Tôn Quyền - đánh trận kém nhưng trị quốc giỏi
Có lẽ là mọi thứ bạn cần biết về Tôn Quyền, Hoàng đế khai quốc nhà Đông Ngô thời Tam quốc (dĩ nhiên là qua các ghi chép lịch sử)
Trong ba nước Tào Ngụy - Thục Hán - Đông Ngô thời Tam Quốc, có lẽ không quá nhiều người chú ý đến những chuyện xảy ra ở Ngô. Việc này kể ra cũng một phần là do tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”, vốn lấy trọng tâm là cuộc tranh đấu Thục - Ngụy. Mà cũng do đó, Tôn Quyền thường ít được nhắc đến hơn so với Tào Tháo và Lưu Bị - hai người kiến lập nền móng cho Ngụy và Thục. Tuy ít chuyện để nói hơn, nhưng không có nghĩa là Tôn Quyền kém cạnh. Rõ ràng, một người có thể thủ vững Giang Đông, chia ba thiên hạ thì không thể thiếu những phẩm chất của một kẻ kiêu hùng được
Thế thì cuộc đời của Hoàng đế khai quốc Đông Ngô có gì đáng chú ý? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc đó.
Tài liệu lịch sử được sử dụng trong bài chủ yếu đến từ hai bộ sử là “Tam quốc chí” và “Tư trị thông giám”.
Thân thế và thời trẻ
Tôn Quyền, tự Trọng Mưu, sinh năm 182, lúc bấy giờ cha của ông là Tôn Kiên vẫn còn làm Huyện thừa ở Hạ Bi. Có nhiều sách cho rằng nhà họ Tôn của ông vốn thuộc dòng dõi Tôn Vũ, danh tướng nước Ngô thời Xuân Thu. Tuy vậy, không có bằng chứng rõ ràng, chỉ chắc chắn được rằng nhà họ Tôn vốn là thế tộc nhiều đời mà thôi.
Hai năm sau khi Tôn Quyền chào đời, loạn Khăn Vàng bùng nổ. Tôn Kiên khi ấy khởi binh đi theo Trung lang tướng Chu Tuấn dẹp loạn, bèn dời gia đình về Thọ Xuân. Mấy năm sau, anh Tôn Quyền là Tôn Sách gặp và kết giao với Chu Du, bèn đưa cả nhà về quê của Chu Du ở huyện Thư. Cũng từ đó trở đi, nhà họ Tôn kết mối giao hảo với Chu Du.
Năm 191, Tôn Kiên giao tranh với Lưu Biểu, cuối cùng bị phục binh của Hoàng Tổ bắn chết. Nhà họ Tôn bèn dời đến Giang Đô để lo hương khói cho Tôn Kiên. Hai năm sau, Tôn Sách đầu quân cho Viên Thuật và lệnh cho Lã Phạm đưa gia đình về nương nhờ nhà của người cậu là Ngô Cảnh ở Đan Dương. Tuy nhiên bấy giờ Thứ sử Dương Châu là Lưu Do có ý đề phòng Viên Thuật và Tôn Sách, bèn đuổi Ngô Cảnh ra khỏi lãnh địa Đan Dương, thành ra nhà họ Tôn bị kẹt lại ở đó. Thủ hạ của Tôn Sách là Chu Trị bèn tìm cách giải thoát cho nhà họ Tôn và đưa họ về Phù Lăng.
Năm 195, Tôn Sách đánh bại Lưu Do, lại cho người đón gia đình mình về Đan Dương. Tôn Quyền bấy giờ đã thành niên, cũng bắt đầu theo phục vụ dưới trướng anh trai trong nhiều chiến dịch bình định các quận phía nam Trường Giang. Lúc Tôn Quyền 15 tuổi, ông được anh trai phong làm Trưởng huyện Dương Tiễn, sau lại lần lượt được được chọn làm Hiếu liêm, Mậu tài rồi giữ việc của Phụng nghĩa Hiệu úy. Triều đình nhà Hán bấy giờ có ý muốn vỗ về Tôn Sách, nên cũng cử sứ giả là Lưu Uyển tới ban cho tước vị và quan phục chính thức. Lúc gặp mấy anh em nhà họ Tôn, Lưu Uyển rất có ấn tượng với Tôn Quyền. Ông có bảo với người khác rằng:
“Ta xem anh em họ Tôn tuy cùng tài hoa xuất chúng, thông minh thấu đạt, nhưng đều không được hưởng lộc trọn vẹn, duy người em thứ hai làm Hiếu liêm (tức Tôn Quyền), dung mạo kỳ vĩ, tư chất không tầm thường, tướng đại quý rõ rệt, tuổi lại rất thọ, ngươi hãy nhớ lời ta nói.”
Ngay từ khi còn trẻ, Tôn Quyền cũng đã tỏ rõ mình là người có năng lực, biết cách đối nhân xử thế. Ông thông minh khéo léo, thích kết giao hào kiệt, thành ra danh tiếng của Tôn Quyền không kém gì so với anh trai Tôn Sách và cha Tôn Kiên khi trước. Trong sách “Giang Biểu truyện” cũng có chép rằng:
Quyền bản tính độ lượng rộng rãi, nhân ái nhưng rất quyết đoán, thích người hào hiệp lại hay giúp đỡ kẻ sĩ, bắt đầu có tiếng tăm, đã sánh ngang với cha anh rồi. Quyền thường tham dự cùng bàn kế, Sách rất kinh ngạc về Quyền, tự cho là mình không theo kịp. Mỗi lần mời hội tân khách, Sách thường quay sang bảo Quyền rằng: - Các ngài đây, đều là tướng của em vậy.
Kế nhiệm Tôn Sách, thủ vững Giang Đông
Năm 199, Tôn Quyền đi theo anh trai Tôn Sách tiến đánh Thái thú Lư Giang là Lưu Huân. Tôn Sách đại thắng Lưu Huân, thu được 2000 quân cùng 1000 thuyền, bèn tiếp tục tiến đánh Hoàng Tổ ở Sa Tiễn. Lưu Biểu biết tin, vội cho 5000 quân đến ứng cứu, cũng bị Tôn Sách đánh bại cả. Hoàng Tổ thua trận phải bỏ chạy, không kịp đeo theo gia quyến. Tôn Sách thu được 6000 chiếc thuyền, quân Hoàng Tổ bị giết và chết đuối đến mấy vạn người. Quân Tôn Sách thế mạnh, Hoa Hâm bấy giờ đang giữ thành Dự Chương quyết định mở cổng ra hàng. Đang lúc lực lượng phát triển mạnh mẽ thì Tôn Sách đột ngột bị ám sát năm 200 bởi thủ hạ của Hứa Cống, Thái thú Ngô Quận từng bị Tôn Sách giết. Vết thương nặng, Tôn Sách liệu chừng không qua khỏi, bèn quyết định giao trọng trách cho Tôn Quyền, lại ủy thác cho các thủ hạ phải tận lực phò tá. Tôn Quyền bấy giờ mới 18 tuổi, nhưng đã sớm bộc lộ rõ tài năng về mặt trị nước an dân. Mặc dù rõ ràng về mặt cầm quân đánh trận thì Tôn Quyền không quá giỏi, nhưng giờ Tôn Sách sắp qua đời, việc phát triển của Giang Đông phải thay đổi. Giờ không thể liên tục tấn công như trước, mà phải chú trọng bảo vệ thành quả rồi từ từ bành trướng. Với mục tiêu mới như thế, Tôn Quyền chính là người thích hợp nhất để thay thế Tôn Sách.
Tôn Sách sau khi ủy thác mọi việc cho Tôn Quyền, mấy ngày sau qua đời, lúc ấy mới 26 tuổi. Tôn Quyền rất thương tiếc anh trai, cứ khóc mãi không thôi. Trương Chiêu phải khuyên ông nén đau thương, lập tức mặc giáp lên ngựa đi tuần phòng để an lòng binh sĩ. Ít lâu sau Chu Du đến chịu tang, cũng giúp đỡ Tôn Quyền trong việc ổn định tình hình các nơi. Bấy giờ địa bàn của Tôn Quyền gồm có 5 quận là Cối Kê, Ngô Quận, Đan Dương, Dự Chương và Lư Lăng; nhiều nơi khác vùng Giang Đông chưa theo về. Một số thủ hạ cũ của Tôn Sách thì cho rằng Tôn Quyền còn trẻ, không thể kế thừa nên tìm cách ly khai. Đặc biệt, có Thái thú Lư Lăng là Lý Thuật còn định bỏ Tôn Quyền mà đầu hàng Tào Tháo. Tôn Quyền bèn gửi thư cho Tào Tháo, kể hết những tội trạng của Lý Thuật và khuyên ông không nên thu nhận. Sau đó Tôn Quyền lập tức cho cất quân đánh Lý Thuật ở Hoán Thành, quả nhiên Tào Tháo không cho người đến cứu. Tôn Quyền hạ được thành, cho chém Lý Thuật, thu nhận hơn 2 vạn quân ở đây.
