Hình ảnh sách
Hình ảnh sách
Nhắc đến thành công chúng ta thường nghĩ ngay đến ba yếu tố cơ bản dưới đây: động lực, năng lực và cơ hội. Nói một cách khác, thành công là kết quả của việc lao động chăm chỉ kết hợp với tài năng và sự may mắn. Nhận định nêu trên là đúng tuy nhiên chưa thực sự đầy đủ.
Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy cùng nhiều cuộc khảo sát nghiên cứu tâm lý học chuyên sâu, giáo sư Adam Grant phát hiện ra rằng thành công không chỉ phụ thuộc các yếu tố sự chăm chỉ, may mắn hay tài năng.
Một yếu tố quan trọng khác có ảnh hưởng rất lớn đến thành công nhưng rất ít ai biết đến sự có mặt của yếu tố vô cùng quan trọng này, đó là mối quan hệ cho - nhận. Mối quan hệ cho - nhận hiểu một cách đơn giản là cách thức con người tiếp cận và giao tiếp với người khác trong công việc cũng như đời sống. 
Trong cuốn sách “Give and Take”, tác giả Adam Grant đã phân chia ba kiểu tính cách đặc trưng trong mối quan hệ cho - nhận, tác giả cũng chứng minh rõ ràng cho bạn đọc thấy được việc cho đi, làm người tốt không phải lúc nào cũng là sự ngu dốt như nhiều người thường nghĩ.
Dù rằng ban đầu, việc cho đi có thể khiến bạn phải chịu đôi chút thiệt thòi, đồng thời khi cho đi không có gì đảm bảo bạn sẽ nhận được lợi ích hay có được thành quả ngay lập tức. Nhưng xét trên phương diện dài hạn, nếu biết cách cho đi đúng đắn bạn sẽ gặt hái được thành công lớn, có giá trị bền vững.
Nhưng hành động cho đi mà tác giả bàn luận đến không giới hạn trong khái niệm bó hẹp như việc làm từ thiện, hay buộc một người phải giúp đỡ người khác đến cạn kiệt sức lực. 
Ý nghĩa thực sự của cho đi được bàn luận trong cuốn sách là một chiến lược, là một nghệ thuật sống mà mỗi người chúng ta cần học hỏi mỗi ngày, đặc biệt trong một xã hội đang có nhiều khái niệm đang bị đánh tráo và hiểu lầm như hiện nay.
Và để hiểu được vì sao giúp người dẫn đến thành công, chúng ta phải hiểu rõ về đặc điểm của mối quan hệ cho - nhận.

Mối quan hệ cho - nhận sẽ có ba kiểu tính cách đặc trưng sau đây:

