Tôi yêu âm nhạc của MONACA…
NieR Music Concert: The Memories of Puppets MONACA (cách điệu thành MoNACA) là một studio âm nhạc chuyên sản xuất cho game và anime...
MONACA (cách điệu thành MoNACA) là một studio âm nhạc chuyên sản xuất cho game và anime tại Nhật Bản. Được thành lập vào năm 2004 bởi Keiichi Okabe, MONACA đã có một số lượng lớn cùng độ trải dài đáng kể các sản phẩm của mình trong ngành.
Cũng chính bởi đây là một studio đa thành viên, mỗi người đảm nhiệm một vai trò khác nhau và (đôi khi) nhận những dự án khác nhau, nên phong cách âm nhạc của họ trên các sản phẩm cũng mang những nét khác biệt đặc trưng cho từng cá nhân. Một số các dự án nổi bật có "dấu tích" của MONACA như là NieR Gestalt & Replicant, Drakengard 3, gần đây thì có NieR: Automata, hoặc anime thì là các series tiếng tăm như Monogatari, GARO, Yuki Yuna hoặc Oregairu,... Tuy vậy, được biết tới nhiều nhất có lẽ vẫn là các sản phẩm original soundtrack cho các game của Yoko Taro như series NieR, góp phần đưa đến cho MONACA một lượng fan quốc tế cực kỳ lớn cùng những đánh giá rất tích cực về những bản nhạc hợp xướng đầy đặc biệt. Và tất nhiên, trong đó có cả tôi nữa.
MONACA luôn luôn làm tốt trong việc tạo ấn tượng khởi đầu cho người nghe. Tôi biết âm nhạc của họ khi một lần vô tình nghe thử được OST của NieR Automata trên mạng. Những giai điệu được đặt lên ngay đầu tiên ấy đoạn intro bắt tai đến không ngờ đã cho tôi một cảm giác thật mãnh liệt.
Tôi coi City Ruins (Rays of Light) là một sự kết hợp đầy mộng tưởng và tuyệt mĩ, khi những nốt piano nhẹ nhàng hòa trộn cùng âm orchestra và guitar đến hoàn hảo, đưa đến một không khí như nửa sôi động, nửa mơ hồ. Chất giọng mạnh mẽ và cuốn hút của nữ diva J’Nique Nicole không những không bị lấn át trong nền nhạc vốn đã sẵn “du dương”, mà còn nổi bật lên qua các khúc ngân dài cộng hưởng cùng tiếng vang vọng phía sau.
Ngay từ lúc đó, tôi đã biết mình yêu âm nhạc của MONACA đến nhường nào. Bị thôi thúc bởi sự quyến rũ của những giai điệu, tôi bắt đầu đào sâu hơn đến các sản phẩm khác của studio. Là một người bị “nghiện” original soundtrack của phim và game, tôi càng bất ngờ hơn khi phát hiện ra tác giả của những sản phẩm âm nhạc mình ưa thích lại chính là “nhân vật” MONACA này. Đáng nói đến nhất có lẽ là trọn bộ OST của Yuki Yuuna wa Yuusha, mở đầu là bài opening mang đậm cá tính.
Nhiệm vụ của những nhà làm nhạc cho phim và game là cố gắng phụ trợ sản phẩm gốc, sử dụng tối đa khả năng để kích thích thính giác của các khán giả, và MONACA đã làm tốt điều này, hay nhiều khi, đã còn khiến cho sản phẩm gốc được biết tới gấp nhiều lần. Không phải là cốt truyện hay khung cảnh được hoạt họa hóa trong các sản phẩm ấy, mà dường như chính âm nhạc của studio mới là thứ đóng góp nhiều nhất trong việc tạo nên âm hưởng xuyên suốt. Màu sắc fantasy nhịp nhàng trong NieR với âm string và tiếng trống, nhạc dân gian Nhật Bản ma mị trong Yuki Yuna, sự phối hợp uyển chuyển của nhiều thể loại trong NieR: Automata hay thậm chí là những đoạn boss-battle đậm chất rock trong Drakengard 3, MONACA chứng tỏ họ có thể làm được hơn thế nữa. Những âm hưởng đó được tái hiện và gần như gắn liền với hoạt cảnh trong trò chơi/phim, chỉ cần được khơi gợi lại một chút bằng vài ba nốt là tất cả lại có thể hiện rõ lên trong tâm trí. City Ruins (Rays of Light) cũng chính là một ví dụ của điều này, đến giờ tôi vẫn có thể chỉ đeo tai nghe, nhắm mắt và bắt đầu hồi tưởng lại phân đoạn map-running với khung cảnh đổ nát của thành phố trong NieR: Automata. Hoặc thêm, Wretched Weaponry cũng sử dụng thủ pháp tương tự như của Rays of Light là sự lặp đi lặp lại một khúc nhạc cuốn hút (ở đây là tiếng piano rồi chuyển qua tiếng violin) để tạo nên giai điệu đáng nhớ.
Một điều không thể thiếu trong các tác phẩm của MONACA chính là những ca sĩ tuyệt vời. Những giọng ca nữ đã góp phần tạo nên sức quyến rũ trong các sản phẩm âm nhạc của studio, để lại ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ chính là Emi Evans. Cô là một ca sĩ người Anh làm việc tại Nhật Bản, đã từng hoạt động với ban nhạc Freesscape của mình, nhưng được biết tới nhiều hơn trong ngành game từ sau NieR: Gestalt & Replicant và Dark Souls 1 với chất giọng cao, nhẹ nhàng và cảm xúc. Cô “phù phép” cho những sản phẩm ấy bằng Chaos Language – một ngôn ngữ tự sáng tạo dựa trên sự kết hợp của rất nhiều ngôn ngữ sẵn có: tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hawaii, Estonia,… và đến chính cô cũng không thể ngờ được rằng các fan lại yêu thích điều này đến thế.
Kuwata tsunowo vralai,
tsuriji pfuralekai,
kwondzuvai undovartsu wronduwail,
Tjortetei jeki liago,
Jiunmata ivelischpfuli,
neftyoma sorepiyamei,
Schijiyako alefni fatalliliya,
Nic'hpisfa unhoreselye,
Otrajain aforeje kurasolda,
Towari hatasei mic'hatasei tsufrallai,
Otrajain aforeje kurasolda,
Towari hatasei mic'hatasei
tsufrallai ilja,
Ullilya kojijichatjukaijai-wa niame
fretsumekri fretsumekri linganmai,
Ulreri manjahuteharraku-mu harirch
lahadachfei lahadachfei shindulhwo
Kuwata tsunowo vralai,
tsuriji pfuralekai,
kwondzuvai undovartsu wronduwail,
Tjortetei jeki liago,
Chaos Language không hẳn là quá sáng tạo, quá mới lạ, nhưng những âm tiết được chọn lọc kĩ lưỡng bởi Emi Evans đã đồng nhất với giọng hát của cô để trở thành hoàn hảo. Trong một bài phỏng vấn trên trang Original Sound Version, cô chia sẻ rằng mình thậm chí còn khá là mơ hồ về những gì diễn ra trong trò chơi NieR, chút thông tin ít ỏi là nhờ sự giải thích đến từ người đồng nghiệp của mình về mặt cốt truyện. Nhưng cái cô có được là sự tự do, khi Keiichi Okabe thông cảm cho điều này và để cô tự hát những nốt theo ý mình. Vậy nên, ta luôn cảm thấy sự chân thật trong những ca khúc cô hát, và điều đó đã chạm đến trái tim khán giả đón nhận, góp phần làm cho NieR trở nên xuất sắc về mặt âm nhạc. Từ tiếp sau thành công đó, MONACA cũng đã hợp tác nhiều hơn nữa với Emi Evans, và còn sử dụng ngôn ngữ độc nhất của cô cho nhiều sản phẩm khác, góp phần hình thành lên khá nhiều đặc trưng cho "phong cách MONACA". Liệu có phải rằng chính MONACA chứ không phải tác giả hay họa sĩ mới là người làm nên sắc thái chính cho sản phẩm gốc hay không?
Tôi luôn say mê những đoạn nghỉ nhỏ giữa game hoặc phim, khi những phân cảnh chiến đấu liên tục ngừng lại, nhường chỗ cho là một chút thư giãn nhẹ nhàng. Giọng hát của Emi Evans cất lên giữa những lúc đó thực sự quá đẹp, tựa như tiếng ca của thiên thần với sự tinh khiết và trong trẻo êm dịu. Càng hớp hồn hơn là âm guitar của Takanori Goto, gần như đã quá là quen thuộc qua các sản phẩm khác của anh, chúng càng đưa điệu nhạc dịu dàng hơn nữa, thậm chí có hơi chút buồn, nghe như một thanh âm xa xôi đang níu kéo lại về phía tiếng ca kia.
MONACA thích những phiên bản khác nhau của cùng một giai điệu. Thật ra đây là phương thức được sử dụng nhiều trong ngành làm âm nhạc cho phim và game, khi những cách phối khác nhau (arrangement) của một bản nhạc gốc được tận dụng ở các phân cảnh khác nhau có thể tạo nên những hiệu ứng tuyệt vời. Thế nhưng, cách MONACA làm không phải chỉ đơn giản là chỉnh sửa qua loa, mà là tái sinh lại hoàn toàn chúng. Các âm hưởng cũ được sử dụng tối đa mà vẫn để lại nét riêng nhất định, khiến chúng trở thành các ca khúc mới hoàn toàn. Đây cũng là cách họ thể hiện khả năng sáng tạo của mình, vừa có thể kết nối thậm chí các phiên bản khác nhau của phim/ trò chơi, như cách City Ruins (Shade) liên hệ lại được với dư vị fantasy trong NieR Gestalt & Replicant, hoặc là Wretched Weaponry là một hậu bản "lạ" của Wretched Automatons bởi cả hai đều dùng trong màn chơi xuất hiện robot và máy móc, nên âm drum lẫn snare được thay bằng tiếng va đập của kim loại, làm cho không khí thêm phần đặc biệt.
Những phân cảnh cảm động nhất trong các sản phẩm gốc luôn được MONACA đẩy lên cao nhất. Tôi thích cái cách họ dẫn nhập cảm xúc của khán giả để rồi lấy đi nước mắt với tiếng piano và giọng hát của nữ ca sĩ. Từ sau khi chơi NieR: Automata tôi đã có một thời gian ngắn lúc nào cũng lâng lâng Vague Hope (Cold Rain). Vẫn chỉ là bằng một vài nốt thôi nhưng cũng quá đáng nhớ khi nó gắn liền với xúc cảm ngay lúc đó. Hoặc đơn giản là ngay kết Ending A khi mà đoạn mid-orchestra của Weight of the World là sởn cả da gà. Tôi chưa được chơi NieR Gestalt & Replicant, nhưng hy vọng nếu có dịp cũng sẽ có chung cảm giác tương tự khi Kaine (Salvation) được cất lên, nhỉ?
Có lẽ những gì tuyệt vời nhất của MONACA tôi muốn nói tới là battle music. Keiichi Okabe đã có từng được biết tới trước đó vì những sản phẩm của mình đóng góp cho series Tekken, vậy nên chẳng phải bàn cãi gì về kinh nghiệm lẫn chất lượng của các ca khúc trong phân cảnh chiến đấu được ông viết. Hào hùng và mạnh mẽ, ngay từ những giây đầu tiên cũng đã quá đủ lượng hype và andrenaline tiết ra rồi. Một trong những khúc đoạn hay nhất tôi muốn chia sẻ đến từ series GARO.
OST của Yuki Yuna wa Yuusha de Aru vốn được thiết kế để mô phỏng âm nhạc dân gian Nhật Bản với tiếng sáo, trống cùng các vòng hợp âm đậm chất Đông phương để phù hợp với bối cảnh và theme của anime. Nhưng khi chuyển sang battle music thật dễ để bắt gặp lại phong cách thường thấy của MONACA với âm orchestra chủ đạo bao trùm lên cùng tiếng trống taiko dồn dập. Tôi thích nhất là tiếng violin phụ trợ tuyệt vời cho vocal như trong Misery để bè các nốt cao, nghe không thể không sướng hơn. Hoặc, ở trong các đoạn yêu cầu âm nhạc quyết liệt nhất, thì tính cấu trúc được thể hiện rõ như ở cả Misery lẫn ☆☆☆☆☆☆☆☆☆☆*****. Cả 2 đều cố gắng dẫn khung nhạc mạnh mẽ lên trước, sau đó đẩy cảm xúc lên cao và bùng nổ ở đoạn thứ 3.
Một đặc trưng nữa của các bản battle soundtrack của MONACA là âm vocal ma mị được hát bởi Nakagawa Nami bắt gặp rất nhiều ở lúc diễn biến phim/ trò chơi đang được đẩy nhanh. Âm thanh tựa tiếng khóc oán than mang cảm giác lạ và sắc, đem hơi thở như đau khổ và thù hận tột cùng. Tôi luôn cảm thấy âm nhạc của MONACA như đang phản chiếu lại nội tâm của nhân vật trong sản phẩm gốc, và những ngôn từ, âm thanh được tạo nên đó chính là giọng nói của nhân vật. Cứ thế, sự nhập tâm hoàn toàn vào tác phẩm có thể dễ dàng đạt được với khán giả, và tôi lại càng nể phục các giá trị mà MONACA đã gửi gắm vào.
Drakengard 3 thì vừa là một sự tiếp nối và tái vận dụng đến từ NieR, nhưng chính bản thân Keiichi Okabe cũng không hề sao chép lại phong cách đã có đó vì đơn giản nằm ở sự khác nhau ở theme của 2 game. Ông muốn tạo nên một cảm giác mang tính "tương phản" lớn, vậy nên ta thấy ở Drakengard 3 có chút gì đó phá cách, đột biến khi chiêm ngưỡng những đoạn boss-battle music đem phong cách rock/ metal đầy căng thẳng. Nhưng, đứng số một trong trái tim tôi vẫn là màn final boss kinh điển trong game, vốn là sự tổng hợp của 5 bài boss theme. Trở lại với chất fantasy vốn có, ta thấy được ở The Final Song là sự đồ sộ và hoàn mỹ, được thiết kế để có thể giao hòa được nhiều mục đích khác nhau của nhà làm game.
Và cuối cùng, cách dễ dàng nhất để làm một bài kéo mood lên maximum và khiến khán giả overhyped? Đó là trộn hết lại tất cả những yếu tố sẵn có. Một phiên bản khác, sống động và thức tỉnh, tâm điểm là giọng hát của Emi Evans, được đẩy cao bằng âm drum quen thuộc. Tôi đã gần như nhảy bật ra khỏi ghế và cười sằng sặc (vì phấn khích) khi nghe được những giai điệu tuyệt vời này.
Lan man quá rồi, bạn còn nhớ ở đầu bài viết tôi đã từng nói rằng MONACA không chỉ biết làm mỗi một phong cách chứ? Tất nhiên, họ còn biết làm soundtrack cho phim đời thường nữa mà. Thực ra, tôi cũng không quá để ý kĩ đến mảng này, chỉ là cũng khá bất ngờ khi studio đã tham gia vào những anime mình thích. Nhẹ nhàng và đơn giản thôi, đâu đó có chút vui nhộn nhưng cũng không thiếu những nốt đượm buồn, thế là đã đủ để thưởng thức và thư giãn rồi.
Và để thay cho lời cuối, ắt hẳn đến giờ bạn cũng đoán được bài ca bất hủ này đến từ đâu rồi chứ? Vâng, xin chúc mừng, giờ thì giai điệu này sẽ ám ảnh bạn hết buổi tối nay. Thân!
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất