Mấy năm trước, cái thời còn đam mê thiên văn học, tôi từng xem một bộ phim tài liệu về cuộc trò chuyện giữa ba bộ óc vĩ đại là Stephen Hawking, Carl Sagan và Arthur C. Clarke. Nói thì nói nhiều, nhưng có một đoạn thế này, ấy là khi dẫn chương trình hỏi Arthur C. Clarke quan điểm về vai trò của chính trị, tôn giáo so với khoa học ngày nay, tác giả của 2001: A Space Odyssey, trả lời rằng: “Tôi rất thích trích dẫn Nero về vấn đề này, rằng chính trị và tôn giáo đã lỗi thời. Đã tới thời đại dành cho khoa học và tinh thần.”. Arthur vừa dứt lời thì có tín hiệu “xin” được lên tiếng từ phía Stephen Hawking, người dẫn chương trình mời ông phát biểu. Stephen cặm cặm cụi cụi ấn những chiếc nút điều khiển trên đôi tay đông  cứng, rồi một lúc sau, cái giọng tiếng Anh nhừa nhựa theo kiểu Hello, I am Siri vang lên: “Tôi không cho rằng vật lý dạy cho người ta biết cách đối xử ra sao với những người hàng xóm.”
Image may contain: 1 person

Ý tôi là, những lúc chán chán, tôi rất thích xem những cuộc đàm luận, chặt chém của những con người vĩ đại. Như giữa Hawking – Sagan – Clarke, như giữa hai triết gia Chomsky và Foucault, đại loại vậy. Bởi khi những bộ óc lớn va đập vào nhau hẳn cũng nảy ra lắm chuyện hay ho. Bảo sao người ta không tiếc cái lần Joyce gặp Proust, đường đường hai đại văn hào, vậy mà chẳng nói được câu chuyện chữ nghĩa nào cho ra hồn mà chỉ ngồi ca cẩm về mấy bệnh mãn tính như đau đầu và đau bụng. Thiên tài thì cũng mướt mải vì đau bụng cả thôi.
Nói là thích Hawking vì đọc Lược sử thời gian, Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, Thiết kế vĩ đại thì chắc chắn không phải. Sách của Hawking bán chạy hơn cả sách của Michael Jackson, nhưng thực tình trong số những cây viết dòng sách pop science, tôi liệt Hawking vào dạng mà tôi… kém ưa nhất, bởi vì ông… ngắn gọn quá, ông không vẽ mây vẽ hươu như kiểu Brian Greene, cũng không tiểu tiết như Michio Kaku, mà vì ông thuộc dạng thiên tài, nên nhiều lúc đọc thấy hơi kiêu căng, có khi còn hơi bảo thủ.
Tóm lại là tôi không thích Hawking khi ông viết, nhưng lại thích Hawking khi ông nói. Vì căn bệnh khiến ông liệt hoàn toàn, không đi lại, không nói năng, không cử động được ấy mà cách trò chuyện của ông trở nên châm biếm hơn bao giờ hết. Trong số những cuộc trò chuyện với Hawking, vui nhất chính là cuộc trò chuyện trên show Last week tonight with John Oliver.
Oliver: Được biết ông tin rằng có vô số những vũ trụ song song, vậy điều đó có nghĩa là có một vũ trụ nào đó ngoài kia, mà tôi thông minh hơn ông hay không?
Stephen: Có. Và có cả vũ trụ nơi anh là một người thú vị.
Oliver: Hãy trả lời có hoặc không cho những câu hỏi sau, liệu có khả năng tồn tại sự sống ngoài trái đất không, theo lý thuyết?
Stephen: Có
Oliver: Một lỗ sâu đục Schwarschild thì sao?
Stephen: Có
Oliver: Vậy còn việc tôi đi hẹn hò với Charlize Theron?
Stephen: Không.
Và bạn cứ phải nghe cái giọng máy tính không biểu cảm của Stephen.  

Quay trở lại chuyện viết lách, như đã nói ban nãy, tôi không thích Stephen vì ông luôn kiệm chữ. Tôi từng bảo rằng, viết về quá khứ thì không ai viết ngắn, Rousseau hay Proust hay De Gaulle đều tràng giang đại hải khi hồi tưởng quãng đời đã sống của mình. Trừ Stephen. Vũ trụ 14 tỉ năm ông gói gọn lại trong vài trăm trang của Lược sử thời gian. Cuộc đời vài chục năm ông đúc kết thành mấy chục trang trong Lược sử đời tôi. Có lẽ đó là cách suy nghĩ của một nhà khoa học, biến thế giới phức tạp thành những công thức hai, ba dòng. Tôi đồ rằng chính họ chứ không ai khác đã khai sinh ra minimalism, trường phái tối giản mà ngày nay người ta cứ phát rồ phát dại.
Ngày hôm nay, Stephen Hawking qua đời. Tôi nghĩ một cuộc đời đã sống thăng hoa như thế thì khi ra đi, không cần ai phải tiếc thương hay khóc lóc. Điều nuối tiếc duy nhất là khi tôi xem lại cuộc trò chuyện giữa Hawking cùng Clarke và Sagan, tôi  nhận ra họ đều không còn nữa. Lúc đó tôi mới nghĩ đến cách Sagan đã viết về một tấm ảnh chụp Trái Đất từ ngoài vũ trụ, rằng “Hãy nhìn vào cái chấm ấy. Nó là đây. Nó là nhà. Nó là chúng ta. Ở trên đó là tất cả những ai  bạn yêu, tất cả những ai bạn biết, tất cả những ai bạn từng nghe kể, từng cá thể đã từng tồn tại. Tất cả những niềm vui và nỗi đau, hàng ngàn tín ngưỡng, giáo điều, lý thuyết kinh tế, mọi thợ săn và kẻ cày ruộng, mọi anh hùng và kẻ hèn nhát, cả những kẻ tạo ra và những kẻ đã hủydiệt nền văn minh, cả vua và cả nông dân, cả những cặp vợ chồng trẻ tuổi, mọi người cha và người mẹ, mọi đứa trẻ đầy hy vọng, mọi nhà sáng chế và nhà thám hiểm, mọi vị thầy về tiết hạnh, mọi chính trị gia ô trọc, mọi "siêu sao", mọi "nhà lãnh đạo tối cao", mọi thánh nhân và tội nhân trong lịch sử loài người, đều sống ở đó - trên một mảnh bụi lửng lơ trong ánh sáng mặt trời.”
Hawking là một vĩ nhân. Sagan cũng vậy. Clarke cũng thế. Nhưng họ đều phải chết. Chỉ có vũ trụ sẽ mãi sống thôi.