Nhóm cho: Họ là những người sẵn sàng giúp đỡ, mang lại lợi ích cho người khác, họ là những người luôn vô tư khi giúp đỡ người khác không nghĩ quá nhiều về việc nhận lại hoặc khoản chi phí thu về.
Nhóm nhận: Đây là những người thường chỉ muốn nhận về lợi ích cho bản thân, họ chỉ giúp đỡ người khác sau khi đã phân tích thiệt hơn, nhận thấy rằng lợi ích mình đặt được nhiều hơn chi phí đã bỏ ra, hành động của họ luôn dựa trên những mục đích nhất định.
Nhóm dung hòa: Là nhóm phổ biến nhất trong môi trường công sở cũng như xã hội hiện nay. Những người thuộc nhóm dung hòa thường hành động dựa trên nguyên tắc: "Giúp đỡ người khác dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi". Phương châm của nhóm này là “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Đây là mối quan hệ được kiểm soát bằng sự trao đổi lợi ích. 
Internet
Internet
Về cơ bản, cho, nhận, dung hòa là ba đặc điểm tích cách tiêu biểu trong mối quan hệ xã hội. Mỗi nhóm đều có những ưu thế, hạn chế riêng và ranh giới phân biệt chúng khá mơ hồ.
Song song với đó, mỗi người chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi vai trò trong mối quan hệ cho - nhận tùy vào vị trí công việc, tình huống, mối quan hệ khác nhau trong cuộc sống.
Ví dụ hoàn toàn là bình thường khi bạn cư xử như một người chỉ nhận trong lúc đàm phán về vấn đề lương bổng, nhưng bạn có thể đóng vai một người sẵn sàng cho khi cổ vũ một ai đó ít kinh nghiệm hơn mình hoặc cân nhắc dung hòa lợi ích khi đóng góp ý kiến với đồng nghiệp.
Tuy nhiên để có cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ cho - nhận, tác giả Adam Grant muốn đặt ra cho bạn một câu hỏi để bạn suy ngẫm:
“Theo bạn trong ba nhóm cho, nhận và dung hòa, bạn nghĩ nhóm nào thường là nhóm chịu thiệt thòi nhất?”
Nếu câu trả lời nhóm sẵn sàng cho, bạn hoàn toàn đúng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người sẵn sàng cho là những người thường đứng cuối danh sách cửa bằng thành công, bởi điểm yếu chí mạng cho nhóm này chính là bất chấp nhận đánh đổi lợi ích cá nhân để đem lại lợi ích cho người khác.
Một nghiên cứu được thực hiện với hơn 160 kỹ sư ở California, mỗi người sẽ được yêu cầu đánh giá năng suất làm việc giữa trên mối quan hệ cho - nhận. Kết quả thu được, những người kém nhất chính là người thường xuyên phân tán sự tử tế cho những người xung quanh. Lý do đơn giản là vì khi họ mải mê giúp đỡ người khác nên họ không có thời gian để hoàn thành công việc của mình, vì thế hiệu suất công việc họ thường đạt chất lượng kém.
