Tôi tự học - Thu Giang Nguyễn Duy Cần
(nguồn ảnh: youtube) Một ngày phiêu diêu nọ, tự cảm thấy cái sự học của mình nó mông lung quá, triết, sử, địa, tài chính, kinh tế,...
Một ngày phiêu diêu nọ, tự cảm thấy cái sự học của mình nó mông lung quá, triết, sử, địa, tài chính, kinh tế, chính trị gì cũng ham mà chả biết học thế nào cho hiệu quả, nên mình quyết định hỏi Bụt Google keyword "tự học" xem có bí quyết nào hay ho không. Thế là phát hiện cuốn sách có cái tựa đề rất hứa hẹn - "Tôi tự học", của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần, một học giả có tiếng xưa của Sài Gòn.
Và thật sự, mình đã có một trải nghiệm rất thú vị với cuốn sách này.
Nhìn chung mình sẽ không review gì nhiều, chỉ gợi ý là các bạn nếu muốn tham khảo thêm, hoặc rà soát lại sự học của bản thân, thì nên đọc thử cuốn này.
Mình xin tóm lược vài suy nghĩ của mình về cuốn sách:
1) Ngôn ngữ của sách rất đẹp, dễ chịu, vừa cho thấy sự tài hoa bay bướm, mà lại giản dị, khúc chiết.
2) Nội dung sách thì cũng không mới, vì bản thân sách đã viết từ năm 1969, nhưng như người ta thường ví von rằng "bạn cũ bạn tốt, rượu cũ rượu ngon", thì cuốn sách này cũng đã vượt qua được thử thách của thời gian, trở thành kinh điển, và đến nay vẫn được người đời trân quý và tái bản. Đọc sách này nhắc mình rõ ràng hơn những quy tắc cần nhớ trong việc học, và thu xếp cuộc sống sao cho hiệu quả.
Thật ra kiến thức thì có thể thay đổi liên tục theo năm tháng, thậm chí từng ngày từng giờ, nhưng quy tắc, quy luật muôn đời thì sẽ vẫn không mấy thay hình đổi dạng, và cuốn sách này có đủ những quy tắc cơ bản, cốt lõi nhất mà bạn cần cho việc học, ví dụ như:
a) Nhân sinh quan ở đời
b) Tại sao cái học lại quan trọng
c) Bí quyết tự học
d) Chọn và đọc sách thế nào
f) Cách tổ chức cuộc sống
3) Đây thuộc loại sách vừa giá trị, lại vừa có thể đọc lướt vèo một cái trong một buổi là xong, nói một cách dân dã là ngon - bổ - rẻ.
MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN TRONG SÁCH:
1. Có 3 thứ dốt:
Không biết những gì mình phải biết;
Biết không rành những gì mình biết;
Và biết những gì mình không nên biết.
2. Trong khi người ta tản mác trí lực của họ trong công cuộc đua chọi bằng cấp, địa vị, danh vọng, thì tôi lại có cái may mắn được bình yên học hỏi, trau dồi bản thân, và dành thời gian quý báu cho những điều thật sự có ý nghĩa cho riêng tôi. (Người dịch: câu này ý tác giả hơi dài, mình làm gọn lại)
3. Đời sống ta có hạn, mà sự học thì vô hạn. Ta vừa ham học nhiều thứ, nhưng cũng phải tốn ngần ấy thời gian cho bươn chải kiếm sống, thật là một mâu thuẫn đau lòng. (Nd: hu hu cụ ơi, tụi con cũng vẫn đang vậy nè!)
4. Có 2 cái học, cái học bề rộng và bề sâu. Bạn phải có cái học bề rộng để phục vụ cái học bề sâu, và hoàn thiện con người bạn hơn.
Cái học bề rộng có cái hại là cái gì cũng biết nhưng không có gì chuyên môn cả. Tuy vậy, cái lợi to lớn của nó ở chỗ đào tạo ta cái nhìn bao quát, không thiên kiến, trí óc và tâm hồn rộng rãi, đối nhân xử thế tốt hơn, cuộc đời sung sướng và rộng rãi.
5. Đọc sách hiệu quả là phải khiến mình cố gắng hiểu, chiêm nghiệm, đánh giá và hệ thống lại, cuối cùng là học hỏi thêm được điều gì mới, khiến mình tốt đẹp hơn.
6. Biết mình, là gốc rễ của sự khôn ngoan.
7. Học phải biết tuyển chọn sách, không bạ đâu đọc đó, tản mác sinh lực, mà chẳng hiệu quả. Thường lúc còn trẻ ta rất ham học, chưa biết tuyển chọn, nên sự học rất vất vả cũng vậy.
8. Có 2 cách tuyển chọn sách: 1 là chọn nhiều đề tài với những cuốn hay nhất. 2 là chọn 1 đề tài với nhiều cuốn hay nhất và nghiền ngẫm chuyên sâu. Cách 1 thú vị hơn, cách 2 hiệu quả hơn. Có thể kết hợp cả 2 cách cho đỡ nhàm chán.
9. Phần đông chúng ta tưởng ta hiểu rõ lắm, nhưng khi bị bắt phải giảng giải ra thì ta lúng túng rõ.
10. Tiếp cận một sách hay, ta nên đặt trước câu hỏi, rồi nghĩ về giải đáp vấn đề, xong mới tiến hành đọc, để vừa đọc vừa trả lời, chiêm nghiệm, phản bác. Chứ không phải đọc như đọc tiểu thuyết được.
Cẩn thận với những sách tóm lược, bởi không có con đường tắt nào đến tri thức cả. Hãy đọc nguyên tác ngay khi có khả năng.
11. Về thời sự:
Người xem lịch sử luôn lặp đi lặp lại câu "lịch sử luôn lặp lại" để ám chỉ một hậu quả thảm khốc nào đó cho các sự kiện hiện tại. Nhưng những sự kiện lịch sử có rất nhiều phiên bản tùy góc nhìn và người kể. Và chả chắc gì một việc có vẻ sẽ xảy ra theo lẽ thường lại phải xảy ra cả. Cũng như ván cờ để thắng thì đâu phải cứ đi miết 1 nước cờ được.
"Bài học của lịch sử nếu có thể nói là một bài học, là nó dạy cho ta biết rằng quá khứ không thể dùng để soi sáng tương lai, và muốn đối phó với những biến cố hiện tại và mới mẻ, thà có một đầu óc không thiết tha gì đến quá khứ còn hơn là có một đầu óc quá bị mù lòa vì những ánh sáng giả tạo của quá khứ".
Goethe lại còn khuyên ta đừng quan tâm đến thời sự, nếu tự mình không có phận sự gì để thay đổi được cuộc diện xã hội. Nếu mỗi sáng đều phí mất một vài giờ đồng hồ để theo dõi tin tức chiến tranh ở ngoài tận xa xăm mút bên kia thế giới, để suy nghĩ vẩn vơ về những hậu quả tai hại của thời cuộc có thể xảy ra trong khi chúng ta chẳng phải là một nhà chính khách, một vị tướng, một kí giả hoặc không phải là gì cả... thì liệu chúng ta có làm việc gì được cho xứ sở không, lại còn làm mất thời giờ quí báu một cách rất vô ích trong một cuộc đời sống ngắn ngủi và chỉ có sống một lần thôi.
12. Đọc báo, ta tự hạ nhân phẩm mình để biến thành một con vật hi sinh vô ý thức. (ND: Đó là cụ còn chưa biết đến internet nữa đó, hiz; byebye Vnexpress, Tuoitre, Kenh14,...)
13. Về viết văn:
Làm văn hay tức là tư tưởng đúng đắn mực thước, tức là biết phân tích tinh tế tình cảm của mình, tức là biết dùng danh từ đúng với tình ý và tư tưởng của mình, nghĩa là biết so sánh, cân nhắc, biết dùng những câu văn sáng sủa mà hàm súc, gọn gàng và bóng bẩy, chứ không phải như những kẻ cầu kì phiền phức, dùng toàn sáo ngữ mà không nói được một ý nghĩ gì tân kì. Viết được một bài văn hay tức là mình đã đào luyện cho mình được cái khiếu biết điều hòa và mực độ, biết lợi dụng những phương tiện nghệ thuật để biểu diễn tư tưởng tình cảm mình, một cách nhẹ nhàng.
Muốn viết hay thì quan trọng nhất phải viết thường xuyên. Thứ nữa là phải có học vấn tối thiểu về nghệ thuật viết văn.
Thứ văn hay nhất, là thứ văn dễ dàng giản dị, gọn ghẽ mà sáng sủa. Chi bằng văn của Vontaire.
Văn là người. Người thật thà văn thật thà. Tư tưởng được hàm dưỡng, thì lời văn hàm súc sâu xa.
Viết văn hay thì khó, viết không dở thì dễ, tránh lối viết sáo rỗng để che dấu sự ngu dốt của mình.
Học dịch văn là cách tốt để viết văn hay. Vì ta phải nghĩ rất lâu, chọn từ kỹ để truyền tải ý tứ điêu luyện của tác giả.
14. Random (một số trích đoạn ngoài cuốn sách, không rõ nguồn, trong sổ tay của mình):
- Thời gian đối với một kẻ lười biếng thì dài lê thê bất tận, họ tìm cách giết thời giờ mà giết không sao cho hết. Trái lại, đối với những kẻ ham làm việc và học hỏi thì ngày giờ rất eo hẹp vô cùng.
- Về khoa học hãy chọn những tác phẩm mới nhất;
Về văn chương nên đọc những tác phẩm cũ nhất.
- Một khắc đồng hồ để mà suy ngẫm những gì ta đọc mở rộng tâm hồn trí não ta hơn là đọc nhiều mà không suy nghĩ.
- Tất cả mọi người đều là nhà văn cả khi nào họ có điều muốn nói. Viết ra, không khó gì cả; cái hiếm có, cái khó khăn là phải có trong đầu óc những câu chuyện gì đáng để kể, những ý tưởng gì đáng nói để mà nói ra. (Nd: cái này như nhắc khéo đám nhện tụi mình ha)
- Người ta luôn luôn được khen hay bị chê, nhưng không ai được hiểu cả. (Nietzsche)
- Tin tưởng mà không lý luận, là cái mạnh của kẻ yếu.
- Chúng ta không thể nào sống chung nhau: tôi, thì có tật xấu kinh khủng; còn anh, thì cũng có những tánh tốt không thể chịu được.
- Tôi yêu sự thật trên tất cả. Tôi tin rằng tất cả mọi người cũng đều cần đến nó. Nhưng theo tôi, nhân loại còn cần đến sự giả dối hơn nếu nó an ủi ta, nói ngọt bợ đỡ ta, nó đem lại cho ta những hy vọng tuyệt vời. Không có sự giả dối, nhân loại sẽ chết mòn trong tuyệt vọng và buồn chán.
- Đơn giản là điều khó khăn nhất trong đời: ấy là tiếng nói cuối cùng của kinh nghiệm và tài hoa.
- Ông thầy hay nhất là ông thầy truyền cảm hứng cho học trò, và dạy cho nó biết cách để tự học suốt đời.
- Ngày mà bạn quyết định làm điều cần làm, đó là ngày may mắn của bạn.
.................
Mong rằng bài review này không quá sơ sài (khi bạn đọc cuốn sách rồi, bạn mới thấy là càng viết ít về nó thì càng hay), và đủ để đem lại cho bạn động lực để dành chút thì giờ cho một cuốn sách hay của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần - một học giả có tầm ảnh hưởng bậc nhất của Việt Nam ta vào khoảng giữa thế kỷ 20.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài.
Tuệ Ngôn.
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất