Nhìn về hiện tại, người Palestine – những người Hồi Giáo đang chiến đấu với những người Isreal – những gã Do Thái giáo trên mảnh đất dày khói lửa, mà cả hai dân tộc đều gọi là “quê hương”.
Song, dẫu cả hai đến từ hai nền tôn giáo, hai dân tộc và cho dù hai niềm tin khác nhau thì giữa họ, những con người đang đối địch ấy và chiến đấu với nhau vẫn có một “hệ thống” hay to lớn hơn nữa có thể gọi là một “tôn giáo”: Tiền giáo.
Không riêng gì người Hồi giáo hay Do Thái, mà tất cả chúng ta – bất cứ ai cũng đều tin vào Tiền giáo. Chúng ta là những con chiên ngoan đạo tin vào đồng tiền; sẽ chẳng ai nhìn vào từ 100 USD rồi bảo nó là giấy hay nhìn vào tờ 500.000 VND rồi bảo nó là polime cả. Có lẽ nếu có thì một là những đứa bé, chúng không biết và cũng không tin vào đồng tiền; và hai thì chắc là những nơi ở đó có con người, song tiền hay vàng chưa với tới được.
Trở lại một chút, trước khi nói về Tiền Giáo, ta cần nói về tiền trước đã.

I. Tiền là gì?

Về cơ bản, tiền được sinh ra khi mà bắt đầu xuất hiện sự phát triển của các thành bang, các thị trấn và có sự xuất hiện của chợ hay gọi sang một tí là “thị trường”. Trong một mạng lưới thành bang hay thị trấn đông đúc, người ta không thể dùng một cân táo rồi đem ra chợ đổi hết lần lượt từ thịt, sữa, trứng cho đến giày, quần áo; hay đem một đống quần áo xong đổi khắp chợ. Chẳng ai nhớ nổi mớ mệnh giá cả. Vì thế, tiền xuất hiện như vật trung gian, giúp mọi người dễ dàng định giá và được mọi người chấp thuận.
Để gọi là tiền, thì cần phải có vài tiêu chí được chấp thuận: thanh toán được, tích lũy được, giúp đo lường và định giá được, và dễ dàng vận chuyển.. Tất nhiên, tiêu chí quan trọng nhất vẫn là được mọi người chấp thuận và tin tưởng.
Tiền khác với thần thánh, tiền rất gần gũi, và nó hiện hữu trong mọi ngóc ngách; và có lẽ vì thế mà chúng ta, rất dễ trở thành con chiên của Tiền giáo.

II. Tiền giáo

Làm sao tiền có thể phát triển trở thành một tôn giáo? Khi mà về ban đầu, tiền chỉ đơn giản là vật trao đổi trung gian?

1. Niềm tin

Tiền vừa là vật trung gian trong thị trường, song đồng thời tiền còn ẩn chứa một thứ: niềm tin. Vỏ sò, đồng xu, đồng vàng cho tới những tờ polime VND hay tờ giấy USD, những thứ ấy đều có thể gọi là “tiền”, song giá trị của nó đến từ đâu? Từ chính nó, những vỏ sò, đồng xu hay tờ giấy và polime. Không, chúng đến từ niềm tin của nhiều con người. Tưởng tượng nhá, bạn đi ra chợ và cầm trên tay tờ polime 500,000 VND được in bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bạn dùng nó để thanh toán một hai kí mực, ba bốn kí tôm. Cơ mà dừng lại một chút? Làm thế nào mà một tờ polime lại có thể dùng được? Vì cả bạn và người bán hàng đều chung niềm tin rằng tờ polime màu xanh 500,000VND này là tiền và có giá trị 500,000VND.
Chính vì thế, tiền là một hệ thống được vận hành dựa trên sự tin tưởng, nếu không có sự tin tưởng, tất nhiên chúng mất giá trị.
Huskywannafly đã có bài chi tiết về niềm tin trong kinh tế. Mọi người tham khảo
So sánh một chút với tôn giáo, về cơ bản, tôn giáo cần niềm tin của nhiều người để hoạt động. Hội Thánh Đức Chúa trời chỉ có thể tồn tại khi mà có người tin vào nó, tin vào các điều răn. Song tôn giáo, người ta có thể chứng minh là nó sai, còn đồng tiền, chẳng có ai có thể phủ định nó và rêu rao với mọi người rằng, tiền thật ra chỉ là một ảo tưởng được, chúng chỉ mạnh hơn và lôi kéo nhiều người hơn thôi.
2.  Chúng lôi kéo nhiều người.
Sự xuất hiện của đồng tiền vàng đầu tiên được bảo chứng bởi vua có thể xem là một cuộc chuyển mình của tiền nhằm tăng sự tin tưởng của nhiều người. Đồng tiền denarius của La Mã được sự bảo hộ và đảm bảo của Hoàng đế La Mã, và tất nhiên nhờ sự bảo chứng ấy thì đồng tiền đó hoàn toàn có thể thanh toán bơi những người hoàn toàn cùng tin vào Hoàng đế. Điều này cho phép khả năng mở rộng của đồng tiền đến tận những vùng Trung Đông, thậm chí là xa hơn. Miễn là họ tin vào nhà vua và tin rằng việc sở hữu những đồng vàng này có thể giúp họ biến đổi từ cánh đồng thành một ngôi nhà.
Đồng Denarius. Nguồn: Internet
Đồng Denarius. Nguồn: Internet
Những đồng tiền bảo chứng đã tạo ra sự khác biệt, không chỉ dùng trong một quốc gia mà đồng thời là việc tạo ra và thành lập các mạng lưới thương mại, đưa nhiều người hơn vào mạng lưới và cùng nhau tin vào những đồng tiền được bảo chứng hay là vàng bạc.
Sự hình thành của mạng lưới thương mại “Con đường tơ lụa” xuyên lục địa có thể xem là mạng lưới tạo thành những mạng lưới liên kết giữa các quốc gia và là động lực cũng như khiến các đồng vàng lan rộng và kết nối nhiều người hơn.
Trải qua lịch sử, sự xuất hiện của các cuộc viễn chinh, sự hình thành các mạng lưới thương mai đưa vàng, bạc đến khắp mọi nơi trên thế giới và xây dựng một hệ thống “tín đồ” hùng mạnh cùng tin vào vàng, bạc và sau này là sự xuất hiện của USD, hay EUR.
Dần dần, sức mạnh của những đồng vàng mà sau này là USD đã tạo ra sự thống nhất của toàn cầu, tạo thành một khối kinh tế chỉnh thể. Tiền giáo đã thành công trong việc tạo ra một hệ thống niềm tin và lôi ké gần như toàn bộ nhân loại mà không phân biệt bất cứ ai, tốt xấu, đến từ dân tộc, tôn giáo hay nói ngôn ngữ nào. Bởi vì chẳng có lí do gì để quan tâm đến những thứ đó cả? Thứ chúng ta cần là tin vào tiền trong túi của nhau để làm việc và hợp tác.
Vì thế, tiền giáo là một trong những tôn giáo có nhiều người tham gia vào mạng lưới và nó gần như phủ sóng toàn cầu; tiền giáo không yêu cầu bạn phải tin vào thứ gì đó, mà yêu cầu bạn phải tin rằng những người khác tin vào thứ gì đó, mà cụ thể đây là vàng, bạc và USD hay EUR.
Tất nhiên, tiền giáo cũng có điều răn và nghi lễ cho riêng mình.
3.     Nghi lễ và điều răn của tiền.
Khác với các tôn giáo khác, tiền giáo có nghi lễ dễ dàng hơn nhiều.
Không chỉ phải cầu khấn hay khấn bái gì cả, nghi lễ của tiền là sự giao dịch.
Bạn giao dịch nghĩa là bạn đang thực hiện nghi lễ và tin vào tiền. Bạn càng giao dịch thì bạn càng tin vào tiền. Đoán xem nếu bạn đem một tờ 500k đưa một đứa nhóc năm tuổi thì như nào? Với đứa bé ấy, đó về cơ bản là một tờ giấy lộn, và chúng chỉ thấy nó có màu xanh xanh và in hình Bác Hồ. Vì sao? Vì đứa bé ấy chẳng tin vào tiền và chưa thực hiện “nghi lễ”. Nhưng đoán xem, nếu đứa bé ấy biết “giao dịch” thì sao? Thì đứa bé ấy tin vào tiền và dùng tờ 500k ấy mua đủ thứ mà nó muốn; kẹo, đơn giản, bánh, đơn giản. Để cuối cùng, đứa bé ấy trở thành một người của “tiền giáo”.
Chúng ta đã có nghi lễ rồi. Vậy còn điều răn là gì?
Điều đầu tiên, nó phản ánh đúng với vai trò của tiền: Trao đổi. Tiền là vật trung gian và cho phép chúng ta dùng nó để trao đổi. Nhưng dần dần, tiền không chỉ dùng trao đổi hàng hóa nữa, mà còn có thể trao đổi hầu như mọi thứ từ thứ này sang thứ khác, nghĩa là bao gồm những giá trị thuộc về tinh thần, đạo đức.
Sự trao đổi đó cho hướng tới một điều, sự trao đổi những giá trị văn hóa, đạo đức để kiếm tiền hay nói cách khác tiền tạo ra sự bào mòn các giá trị văn hóa mà con người ta dường như vô cùng trận trọng. Sự trung thành được mua bằng số tiền được trả. Sự hiếu thảo tỉ lệ thuận với số tài sản thừa kế. Sự bình an được mua bằng sự cầu khẩn, khấn vái thần hay các “thầy”. Xả thải đại ra môi trường mà chẳng quan tâm.
Hindu giáo ở Ấn Độ nói với các tín đồ rằng tăng lữ là tầng lớp cao quý nhất và xứng đáng có nhiều quyền lực. Công giáo cũng cho tầng lớp tu sĩ và cha xứ những quyền lực tương tự trong những thời điểm mà tôn giáo này cực thịnh (Hồng y Richelieu có thể là một ví dụ). Thế còn Tiền giáo? Tất nhiên, là cho những ai sở hữu nhiều tiền rồi.
Tiền trở thành thước đo của xã hội từ ngày xưa cho đến ngày nay. Bạn nhiều tiền, xã hội tôn trọng, mỗi lời của các bạn là lời vàng thước ngọc mà những người ở dưới nghe râm rấp; nhiều tiền, mua được nhiều thứ hơn, nhà tại Thảo Điền, Phú Mỹ Hưng, mặt tiền Hồ Tây, xe sang, túi hiệu hay những thương hiệu thời trang đắt tiền. Đi ăn tại những nơi giàu sang, được có tiền đi những khoang hạng sang. Khi kinh tế phát triển, bạn hưởng lợi nhiều nhất, khi kinh tế xuống thấp hay khủng hoảng, bạn là người chịu ít ảnh hưởng nhất.
Có một thứ còn quyền lực hơn trong xã hội ngày nay mà xã hội khi xưa không có. Hưởng được các quyền lợi mà khoa học công nghệ. Chẳng hạn, bạn được điều trị bằng các phương pháp khoa học y tế hiện đại nhất, như công nghệ gen, hay cấy tế bào.
Trong tiền giáo, tiền là trung tâm, là thần thánh. Tiền đại diện cho hạnh phúc, cho tin tưởng. Song nó cũng là nguồn gốc của lòng tham và tội lỗi, sự chia rẽ. Người ta tin vào đồng tiền trong túi nhau, và nếu như hết tiền, niềm tin cũng biến mất.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử có nhiều quan điểm khác nhau về tiền, song không thể phủ nhận tiền đã và đang là động lực thúc đẩy sự phát triển cho công cuộc nói liền thế giới và đưa thế giới tiến tới công cuộc thống nhất và toàn cầu hóa. Tuy nhiên, cũng chính nó đang phá hoại và bào mòn những giá trị văn hóa hay đạo đức mà con người luôn tin tưởng và xây dựng.
Nguồn:
Bài viết được viết dựa trên ý tưởng của cuốn sách Sapiens của tác giả Yuval Noah Harari
Cảm ơn các bạn đã đọc 💜💜