Nếu những người thuộc “nhóm cho” là những người phải chịu thiệt thòi, vậy theo bạn nhóm nào mới có thể trở thành người có được thành công viên mãn?
Nếu câu trả lời bạn là “nhóm dung hòa” (là nhóm hoạt động trên cơ chế đôi bên cùng có lợi) hoặc “nhóm nhận” (nhóm cố gắng thu lợi ích về mình nhiều nhất có thể) thì đó không phải đáp án chính xác.
Mặc dù rằng trong cuộc sống chúng ta có một niềm tin mãnh liệt rằng trong công việc, mối quan hệ cuộc sống "nhóm dung hòa" tức là nhóm “đôi bên cùng có lợi” sẽ là nhóm đạt được lợi ích, có được sự sòng phẳng, không phải chịu thiệt thòi. Hay "nhóm nhận", những người cố gắng đem về càng nhiều lợi ích càng tốt. 
Không phủ nhận những người thuộc nhóm dung hòa hoặc nhóm nhận sẽ đảm bảo được lợi ích cá nhân trong giai đoạn đầu. Nhưng những người thuộc hai nhóm trên muốn đặt thành công có giá trị và mang tính cộng hưởng thì thực sự rất khó. Bạn sẽ biết nguyên nhân ở phần viết tiếp theo.
Vậy nếu thành công vững vàng không thuộc về “nhóm nhận”, không thuộc về “nhóm dung hòa”. Vậy thành công sẽ thuộc về ai?
Câu trả lời chính xác nhất là:"Thành công thuộc về những người thuộc nhóm cho". Đúng rồi, bạn không đọc nhầm.
Đúc kết sau các nghiên cứu, Giáo sư Adam Grant cùng các chuyên gia nhân thấy, những người có thành tích kém cỏi, gặp nhiều thất bại thuộc nhóm cho, nhưng những người có được thành công lâu dài và viên mãn nhất họ cũng thuộc về nhóm sẵn sàng cho đi. Còn nhóm dung hòa và nhóm nhận chỉ nằm đâu đó ở giữa trong nấc thang thành công.
Quay lại nghiên cứu về 160 kỹ sư, những kỹ sư thuộc nhóm cho thường có hiệu suất công việc thấp, nhưng đồng thời những kỹ sư được đánh giá có hiệu suất làm việc cao nhất cũng là những người luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp mà không đòi hỏi sự hồi đáp.
Điều tương tự cũng xảy ra ở trường Y Khoa. Một nghiên cứu được thực hiện với hơn sáu trăm sinh viên khoa Y ở Bỉ cho thấy, những sinh viên có thành tích kém cỏi và những sinh viên có thành tích xuất sắc nhất đều rơi vào nhóm sẵn sàng cho.
Trong một khóa học, tỷ lệ sinh viên xuất sắc thuộc nhóm sẵn sàng cho chiến 11̀% tổng số sinh viên ưu tú.
Trong lĩnh vực bán hàng, những nhân viên cho doanh số cao nhất đều thuộc thích nhượng bộ lợi ích cho người khác. Doanh số của nhóm ngôi sao bán hàng bao giờ cũng cao hơn 50% nhóm chỉ muốn nhận và nhóm dung hòa.

