Không phải là lời bộc bạch về tình phụ tử. Tôi là con gái của cha Tôi, Tôi là con gái của người lính Bắc Việt nghe và viết lại câu chuyện của những người lính phía bên kia, Tôi còn là cô con gái hàng tháng gửi thư cho cha đang học tập trong trại cải tạo tù binh Việt Nam Cộng Hoà.
Cuốn sách không phải là hồi kí, không phải văn bản tường thuật lịch sử, không giống bất kì thể loại nào tôi từng đọc. Cảm tưởng như tác giả có gì viết nấy, nghe sao viết lại y vậy. Cô từng chia sẻ trên trang cá nhân rằng cô không phải nhà văn mà chỉ viết giùm người khác về câu chuyện của họ, tai nghe, mắt thấy, trải nghiệm. Có lẽ bởi vậy mà phần giới thiệu tác giả được thiết kế rất đơn giản: Tôi tên là ... Quê quán ... Sống ở ... HẾT. Cô để ví trí trung tâm cuốn sách cho những người mà cô ròng rã đi tìm từ "địa đầu tổ quốc" Quảng Trị, Huế cho đến những vùng từng là nơi tranh chấp ở miền Nam như Đồng Nai, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu,...
Nếu phải đưa ra một cái tên, thì đó là sự thật. Sự thật không phổ biến trên đất nước này.
Thực tế không phải ai cũng thoải mái chia sẻ câu chuyện của họ. Nhiều người từ chối cô vì cuộc sống hiện tại, vì quá khứ của họ không phải là chuyện để gợi lại. Lần đầu đến Huế, gặp một trong hai gia đình sống từ trước 1975 còn sót lại trong khu tập thể trước là gia binh của lính VNCH, sau giải phóng bộ đội vào ở, cô bị bà chủ nhà đuổi thẳng thừng, gay gắt. Phải chăng họ sợ lãnh hậu quả hay họ kì thị những người làm việc này, trường hợp này còn đến từ bên thắng cuộc? Người sẵn lòng chia sẻ thì ai sẽ biết đến chứ? Đến cả những chương viết về quê hương tôi - Quảng Trị, tôi còn chưa từng biết đến vì chưa từng nghe ai kể cả. Chẳng hạn như:
" Tôi đến Thượng Xá bởi vì một câu chuyện xảy ra vào đầu năm 1971. Có người mẹ nghèo với hai đứa con. Buổi chiều đó trời mưa nên bà về sớm hơn mọi bận. Gọi là bà chứ thực ra khi đó người mẹ mới ba mươi tuổi. Bà đi làm mướn cho người ta chứ không có ruộng. Về nhà, bà ra vườn chặt cây chuối thái rau lợn. Cạnh vườn chuối là cái ao cạn nước. Bà nhìn xuống ao. Có người. Những bẹ lá chuối phủ lên người. Bà sợ hãi vứt cây chuối bỏ chạy. Việt cộng, Việt cộng. Bà la lên. Bà đã được tuyên truyền Việt cộng là thú dữ, Việt cộng không phải là người. Bà chạy qua nhà người anh họ làm ở hội đồng xã. Việt cộng, mặt bà tái xanh, chỉ tay ra ngoài ao... Đó là bốn trinh sát vừa đi làm nhiệm vụ về. Hai người trong số đó bị thương. Họ đang rất đói, nằm nấp dưới ao. Năm đó chờ người dân đưa cơm ra và chờ trời tối để lên lại rừng. Một lúc sau có xe chạy đến. Một phát súng bắn lên trời. Bốn trinh sát bị bắt đưa lên xe. Số phận bốn trinh sát sau đó thế nào người dân không rõ. Người dân chỉ rõ số phận của người mẹ. Bà bị bắt đi vào một sau đó không lâu. Sáng hôm sau, trước cổng trường học xác người mẹ nằm bên cọc tre, bên cạnh là bảng chữ "Bản án tử hình"... ... Ở đây người ta dặn nhau câu này: Dại chết, khôn chết, biết thì sống. Tôi giải thích cho cô hiểu nhé. Khi mình chẳng may biết được một bí mật. Ví dụ như mụ Phổ biết mấy ông bộ đội nằm dưới ao. Dại: chạy đi báo - Chết; Khôn: Im lặng đi về, coi như không biết. Anh tưởng làm vậy là khôn nhưng không ngờ mấy anh bộ đội kia cũng bị bắt, họ sẽ cho là chính anh đi báo - Chết. Biết là gì? Biết là ngồi yên tại cây chuối đó, chờ bộ đội lên rừng an toàn mới đi về nhà mình. Bộ đội ở đó hai ngày mình cũng ngồi đó hai ngày. Cô hiểu chưa..."
