ha) qua bài viết NÀY.  Ngắn gọn là có 2 trường phải: dịch thoát (nội hóa) và dịch sát (ngoại hóa), mỗi cái đều có ưu-nhược riêng, và quyết định đọc tất. Tất nhiên không phải tất cả các bản dịch tôi đều đọc, ý là mỗi tác phẩm tôi sẽ lựa bản dịch  ưng ý nhất (theo cảm tính) và tìm thêm 1 bản nữa với phong cách đối nghịch (nếu có). Nhờ vậy mà tôi có được vài cái tên dịch giả ưa thích của riêng mình.
- Dương Tường
- Bùi Giáng
- Lý Lan
- Nguyễn Tuấn Linh
... (đang update)
Việc lựa bản dịch đúng là lắm nhiêu khê, nhưng lại cho tôi cảm giác thỏa mãn khi tìm được dịch giả chân ái của mình. Những cái tên phía trên có trường phái dịch khác nhau, nhưng đều có điểm chung là "giỏi Tiếng Việt".  Tiếng Việt quá đẹp và phong phú trong các bản dịch của họ, và đó cũng là thứ tiếng duy nhất mà tôi khuyên con mình nên giỏi. Giỏi Tiếng Việt đã, rồi học thêm tiếng gì thì học.
Dông dài như trên rốt lại cũng chỉ nhằm nói 1 điều: 2021 sẽ bớt đọc Truyện và dành nhiều thời gian hơn cho Văn Chương. Lựa chọn này sẽ khiến lượng sách đọc được sẽ giảm đi do tình chất khó đọc của của Văn Chương, nhưng có hề gì, chất lượng hơn số lượng mà.
Và cuộc kể lể đầu năm này xin được khép lại với Top 3 yêu thích trong năm qua của tôi.
(thích vì thích thôi, đừng hỏi lý do)
- Cuốn theo chiều gió (đọc bản dịch của Vũ Kim Thư, và 2021 sẽ lại say đắm thêm lần nữa với bản dịch Dương Tường)
- Phía Tây không có gì lạ
- Mùi hương
Mong 2021 tiếp tục bình yên để được vui sống.