Lý do nhóm nhận và nhóm dung hòa nằm đâu đó giữa nấc thang thành công

Phân tích dưới đây sẽ giúp bạn hiểu vì sao ở chặng đường ngắn thì những người thuộc "nhóm nhận" hoặc "nhóm dung hòa" có vẻ là nhóm có được lợi ích, nhưng nếu đi xa, chỉ những người sẵn sàng cho mới có khả năng gặt hái được những thắng lợi lớn.
Đầu tiên xét mặt bản chất, “nhóm dung hòa” sẽ hoạt động trên nguyên tắc công bằng và bình đẳng.
Về mặt lý trí, công bằng và bình đẳng là nguyên tắc cốt lõi để chúng ta bảo vệ quyền lợi của bản thân trong xã hội đầy rẫy bất công.
Sẽ không có gì sai, nếu bạn hoạt động trong nhóm dung hòa trong môi trường hiện đại và phần lớn chúng ta đang hoạt động trong nhóm này.
Nhưng hoạt động trong nhóm dung hòa cũng có hệ lụy nhất định.
Hệ lụy lớn đó chính là nó luôn khiến chúng ta rơi vào cảm giác bản thân đang bị lợi dụng. Vì hoạt động trên nguyên tắc công bằng, nếu chúng ta cho đi nhưng đối phương không mang lại giá trị tương đương hoặc họ không thể đáp ứng được kỳ vọng thì chúng ta dễ cảm thấy mình là nạn nhân.
Trong tâm thế nạn nhân, chúng ta sẽ chọn ở trong tâm thế dè chừng, thái độ này khiến chúng ta khó thiết lập sự tin tưởng, khó xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Theo lời của Reid Hoffman, nhà sáng lập Linkedin, khi ở trong “nhóm dung hòa”, con người ta sẽ “giúp đỡ người khác với điều kiện đối phương cũng có thể giúp lại cho họ một điều khác”.
Mặt tốt là ta sẽ dễ dàng trao đi sự giúp đỡ với những người ta tin rằng người đó có thể sẽ giúp đỡ lại mình. Nhưng yếu điểm sẽ là, ta sẽ trực tiếp đưa ra sự trừng phạt khi nguyên tắc công bằng của bản thân bị xâm phạm. 
Giáo sư tâm lý học Daniel Kahneman của trường Princeton, người được trao giải Nobel kinh tế đã chứng minh điều này thông qua một trò chơi.
Trong đó, hai người không quen biết nhau được xếp thành một cặp, ngồi đối diện nhau. Một người giữ mười đô la, nhiệm vụ anh ta phân chia sẻ số tiền này cho cả hai. Lời đề nghị là người giữ mười đô la hãy thực hiện một giao dịch ích kỷ đó là giữ tám đô -la và chỉ chia cho người còn lại là hai đô la. Về mặt nguyên tắc thì cả hai có thể chấp thuận lời đề xuất hoặc từ chối thì cả hai sẽ không được gì.
Kết quả: Phần lớn những người tham gia đều chấp nhận không lấy hai đôla để sẵn sàng trừng phạt người kia vì sự ích kỷ của đối phương, mặc dù việc họ nhận hai dola sẽ tốt hơn là không có gì, nhưng họ vẫn cương quyết muốn trừng phạt đối phương vì sự tham lam và ích kỷ.
Internet
Internet
Điều này cho thấy trong rất nhiều tình huống cuộc sống, chính nguyên tắc công bằng này thoạt đầu được thiết lập để đảm bảo lợi ích nhưng là nguyên nhân khiến chúng ta đánh mất cơ hội xây dựng mối quan hệ trong mối quan hệ làm ăn, bởi chúng ta rất khó xây dựng mối quan hệ lớn nếu chúng ta chọn giới hạn mình trong sự cứng nhắc của sự công bằng, "anh được một thì tôi cũng phải được một".
Còn ở “nhóm nhận”, theo tác giả những người thuộc nhóm này thì luôn có mong muốn giành nhiều nhất quyền lợi về phía mình cho nên họ luôn tìm mọi cách để đạt được nhiều lợi ích cũng như đạt được mục tiêu cá nhân bằng mọi cách, kể cả việc sẵn lòng trà đạp người khác hoặc vi phạm nguyên tắc đạo đức.
Vì thế có những người thuộc “nhóm nhận”, họ có thể thành công nhanh chóng, họ đã và đang là những người sở hữu nhiều tiền bạc, danh vọng, nhìn về mặt nào ta sẽ nhận định họ là những người thành công, nhưng đã rất nhiều trường hợp những người chỉ muốn nhận phải nhận cái kết ê chề vì lòng tham và sự toan tính của bản thân. 
Trong cuốn sách, tác giả nêu ra hàng loạt ví dụ điển hình về những người thuộc nhóm nhận, dù họ đã có một khối tài sản khổng lồ trong thời gian ngắn, nhưng nhanh chóng tiêu tan vì họ không biết cách quản chế lòng tham. Nếu chỉ chăm chăm muốn nhận về, rất khó để ta có thể duy trì mối quan hệ cũng như đạt được thăng tiến lâu bền trong sự nghiệp.
Mặt dù xã hội còn nhiều sự bất công, nhưng để ý kỹ chúng ta sẽ thấy xã hội cũng đang vận hành dựa trên nguyên tắc “trao đổi giá trị”: "Khi bạn càng tạo ra nhiều giá trị hữu ích, thì giá trị bạn nhận về ngày càng nhiều" và nguyên tắc "sàng lọc": "Với những ai chỉ chăm chăm thu lợi ích về phía bản thân bất chấp thủ đoạn, một ngày nào đó người này sẽ bị thế giới khai trừ."

Vậy làm thế nào để hành động sẵn sàng cho mới có thể mang lại thành công lâu dài?