Hay số phận con người đứng giữa hai lằn ranh, những nạn nhân của thời cuộc, một thời phi lý đến nỗi mấy ai nhận ra như: Người phụ nữ có chồng tập kết qua bên kia sông Bến Hải bị dí điện tra tấn đến nỗi ngón tay không thể duỗi thẳng ra được nữa vì nghi có liên kết, dính dáng tới cách mạng, con trai của bà sống cuộc đời tủi lặng bởi "nếu không có tôi, giữa mẹ và ba hẳn không có mối liên hệ. Mẹ không phải chịu tiếng có chồng tập kết ra Bắc làm giặc..."; người cha làm cách mạng và bốn con trai của ông, hết ba người đi lính quốc gia, anh còn lại trốn trong hầm đến ngày giải phóng, vì lý lịch này, người con trai út bị bạn bè, đồng đội nghi kị, ruồng bỏ, người cha bị loại ra khỏi chi bộ địa phương, khai trừ Đảng, "mang tận nỗi buồn này suốt phần đời còn lại, tận đến khi mắt nhắm xuôi tay".
Với bản thân, mặc dù không quen với cách viết này lắm, tôi - người đọc được hưởng lợi nhiều từ hành trình của cô. Tôi biết được phần nào những thanh niên miền nam tầm tuổi tôi vào thời gian đó làm gì, nghĩ gì, ước mơ gì. Cô không tìm những tướng tá cấp cao ở phía bên kia, càng không thể tìm đến người đã khuất, cô tìm những người lính bình thường, bình dân nhất, họ làm đủ thứ nghề nhưng nhiều nhất là bán vé số. Có người từng chiến đấu vì lí tưởng. Có người bất đắc dĩ đi lính. Có người buộc phải chọn bên. Có người tìm mọi cách trốn lính. Dù vì mục đích gì, cuộc chiến để lại trong họ di chứng suốt đời về cả thân thể và tinh thần, nói dân dã hơn: thân tàn ma dại.
" Ba mất quyền công dân từ khi giải phóng cho tới năm 2013. Năm 2013 ba bệnh nặng, tình trạng như sắp ra đi, em làm thủ tục cấp chứng minh thư cho ba. Đến lúc này ba còn cần đến chứng minh thư làm gì nữa hả chị. Nhưng em cần. Em muốn trước khi chết ba em là một công dân như bao người..." " Cảnh tượng khi chú bước vào là một hình hài nằm trên manh chiếu cũ trải trên nền nhà. Một tay cụt đến vai. Hai chân cụt đến háng. Một manh quần đùi phủ lên cho có. Chiếc áo sờn, đứt cúc, cúc nọ chắp vào khuy kia... ... Trong nhà đó chẳng có gì gọi là của cải. Bát ăn cơm cũng là cái bắt đựng mủ cao su vợ ông lượm về. Vài ba cái thìa nhựa. Mấy cái nồi nhôm méo mó. Đến bữa ăn bà trộn một bát cơm canh rồi đút... ... Bức ảnh chụp lần cuối cùng là bác Lý đang nằm ốm, trên mình phủ chiếc khăn mặt đã úa nhàu. Gần chỗ bác nằm có khung cửa sổ. Bác nằm như thế, qua những sáng những chiếu, qua những tháng những năm. Bác nằm như thế trong hai phần ba cuộc đời mình... ... Bốn mươi tám năm. Bốn mươi tám năm một người không thể tự đi vệ sinh. Nếu ở hoàn cảnh bác. Không ai tàn nhẫn với bản thân mình để đặt một giả sử như vậy ..." " Chú không chết. Không chết là xui. Là xui chớ không phải may mắn đâu cháu. Nếu chết ngay từ khi đó thì chú đâu phải sống khổ thế này... ... Người soát vé không cho lên tàu vì biết các chú lên sẽ hát, gây ồn ào. Chú đẩy ông mù lên, còn chú vịn vào tàu ... một lần đu tàu suýt bị rơi, vì không có người nào trên tàu phát hiện ra kéo lên. Thân thể mình tòn teng giống như lần trên ngọn núi sau núi Bạch Mã ... ... Anh em chặt một cái cây, đặt chú nằm trong võng, buộc người chú vào đầu ngọn cây đẩy lên. Trên trực thăng có hai xạ thủ đón chú ... Người chú tòn teng giữa không trung ... Chú chờ cái chết đến. Chờ tắt thở. Chờ nhắm mắt. Chờ hồn lìa ra khỏi xác như thế nào..." "..."
Tác giả không truyền tải bất cứ quan điểm nào, việc của cô chỉ là lắng nghe và ghi lại. Ý nghĩa của nó tự mỗi người sẽ rút ra sau từng câu chuyện, phận đời. Tôi cũng có cho mình một lớp ý nghĩ. Cuối một chương có tựa đề May mà chiến tranh không kéo dài cho đến tận bây giờ, tác giả viết: con người ấy sống trong chiến tranh. Lâu tới mức - nếu cuộc chiến đó kéo dài hết cả đời người thì cũng không nhận thấy là phi lý. Tôi chợt nhớ đến một đoạn trong bài hát Kẻ thù ta của nhạc sĩ Phạm Duy:
Kẻ thù ta mang áo màu chủ nghĩa Kẻ thù ta mang lá bài tự do Mang cái vỏ thật to Mang cái rổ danh từ Mang khát vọng chia rẽ chúng ta Kẻ thù ta đâu có phải là người Giết người đi thì ta ở với ai?
