"Cu Kì" - người trong xóm vẫn gọi tôi như thế khi tôi còn rất nhỏ. Nó đủ xa để tôi quên mất rằng hồi đó mình bao nhiêu tuổi hay trông như thế nào. Tôi nhớ cái "biệt danh" ấy vì hồi đó, tôi chả thích cái tên ấy chút nào. Nên nhớ rằng, ở vùng quê, việc bọn trẻ có tên ở nhà hay biệt danh như bây giờ là một việc gì đó xa xỉ kinh khủng. Nhưng ít nhất thì bọn con trai chúng tôi cũng hơn con gái, vì bọn tôi ngoài cái tên được cha mẹ đặt trên tờ giấy khai sinh, thì vẫn thường được gọi kiểu vậy. Quy luật cũng đơn giản thôi, "Cu" (danh từ mà dân quê thường gọi cho con trai) cộng với tên của cha/bố chúng nó.
Tôi không biết là tuổi thơ của bạn có được gọi như vậy không. Bởi, tôi nhận ra một điều rằng tuổi thơ của người Việt Nam (hoặc toàn bộ thế giới) bị ảnh hưởng bởi sự phân chia địa lý, giàu nghèo. Cụ thể là, tuổi thơ của những đứa nhóc thập niên 2000 ở một vùng quê nghèo nhưng chúng tôi có thể giống với tuổi thơ của các anh chị 9x ở một vùng khá giả hơn, và cũng giống các cô các chú 8x ở thành phố, thủ đô. Ví dụ, những mái nhà tranh lợp lá mía, lá cọ, tường được đắp bằng bùn đất hay những chiếc đèn dầu cháy bằng dầu hoả vẫn còn in đậm trong kí ức của tôi. Hoặc là, trong khi các bằng tuổi tôi ở thành phố đã có máy điện tử 4 nút, nhà các bạn đã có vệ tinh tivi thu sóng bằng "chảo" thì ở vùng này, bọn nhóc chúng tôi vẫn phải chơi bi, tắm sông và mỗi tối, cả xóm vẫn phải tụ tập lại tại 1-2 nhà có tivi trong cả xóm mà vẫn phải xoay cái ăng-ten liên tục vì nhiễu. Còn nữa, việc xưng hô hồi đó cũng có chút khác biệt. Việc xưng hô cha hay bố phụ thuộc khá nhiều vào việc lúc ấy, bố của bạn bao nhiêu tuổi. Đa số thì lứa chúng tôi sẽ gọi là bố, nhưng cha tôi đã gần 50 lúc tôi chào đời, nên nhà tôi là cha con. Trông vậy thôi chứ cũng buồn cười lắm, vì có nhà, con gọi bố là bố, còn bố gọi ông là cha, nhờ thế mà cũng đa dạng cách xưng hô hơn hẳn.
Nói vậy là để thấy, hồi đó, chúng tôi được gọi như thế. Dù rằng bây giờ cách gọi ấy đã biến mất theo sự hiện đại của xã hội. Quay lại thì lí do đơn giản tôi ghét cái tên ấy là bởi, khác với mấy thằng bạn tôi, cha tôi không đồng hành với tôi nhiều như thế. Cha tôi mất lúc tôi còn chưa đầy 3 tuổi. Thực ra, tôi rất ít khi buồn vì điều này. Có lẽ vì lúc ấy tôi còn quá nhỏ để nhận ra một vấn đề quá lớn như vậy, nên là cũng có rất ít hình ảnh của ông còn đọng lại trong tôi. Và thời gian thì vẫn làm tốt việc của nó, những kí ức vốn đã ít ỏi ấy, lại bị xoá dần, xoá dần tới khi tôi đủ lớn, thì nó lại quá nhỏ. Đã vậy, hồi đó, lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi còn thường trả lời tôi rằng "cha mày đi làm xa" mỗi khi tôi hỏi tới dù không nhiều. Bây giờ nghĩ lại thì cũng nên cảm ơn vì hồi đó mẹ tôi nói dối như vậy.
Nhưng bước ngoặc của tôi với cái tên ấy bắt đầu thay đổi từ hồi tôi cấp 2. Tôi nhớ đấy là một ngày tháng 9 hay tháng 10 gì đó, tôi ngồi trên cái ghế nhựa quay ngược ngoài thềm ngắm mưa. Lại một cơn bão nữa đổ bộ vào Nghệ An, trên tivi người ta bảo thế. Mẹ tôi ngồi trong nhà, ngay sau tôi, vốn dĩ là để ngăn việc tôi lao ra ngoài trời tắm mưa hoặc nghịch ngợm gì đó ngu ngốc như việc buộc những bọc ni-long vào những que củi rồi để gió thổi chúng như những cánh diều. Dù thực ra là tôi đã sẵn sàng làm cả hai việc đó nếu thoát khỏi tầm mắt của mẹ tôi.
Năm ấy, cái nhà bếp của nhà tôi được thay mới. Cái nhà tranh tôi có nhắc tới lúc đầu mà tôi đã 2-3 lần suýt đốt cháy đã được thay thế bằng căn nhà xây mới bằng gạch và xi-măng. Mà hồi ấy, chuyện nhà tranh cháy cũng chả phải là hiếm, lí do thì muôn vàn, quên dập tàn củi sau khi nấu ăn, nhờ thằng con trai quý hoá trông bếp trong khi nó chất thêm thật nhiều rơm để xem ngọn lửa cháy cao tối đa bao nhiêu, hoặc đơn giản hơn là bọn nhóc chúng tôi thử cá cược với nhau xem nhà tranh cháy có lớn hơn đống rơm không.
Mẹ tôi ngồi đâm vừng, một món ăn rất quen thuộc vào những ngày mưa bão như thế này. Nếu vừng được rang lên từ hạt vừng (mè) thì không cần đâm nhỏ, chỉ việc trộn thêm gia vị, mà chủ yếu là muối, để ăn chung với cơm. Nhưng nếu không có mè(hồi đó mè hiếm và đắt), thì nguyên liệu chính sẽ là lạc (đậu phộng). Lạc được rang lên cho vừa tới, thêm vào một chút muối, trộn đều, rồi dùng chày hoặc cán dao giã đều, nhưng phải nhẹ tay. Mục đích là để hạt lạc được nhỏ ra nhưng không bị thành bột. Tôi chả thích ăn món này, nhưng mỗi lần mẹ tôi làm, tôi rất vui. Đơn giản vì lúc ấy chắc chắn sẽ có mưa và chiến lợi phẩm của tôi sẽ là những hạt lạc rang lên mà chưa bị giã, thứ mà với tôi thì ngon hơn 1000 lần thứ được tạo ra sau đó. Nhưng biết sao được, dù có cố gắng xin xỏ bao nhiêu thì tôi cũng chỉ được một ít, và mẹ tôi thì vẫn có món bà muốn.
Tôi ngồi vừa ăn từng hạt lạc, vừa ngắm mưa. Cũng chả biết từ bao giờ, nhưng tôi thích ngắm mưa rơi. Mẹ tôi bảo rằng con trai gì mà lại ngắm mưa rồi ngồi thẫn thờ, cứ như con gái. Dù đã có lần tôi cố gắng bảo vệ mình, cố thuyết phục mẹ tôi rằng việc ngắm mưa của con trai bà là rất bình thường, dù rằng trong lúc ấy, chính tôi cũng nhận ra điều mình nói chả thuyết phục tẹo nào.Nhưng càng lớn, tôi chả quan tâm đến nó nữa, vì phần nào trong tôi cũng thấy rằng điều mẹ tôi nói là đúng, và tôi biết rằng tôi có cố giải thích thế nào cũng chẳng thắng được mẹ tôi. Lúc tôi còn nhỏ, đã có ai đó nói rằng: "Là con trai mà thích ngắm mưa, chỉ sợ sau này lớn lên sẽ cực hơn người ta, sống tình cảm quá mà lại suy nghĩ nhiều, âu cũng là cái tình đổi lấy cái thân, mong sao duyên số gặp được quý nhân". Bỏ qua việc đúng sai của "lời thầy bói" ngày ấy, thực ra tôi thích ngắm mưa từ nhỏ, trùng hợp sao, những kí ức cuối cùng về cha tôi cũng là hình ảnh tôi ngồi trên đùi ông để ngắm mưa từ khung cửa sổ. Cố hỏi mẹ tôi bằng những hi vọng cuối cùng còn sót lại: - Con tắm mưa nhá mẹ? Một xíu thôi. - Không - Mẹ tôi trả lời ngắn gọn trong lúc tay vẫn không ngừng - Đi mà, con thề là tắm một xíu thôi - Không là không, mày có thấy hơi đất bốc lên kia không hả? "Hơi đất" là mùi nước mưa chạm vào đất. Sau những ngày nắng như thiêu đốt cùng với oi bức của gió Lào, gặp những hạt mưa làm không khí có mùi đặc trưng nhất định. Thế là hết hi vọng, tôi lại ngồi thẫn thờ nghe mưa rơi, nhìn những cái bong bóng mưa vừa được tạo đã vội vỡ ra, liên tục, liên tục thế chỗ cho nhau. - Tại sao con lại tên là Phong hả mẹ? Tôi chả hiểu tại sao tôi lại hỏi như vậy. Nếu như bây giờ, câu hỏi đó là bình thường thì ngược lại, lúc đó, đối với mẹ tôi nó là một việc bất thường. Nên nhớ là hồi đó, không phải ai cũng nghĩ ra một ý nghĩa gì cho tên con cái của mình. Và tôi cũng chỉ vô tình hỏi mà không mong đợi gì một câu trả lời nào đó.
Mẹ tôi dừng tay, không giã nữa, tiếng gỗ từ chiếc chày va vào chiếc nồi nhôm đã không còn nữa. Không hiểu vì đã xong hay vì câu hỏi của tôi, bà đi vào nhà, chốc sau, đưa tôi một tờ giấy, trên đó ghi "giấy khai sinh". Mẹ tôi bảo tôi đọc, và sau khi nghe tôi đọc tới dòng cuối cùng, bà mới ngồi lại chỗ tôi. - Hồi có bầu mày, cha bay đã bắt đầu bệnh nặng rồi - .... - tôi không nói gì nhưng bắt đầu quay người lại nghe mẹ tôi kể - Cha mày bảo, cha tên Kì, mà Kì là cờ. Cờ muốn bay được thì phải có gió. Nên ổng đặt tên con là Phong - À - Đây - Mẹ tôi chỉ vào chỗ chữ kia của cha tôi rồi nói tiếp - Cha mày là Trần Đình Kì, nhưng chỗ này ổng ghi là Trần Quốc Kì, đã có gió thổi, thì phải là Quốc Kì.Hoá ra, đấy là lí do tôi tên Phong.
Sau này, tôi lâu lâu vẫn được một ai đó xa lạ khen rằng tên hay quá. Những lúc như vậy, tôi lại mỉm cười nghĩ về câu chuyện mẹ tôi kể.Tên nghe thì không biết đẹp hay không, nhưng ý nghĩa thì tuyệt đẹp. Bởi những năm cuối đời ấy, cha tôi gặp khó khăn trong việc di chuyển, nên là cái cờ ấy mong mỏi được bay trong gió.
Tôi thích tên Phong, tôi cũng thích là "Cu Kì" nốt, dù rằng bây giờ, đã không ai gọi tôi bằng cái tên kia nữa.