Tôn Quyền tuy còn trẻ, nhưng hành sự quyết đoán, có chủ ý; vì thế nên bộ hạ của Tôn Sách đều phục ông. Tào Tháo cũng tỏ ra hậu đãi Tôn Quyền để yên mặt nam, bèn nhân danh Hán Hiến đế mà phong ông làm Thảo lỗ tướng quân, lĩnh chức Thái thú Cối Kê. Danh tiếng tăng cao, Tôn Quyền cũng ra sức chiêu nạp những hào kiệt để giúp sức cho mình. Vì thế, xung quanh ông dần có nhiều người tài như Trương Chiêu, Trương Hoành, Chu Du, Trình Phổ, Lã Phạm, Gia Cát Cẩn và đặc biệt là Lỗ Túc - người đề ra sách lược quan trọng cho Tôn Quyền trong việc phát triển thế lực. Tôn Quyền gặp Lỗ Túc, hai người đàm đạo rất tương đầu ý hợp. Tôn Quyền bèn dẫn Lỗ Túc vào phòng riêng, hỏi kế sách phát triển. Lỗ Túc bấy giờ đưa ra ý kiến của mình như sau: nhà Hán đã suy yếu không thể khôi phục, Tào Tháo hùng mạnh chưa thể diệt trừ. Do đó, phương hướng tốt nhất là thủ vững Giang Đông, ra sức phát triển thế lực ở phía nam Trường Giang. Nếu có thể lợi dụng thời cơ thì nên bắc tiến diệt Lưu Biểu, chiếm Kinh Châu, khống chế mọi vị trí hiểm yếu quanh Trường Giang là có thể đứng vững một phương. Đã vững chân rồi, có thể nghĩ đến xưng đế ly khai và tranh bá Trung Nguyên. Tôn Quyền nghe thế, tuy ngoài mặt tỏ ý nói rằng mình giữ Giang Đông là để giúp nhà Hán, nhưng trong bụng rất mừng, bèn trọng đãi Lỗ Túc.
Năm 203, Tôn Quyền cất binh tiến đánh Hoàng Tổ, phá được thủy quân nhưng chưa chiếm được thành trì, tướng Lăng Tháo của Tôn Quyền còn bị tướng Cam Ninh của Hoàng Tổ bắn chết. Cùng lúc đó có tin báo rằng miền đông nam có loạn; Tôn Quyền buộc phải lui quân, cho tướng lĩnh đem binh dẹp loạn các nơi. Năm 207, ông lại đem quân đánh Hoàng Tổ lần nữa, bắt được nhiều dân chúng nhưng vẫn chưa thắng lợi hoàn toàn. Tuy nhiên, Tôn Quyền lần này được lợi thêm là có Cam Ninh về hàng do bị Hoàng Tổ đối đãi tệ bạc không xứng với công lao. Cam Ninh theo về, cũng hiến kế với Tôn Quyền rằng nên gấp rút đánh lấy Kinh Châu kẻo Tào Tháo đến trước. Muốn thế, nhất định phải diệt xong Hoàng Tổ, mà việc ấy không khó do Hoàng Tổ đã già, trị quân không nghiêm lại đối đãi bạc bẽo với quân sĩ. Sau khi đánh xong Hoàng Tổ, có thể nhân đó thúc quân sang tây đánh lấy các vùng đất Sở, rồi đánh tiếp đến Ba Thục. Kế sách này của Cam Ninh có phần tương đồng với sách lược phát triển của Lỗ Túc, nhưng cụ thể hơn ở cách thực hiện. Tôn Quyền vì thế rất tán đồng với kế này, nhưng người đứng đầu các quan văn của Giang Đông là Trương Chiêu không đồng tình với lý do là hiểm họa tiềm tàng vẫn còn, nếu đại quân tây chinh có thể có biến. Cam Ninh vì thế tranh cãi gay gắt với Trương Chiêu, Tôn Quyền phải đứng ra giảng hòa. Việc tiến quân xa hơn tạm chưa bàn, nhưng mục tiêu trước mắt vẫn là phải diệt xong quân Hoàng Tổ ở Giang Hạ.
Đến năm 208, Tôn Quyền lại tiếp tục tiến đánh Hoàng Tổ, có cả Cam Ninh theo cùng. Tướng Lã Mông phá được quân tiên phong; các tướng Lăng Thống và Đổng Tập đại phá quân Hoàng Tổ, giết sạch người trong thành. Hoàng Tổ một mình chạy trốn nhưng không thoát được, bị Tôn Quyền cho người đuổi theo bắt về rồi chém đầu.
Cùng năm ấy, Thứ sử Kinh Châu là Lưu Biểu qua đời. Quan lại trong châu tôn con thứ của ông là Lưu Tông kế vị. Con trưởng Lưu Kỳ bấy giờ thay chức Hoàng Tổ lo sợ bị hại nên phải ra trấn thủ ở Giang Hạ. Cùng lúc ấy, Tào Tháo đem đại quân nam hạ, Lưu Tông sợ hãi nên vội đầu hàng. Bấy giờ Lưu Bị đang nương nhờ Lưu Biểu, không muốn hàng Tào nên vội vã đem quân mã chạy về Giang Lăng là nơi trữ lương thảo và khí giới của Kinh Châu. Đi theo ông còn có khoảng 10 vạn dân chạy nạn nên đi rất chậm. Tôn Quyền ở Giang Đông vẫn chú ý đến Kinh Châu, biết quân Tào nam hạ, bèn cử Lỗ Túc sang dò xét tình hình. Lỗ Túc còn chưa đến nơi thì Lưu Bị đã bị kỵ binh Tào đuổi kịp ở Đương Dương - Trường Bản và bại trận. Ông không chạy được đến Giang Lăng nên buộc phải rút về Giang Hạ hợp binh với Lưu Kỳ. Lỗ Túc biết tin, bèn đổi hướng đến thằng Giang Hạ hội kiến với Lưu Bị và bày tỏ ý kiến muốn ông cùng liên minh với Tôn Quyền để chống Tào Tháo. Nhận thấy đây là sách lược đúng đắn, Lưu Bị đồng ý và cử Gia Cát Lượng sang gặp Tôn Quyền để bàn về việc liên minh.
Liên kết với Lưu Bị chống Tào
Tào Tháo sau khi thu được Kinh Châu, bèn khởi đại quân rầm rộ vượt Trường Giang để tấn công Giang Đông. Trước đó, ông cũng viết thư gửi Tôn Quyền như sau:
“Gần đây ta phụng chiếu đánh kẻ có tội, cờ mao trỏ về nam, Lưu Tông chịu bó tay. Nay ta cầm tám chục vạn quân thủy bộ, đang muốn cùng tướng quân hội săn ở đất Ngô.”
Lời lẽ trong thư tuy khách sao, nhưng thực chất ngầm có ý đe dọa và khoe khoang lực lượng hùng mạnh, muốn ép Tôn Quyền phải đầu hàng nếu không sẽ bị tiêu diệt. Đối diện với đại quân Tào Tháo, quần thần Giang Đông chia làm hai phe chủ chiến và chủ hòa. Một số thủ hạ của ông như Trương Chiêu lo ngại trước sức mạnh của quân Tào, bèn muốn Tôn Quyền ra hàng để tránh họa binh đao. Tuy nhiên, đa phần các võ tướng đều không muốn hàng mà muốn quyết đánh. Hơn nữa, Lỗ Túc cũng cho rằng kể cả nếu Tôn Quyền có chấp nhận đầu hàng thì vẫn sẽ bị Tào Tháo hại, do danh vọng của ông quá lớn. Bản thân Tôn Quyền cũng muốn đánh chứ không muốn hàng, nhưng vẫn còn lo ngại quân Tào Tháo mạnh mẽ. Lúc ấy, có tin Lỗ Túc trở về cùng sứ giả bên quân Lưu Bị là Gia Cát Lượng; Tôn Quyền bèn đem quân đến Sài Tang đón tiếp và bàn bạc chuyện liên minh.
Gia Cát Lượng vừa gặp đã đoán được tính Tôn Quyền, bèn giả vờ cường điệu uy thế của Tào Tháo và khuyên ông đầu hàng, lại nói khích rằng:
“Nếu có thể dùng bộ chúng Ngô, Việt cùng Trung quốc đối kháng, chẳng gì bằng sớm cự tuyệt với Tháo; nếu không thể chống, sao chẳng xếp binh buộc giáp, ngoảnh mặt về bắc mà thờ Tháo! Nay tướng quân ngoài mặt thác tiếng là phục tùng nhưng trong bụng còn mưu tính do dự, việc gấp mà chẳng quyết đoán, họa đến không lâu vậy.”
Tôn Quyền nghe nói khích, đã có vẻ hạ quyết tâm muốn đánh, nhưng vẫn hỏi vặn lại là nếu biết quân Tào mạnh như thế, sao Lưu Bị không hàng ngay mà còn cố chống lại làm gì? Gia Cát Lượng bấy giờ mới chỉ ra rằng đến như một kẻ sĩ nhỏ nhoi như Điền Hoành nước Tề ngày xưa còn không chịu hàng Hán Cao tổ Lưu Bang thì cớ gì tông thất như Lưu Bị lại chấp nhận hàng Tào? Tôn Quyền nghe thế, giận lắm, nói rằng cơ nghiệp cha anh để lại, không thể đem dâng Tào Tháo. Tuy tỏ rõ quyết tâm chiến đấu, nhưng Tôn Quyền vẫn còn lo Tào Tháo quân đông tướng mạnh, mà Lưu Bị cũng vừa thua trận, kể cả có liên minh cũng chưa chắc đã đủ sức cự địch. Bấy giờ, Gia Cát Lượng mới phân tích kỹ tình hình thực tế của hai bên, để thấy rằng hợp sức chống Tào là việc hoàn toàn có thể và nên làm với cả hai bên.
Theo phân tích của Gia Cát Lượng, Lưu Bị tuy thua trận, nhưng 1 vạn thủy quân do Quan Vũ chỉ huy vẫn còn nguyên vẹn; quân ở Giang Hạ do Lưu Kỳ trấn giữ cũng chẳng dưới vạn người. Lực lượng Tôn Quyền ở Giang Đông cũng không kém, như chính ông đã nói rằng có 10 vạn binh sĩ. Quân Tào Tháo tuy đông, nhưng hành quân hàng trăm dặm đã mệt nhọc, khó bằng được lực lượng Lưu - Tôn ung dung nhàn nhã. Mặt khác, quân Tào tinh nhuệ nhất vẫn là bộ binh và kỵ binh, chứ thủy binh không thông thạo. Dù đã thu được quân Kinh Châu giỏi thủy chiến, nhưng số quân này mới hàng, không thể tin tưởng hoàn toàn. Và cuối cùng, với tình thế hiện tại của cả Lưu Bị và Tôn Quyền, chỉ có cách liên minh cùng đánh bại Tào Tháo mới có thể chặn đà nam hạ của quân Tào, mở ra không gian phát triển cho cả hai. Tôn Quyền nghe xong, hạ quyết tâm liên minh với Lưu Bị chống Tào Tháo.
Để Tôn Quyền an tâm hơn, Lỗ Túc khuyên ông lập tức triệu Chu Du về bàn định kế sách. Chu Du đến nơi, cũng khuyên Tôn Quyền hạ quyết tâm chiến đấu, lại phân tích rõ những bất lợi của quân Tào: đó là thiếu cỏ khô cho ngựa trong mùa đông, binh sĩ phương bắc không hợp khí hậu tất sinh bệnh. Hơn nữa, Tào Tháo tuy xưng là có 80 vạn quân, nhưng kỳ thực không thể có con số ấy. Quân Tào đánh Kinh Châu nhiều nhất chỉ 15 - 16 vạn, dẫu có thu được chủ quân Kinh Châu thì cũng chỉ thêm được 7 - 8 vạn người nữa. Như vậy, đại quân của Tào Tháo chỉ hơn 20 vạn người, tuy đông nhưng gặp nhiều bất lợi, không đáng sợ. Chu Du quả quyết rằng chỉ cần 5 vạn tinh binh Giang Đông là đủ phá quân Tào. Tôn Quyền mừng lắm, bèn giao trước cho Chu Du 3 vạn quân, cùng Trình Phổ và Lỗ Túc đi trước, ông sẽ đem quân tiếp ứng đến sau. Mà giả sử nếu chưa thể phá được quân Tào ngay cũng không sợ, cứ rút lui về chỗ Tôn Quyền rồi sẽ hợp binh quyết đấu.
Mùa đông năm 208, Chu Du đem quân tới Hạ Khẩu, cùng bàn kế sách với quân Lưu Bị, quyết định đón đánh quân địch ở Xích Bích. Quân Tào đi đường xa mệt nhọc, lại không hợp thủy thổ nên dịch bệnh lây lan rất nhanh. Chu Du còn cử Hoàng Cái gửi thư trá hàng, lợi dụng thời cơ dùng hỏa công đốt cháy thủy trại và thuyền chiến quân Tào. Các thuyền quân Tào khi ấy bị dùng xích sắt gắn với nhau để giảm tròng trành giúp binh sĩ đỡ say sóng, mà đúng lúc gió đông nam thổi mạnh nên lửa cháy rất to. Hầu như toàn bộ hạm đội quân Tào đều bị thiêu rụi, quân Lưu - Tôn thừa thế xông vào tấn công và truy đuổi. Hơn 20 vạn đại quân của Tào Tháo tan vỡ, hoặc chết hoặc thất tán. Bản thân Tào Tháo chỉ dẫn được số ít binh lính chạy về phía bắc, bị truy kích đến tận Nam Quận mới thôi. Thất bại này khiến Tào Tháo hoàn toàn mất hết cơ hội nam hạ, chịu thiệt hại nặng nề. Liên minh Lưu - Tôn nhờ thế có được thời gian và không gian để phát triển.
Phát triển thế lực ở miền đông nam
Ngay sau trận Xích Bích, Tôn Quyền và Lưu Bị đều lập tức cho quân tiến đánh các quận Kinh Châu. Lưu Bị đánh chiếm được 4 quận phía nam và tôn Lưu Kỳ làm Thứ sử Kinh Châu để kế tục Lưu Biểu. Song song với đó, Tôn Quyền một mặt đem quân vây đánh Hợp Phì, mặt khác cử Chu Du đem quân đánh Giang Lăng do Tào Nhân trấn thủ. Ở phía Hợp Phì, Tôn Quyền vây đánh lâu ngày không được, lại trúng kế của quân Tào mà tưởng viện binh đến nên vội đốt lũy rút quân. Còn ở phía Giang Lăng, Tào - Tôn hai bên ác chiến hơn một năm liền, cuối cùng Tào Nhân rút lui về Tương Dương. Tôn Quyền chiếm được Giang Lăng và mấy huyện phụ cận, bèn phong Chu Du là Thái thú Nam Quận.
Năm 209, Lưu Kỳ qua đời vì bạo bệnh, Lưu Bị vì thế tự lập làm Thứ sử Kinh Châu. Ít lâu sau, vợ Lưu Bị là Cam phu nhân cũng qua đời; và để thắt chặt liên minh, Tôn Quyền gả em gái cho ông. Sau cuộc hôn nhân, Lưu Bị dâng biểu tiến cử Tôn Quyền làm Hành Xa kỵ tướng quân, kiêm Thứ sử Từ Châu. Cũng theo lời khuyên của Gia Cát Lượng, ông đích thân sang Ngô Quận gặp Tôn Quyền để đàm phán vấn đề mượn Giang Lăng làm bàn đạp phát triển thế lực. Tuy nhiên, Chu Du cực lực phản đối việc này, thế nên Tôn Quyền cũng không đồng ý với lời đề nghị của Lưu Bị. Thấy vậy, Lưu Bị trở về thành Công An, lệnh cho Quan Vũ đóng quân gần Giang Lăng gây áp lực, buộc Chu Du phải ngày đêm lo phòng thủ dù đang dưỡng bệnh. Năm 210, Chu Du qua đời, Tôn Quyền liền phong Trình Phổ làm Thái thú Nam Quận, còn Lỗ Túc thì nối Chu Du làm Đô đốc, chỉ huy binh mã.
Lưu Bị một lần nữa liên hệ với Tôn Quyền việc mượn Giang Lăng. Lần này, Tôn Quyền nghe theo lời khuyên của Lỗ Túc, để lực lượng của Lưu Bị chia lửa ở mặt trận phòng thủ phía bắc chống quân Tào. Hai bên đi đến thỏa thuận: Lưu Bị sẽ đổi lấy nửa quận Giang Hạ ông đang nắm giữ để lấy Giang Lăng thuộc Nam Quận. Sau đó, Tôn Quyền đổi Trình Phổ về làm Thái thú Giang Hạ. Cái chết của Chu Du năm 210 cũng khiến các kế hoạch xuất quân sang tây đánh Hán Trung và Ích Châu của Giang Đông bị dở dang. Vì vậy, Tôn Quyền tạm chuyển tầm mắt xuống phía nam, bình định những vùng còn chưa chịu thuần phục, nhất là vùng Lĩnh Nam và Giao Châu, bấy giờ thực tế do Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp quản lý.
Khi trước vào năm 201, triều đình có cử Trương Tân nắm chức Thứ sử Giao Châu, nhưng người này ưa chuyện quỷ thần nên trong vùng có loạn, Trương Tân bị bộ tướng giết chết. Thứ sử Kinh Châu bấy giờ là Lưu Biểu sai thủ hạ là Lại Cung giữ chức thay. Triều đình, mà thực tế là Tào Tháo, không hài lòng chuyện Lưu Biểu tự ý muốn cho người đến Giao Châu nắm quyền. Do đó, triều đình gửi thư cho Sĩ Nhiếp, phong ông làm Tuy nam Trung lang tướng, coi giữ cả 7 quận đất Giao Châu. Do đó dù Sĩ Nhiếp không được phong làm Thứ sử mà vẫn chỉ là Thái thú Giao Chỉ, nhưng lại có quyền lực thực tế. Đến năm 210, Tôn Quyền cử tướng Bộ Chất đến lĩnh chức Thứ sử Giao Châu, Sĩ Nhiếp không chống cự mà đem tất cả anh em thủ hạ đến nhận lệnh, coi như đã thuần phục Đông Ngô rồi.
Năm 211, Tôn Quyền cho dời trị sở về Mạt Lăng, sang năm sau thì cho đắp thành Thạch Đầu và đổi Mạt Lăng thành Kiến Nghiệp. Sở dĩ Tôn Quyền dời trị sở đến nơi đây và chọn Kiến Nghiệp làm đại bản doanh cho lực lượng của mình, cũng là vì mục đích phòng thủ và chống giữ mặt bắc. Sách lược phát triển của Đông Ngô chú trọng vào việc kiểm soát Trường Giang và các nơi hiểm yếu. Kinh Châu tuy hiện phần lớn trong tay Lưu Bị, nhưng hai bên liên minh, tạm không nói đến. Chỉ có mặt bắc cần phải lo lắng, bởi vì quân Tào đánh xuống Giang Đông, thuận lợi nhất là tiến quân qua đất Hoài Nam, tức là qua Hợp Phì. Đấy cũng là lý do mà sau khi thắng trận Xích Bích, Tôn Quyền lập tức phải đem quân vây đánh Hợp Phì, thế nhưng không thể hạ nổi. Sau đó, Tôn Quyền cũng nghe theo lời khuyên của Lã Mông mà cho xây dựng lũy phòng thủ ở Nhu Tu khẩu; mà để tiện coi giữ vùng hiểm yếu này, Kiến Nghiệp chính là nơi gần và chiến lược nhất. Trị sở mới này giúp ông cai quản tốt hơn vùng hạ lưu Trường Giang và thuận tiện cho việc liên lạc với các tướng lĩnh đóng ở các nơi.
Đầu năm 213, Tào Tháo khởi binh sang đông đánh Tôn Quyền, tiến đến Nhu Tu khẩu, đánh phá doanh trại và bắt được Đô đốc Công Tôn Dương của Tôn Quyền. Tôn Quyền cũng đem mấy vạn quân ra đón đánh, hai bên giằng co hơn một tháng trời. Tào Tháo thấy thủy quân Giang Đông mạnh mẽ chỉnh tề, biết là khó bằng được, bèn rút quân về, đồng thời lưu Trương Liêu ở lại trấn thủ Hợp Phì.
Sau chiến dịch Nhu Tu khẩu, nhiều người dân ở lưu vực Trường Giang chạy về phía nam theo Tôn Quyền, nhiều vùng đất ven sông gần như bỏ hoang. Năm 214, Tào Tháo sai Thái thú Lư Giang là Chu Quang đến huyện Hoán nhằm củng cố quyền kiểm soát của ông ở đây. Chu Quang cho dân chúng khai khẩn trồng trọt, lại thường kích động các toán cướp nổi loạn nhằm quấy nhiễu lãnh thổ của Tôn Quyền. Lã Mông lo lắng nếu Chu Quang thành công có thể sẽ trở thành mối nguy với Đông Ngô, bèn khuyên Tôn Quyền nên cất quân đánh chiếm huyện Hoán. Quân Tôn Quyền đến nơi, các tướng nhiều người muốn đắp núi đất và làm công cụ đánh thành, nhưng Lã Mông không đồng tình. Lã Mông cho rằng vây đánh công thành mất nhiều ngày, viện binh quân Tào mà đến thì không chắc thắng được nữa. Vả lại thủy quân Đông Ngô nhân lúc trời mưa, nước sông dâng cao mà đến; nếu ở lại lâu, nước rút thì về cũng khó khăn. Do đó, Lã Mông khuyên nên lập tức công thành, Tôn Quyền cho là phải, bèn hạ lệnh tấn công. Lã Mông và Cam Ninh đốc quân đánh gấp, chỉ mất một buổi sáng đã hạ được thành, bắt sống Chu Quang cùng mấy vạn dân thường. Quân cứu viện do Trương Liêu đến không kịp, đành phải rút về. Chiếm được huyện Hoán rồi, Tôn Quyền phong cho Lã Mông làm Thái thú Lư Giang.
Cũng trong năm 214, Lưu Bị sau khi vào Ích Châu đã xảy ra xung đột với Lưu Chương. Cuối cùng, quân Lưu Bị chiếm được toàn bộ Ích Châu. Tôn Quyền bèn cử Gia Cát Cẩn tới đòi lại Giang Lăng theo đúng ước hẹn khi trước. Lưu Bị từ chối, lại nói rằng để khi nào lấy xong Lương Châu sẽ trả lại. Tôn Quyền nghe thế giận lắm, bèn sai Lã Mông đem 2 vạn quân đánh lấy 3 quận nam Kinh Châu là Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng; sau đó sai Lỗ Túc đem 1 vạn quân ra đóng ở Ba Khâu để đề phòng Quan Vũ. Lưu Bị ở Ích Châu nghe tin, vội quay lại Kinh Châu, sai Quan Vũ đem quân chuẩn bị cự địch. Hai bên còn chưa giao chiến thì có tin Tào Tháo đem quân chuẩn bị đánh Hán Trung; Lưu Bị thấy rằng không thể tiếp tục mâu thuẫn với Tôn Quyền, bèn giảng hòa. Hai bên cùng phân chia lại ranh giới Kinh Châu; theo đó, Lưu Bị trao cho Tôn Quyền 2 quận Trường Sa và Quế Dương vừa bị chiếm để đổi lại việc hoàn toàn làm chủ Giang Lăng. Vấn đề “mượn Giang Lăng” và Kinh Châu coi như được giải quyết xong xuôi, hai bên cùng lui quân.
Tháng 8 năm 215, nhân lúc Tào Tháo còn đang bình định Hán Trung, Tôn Quyền bèn đem đại quân ra đóng ở Lục Khẩu, xưng là có 10 vạn quân, chuẩn bị tấn công Hợp Phì. Trấn thủ Hợp Phì là các tướng Trương Liêu, Lý Điển, Nhạc Tiến và 7000 binh sĩ. Khi trước, lúc Tào Tháo chuẩn bị đi đánh Hán Trung, có giao lại chỉ lệnh cho Hộ quân Hợp Phì là Tiết Đễ, dặn rằng khi nào địch đến hẵng mở ra. Lúc quân Tôn Quyền đến, Tiết Đễ mở chỉ lệnh, thấy ghi rằng: “Nếu Tôn Quyền đến; Trương, Lý tướng quân xuất chiến; Nhạc tướng quân thủ giữ; Hộ quân không được tham chiến.” Chỉ lệnh này thể hiện rõ khả năng nhìn nhận của Tào Tháo: Trương Liêu và Lý Điển dũng mãnh, có thể ra trận; Nhạc Tiến cẩn trọng có thể thủ thành; còn Tiết Đễ là văn quan, không xuất chiến.
Bấy giờ quân Đông Ngô đông đảo, quân Tào trong thành lo lắng, muốn thủ vững không ra đánh. Tuy nhiên, Trương Liêu cho rằng không nên làm thế. Lý do các tướng muốn thủ vững là để đợi viện binh của Tào Tháo; tuy nhiên hiện chủ quân Tào đã đến Hán Trung, muốn về Hợp Phì không thể ngày một ngày hai. Hơn nữa, đợi đến lúc quân Tào đến cứu viện thì thành đã bị hạ rồi. Vậy nhân lúc quân Đông Ngô mới đến, chưa kịp hợp binh, kéo ra đánh ngay mới có thể phá được sĩ khí địch, rồi mới thủ vững được thành. Các tướng nghe xong vẫn ngần ngại, Trương Liêu nổi giận bèn bảo rằng nếu họ còn nghi ngờ thì ông sẽ một mình quyết đánh. Lý Điển nghe thế, cảm động xin đi theo, dù bình thường hai người vốn bất hòa. Đêm đó Trương Liêu chọn lấy 800 quân tinh nhuệ, cùng Lý Điển tập kích thẳng vào doanh trại Đông Ngô. Tôn Quyền bị đánh bất ngờ, không kịp dàn trận phải rút chạy lên gò cao chống đỡ. Mãi sau biết quân Tào ít người, Tôn Quyền mới xua binh vây chặt. Trương Liêu thấy thế, lại đánh mở đường thoát ra, quân Ngô không đuổi được, sợ hãi mất vía. Trương Liêu về Hợp Phì rồi mới cho quân thủ vững, Tôn Quyền vây đánh hơn chục ngày không hạ nổi, đành phải rút quân về. Trương Liêu thấy thế bèn mở cổng thành đem quân truy kích. Quân Đông Ngô đang rút lui không kịp chống đỡ, bị đánh tan tác. Bản thân Tôn Quyền đi đoạn hậu cũng bị vây chặt, các tướng Cam Ninh và Lã Mông phải gắng hết sức chỉ huy quân sĩ chống cự. Lăng Thống thì phải cùng thân binh lăn xả vào để phá vây cứu Tôn Quyền, cuối cùng quân sĩ chết sạch, bản thân bị thương mới đưa được ông thoát thân.
Đầu năm 217, Tào Tháo sau khi từ Hán Trung về lại khởi binh đánh Nhu Tu khẩu lần nữa. Tôn Quyền đích thân dẫn quân đến tiếp viện cho Lã Mông. Hai bên giằng co quyết liệt, quân Ngô thủ vững nên quân Tào không cách nào phá được ải lũy Nhu Tu khẩu. Cuối cùng sau một tháng giao chiến, Tào Tháo lại rút quân, để Hạ Hầu Đôn ở lại đóng giữ Cư Sào. Tôn Quyền tuy đẩy lui được Tào Tháo, nhưng phần lớn quân lực của Tào Tháo vẫn do Hạ Hầu Đôn nắm giữ. Điều này dẫn đến thế bế tắc vì khi Tôn Quyền giữ quân ở Nhu Tu khẩu, Hạ Hầu Đôn không thể tiến quân đánh xuống phía nam; nhưng sau khi Tôn Quyền rời đi, Hạ Hầu Đôn sẽ lập tức gây chiến. Tôn Quyền thấy vậy nên sai sứ giả sang chỗ Tào Tháo giảng hòa và kết minh.
Cũng trong năm 217, Lỗ Túc bệnh nặng qua đời; Tôn Quyền vô cùng thương tiếc, đích thân đến viếng. Lã Mông sau đó nối chức Đại đô đốc, tiếp nhận hơn 1 vạn quân dưới quyền Lỗ Túc. Sau đó, Tôn Quyền lại phong cho Lã Mông làm Thái thú Hán Xương, trấn thủ vùng tiếp giáp Kinh Châu của Quan Vũ. Khác với Lỗ Túc là người chủ trương hòa hảo với Lưu Bị để chống Tào, Lã Mông lại có quan điểm khác hẳn là phải chiếm cho được toàn bộ Kinh Châu để kiểm soát hoàn toàn lưu vực Trường Giang, vì đó là yết hầu với toàn bộ Giang Đông. Cũng vì thế, tình hình liên minh Lưu - Tôn khi Lã Mông nắm quyền dần có sự chuyển biến lớn.
Chiếm Kinh Châu, phá vỡ liên minh
Với liên minh Lưu - Tôn, vấn đề Kinh Châu vẫn là một chuyện nhạy cảm khi hai bên đã nhiều lần xung đột ở đây. Mặc dù năm 214, Lưu Bị và Tôn Quyền đã phân chia lại ranh giới Kinh Châu lần cuối, nhưng cũng mới chỉ là giải quyết cái ngọn. Gốc rễ của mâu thuẫn Kinh Châu vẫn nằm ở chỗ: cả Lưu Bị và Tôn Quyền đều cần có Kinh Châu để thực hiện sách lược phát triển của mình. Với Lưu Bị, để thực hiện “Long Trung sách” thì cần có Kinh Châu làm bàn đạp tiến lên Trung Nguyên. Còn với Tôn Quyền cùng chủ trương kiểm soát Trường Giang và thủ vững Giang Đông thì đương nhiên Kinh Châu là nơi căn bản cần có. Khi Lã Mông nối chức Đại đô đốc đã lập tức khuyên Tôn Quyền nên tìm thời cơ mà đánh Quan Vũ chiếm Kinh Châu. Hơn nữa, ông cho rằng Quan Vũ là kẻ kiêu căng ngạo mạn, lại nắm trọng binh án ngữ ngay mặt hiểm yếu của Giang Đông, là mối họa ngay trước mắt. Nay nhân lúc binh mã Giang Đông còn cường thịnh, nên tìm cách trừ khử thì mới an tâm được. Liên minh Lưu - Tôn thực chất đã phai nhạt từ lâu, Tôn Quyền cũng nhiều lần không hài lòng với hành động của phía Lưu Bị. Hơn nữa, người chủ trương hòa hảo với Lưu Bị là Lỗ Túc nay đã qua đời, nên Tôn Quyền hết sức ủng hộ chủ trương của Lã Mông, sai ông chuẩn bị để khi có cơ hội sẽ lập tức tiến công.
Thực ra với Đông Ngô, một hướng phát triển nữa là chiếm lấy vùng Từ Châu để giải tỏa áp lực phía bắc cho ải phòng thủ Nhu Tu khẩu. Tôn Quyền cũng từng hỏi ý Lã Mông về việc này, rằng liệu Đông Ngô đánh chiếm lấy Từ Châu thì có khả năng không? Tuy nhiên, Lã Mông cho rằng không nên làm như vậy. Mặc dù lúc ấy binh mã quân Tào ở Từ Châu không nhiều, đánh có thể chiếm được, nhưng trăm hại không lợi. Vùng Từ Châu vốn là nơi bình nguyên bằng phẳng, thuận lợi cho bộ binh và kỵ binh tác chiến. Dẫu Đông Ngô có lấy được, nhưng kỵ binh tinh nhuệ của Tào Tháo muốn tấn công chỉ vài ngày là đến. Do đó, để giữ được Từ Châu không có 7-8 vạn quân không được; mà Giang Đông bấy giờ nhiều nhất cũng chỉ có trên dưới 10 vạn binh mã, lại chẳng giỏi chiến đấu trên bộ. Vì vậy, dồn sức đánh và chiếm Từ Châu không phải cách hay. Phương án tối ưu đương nhiên vẫn là chiếm lấy Từ Châu, kiểm soát toàn bộ các vị trí hiểm yếu dọc Trường Giang, lúc ấy với thủy quân tinh nhuệ Đông Ngô thì có thể thực sự thủ vững một góc đông nam.
Năm 219, theo đà chiến thắng của Lưu Bị ở Hán Trung trước Tào Tháo; Quan Vũ cũng phát động tấn công, đem quân vây đánh Phàn Thành. Quân Quan Vũ thế mạnh, lại tấn công bất ngờ nên khiến quân Tào trở tay không kịp. Bấy giờ lại đúng mùa mưa, nước sông dâng cao; Quan Vũ bèn lợi dụng tình thế mà cho quân cưỡi thuyền đánh thốc lên, tiêu diệt hoàn toàn bảy đạo quân của Vu Cấm và Bàng Đức. Tình thế lúc ấy nguy cấp, khiến Tào Tháo cũng lo lắng mà nghĩ chuyện dời đô để tránh đi.
Lã Mông biết tin Quan Vũ mải đánh Phàn Thành, biết rằng thời cơ sắp tới, chỉ ngại rằng quân phòng thủ Kinh Châu còn nhiều. Biết rằng Quan Vũ vẫn còn lo ngại mình, Lã Mông bèn dâng sớ bày kế, bảo Tôn Quyền rằng ông sẽ lấy tiếng đi chữa bệnh mà rời khỏi nơi trấn thủ. Tôn Quyền biết ý, bèn công khai phát hịch triệu Lã Mông trở về Kiến Nghiệp. Lã Mông về đến Vu Hồ thì gặp Lục Tốn, Lục Tốn bấy giờ bày tỏ lo ngại về chuyện ông rời nơi trấn thủ. Mặt khác, Lục Tốn cũng bày mưu rằng nên nhân lúc Quan Vũ đi xa mà cho quân sang đông đánh úp Kinh Châu. Lã Mông nghe thế, biết Lục Tốn có tài, khi về Kiến Nghiệp liền đề nghị Tôn Quyền cử Lục Tốn ra thay mình. Lục Tốn chưa có nhiều danh tiếng, Quan Vũ tất nhiên sẽ càng khinh thường và lơ là phòng bị. Tôn Quyền nghe theo, cử Lục Tốn ra trấn thủ thay Lã Mông. Quan Vũ quả nhiên không coi trọng, lại thêm Lục Tốn gửi thư tâng bốc, khuyên ông nên ra sức tập trung mặt bắc đánh Tào Tháo, nên Quan Vũ liền rút phần lớn binh lực phòng thủ để vây đánh Tương Dương - Phàn Thành. Phía Đông Ngô được tin, bèn lập tức xuất quân; Tôn Quyền cũng gửi thư cho Tào Tháo, xin được quy phục và ra quân đánh úp Quan Vũ.
Ở Kiến Nghiệp, Tôn Quyền lại cử Lã Mông làm Đại đô đốc, Chinh Lỗ tướng quân Tôn Kiểu làm phó, đem quân tiến đánh Kinh Châu. Mấy tháng sau, Lã Mông đưa quân vào Tầm Dương. Để tiến quân thuận lợi, Lã Mông ra lệnh quân sĩ mặc đồ trắng, cải trang thành thương nhân qua sông. Mặt khác, ông cử tinh binh mai phục trong các thuyền nhỏ, do đó nhanh chóng vượt qua các chốt phòng thủ của Quan Vũ, vượt sông tiến vào. Lã Mông sai Ngu Phiên đến dụ hàng hai tướng My Phương và Sĩ Nhân, hai người vốn có hiềm khích với Quan Vũ nên lập tức mở cổng thành đầu hàng, dâng Giang Lăng và Công An cho ông. Chiếm được thành trì, Lã Mông ra lệnh cho quân lính không được cướp đoạt và chém giết bách tính vô tội. Ngoài ra, Lã Mông còn tìm cách lấy lòng dân chúng, thăm hỏi người già, tặng thuốc cho người bệnh. Đối với tài sản của Quan Vũ, Lã Mông cho phong bế lại, nhất nhất không động đến mà đợi Tôn Quyền tới xử lý.
Quan Vũ bấy giờ đánh Phàn Thành mãi không được, cuối cùng lại bị quân cứu viện của Từ Hoảng đánh tan. Ông rút quân về thì nghe tin Giang Lăng và Công An đã mất, thế cùng phải chạy ra Mạch Thành. Quân mã các nơi Kinh Châu không còn ý chí chiến đấu, lần lượt ra hàng Tôn Quyền. Tôn Quyền lại sai Phan Chương, Chu Nhiên đem quân chặn đường chạy về phía tây của Quan Vũ. Đến đầu năm 220, Quan Vũ và con là Quan Bình bị bắt tại Chương Hương; hai người đều bị chém đầu, toàn bộ phần Kinh Châu do Lưu Bị nắm giữ đều thuộc về Đông Ngô.
Tôn Quyền sau khi giết Quan Vũ, bèn đem đầu ông đến Lạc Dương nộp cho Tào Tháo, ý muốn cho Lưu Bị biết rằng mình giết Quan Vũ là làm theo lệnh Tào Tháo. Tuy vậy, Tào Tháo không mắc lừa; một mặt cho hậu táng Quan Vũ, mặt khác vẫn phong Tôn Quyền làm Phiêu kỵ tướng quân, nắm chức Thứ sử Kinh Châu và được tước Nam Xương hầu. Làm như thế, Tào Tháo ám chỉ rằng Tôn Quyền giết Quan Vũ là tự ý; quả nhiên về sau khi khởi binh, Lưu Bị nhất quyết muốn sang đông đánh Tôn Quyền chứ không quan tâm mặt bắc.
Năm 220, Tào Tháo qua đời, con ông là Tào Phi kế vị ngôi Ngụy vương. Đến cuối năm, Tào Phi ép Hán Hiến đế nhường ngôi cho mình, lập nhà Ngụy. Đối với diễn biến này, Tôn Quyền chưa lập tức quyết định có nên xưng thần ngay với nhà Ngụy không hay sẽ đứng lên phản đối, mà sẽ chờ một thời gian xem xét tình thế. Ngược lại với Tôn Quyền, Lưu Bị ở Ích Châu lập tức tự xưng Hoàng đế với danh nghĩa kế tục nhà Hán. Và cũng sau đó, ông quyết định khởi binh tấn công Đông Ngô để báo thù cho Quan Vũ và chiếm lại Kinh Châu. Tháng 8 năm 221, 4 vạn quân Thục Hán do Lưu Bị đích thân lãnh đạo bắt đầu tiến vào địa phận Kinh Châu. Tôn Quyền thấy quân Thục Hán không nhiều nhưng thế mạnh, bèn cử Thái thú Nam Quận là Gia Cát Cẩn làm sứ sang cầu hòa. Tuy nhiên, Lưu Bị không chấp nhận cầu hòa. Lo sợ nước Ngụy có thể thừa cơ tiến đánh, Tôn Quyền quyết định cử sứ giả đến Lạc Dương dâng biểu xưng thần với Tào Phi. Thị trung Lưu Diệp lúc ấy khuyên Tào Phi lập tức đem đại quân vượt Trường Giang đánh tập kích, Đông Ngô sẽ không thể chống cự nổi, sau đó cùng Thục Hán phân chia lãnh thổ. Rồi nhân lúc Thục Hán đánh Ngô xong mệt mỏi, thừa dịp tiến quân sang tây thì có thể thống nhất thiên hạ được. Nhiều sử gia coi đó là thời cơ có một không hai để Ngụy thống nhất Trung Hoa, và thực tế trong tương lai cơ hội thuận lợi như thế này không trở lại nữa. Nhưng Tào Phi lo sợ rằng Ngụy mới lập, không tiện xuất đại binh và còn phải ổn định tình hình, chấp nhận cho Tôn Quyền thần phục, lại phong ông làm Ngô vương.
Mặt bắc tạm yên, Tôn Quyền dồn sức chống đỡ quân Thục Hán. Vì Lã Mông đã bệnh mất không lâu sau khi chiếm Kinh Châu nên Tôn Quyền phong Lục Tốn làm Đại đô đốc, đem 5 vạn quân cự địch. Năm 222, Lục Tốn đại thắng trong trận Di Lăng - Hào Đình, dùng hỏa công thiêu cháy 40 doanh trại quân Thục, khiến Lưu Bị phải tháo chạy về thành Bạch Đế. Chiến dịch đông chinh của Thục Hán thất bại, hình thế chia ba thiên hạ đã định, Đông Ngô từ đó giữ vững được Kinh Châu.
Hoàng đế Đông Ngô
Tôn Quyền tuy ngoài mặt thần phục nước Ngụy, nhưng kỳ thực đó chỉ là kế sách để ông có thể tập trung chống lại quân đông chinh của Thục Hán. Khi trước lúc Tào Phi phong cho Tôn Quyền làm Ngô vương, có yêu cầu ông đưa con trưởng Tôn Đăng sang làm tin; thế nhưng Tôn Quyền nhiều lần khước từ. Việc này khiến Tào Phi tức giận, thế nên vào tháng 9 năm 222, nước Ngụy xuất quân đánh Đông Ngô. Tào Phi chia quân làm 3 hướng, lần lượt tấn công vào Đỗng Khẩu, Nhu Tu khẩu và Nam Quận. Tôn Quyền cũng cử quân ra chống giữ hơn một tháng trời. Tuy vậy, ông lo ngại các vùng phía nam có thể thừa cơ nổi loạn, nên lại gửi thư sang cầu hòa với Tào Phi, xin được gửi Thừa tướng Tôn Thiệu và Trương Chiêu sang thay cho con trai. Tuy nhiên Tào Phi không cho, nhất quyết đòi Tôn Quyền phải đưa con sang làm tin thì mới lui binh. Việc này làm Tôn Quyền tức giận, ông bèn tự đặt niên hiệu là Hoàng Vũ, tức là ngầm tỏ ý ly khai, không thuần phục nước Ngụy nữa; sau đó đích thân đem binh ra tiếp viện.
Hai bên Ngô - Ngụy giao tranh nhiều tháng, đều có thắng có thua. Quân Ngụy không phá được ải Nhu Tu khẩu, vây được Giang Lăng nhưng không hạ được thành. Đánh nhau mấy tháng, tướng Hạ Hầu Thượng của Ngụy nhân thấy nước sông rút, bèn muốn đem quân mã ra giữa sông đóng trại để hạ thành. Tuy nhiên, Đổng Chiêu dâng sớ cho Tào Phi khuyên can, bảo rằng không nên khinh địch mà ra đóng quân chỗ hung hiểm chật hẹp; vả lại nước sông chỉ tạm rút và đang dâng lại, quân Ngụy khó có thể phòng ngự. Tào Phi nhận thấy thế, vội truyền lệnh cho Hạ Hầu Thượng rút quân. Quả nhiên quân Ngô hai đầu cùng truy kích, quân Ngụy chỉ có một đường lui nên suýt bị đánh tan. Mấy ngày sau, nước sông lên to, mà dịch bệnh lại hoành hành, cuối cùng Tào Phi buộc phải lui quân.
Cũng trong năm 223, Lưu Bị sau khi thua trận đã có động thái giảng hòa với Tôn Quyền. Khi ông qua đời có trao đại quyền cho Thừa tướng Gia Cát Lượng, hai bên Lưu - Tôn một lần nữa liên minh cùng chống lại nước Ngụy. Trong hai năm 224 và 225, Tào Phi hai lần thân chinh đánh Ngô, nhưng đều không thành công. Nhất là lần xuất chinh năm 225 vào mùa đông, nước sông Trường Giang đóng băng khiến thuyền chiến không vào được. Thấy cảnh ấy, lại thêm việc quân Đông Ngô phòng thủ vững vàng, Tào Phi đã phải lui binh mà than rằng: “Là trời cố tình ngăn cách nam bắc vậy!” Đến năm 226, khi Tào Phi qua đời, Tôn Quyền cũng tấn công Giang Hạ, nhưng không đánh hạ được thành do Văn Sính trấn thủ, cuối cùng ông cũng buộc phải rút quân.
Cùng năm ấy, Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp qua đời, Tôn Quyền phong cho con ông là Sĩ Huy làm Thái thú Cửu Chân và cử Trần Thời đến thay chức Sĩ Nhiếp. Ngoài ra, Tôn Quyền cũng chia Giao Châu ra làm hai châu Giao và Quảng. Ông phong Lã Đại làm Thứ sử Quảng Châu, Đái Lương làm Thứ sử Giao Châu, cho Trần Thời thay chức Sĩ Nhiếp. Các quan của Ngô đến nơi thì Sĩ Huy đem quân ra chống giữ. Lã Đại cất quân đến thuyết phục anh em Sĩ Huy ra hàng, rồi giết hết tất cả, chấm dứt sự cai trị của họ Sĩ ở Giao Châu. Đông Ngô sau đó lại hợp hai châu Giao và Quảng lại, để Lã Đại làm Thứ sử bình định những nơi chống đối. Các nước Phù Nam, Lâm Ấp và Đường Minh ở ngoài biên giới hay tin, đều sai sứ tiến cống và thần phục Đông Ngô.
Năm 228, Đông Ngô giành được một thắng lợi nhỏ trước Ngụy, khi Tôn Quyền sai Chu Phường giả vờ đầu hàng Tào Hưu. Tào Hưu mắc mưu, dẫn quân tiến về phía nam để thu hàng Chu Phường; giữa đường bị trúng mai phục của Chu Phường và Lục Tốn. Quân Ngụy thiệt hại nặng, nhưng may được Giả Quỳ đem quân cứu viện tới kịp mà về được. Nhân việc này, Thừa tướng Gia Cát Lượng bên Thục Hán bèn xuất quân bắc phạt đánh Ngụy, bắt đầu các chiến dịch liên tiếp, thường được gọi là “Lục xuất Kỳ Sơn”.
Tháng 6 năm 229, Tôn Quyền tự xưng Hoàng đế, cải niên hiệu thành Hoàng Long; sau đó truy tôn cho cha mình Tôn Kiên làm Vũ liệt Hoàng đế, truy tôn cho anh trai Tôn Sách làm Trường Sa Hoàn vương. Ông cũng lập con cả Tôn Đăng làm Hoàng thái tử, lại phong con trai Tôn Sách là Tôn Thiệu làm Ngô hầu. Việc Tôn Quyền xưng đế khiến triều đình Thục Hán nổi giận, vì cho rằng hành động này là ngang nhiên phá bỏ minh ước. Nhiều đại thần Thục Hán cho rằng việc Tôn Quyền xưng đế là phản lại nhà Hán mà họ đang tiếp nối và đều đòi đánh Ngô. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng phản đối việc hủy liên minh và đánh Ngô, vì ông biết rõ nếu Thục - Ngô giao tranh thì sẽ thành miếng mồi ngon cho Ngụy. Gia Cát Lượng sai sứ sang chúc mừng Tôn Quyền, lại cùng ký một hiệp ước liên minh khác, chủ yếu vẫn xoay quanh việc hai nước giúp nhau chống Ngụy và nếu thành công thì cùng chia đất đai Trung Nguyên. Cuối năm này, Tôn Quyền chính thức cho dời đô về Kiến Nghiệp.
Năm 230, Tôn Quyền lại cử binh tấn công Hợp Phì, rốt cục cũng không hạ được thành mà lại lui binh. Cũng trong năm này, Tôn Quyền cử hai tướng Vệ Ôn và Gia Cát Trực đem 1 vạn thủy quân vượt biển tìm Di Châu và Đản Châu với mục đich là bắt dân ở đấy về. Hai người Lục Tốn và Toàn Tông hết sức can ngăn, nhưng Tôn Quyền không nghe. Quả nhiên quân Ngô lênh đênh trên biển hơn một năm, mắc bệnh chết gần hết. Vệ Ôn và Gia Cát Trực chỉ đến được Di Châu, bắt mấy nghìn dân về. Thế nhưng thay vì thừa nhận sai lầm, Tôn Quyền lại định tội hai người rồi đem chém.
Có lẽ vì lo ngại việc Tôn Quyền dần kém minh mẫn nên năm 232, Thái tử Tôn Đăng từ Vũ Xương về Kiến Nghiệp, trao mọi việc lại cho Đại đô đốc Lục Tốn. Trong năm này, Tôn Quyền lại lần nữa phạm sai lầm. Ông sai hai tướng Chu Hạ và Bùi Tiềm đi thuyền vượt biển đến Liêu Đông để mua ngựa của Công Tôn Uyên, mục đích chính là nhằm mua chuộc để Công Tôn Uyên làm loạn nước Ngụy. Tuy nhiên, Ngu Phiên can ngăn và cho rằng việc này không có lợi. Tôn Quyền nổi giận, đày ông đến quận Thương Ngô. Chu Hạ và Bùi Tiềm quả nhiên bị quân Ngụy đón đánh trên đường về, cả hai đều bị giết. Tôn Quyền lúc biết tin mới hối hận, định triệu Ngu Phiên về thì lúc ấy ông đã mất.
Năm 233, Công Tôn Uyên cử sứ giả đến dâng biểu xưng thần với Đông Ngô. Tôn Quyền mừng lắm, quyết định phái các tướng Trương Di, Hứa Yến và Hạ Đạt đem 1 vạn quân cùng sứ giả theo về, đem theo lễ nghi phong cho Công Tôn Uyên làm Yên vương. Quần thần hết sức can ngăn, cho rằng chưa nên hoàn toàn tin tưởng Công Tôn Uyên, Trương Chiêu cũng cho rằng giả sử Công Tôn Uyên không thật lòng thần phục, nếu lại tráo trở thì Ngô lại thiệt hại. Tôn Quyền nổi giận, vẫn cử quân đi mà không nghe ai khuyên bảo. Quả nhiên các tướng Ngô đến nơi đều bị Công Tôn Uyên đem chém mang đầu nộp cho Ngụy đế Tào Duệ. Nghe được tin này, Tôn Quyền rất tức giận và muốn ngay lập tức thân chinh đánh Công Tôn Uyên. Lúc đầu, ngay cả Lục Tốn cũng không thể ngăn cản ông, nhưng sau khi quần thần nhiều người dâng biểu can gián, Tôn Quyền cũng nghe theo. Để bày tỏ lòng thành, ông đích thân tới nhà Trương Chiêu để xin lỗi.
Năm 234, theo lời thỉnh cầu của Thục Hán trong chiến dịch bắc phạt cuối cùng của Gia Cát Lượng; Tôn Quyền đích thân đem quân đánh Hợp Phì, đồng thời cử Lục Tốn và Gia Cát Cẩn tấn công Tương Dương, Tôn Thiều cùng Trương Thừa đánh Quảng Lăng. Tuy nhiên lương thảo không đến kịp, mà Ngụy đế Tào Duệ lại đích thân xuất chinh, thêm việc quân Ngô nhiều người mắc bệnh; cuối cùng Tôn Quyền lại phải lui binh.
Năm 238, tướng nước Ngụy là Tư Mã Ý đem quân đánh Liêu Đông, Công Tôn Uyên bèn cầu cứu Tôn Quyền. Dù vẫn thù Công Tôn Uyên, Tôn Quyền nhận thấy vẫn có thể lợi dụng tình hình để đánh Ngụy, do đó ông không bác bỏ lời cầu cứu ngay. Tuy nhiên, vì Tư Mã Ý nhanh chóng đánh bại Công Tôn Uyên, Tôn Quyền không kịp cử quân bắc phạt theo kế hoạch.
Cuối đời và nhận định
Từ khoảng thời gian này, Tôn Quyền bắt đầu phạm nhiều sai lầm hơn, việc triều chính dần có dấu hiệu loạn. Ông sủng ái một thủ hạ là Lã Nhất, vì thế người này thường bày đặt hãm hại người khác, lại dùng hình nghiêm khắc. Thái tử Tôn Đăng can gián nhiều lần mà ông không nghe, quần thần vì thế sợ hãi mà chẳng dám nói gì. Đến khi Lã Nhất mắc tội vu khống bị phát hiện rồi bị xử tử, Tôn Quyền mới hối hận. Ông viết thư gửi những thủ hạ lâu năm là Gia Cát Cẩn, Bộ Chất, Chu Nhiên và Lã Đại để nhận sai, đồng thời bảo họ thẳng thắn can gián bất cứ khi nào thấy ông phạm sai lầm.
Năm 239, Tào Duệ qua đời, Ngụy đế Tào Phương còn nhỏ, được quần thần phụ chính. Do đó đầu năm 241, Tôn Quyền muốn xuất quân đánh Ngụy. Thế nhưng ông không nghe lời khuyên của Thái thú Linh Lăng Ân Trát là liên minh với Thục giáp công Ngụy từ 4 hướng. Chiến dịch sau đó cũng không thu được thành quả gì, quân Ngô bại trận phải lui quân.
Cũng trong năm này, Thái tử Tôn Đăng qua đời khi mới 33 tuổi. Trước khi chết, Thái tử có làm một tờ di biểu bày tỏ nỗi lòng và khuyên ngăn Tôn Quyền về những việc tương lai, Tôn Quyền xem xong thì sa nước mắt. Ngôi trữ quân bỏ trống khiến những tranh cãi trong triều nổi lên và việc này dần khiến Tôn Quyền chán nản. Năm 242, ông lập con thứ ba Tôn Hòa làm Thái tử. Vì yêu một người con khác là Tôn Bá nên ông cũng phong người này làm Lỗ vương, cho hưởng nhiều quyền lợi ngang Thái tử. Hành động này đã khiến triều đình chia làm nhiều phe cánh, vì họ cho rằng bất cứ lúc nào Tôn Quyền cũng có thể đổi trữ quân. Nhiều người theo phe Tôn Bá vì cho rằng rất có thể Thái tử Tôn Hòa sẽ bị lật đổ. Đến khi cả Tôn Hòa và Tôn Bá trưởng thành và có phủ riêng, quan hệ giữa họ dần xấu đi và tranh chấp nổ ra.
Bởi nghe lời gièm pha của con gái cả là Tôn Lỗ Ban, Tôn Quyền trách cứ mẹ Tôn Hòa là Vương phu nhân vì việc này – khiến bà âu buồn mà chết. Ông cũng ngăn cản các quan gặp Tôn Hòa và Tôn Bá với mục đích khiến họ không thể tạo lập vây cánh lớn mạnh trong tương lai, nhưng không thể ngăn chặn tham vọng của Tôn Bá. Phe cánh của Tôn Bá nhiều lần gièm pha Tôn Hòa, và khi Lục Tốn dâng sớ can gián để bảo vệ Thái tử; phe cánh Tôn Bá bèn vu cáo ông. Việc này khiến Tôn Quyền giận dữ và nhiều lần đưa thư trách cứ Lục Tốn, khiến ông phẫn uất mà qua đời. Con Lục Tốn là Lục Kháng khi ấy nắm quân thay cha, đưa linh cữu ông về Kiến Nghiệp, lại bày tỏ rõ mọi việc, Tôn Quyền mới nguôi giận. Việc Tôn Bá kết bè đảng hãm hại Thái tử làm Tôn Quyền rất căm ghét. Hơn nữa, ông cũng cho rằng việc Tôn Hòa và Tôn Bá tranh chấp ngôi trữ quân khiến thiên hạ chê cười, bèn có ý phế Tôn Hòa, nhưng chưa quyết.
Năm 248, ở các quận Giao Chỉ và Cửu Chân có loạn (theo sử Việt thì thủ lĩnh cuộc nổi loạn này là Triệu Thị Trinh). Tôn Quyền bèn cử Lục Dận là cháu họ Lục Tốn làm Thứ sử Giao Châu đem quân bình định, chiêu hàng hơn 5 vạn nhà.
Năm 250, Tôn Quyền quyết định xử lý triệt để vấn đề tranh chấp ngôi trữ quân. Ông sai giam Thái tử vào ngục, các quan nhiều người can ngăn không được. Phiêu kỵ tướng quân Chu Cứ là phò mã can gián không được, bèn cùng Thượng thư bộc xạ Khuất Hoảng và nhiều quan lại tự trói mình quỳ xin. Tôn Quyền nổi giận, giết cả họ hai quan là Trần Chính, Trần Tượng; đuổi Khuất Hoảng về quê, đày Chu Cứ đi rồi lại cử người đuổi theo ban chết. Ông cũng ép Tôn Bá phải tự tử, giết hết bè đảng, phế Tôn Hòa làm dân thường và lập con út Tôn Lượng mới 8 tuổi làm Thái tử.
Năm 251, Tôn Quyền lập mẹ Thái tử Tôn Lượng là Phan phu nhân làm Hoàng hậu. Ông cũng muốn triệu phế Thái tử Tôn Hòa về do thấy con mình không có lỗi, nhưng bị những người ủng hộ Tôn Lượng phản đối. Tôn Quyền bấy giờ già yếu, mà Thái tử còn nhỏ, nên ông muốn ủy thác một người tài năng để phò tá. Có người tiến cử Đại tướng quân Gia Cát Khác là con Gia Cát Cẩn, vì người này nhiều lần cầm quân dẹp loạn thành công, có danh tiếng. Tôn Quyền vẫn lo rằng Gia Cát Khác kiêu ngạo cứng rắn, về sau tất có chuyện, nhưng bấy giờ ít ai thích hợp, nên ông vẫn cho triệu Gia Cát Khác về, phong làm Thái tử Thái phó.
Năm 252, Tôn Quyền phong phế Thái tử Tôn Hòa làm Nam Dương vương, cho ở Trường Sa; phong các con Tôn Phấn làm Tề vương, Tôn Hưu làm Lang Nha vương. Tôn Quyền bấy giờ già yếu bệnh nặng, cuối cùng qua đời ngày 21 tháng 5 tại Kiến Nghiệp, thọ 70 tuổi; Thái tử Tôn Lượng mới 10 tuổi kế vị. Ông được truy tôn làm Đại Hoàng đế, miếu hiệu là Thái tổ.
So với hai người lập nên nền móng của Ngụy và Thục Hán là Tào Tháo - Lưu Bị thì quả thực Tôn Quyền ít nổi tiếng hơn hẳn. Thực ra trong một thời kỳ loạn lạc như Tam Quốc, tất nhiên những nhân vật có nhiều chiến tích trên chiến trường sẽ nổi danh hơn. Trong khi đó, Tôn Quyền vẫn thường được đánh giá là không giỏi binh đao mà giỏi việc cai trị hơn. Ngay cả Tôn Sách lúc lâm chung phó thác cơ nghiệp cho ông cũng vì lý do này, và đã đánh giá Tôn Quyền rằng:
Cất bộ chúng Giang Đông, quyết cơ giữa vùng Lưỡng Trần, cùng thiên hạ tranh giành, em không bằng ta; nhưng tiến cử người hiền nhậm dụng người tài, khiến họ đều dốc lòng bảo vệ Giang Đông, ta không bằng em.
Sự thực sau đó đã chứng minh, Tôn Quyền thực ra chẳng mấy khi thực sự cầm quân đánh trận, mấy lần hãn hữu thì hầu như toàn thua. Thế nhưng trong quá trình bảo vệ và bành trướng thế lực Giang Đông, ông luôn biết cách dùng đúng người để thu lại thành quả. Từ trận Xích Bích, tranh giành Kinh Châu, bình định phương nam, đánh úp Quan Vũ, đại phá quân Thục; các tướng do Tôn Quyền trọng dụng đều đạt được thành công lớn, bất kể người đó có danh tiếng hay không. Hơn nữa, dù thất bại trong những chiến dịch mở rộng lãnh thổ về sau, nhưng Tôn Quyền vẫn bảo vệ được vững vàng địa phận của mình, đó cũng là một điều đáng khen. Do ảnh hưởng từ “Tam quốc diễn nghĩa”, nhiều người thường không có cái nhìn tích cực về ông, chủ yếu là từ sự việc đánh úp Quan Vũ và chiếm Kinh Châu.
Thế nhưng như đã phân tích rõ ở trên, sách lược phát triển của Giang Đông thời điểm đó buộc phải có Kinh Châu để kiểm soát hoàn toàn Trường Giang. Tôn Quyền tự biết binh mã Giang Đông không nhiều và tinh nhuệ được bằng binh mã Trung Nguyên; lợi thế của ông hầu như chỉ nằm ở địa thế Trường Giang và thủy quân tinh nhuệ. Bởi vậy, lấy Kinh Châu là việc nhất thiết phải làm. Và những việc như quay sang hòa hoãn với Tào Tháo, sau này lại xưng thần với Tào Phi, cũng chỉ xuất phát từ lợi ích tạm thời, chứ Tôn Quyền vẫn luôn có tham vọng tranh bá một phương. Những việc Tôn Quyền làm tất nhiên phải vì lợi ích của Giang Đông đã, bởi vậy cũng nên đánh giá ông một cách khách quan và công bằng hơn.
Trong hơn 50 năm cầm quyền ở vùng Giang Đông, từ khi vẫn còn là thủ lĩnh quân phiệt đến khi làm Hoàng đế, Tôn Quyền có thể giúp được địa phận của mình phát triển vững chắc và tương đối ổn định, yên bình. Tuy vậy vào những năm cuối đời, ông mắc nhiều sai lầm khiến triều đình hỗn loạn, nhiều quan lại tài năng bị giết oan. Đặc biệt cách xử lý của ông trong vấn đề trữ quân đã đẩy triều đình Đông Ngô vào cảnh chia bè kết phái. Hậu quả của nó kéo dài mãi về sau, và là một trong những nguyên nhân khiến Đông Ngô dần suy bại sau thời Tôn Quyền.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất