Gần đây lên mạng xã hội chắc ai ai cũng đang nói về vụ tự tử đau lòng của cậu bé 16 tuổi. Thực ra vụ này không phải lần đầu tiên xảy ra nhưng tôi đoán nó gây chấn động mạnh vì có video clip quay lại chi tiết vụ việc.
Tôi chỉ mới đọc bức thư tuyệt mình của cậu bé, tôi chưa dám xem video clip và cũng không có ý định xem. Nhưng tôi đã đọc phân tích của mọi người về clip và rất nhiều ý kiến, câu chuyện của những người xung quanh về trải nghiệm cá nhân liên quan đến vụ việc.
Thực sự, đến thời điểm này tôi nghĩ việc chỉ tay đây là lỗi của ai và ai phải chịu trách nhiệm không phải là điều quan trọng nhất. Thay vào đó, mỗi chúng ta phải xét lại xem chính mình đã và đang làm được gì để ngăn chặn những việc tương tự như vậy.
Tôi cũng phải tự xét lại mình với vai trò là một giáo viên. Và khi xét lại, tôi thấy mình còn rất thiếu kiến thức và kỹ năng để nhận diện dấu hiệu sinh viên bị trầm cảm để hỗ trợ cho các em.
Thời mới bắt đầu đi làm khoảng 2-3 năm, tôi thường đặt áp lực học tập rất cao lên sinh viên. Tôi từng là người học tập rất nghiêm túc và mong đợi điều tương tự ở sinh viên của mình. Tôi cũng tin rằng giáo viên giỏi là người đặt kỳ vọng cao ở sinh viên để thúc đẩy các em phát triển bản thân tới mức tối đa.
Chính vì vậy, tôi rất dị ứng với những em có năng lực không tốt mà còn có thái độ không cố gắng trong học tập. Tôi đặc biệt chú ý nhắc nhở những trường hợp như vậy, thậm chí có lúc trách mắng trên lớp khi thấy các em không làm bài tập cẩn thận hay chểnh mảng học hành.
Nhưng có một em sinh viên đã làm tôi phải thay đổi. Năm đó, tôi dạy lớp này 1 kỳ và thấy một em sinh viên nữ có học lực yếu, trong giờ lại thường xuyên mệt mỏi và ngủ gật ở cuối lớp. Không chỉ vậy, em thường xuyên không nộp bài tập đúng hạn, có nộp thì bài làm cũng có chất lượng rất tệ. Nhưng mỗi lần tôi hỏi thì em đều ngơ ngác tỏ ra không hiểu mình phải làm gì.
Tôi lấy làm ngạc nhiên tại sao có một sinh viên cứ như vừa trên trời rơi xuống, luôn ngơ ngác không hiểu mình đang ở đâu và đang làm gì. Thực sự lúc đó tôi đã nghĩ em này chắc bị chậm hiểu hay làm sao ấy.
Rồi đến cuối kỳ, bài tập cuối khoá chiếm 60% điểm mà em vẫn nộp muộn dù tôi và lớp trưởng liên tục nhắc nhở là lúc tôi bùng nổ. Tôi đã bắt em đứng dậy và mắng em trước lớp là tại sao có mỗi việc đi học và làm bài tập đúng hạn mà cũng khó thế. Em bị làm sao thế?
Em sinh viên đó như mọi lần chỉ cúi gằm mặt xuống không nói gì, nhưng tôi nhận ra em bắt đầu khóc. Giống như em cũng bất lực và không giải thích được vấn đề của mình. Khi đó thì tôi dừng lại, bảo em ngồi xuống và nhắc chung cả lớp cần nâng cao ý thức học hơn.
Về nhà hôm đó, tôi cũng không nghĩ quá nhiều. Nhưng một thời gian sau, tình cờ tôi đọc được một bài báo về tình trạng sức khoẻ tinh thần của người trẻ Việt Nam. Tôi không nhớ rõ nhưng hình như trong đó nói rằng cứ 100 người thì có 7 người có thể gặp dạng vấn đề tinh thần nào đó, 3 người phải điều trị vì trầm cảm và 1 người có ý định tự sát.
Tôi ngồi tính nhẩm lại, kỳ đó tôi dạy 3 lớp, mỗi lớp hơn 30 sinh viên, tổng cộng cũng khoảng 100 sinh viên. Nếu áp theo đúng số liệu đó thì trong 100 sinh viên tôi dạy, rất có thể 7 em đang gặp vấn đề tâm lý, 3 em đang điều trị và 1 em có ý định tự tử. Nghĩ đến đó tôi rùng mình. Vậy mà từ trước đến giờ tôi không hề nhận ra điều đó và chỉ chăm chăm ép các em học thật tốt thật giỏi.
Rồi tôi nhớ lại em sinh viên kia, và nhận ra rất có thể em ấy đang bị trầm cảm nên mới có những biểu hiện như vậy, nhưng tôi không dám chắc. Tôi chỉ ân hận và xấu hổ về những điều mình đã làm và đã nói với em. Rất có thể tôi đã gây cho em thêm áp lực trong khi em đang chật vật chỉ để tồn tại mỗi ngày.
Buổi học cuối cùng với lớp, khi các sinh viên đã ra về hết, chỉ còn mình em đó ngồi lại cuối lớp. Tôi cũng định bước ra khỏi cửa, nhưng tôi quyết định quay lại và nói với em ấy "L ơi, cô thấy hình như em có vẻ không ổn. Cô nghĩ em nên đi khám để nhận được hỗ trợ tâm lý nhé. Việc học không quan trọng bằng sức khoẻ của mình đâu em ạ."
Tôi chờ đợi em trả lời nhưng L chỉ cười nhẹ với tôi và nói "Em không sao cả cô ạ. Em cảm ơn cô rất nhiều ạ."
Tôi không muốn đào sâu nữa vì có vẻ em không muốn nói nên chỉ dặn em rằng hãy coi trọng sức khoẻ của mình và tôi cũng từng phải điều trị rối loạn lo âu nên nếu em có vấn đề gì đừng ngại nói chuyện thêm với tôi hay các thầy cô bạn bè khác.
Tuy nhiên, sau buổi cuối cùng đó, tôi cũng không còn gặp hay nói chuyện với L nữa. Tôi liên hệ với lớp trưởng của em sau một thời gian thì được biết các em đã tách lớp theo học các chương trình khác nhau nên không giữ liên lạc. Lớp trưởng và các bạn trong lớp kỳ trước cũng chỉ biết L gặp vấn đề trầm cảm nhưng bạn ấy cũng không chia sẻ nhiều với bạn bè, và chỉ giữ liên lạc qua email với nhau.
Tôi xin email của L từ lớp trưởng và quyết định nhắn cho em rất dài. Tôi hỏi thăm sức khoẻ em và nói rằng tôi chỉ muốn xin lỗi em vì kỳ trước đã nặng lời và trách mắng em trước lớp mà không nhận ra vấn đề của em sớm hơn. Tôi chân thành xin lỗi nếu những lời nói và hành động của tôi khiến em thấy buồn và áp lực. Tôi mong em sẽ tìm được sự hỗ trợ cần thiết để ổn định cuộc sống.
Khoảng 1 tuần sau thì em trả lời. Em nhắn rằng em rất bất ngờ khi nhận được mail của tôi, em trấn an tôi rằng kỳ đó em cũng có lỗi khi không hoàn thành nhiệm vụ và việc tôi mắng em là không sai. Em cũng chia sẻ kỳ này sức khoẻ của em đã tốt lên và em quyết tâm chỉn chu hơn trong việc học.
Tôi cũng rất vui vì nghe sức khoẻ và việc học của em đều có dấu hiệu tốt lên. Tôi hoàn toàn hiểu em đã rất bao dung khi trấn an tôi rằng đó không phải là lỗi của tôi. Nhưng là một giáo viên, tôi cần phải nhận rõ cái sai của mình và chịu trách nhiệm sửa đổi. Tôi biết lúc đó tôi thực sự là một giáo viên tồi. Nhỡ đâu không may một ngày sinh viên của tôi gục ngã trước áp lực và tự tử thật thì tôi hẳn đã mang tội vì sự ngu dốt và vô tâm của mình.
4 năm học sư phạm trước đó của tôi đã không chuẩn bị cho tôi đủ kiến thức về vấn đề tâm lý đặc biệt là trầm cảm mà sinh viên của tôi có thể đang trải qua. Tôi buộc mình phải đọc thêm sách vở về các vấn đề tâm lý để có cái nhìn và thái độ đúng đắn hơn với sinh viên của mình.
Từ đó, tôi học cách chậm lại và quan sát sinh viên của mình kỹ hơn. Tôi học cách thay vì áp lực tất cả sinh viên phải thật giỏi, thật nỗ lực 100% sức mọi lúc mọi nơi, tôi cần cho các em không gian và thời gian để quyết định việc học của chính mình. Tôi học cách thay vì quát mắng và giữ khoảng cách với các em, tôi cần tạo môi trường thoải mái gần gũi để các em có thể chia sẻ với tôi và nhờ tôi hỗ trợ khi cần, trong cả việc học và cuộc sống hằng ngày.
Nhờ vậy, tôi cảm thấy mình bao dung hơn hẳn ngày xưa và có mối quan hệ kết nối mạnh mẽ hơn với sinh viên của mình. Tôi cảm thấy mình từ một giáo viên tồi đang dần trở thành một giáo viên bớt tồi hơn một chút. Và quan trọng hơn, tôi cũng thấy mình yêu nghề hơn rất nhiều.
Trong thời gian tới, tôi đã liên lạc với Trung tâm tư vấn hỗ trợ sinh viên của trường để tổ chức thêm toạ đàm về trầm cảm cho sinh viên và đặc biệt là Tập huấn nhận diện trầm cảm cho giáo viên trong trường. Tôi tin có nhiều thầy cô ngoài kia cũng rất quan tâm đến sinh viên nhưng chưa đủ kiến thức để hỗ trợ những em gặp vấn đề tâm lý đúng cách và đúng lúc nhất. Các trường học tại Việt Nam hiện cũng rất thiếu một hệ thống sàng lọc và hỗ trợ sinh viên về tâm lý một cách bài bản và chuyên nghiệp.
Tôi chỉ hi vọng những nỗ lực này rất nhỏ này của mình có thể hạn chế phần nào những sự việc đau lòng tương tự câu chuyện cậu bé 16 tuổi này tiếp tục xảy ra.