Tôi không phải là một con người vĩ đại, cũng không phải là một người có tầm ảnh hưởng. Tôi chỉ là một con người bình thường, cũng có những yêu ghét của một con người bình thường.

Tôi yêu những câu chuyện lịch sử được kể lại bởi chính cha ông ta, những người còn sống đến tận bây giờ để truyền lại ngọn lửa yêu nước; chứ không phải mấy câu chữ có trong sách lịch sử hoặc trong khoá lí luận cơ bản ở trường đại học. Những thứ mà tôi phải học thuộc từng chữ, nhìn và đọc chứ không cảm nhận, vì làm gì còn thời gian để cảm nhận, chỉ cần một con điểm đủ để không phải thi lại thôi.
Tôi yêu những khoảnh khắc bình yên, được ngắm nhìn bầu trời xanh giữa một không gian yên tĩnh. Nhưng tôi lại ghét phải ngồi buôn chuyện, nói xấu rồi hạ thấp một ai đó, rồi lấy họ ra làm chuyện cười. Nó khiến mọi thứ xung quanh thật bẩn thỉu. Tôi ghét điều đó.
Tôi chỉ là một người bình thường, có phần ngu dốt nên đôi khi có những thứ hiển nhiên mà tôi chẳng thể hiểu được.
Nhưng thật may mắn, khi tôi biết bản thân có một tình yêu đối với quê hương đất nước.
Đó thực sự là điều hiển nhiên đúng không? Nhưng tới hiện tại, tôi mới biết nó lại có tác động mạnh mẽ tới tôi như vậy.

Tôi viết bài này trong khi đang trải qua những ngày tháng chạy deadline. Tôi không nói là nó khó khăn, là nó mệt nhọc nhưng nó đem cho tôi nhiều câu hỏi mà chính bản thân tôi thấy không đáng
“Tại sao mình phải mệt mỏi như vậy?”
“Sao mọi thứ lại khó khăn như vậy?”
Đôi mắt đã mỏi, tay đã run run nhưng tôi vẫn muốn viết, vì cả cảm giác này rồi cũng sẽ biến mất giống như những câu hỏi kia. Một cảm giác xen giữa sự mệt mỏi và cảm giác chưa đủ, cảm giác mình vẫn còn có thể làm tốt hơn nữa. (tôi không biết diễn tả sao cho đúng nữa. Tôi chỉ cảm giác giống con thiêu thân, tự thiêu chính mình cho một mục đích duy nhất.)
Dựa người vào ghế, nhắm mắt sau một ngày dài, tôi nghe chút
nhạc. Tôi nghe “Khúc ca vàng”, “Nhạc cho mẹ” và “Việt Nam muôn đời” của Mikelodic, rồi đến “Một vòng Việt Nam” với sự góp giọng của Tùng Dương ,rồi đến bài “Việt Nam rực rỡ” của NSND Bạch Tuyết x Mew Amazing x Orange x JaysonLei.
Khi nghe trong đầu tôi nhớ lại hình ảnh của chiến tướng Hoàng Đan trong cuốn “Thư cho em”, hình ảnh của người con gái năm 16 tuổi đi
theo cách mạng của bà Xuân Phượng trong cuốn “Gánh gánh gồng gồng”.
Đó là hình ảnh của một thế hệ đã gắn bản thân với sứ mệnh giải
phóng nước nhà. Tôi đã không phải trải qua những ngày tháng chui rúc trong hào, tránh né máy bay địch; đã không phải trải qua những ngày tháng thiếu ăn thiếu mặc, nằm vạ vật trên đường. Cũng chưa từng vào sinh ra tử.

Chính lúc đó, tôi mới thấy những mệt mỏi ngày hôm nay của tôi chẳng đáng gì so với thế hệ đi trước – một thế hệ đã gắn bản thân với sứ mệnh giải phóng đất nước, dành lại độc lập cho đất nước.
Tôi mới thấy quý trọng những điều nhỏ nhất xung quanh tôi, một bầu trời xanh không có khói lửa chiến tranh. Một cơ thể khoẻ mạnh không đau ốm đói kém, được sống xum vầy với gia đình, không phải chịu cảnh chia cắt hai miền. Tôi và bạn – những con người được hưởng trọn vẹn 6 chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.
Vậy chúng ta cần làm gì?
Tôi nghĩ tôi cần lập chí, một cái chí được tru rèn từ lòng
yêu nước, từ sự xấu hổ khi chưa làm bằng được cha ông. Chỉ có như vậy, tôi mới biết bản thân đang sống đúng hướng được. Bạn có thấy giống tôi không?
Lúc lắng nghe bài hát “ Một vòng Việt Nam”, tôi thấy được hai dòng nhắn nhủ thế này.
“Các vua hùng có công dựng nước
Bác cháu mình phải cùng nhau giữ lấy nước”
-Chủ tịch Hồ Chí Minh-
Và một lời nữa của Cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
“ Hạnh phúc của con người không chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Chúng ta cần hành động, bạn của tôi, cùng tôi khôn lớn, cùng tôi trưởng thành và cùng tôi phát triển đất nước này. Không phải lời hô hào, không phải chỉ là cổ động suông, hãy làm nó khi nó xuất phát từ trái tim, bạn nhé. Nhìn về phía trước thật xa,nghĩ về mười năm sau ta sẽ làm gì. Bạn sẽ là ai? Bạn muốn làm gì? Giá trị của bạn nằm ở đâu? Hãy cho tôi biết, dù nó có viển vông thế nào thì bạn cũng đang làm rất tốt. Hãy mang niềm tự hào dân tộc vào trong những việc mình đang làm, bạn nhé. Tôi tin ở bạn.

( Đây thực sự là một bài viết rất cá nhân, tôi viết trong một cảm giác tự hào và đôi phần ảnh hưởng từ những người tôi ngưỡng mộ. Gắn liền bản thân với việc đất nước là một việc viển vông, thừa thãi và tôi biết điều đó, nhất là với một con người ngu muội như tôi. Nhưng tôi tin, nếu không viết bài này, tôi sẽ không có động lực tiến bước. Tôi ngưỡng mộ những người thế hệ trước, và muốn được bằng họ. Sống một cuộc đời với thật nhiều câu chuyện để kể cho con cháu sau này, nhất là những câu chuyện gắn với đất nước.)
Lời cuối, cảm ơn bạn vì đã đọc một bài viết như thế này. Bài viết chưa thực sự chỉnh chu, nhưng bạn vẫn đọc đến đây. Thế là quá tốt rồi, cảm ơn bạn nhiều.
HẾT

Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
Khoang bạn, nếu như cha ông "chúng ta" hy sinh giành lấy độc lập tự do, hy sinh cuộc sống lẫn mạng sống để "chúng ta" có được sự yên bình ngày hôm nay, Thì cha ông "chúng ta" có muốn "chúng ta" phải xấu hổ khi chưa làm được như họ không?
Khi bạn nói rằng " lập chí, một cái chí chỉ(only) qua cái sự chui rèn từ lòng yêu nước, và sự XẤU HỔ khi chưa làm được bằng họ, thì MỚI BIẾT thế nào là đang sống đúng hướng?" - Nếu nói như bạn thì có phải đang cho là cha ông "chúng ta" quá hẹp hòi? Thay vì mong muốn các hậu duệ của họ trân trọng lấy nền hòa bình mà họ đã hy sinh, trân trọng những giá trị lớn hơn cả hy sinh của họ, chính là sự tự do.
Có lẽ cha ông "chúng ta" không, và chưa bao giờ muốn các hậu duệ của họ phải sống mãi dưới cái bóng vĩ đại của họ, mà còn phải vượt qua, phát triển bằng một cái động lưc vĩ đại hơn cả họ, một cái động lực là đưa quốc gia, đưa dân tộc của họ thành một quốc gia, dân tộc phát triển, một cái lý tưởng phải vĩ đại hơn cả lý tưởng giành được độc lập tự do mà họ từng có.
Câu nói này của bạn dường như không thừa nhận rằng có nhiều con đường khác nhau để đạt được một cuộc sống có ý nghĩa. Những giá trị như yêu nước và sự kính trọng đối với tổ tiên chắc chắn là đáng quý, nhưng chúng không phải là yếu tố duy nhất hoặc là con đường duy nhất dẫn đến sự sống "đúng hướng". Nhiều người có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống qua việc theo đuổi đam mê cá nhân, đóng góp cho cộng đồng, hoặc phát triển bản thân theo những cách khác mà không nhất thiết phải gắn liền với lòng yêu nước hoặc sự so sánh với cha ông như bạn.
Câu nói nói của bạn thể hiện một sự tự ti khi so sánh bản thân với thế hệ trước và thậm chí coi sự xấu hổ là động lực để lập chí, và động lực. Nhưng sử dụng sự xấu hổ với các bậc tiền nhân theo t không phải là một động lực lành mạnh, kiểu so sánh này có thể khiến "chúng ta" dễ rơi vào vòng xoáy tự hạ thấp bản thân, và dẫn đến việc đánh mất đi giá trị của chính mình, thay vì khuyến khích một sự tự tin lành mạnh và một ý chí xây dựng dựa trên khả năng cá nhân. Thêm nữa bạn cũng không đánh giá thế hệ "chúng ta" trong một thời đại hoàn toàn khác với cha ông "chúng ta", bối cảnh khác, áp lực khác, các mối đe dọa cũng khác.
Trong bài viết bạn tự nhận là con người bình thường và có khi còn ngu dốt và "đôi khi có những thứ hiển nhiên mà tôi chẳng thể hiểu được." Vậy lỡ như sự hiển nhiên đó là, cha ông "chúng ta" sẽ cảm thấy xấu hỗ khi sự hy sinh giành độc lập tự do, giành giữ lấy quốc gia tổ quốc để rồi, hậu duệ của họ chỉ là con người bình thường, và lại có phần ngu dốt, tới cả mức có những thứ hiển nhiên mà còn chẳng thể hiểu được, thì sao?
Khi bạn nhìn nhận bản thân theo cái kiểu tự hạ thấp mình như thế thì khác nào bạn nói rằng cha ông "chúng ta" hy sinh chỉ để giành lấy một sự tự do, một nền độc lập, để các hậu duệ của họ được phát triển mà cuối cùng lại sinh ra chỉ là một người bình thường và có phần ngu dốt như bạn tự miêu tả. Vậy thì chính bạn là một sự "xấu hổ" của cha ông rồi.
bạn nói về việc "lập chí" từ lòng yêu nước và sự xấu hổ, thì theo t đó là là viển vông và thiếu thực tế, cũng như là đánh giá thấp các khó khăn mà "chúng ta" phải đối mặt, nhất là động lực phát triển bởi một cảm xúc tiêu cực như xấu hổ cũng chưa chắc là một động lực lâu dài và lành mạnh, trong bối cảnh hiện đại ngày nay. Cuộc sống hiện nay đòi hỏi sự thực dụng, và những lý tưởng cao đẹp. Lòng yêu nước phải được cụ thể hóa bằng hành động, bằng trí tuệ và bản lĩnh đương đầu với những khó khăn, thách thức mới, những khó khăn và thách thứ mà cha ông không gặp phải, chứ không phải bằng một lời nói suông rằng tôi yêu nước.
Lòng yêu nước của bạn là một sự thật rất chân thành và t rất trân trọng giá trị đó của bạn.
Đáng ra chúng ta phải tự hào khi nhận thức được sự ngu dốt của chính mình, chứ không nên cảm thấy xấu hổ. Sự xấu hổ với t phải là những người biết rất nhiều, đọc rất nhiều, kiến thức rất nhiều nhưng lại có suy nghĩ rằng "cái gì mình cũng đã biết hết", theo thiển ý của t thì đó mới là cái sự xấu hổ tột cùng với tri thức.
Có lẽ, cũng theo suy nghĩ của t, ông cha "chúng ta" không hy sinh để rồi thấy hậu duệ của họ tự nhìn nhận bản thân là yếu kém và ngu dốt, để rồi cảm thấy xấu hổ. Họ cũng không hy sinh để tạo ra một thế hệ phát triển, giàu có, nhiều kiến thức nhưng lại có những tư tưởng vĩ cuồng tự cao. Có lẽ, họ chỉ đơn giản muốn nhìn thấy hậu duệ của họ phát triển vùng đất mà họ đã hy sinh để có được, bằng sự nỗ lực nội tại, bằng ý chí vương tới cái cao hơn.
Xấu hổ theo t là một động lực mạnh, nhưng nó không giúp chúng ta cân bằng được. t nghĩ rằng nhận thức được sự yếu kém và ngu dốt của bản thân là một sự may mắn để chúng ta phát triển và vươn lên tầm cao mới với thái độ khiêm cung.
Tôi sẽ không lạm bàn cũng như không cố gắng thay đổi góc nhìn của bạn, cũng như bạn, tôi đang nêu lên một ý kiến vô cùng cá nhân.
Chúc bạn phát triển hơn trên con đường của bạn.