Theo tác giả, đầu tiên xét về khía cạnh tâm linh, con người được lập trình hướng đến “cho đi”. Đó lý do khi gặp những người khốn khổ, trong lòng ta luôn trào dâng cảm giác thương xót và trực giác luôn mách bảo ta hãy làm điều gì đó tốt với họ. 
Thứ hai việc cho đi, luôn có khả năng lan tỏa lớn và tạo ra giá trị lớn không giới hạn về tiền bạc. Ngoài lợi ích về mặt vật chất, việc cho đi còn giúp chúng ta phát triển nhiều mối quan hệ tốt đẹp.
Những mối quan hệ không quá toan tính, không nhằm mục đích lợi dụng đối phương thay vào đó chọn trở thành cộng sự tương trợ cùng phát triển thì mối quan hệ sẽ đưa con người ta cùng nhau bước vào những thành công lớn và lâu bền.
Bạn sẽ thấy rõ được nguyên tắc cho đi mang tính lan tỏa lớn như thế nào trong lĩnh vực dịch vụ. Bản thân mỗi chúng ta đều có xu hướng dành nhiều sự tin tưởng cho các nhà cung cấp dịch vụ “luôn đặt lợi ích của người khác” lên hàng đầu. Chúng ta luôn mong chờ, đối tác của mình là bác sĩ, luật sư, nha sĩ, thợ sửa ống, đại lý bất động sản… họ có thể tập trung mang lại lợi ích và giá trị cao nhất cho mình.
Intermet
Intermet
Vậy nên một khi đối tác chúng ta làm tốt, chúng ta có xu hướng tin cậy, sử dụng lợi ích của họ lâu dài, bất kể thị trường ngoài kia có bao nhiêu người cung cấp dịch vụ tương tự, có giá thành rẻ hơn.
Lật lại tình thế, bạn sẽ thấy nếu trong công việc bạn luôn là người sẵn sàng cho đi, sẵn sàng gia tăng lợi ích cho người khác, có thể ban đầu bạn sẽ chẳng nhận được gì nhiều, ngoài tiền bạc, đơn vị trao đổi giá trị cơ bản. 
Nhưng về lâu dài thứ bạn có được không chỉ là vật chất, bạn còn có khả năng xây dựng lòng tin, thiết lập mối quan hệ tin cậy với đối tác và biết đâu một ngày nào đó chính đối tác của bạn sẽ là cầu nối giúp bạn gặp gỡ mối quan hệ làm ăn tiềm năng  khác. Đây chính là sự cộng hưởng việc cho đi mà không toan tính, so bì thiệt hơn của những người sẵn sàng cho.
Như đã nói ban đầu, hành động “cho đi” là một hành động rủi ro. Không ai, không một điều gì đảm bảo hành động kiên trì cho đi sẽ mang về cho bạn giá trị tương đương. Hoặc bản thân chúng ta trong quá khứ từng là những người cho đi quá mức để rồi được cái kết ê chề. Vì vậy chúng ta luôn nghi ngờ về lời khuyên “cho đi”.
Tuy nhiên một nghiên cứu tâm lý học của giáo sư Frank Flynn tiến hành trên các kỹ sư cao cấp trong các công ty viên thông lớn cho thấy việc sẵn lòng vì người khác không phải lúc nào cũng trả giá bằng việc giảm đi hiệu suất công việc.
Những kỹ sư xuất sắc nhất luôn giữ sự cân bằng việc đảm bảo tiến độ công việc của mình nhưng đồng thời họ luôn giữ tâm thế chân thành giúp đỡ ai đó trong khả năng có thể. Bằng chính sự hào hiệp và nhiệt tình của mình, những kỹ sự này mang đến cho người khác cảm giác tin cậy, từ đó họ thiết lập được mạng lưới mối quan hệ xã hội lớn, không chỉ riêng những người họ được giúp đỡ. Với tâm thế rộng mở, họ khiến nhiều người muốn hỗ trợ hoặc cộng tác với họ ở các thời điểm khác nhau trong cuộc sống.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi hành động cho đi được thực hiện bằng lòng chân thành, sự kiên trì sẽ trở thành một hình mẫu và khiến những người khác thay đổi nguyên tắc cho - nhận của mình.
Nghiên cứu về sự lan truyền cảm xúc, hai chuyên gia James Fowler và Nicholas Christakis đã chỉ rằng hành động giúp đỡ hào hiệp thường xuyên của một người sẽ nhanh chóng được lan truyền trong cộng đồng. Khi một người tích cực trao giá trị cho cộng đồng, điều đó cũng truyền cảm hứng cho người khác đóng góp công sức để tạo ra điều tốt đẹp đến nhiều người khác.

Nhưng nên cho đi như thế nào?

Vì sao trong cùng “nhóm cho” có nhiều người gặp thất bại nhưng cũng trong “nhóm cho” lại xuất hiện nhân tài và nhà lãnh đạo tài ba, xuất chúng nhất?
Theo tác giả, lý do người sẵn sàng cho nằm trong nhóm cho thành công nhất là vì bên cạnh việc sẵn sàng giúp đỡ người khác họ cũng biết cách dành thời gian để hoàn thành tốt mục tiêu của bản thân.
Bản thân những người này không phải thần thánh hay cố gắng đóng vai người tốt. Họ là những tham vọng, mục tiêu riêng. Nhưng họ luôn biết cách điều chỉnh thời gian để hoàn thành công việc của mình, biết từ chối khi cần thiết, nhưng nếu ai đó cần họ giúp đỡ, nếu có thời gian hoặc trong khả năng có thể điều chỉnh, họ sẵn lòng giúp mà không toan tính bất cứ điều gì.
Chính vì sự cho đi vô tư không mong cầu nhận lại, tinh thần đó đã giúp họ hình thành nhân cách tốt đẹp, tử tế, rộng lượng, vị tha, chính những yếu tố là một trong những điểm cộng giúp từng cá nhân mở rộng mạng lướt mối quan hệ, có được cơ hội tốt đến một cách tự nhiên trong sự nghiệp.
Nhận diện đủ sâu sắc, ta biết cơ hội những người này có không tự nhiên mà tới, nó là chuỗi hành động tạo ra giá trị họ đã thiếp lập theo thời gian, đồng thời họ không quá toan tính hay bận tâm về nó. Ngược lại họ chọn tập trung nâng cao giá trị và cho đi nhiều hơn. Chính vì mọi thứ lại trở thành vòng xoáy tích cực kéo theo những điều tốt đẹp cùng phát triển.
Ngược lại, những người thuộc “nhóm cho” nằm trong nhóm thành tích kém là bởi vì họ là những người luôn sẵn sàng bỏ qua mục tiêu của bản thân, giúp người khác một cách vô tội vạ, chính vì thế họ đặt bản thân vào tình thế “hy sinh” người khác không đảm bảo được công việc, cuối cùng họ tự cảm thấy mình là nạn nhân của việc cho đi. 
Việc cho đi không khiến chúng ta trở thành nạn nhân, phải chăng là bản thân chúng ta chưa thực sự có cái nhìn thấu suốt về sự cho đi.
Nghệ thuật của việc cho đi mà tác giả khuyến khích độc giả: Mỗi người hãy chuẩn bị cho mình một sự phóng khoáng để sẵn sàng giúp đỡ hoặc trao lợi ích cho người khác, nhưng phải biết tập trung hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ của bản thân.
Kết hợp và điều chỉnh linh hoạt thời gian, công sức tùy vào mỗi trường hợp, tùy hoàn cảnh để có được hành động phù hợp. Và một khi đã cho đi, hãy cho đi cách chân thành, đừng toan tính thiệt hơn.

Áp dụng “món quà” năm phút

Cho đi không ép buộc chúng ta phải làm điều gì đến kiệt sức hoặc vượt quá khả năng của mình. Nhưng để có được những thành công trong cuộc sống, chúng ta cần phải học cách trở thành người biết cho đi. 
Thay vì luôn giữ bản thân trong cán cân “công bằng trong việc trao đổi giá trị” chúng ta hãy cố gắng vượt ra ngoài khuôn phép bằng việc hướng đến việc gia tăng giá trị cho người khác. “Món quà” năm phút là phương thức nho nhỏ để bạn học cách gia tăng lợi ích cho những người xung quanh.
“Món quà” năm phút này là nguyên tắc một người có được thành công nhờ sự cho đi một cách vị tha nhất.
Nguyên tắc cho đi của anh ấy hết sức đơn giản nhưng rất hữu ích, mỗi chúng ta đều có thể học hỏi.
Nguyên tắc được lý giải như sau: “Lúc nào bạn cũng nên sẵn lòng bỏ ra tối đa năm phút để làm những việc vì người khác, những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất, quan trọng là đừng yêu cầu nhận lại từ người mà bạn đã giúp đỡ.” 
Theo thời gian, những hành động cho bằng những điều đơn giản với cái tâm vị tha sẽ tạo ra nhiều cơ hội để nhiều người cũng giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau. Và cuộc sống của tất cả chúng ta sẽ dần trở nên tốt đẹp, có được nhiều giá trị tích cực hơn.
Một lưu ý quan trọng (đã có ở đầu bài) nhưng mình muốn viết lại giúp bạn nhớ kỹ hơn: “Cho đi” không đồng nghĩa với việc bạn sẽ luôn được nhận về, việc “cho đi” ban đầu là hành động thiệt thòi. Cụ thể như tổng thống Abraham Lincoln từng chia sẻ yếu điểm lớn nhất của ông là không biết nói “không” với người khác. “Nếu tôi có một tật xấu nào đó chính là việc không bao giờ biết nói “không.
Nhưng rõ ràng nhờ tinh thần cống hiến hết mình của ông đã giúp ông trở thành vị tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ. Rất nhiều vĩ nhân thành công trong lịch sử đều bắt đầu từ tấm lòng hào hiệp. Một tinh thần lớn sẽ tạo ra thành công lớn. 
Điều quan trọng hơn nữa mà chúng ta cần ghi nhớ “cuộc sống không bao giờ diễn ra theo kiểu nếu người này có được thì người khác phải chịu thiệt thòi”. 
Liên hệ rộng hơn, ta có thể đây sự cho đi mà giáo sư Adam Grant đề cập cũng chính là “Tư duy cùng thắng” một trong những thói quen thành công được tác giả Stephen Covey viết trong cuốn sách “Bảy thói quen của người thành đạt”.
“Tư duy cùng thắng” nghĩa là chúng ta cùng tìm kiếm lợi ích bằng cách tạo ra nhiều giá trị nhất cho người khác, cho một tập thể hay một cộng đồng. Điều cốt lõi, chính những người quyết định “tự hy sinh”, cố gắng trao nhiều giá trị cho người khác, cuối cùng sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng về sau.

Lời kết

“Cho đi”  là một loại kỹ năng mà bạn cần phải học hỏi, nhưng trước khi cho đi, bạn cần hiểu rõ về mối quan hệ cho - nhận, vai trò, cách thức của mối quan hệ này để điều chỉnh phụ hợp với bản thân.
Mỗi chúng ta có thể đã từng là người chỉ muốn nhận về, đang là một người cứng nhắc trong nhóm dung hòa, hoặc từng là người cho đi một cách kiệt quệ.
Vì thế để biết cách cho đi một cách đúng đắn, ta phải xác định được cách thức hoạt động của việc cho đi, từ đó điều chỉnh hành vi phù hợp.
Hãy nhớ nếu bạn luôn sẵn lòng mang đến giá trị cho người khác, một ngày nào đó sự cho đi của bạn sẽ quay trở lại, đền đáp bạn bằng nhiều hình thức khác nhau.
“Mỗi người phải đưa ra quyết định xem liệu mình muốn đi dưới ánh sáng của lòng vị tha hay đắm chìm trong bóng tối của sự vị kỷ”
Martin Luther King Jr - Nhà nhân quyền được giải Nobel hòa bình

Về tác giả

Adam Grant là tác giả khoa học đại chúng người Mỹ, đồng thời là giáo sư Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania chuyên về tâm lý học tổ chức.
Adam Grant chính là tác giả nổi tiếng cuốn sách Think Again mình đã viết trước đó. Trong cuốn sách Think Again mình viết sơ lược về thông tin tác giả, bạn có thể đọc bài viết để biết rõ hơn về những thành tựu của giáo sư Adam Grant nhé.