Người nào muốn chiến tranh? Người nào đặt những viễn cảnh mơ hồ, ý thức hệ, số phận chính trị lên trên sinh mạng con người gây chia rẽ chúng ta?
Nhưng, con người trong cuốn sách này, dù ở bên thắng cuộc hay bên thua cuộc, không ai coi nhau là kẻ thù cả:
"Chúng tôi cuộc đời phũ phàng không nói hết nữa, nhưng các ông ngoài đó sao cũng khổ quá vậy, các ông xung phong đi cơ mà." " ...Tôi đọc để hồi tưởng vào đúng thời điểm người lính miền bắc kể lại câu chuyện chiến trường của họ, thì mình đang ở đâu, và đang đụng trận như thế nào… " "Anh là trung uý công binh từ Bắc vào tăng phái làm cán bộ kỹ thuật phòng thuỷ lợi huyện. Anh vào đây cùng vợ là giáo viên cấp một. Chị soạn bài thỉnh thoảng vẫn dừng lại hồn nhiên hỏi tôi cách trình bày một bài toán giải. Tôi không có nhà ở. Anh bảo cứ ở nhà anh, ăn cơm nhà anh, tới mùa thu hoạch lúa cứ trả mỗi tháng hai giạ lúa. Anh em sống với nhau như người một nhà, có gì ăn nấy. Chúng tôi né tránh chuyện chiến tranh..." "... Gương mặt đầy nốt sẹo đậu mùa với nụ cười hiền. Chú Hải để lại trong tâm hồn đứa bé mười một tuổi ấn tượng đầu tiên về một chiến binh Bắc Việt."
Cô bé mười một tuổi đó chính là người gửi thư cho cha đang trong trại cải tạo tôi có nhắc đến ở đầu. Khi đọc các bức thư của cô tôi đã rơm rớm xúc động. Mong mọi người cũng sẽ có cơ hội đọc được.
Trong cuốn sách này có một câu nói của người tiểu đoàn trưởng (giải phóng quân) mà tôi rất tâm đắc. Nếu ai đó hỏi tôi nhận được gì qua cuốn sách, đây là câu trả lời ngắn gọn, bao hàm suy nghĩ của tôi về chiến tranh Việt Nam: Dù phía nào thì mỗi tấc đất của tổ quốc đều thấm máu của những anh em cùng chung dòng giống ngã xuống. Thật kì lạ khi những người lính không gây ra chiến tranh mà họ bị trừng phạt.
Phải nói lại một lần nữa, tôi (và có thể cả các bạn) được hưởng lợi nhiều từ công việc của tác giả. Tại sao tác giả phải làm công việc này? Theo dõi trang cá nhân của cô, trong một status, cô chia sẻ rằng cô viết cuốn sách này vì cha của cô, đã qua đời trước khi cuốn sách được xuất bản vì bệnh ung thư. Ông từng là lính Bắc Việt. Tuổi trẻ của ông, cô chưa từng nghĩ đến, cứ nghĩ trong đầu ông chỉ có chuyện con cái. Đến khi một ngày ngồi ở bệnh viện, cô rùng rợn, giật mình nghe ông kể về những đồng đội hy sinh ở chiến trường, tự xem mình là may mắn. Cô thấy cái chết hiện ra trước mắt lúc này là cha, còn kia chỉ là ký ức... Bây giờ cô con gái ấy đi tìm các chú các bác, để được thấy hình bóng cha, để được trò chuyện với cha.
Một bác là nhân vật trong cuốn sách đã chết trước khi cuốn sách ra mắt. Dù cuộc đời đó đã hết, bây giờ cuộc đời đó đã được biết, "cuộc đời đó sống trong tôi không bao giờ kết thúc".Tôi là tất cả chúng ta.
Hai người lính - Nguồn: Dân trí
Hai người lính - Nguồn: Dân trí
Đầu câu chuyện, chứng kiến bác gái đẩy cô ra khỏi cửa lúc đến Huế tôi đã kể ở trên, bác trai chứng kiến từ đầu trông có vẻ hiểu chuyện. Ông là một người hiền lành, điềm đạm, sẵn lòng trả lời câu hỏi của cô. Nhưng trong tình thế bị đuổi, không còn cơ hội nào cho hai bác cháu nữa, cô chỉ kịp nói với ông: "Bác ơi bác có biết không, bác là tên giặc đầu tiên cháu được nhìn thấy ngoài đời". Hai người ôm nhau tạm biệt trước sự sửng sốt của người nhà...
Tâm huyết của cô với hành trình này lớn đến nhường nào, khó có thể mô tả được.