Bạn có thể đọc phần 1 ở đây

Gia đình tôi không quá giàu có nhưng cũng đầy đủ. Tôi thấy mình may mắn vì không phải lo cái ăn cái mặc hằng ngày. Từ nhỏ, tôi có cơ hội được học nhiều thứ. Học đàn guitar, đàn piano, học aerobic, võ taekwondo, vẽ tranh, viết thư pháp, học nấu ăn, học tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp. Bố mẹ tôi đặt nhiều kỳ vọng, mong muốn tôi cũng giỏi như bố mẹ, hoặc hơn bố mẹ. Nhưng mà, tôi lại long đong, chẳng đạt được thành tựu gì lớn lao như bố mẹ hằng mong ước.
Nhà nội tôi gốc Bắc, sau này vào Nam sinh sống, gia đình kinh doanh. Hồi đó, bố tôi học chuyên Pháp, ngoại hình cao ráo sáng sủa, tài giỏi, từng làm lãnh đạo rất nhiều năm. Mẹ tôi gái Nam, chuẩn nữ công gia chánh, là tuýp phụ nữ truyền thống. Gia đình bên ngoại bề thế, ông cố tôi ngày xưa là địa chủ nổi tiếng. Thuở còn con gái, mẹ tôi đẹp vô cùng, từng là hoa khôi ở trường Đại học, từng du học ở Trung Quốc. Bố tôi là tuýp gia trưởng vì sinh trưởng trong một gia đình gốc Bắc rất nặng tư tưởng phong kiến. Mẹ tôi cũng khó tính vì từ nhỏ đã được giáo dục trong môi trường hà khắc và được dạy dỗ để trở thành cô tiểu thư con ông hội đồng. Từ bé, tôi đã chịu sự quản thúc của bố mẹ rất nghiêm. Gia đình tôi trong mắt thiên hạ là một gia đình gia giáo, chuẩn mực. Vậy nên, việc tôi không học trường chuyên nữa, khiến bố tôi tức giận cũng là điều dễ hiểu. Nó cũng là lý do châm ngòi cho càng nhiều cuộc cãi vã của bố mẹ tôi. 
Chính vì những hình ảnh quá đẹp đó của gia đình mình, nên tôi luôn sống trong áp lực, tôi bị dán nhãn và cũng tự dán nhãn bản thân, để rồi luôn giới hạn mình vào những khuôn khổ, rồi dần thành một đứa yếu đuối, ngại va chạm, thiếu kinh nghiệm sống. Vì sao tôi không kể hết câu chuyện bị xâm hại năm 9 tuổi với bố tôi? Vì bố tôi là người rất trọng thể diện, rất giữ hình tượng, nên tôi chắc chắn rằng bố sẽ không bao giờ làm lớn chuyện để bênh vực tôi. Vì sao tôi không tâm sự hết những chuyện bản thân bị ức hiếp ở trường với bố? Vì bố tôi rất bảo thủ, bố sẽ cho rằng tôi đã lẳng lơ với các bạn nam, và chảnh chọe với các bạn nữ, thì mới bị như thế. 
Bố tôi có bản tính đa nghi, ghen tuông. Sự ghen tuông đó trầm trọng đến nỗi, tôi e rằng bố mình mắc bệnh ghen hoang tưởng. Và vì vậy, mẹ tôi sống một cuộc đời như búp bê trong tủ kính. Mẹ tôi không được phép giao thiệp với ai, đi làm là về thẳng nhà, mẹ tôi không có bạn bè, không đi chơi hay shopping cùng các cô. Mẹ tôi đi đâu là bố canh từng giờ từng phút. Tất cả đồng nghiệp nam, tất cả hàng xóm nam cũng đều là đối tượng để bố tôi lên cơn ghen. Bố tôi ghen tuông đến độ, mẹ tôi phải nghỉ việc. Thỉnh thoảng, bố kiếm chuyện chửi rủa, đập phá đồ đạc trong nhà, nhất là những khi đi nhậu về. Người mắc chứng ghen hoang tưởng là kiểu người trong đầu luôn đinh ninh bản thân bị phản bội. Bố tôi sẽ luôn hoài nghi mọi chuyện của mẹ, rồi liên kết các chi tiết, cố gắng tìm mọi bằng chứng để cho thấy mẹ tôi ngoại tình, tự tưởng tượng tình tiết và chất vấn mẹ tôi như hỏi cung. Tôi luôn bị một nỗi ám ảnh, rằng nếu biết những chuyện đã xảy ra với tôi, bố sẽ mắng chửi tôi là giống tính mẹ, bố sẽ dùng những lời lẽ bịa đặt và xúc phạm như những gì bố nói với mẹ. Và mẹ tôi cũng biết điều đó, vậy nên, đối với chuyện của tôi, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc. 
Cuộc sống hôn nhân của bố mẹ tôi không hạnh phúc. Mẹ tôi ngày càng già đi, tính cách ít nói, cằn cỗi đi, cũng không ngọt ngào dịu dàng với bố. Bố tôi thì công việc ngày càng thăng tiến, giao thiệp bên ngoài nhiều, hay đi tiếp khách, bạn bè tụ họp. Bố tôi có nhiều người ái mộ. Tôi rất căm ghét những người phụ nữ đưa đẩy, đeo bám bố tôi ở bên ngoài. Với người khác thì bố lịch sự, tinh tế, hòa nhã vui tính, nhưng về nhà với mẹ con tôi thì bố lại cáu gắt, nạt nộ, kiếm cớ la mắng.  Bố tôi chẳng bao giờ nói những lời tình cảm với mẹ tôi. Nhưng tôi từng gọi điện thoại cho một người phụ nữ cùng bố tôi mỗi ngày nhắn tin lãng mạn tình tứ. Bố tôi chẳng bao giờ rủ mẹ tôi chụp ảnh cùng. Nhưng tôi từng thấy hình ảnh bố chụp cùng một cô đồng nghiệp xinh đẹp đăng trên Zalo của cô ấy. 
Tôi biết mình đã chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi tính cách cam chịu của mẹ. Từ lúc bé, đến tận bây giờ, trong công việc hay cuộc sống, khi bị ức hiếp, tôi vẫn chỉ biết khóc mà không dám tự lên tiếng để bảo vệ mình. Những cuộc cãi vã của bố mẹ, tiếng chén bát vỡ, tiếng khóc lóc khiến tôi bị ám ảnh tâm lý. Khi tôi đi ngoài đường, nếu đi ngang một trận đánh nhau của đám thanh niên trai tráng, hay một vụ đánh ghen rất nhiều người hiếu kỳ vây quanh, tôi sẽ có biểu hiện tay chân run rẩy, lái xe loạng choạng, người tôi toát nhiều mồ hôi và tim tôi đập loạn xạ. Hồi tôi học Đại học, có lần tôi đi mua nước đá, tôi đã đưa tiền rồi mà người ta bảo chưa, rồi cô đó có to tiếng quát tôi, tôi giải thích nhưng người ta không nghe. Thế là tôi sợ quá, vội vàng đưa tiền. Tôi quay đi rồi, nghe sau lưng là tiếng chửi lầm rầm, bảo tôi trông mặt mũi xinh xắn ăn mặc đẹp vậy mà định quỵt vài ngàn nước đá. Tôi chỉ cúi đầu, nước mắt lã chã rơi và tim đau như cắt vì thấy nhục. Tôi nhục vì sự hèn nhát nhu nhược của bản thân.
Khi tôi học năm thứ 2 Đại học, tôi từng yêu một anh Tiến sĩ, đó là học trò cũ của bố tôi. Mối quan hệ của chúng tôi tuy rằng không công khai trên mạng xã hội, hay ở trường, vì anh ấy không dạy tôi nhưng lại là giảng viên ở Khoa tôi, nhưng bố mẹ tôi và bố mẹ anh ấy đều biết và cho phép chúng tôi qua lại. Chúng tôi yêu nhau được mấy tháng, thì bạn gái anh ấy về nước. Họ đã có một mối quan hệ yêu đương 2 năm, yêu xa 1 năm, và anh còn thậm chí đã hứa sẽ cưới chị ấy khi chị học xong. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến việc mình trở thành kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc của người khác, kể cả trong mơ, tôi cũng không bao giờ ngờ tới. Tức giận vì bị lừa dối, chị đã đăng một bài viết rất dài lên mạng để buộc tội anh ấy, và cả tôi. Đợt đó, tôi có tham gia phỏng vấn một chuyến trao đổi sinh viên đi Hàn và bị đánh rớt, tôi vẫn nhớ như in lời của một người cô hôm phỏng vấn đã nói với tôi trước tất cả sinh viên và thầy cô có mặt: "Tôi không ngại cho em biết, bảng điểm học tập và chứng chỉ tiếng Anh của em đủ điều kiện để được chọn, nhưng em bị đánh rớt vì vụ lùm xùm với một thầy trong Khoa". 
Chuyện đó làm bố tôi càng căng thẳng với tôi hơn. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao bố lại hành xử như thể tất cả tội lỗi là của một mình con gái bố gây ra. Trong khi, đó lại là học trò cưng của bố ngày xưa, là người bố đồng ý cho tôi yêu. Lời dị nghị của thiên hạ khiến bố tôi sợ ảnh hưởng đến uy tín và hình tượng của bố. Còn người yêu cũ của tôi, sau 2 tháng chúng tôi chia tay thì anh ấy kết hôn. Tôi nhận được một lời xin lỗi và thú nhận duy nhất: "Anh tiếp cận em vì bị vẻ ngoài của em thu hút. Anh cũng tiếp cận em vì hy vọng cậy nhờ được tầm ảnh hưởng và sự quen biết của bố em để tiến thân".  
Từ đó, tôi bị căn bệnh đề phòng người khác. Tôi biết mình bị nhạy cảm quá mức, nhưng tôi thường hoài nghi rằng, họ thích tôi vì điều gì? Mấy câu tán tỉnh khen xinh xắn, dịu dàng tôi đã nghe đến đầy tai. Những lời ong bướm thả thính hay quà cáp tôi cũng dần chai sạn. 
2 năm cuối ở Đại học, tôi bắt đầu nỗ lực hơn trong việc kết bạn. Tôi làm quen với nhiều bạn nữ, kết thân với các bạn ấy. Tôi cũng có đám bạn thân, và cả những đám bạn xã giao. Thỉnh thoảng chúng tôi đi chơi và tụ họp nhà nhau, chúng tôi tư vấn chuyện tình cảm từng đứa, cùng hóng hớt chuyện showbiz... Tôi dần học cách mở lòng nhiều hơn. Khi tôi biết tạo nick ảo để đi hóng drama của idol, thời gian sau, tôi có một mối tình xuất phát là tình yêu trên mạng. Đó là một bạn nhỏ tuổi hơn tôi, cực kỳ yêu chó, thích đọc sách và rất đáng yêu. Bạn ấy là người đã lắng nghe tôi chơi đàn mỗi ngày, là người call tôi những đêm mưa lạnh mà tôi nằm khóc thút thít vì nhớ nhà, là người đã bay cả nghìn cây số để gặp tôi vào ngày sinh nhật tôi... Nhưng rồi, sự vô tâm, thiếu tin tưởng của tôi, cũng dần đẩy bạn ấy ra xa. 
Thỉnh thoảng, tôi nhìn ngắm những cô gái trên phố và thầm ước mình năng động, yêu đời như họ. Tôi từng ao ước mình có thể tự tin trong một chiếc váy ngắn hay một chiếc đầm body đầy gợi cảm. Nhưng tôi đã không làm được. Tôi ao ước mình dũng cảm đối mặt và lên tiếng phản kháng khi bị bắt nạt. Nhưng tôi không làm được. Tôi ao ước tính cách mình đanh đá và nổi loạn hơn. Nhưng tôi không làm được. Tôi ao ước, mình có thể đạp lên dư luận mà sống, bỏ mặc những lời phán xét hay định kiến của mọi người. Nhưng tôi không làm được. Tôi ao ước mình bớt lạnh lùng và biết cách yêu thương người khác hơn. Nhưng tôi không làm được. Tôi cũng ao ước mình có thể kể hết tất cả những ao ước này của tôi với bố mẹ. Và tôi cũng không làm được.
Ngày xưa, tôi viết nhật ký nhiều lắm. Cả quãng thời gian học cấp 3 và Đại học, tôi có tận 12 quyển. Tôi vừa đốt hết tất cả chúng hồi tuần trước. Những quyển đó, mỗi trang đều bị nhòe mực vì nước mắt. 
Tôi năm nay 24 tuổi rưỡi, thích trò chuyện với trẻ con hơn là người lớn. Nguồn vui của tôi là dạy đàn cho tụi nhỏ, hoặc vừa nghe nhạc Nguyên Hà vừa quét bụi kệ sách của mình. Năm 9 tuổi, tôi từng bị xâm hại bởi một người thầy dạy võ đáng tuổi ông tôi. Năm 16 tuổi, lần đầu tôi bị tố chảnh chọe, kiêu căng trên cfs trường. Suốt những năm cấp 3, tôi từng bị các bạn nữ tẩy chay, bị các bạn nam trong lớp bình phẩm về thân thể và bạo hành về tinh thần. Khi 18 tuổi, tôi đã từng băng rừng chạy xuyên đêm cùng một người chị để trốn khỏi cuộc lừa bán sang Trung mà người tiếp tay kẻ xấu chuốc thuốc mê chính là anh họ tôi. Năm 19 tuổi, tôi là kẻ thứ ba trong chuyện tình của người khác - trở thành loại người mà tôi ghét nhất trong đời. Năm 21 tuổi, tôi chơi piano ở một quán coffee và bị gạ tình một đêm. Suốt cuộc đời hai mươi mấy năm qua, tôi đã nghe đến nhàm những định kiến như kiểu: "Nhỏ đó ỷ xinh nên kiêu căng lắm", "Em xinh thế chắc nhiều người thích lắm ha", "Con đấy nhờ mặt ưa nhìn nên thầy cô thiên vị cả đấy chứ có tài gì đâu", "Mày vừa xinh vừa giàu thì có gì mà khổ tâm nữa". 
Năm nay tôi 24 tuổi rưỡi. Tôi chơi piano và tập yoga mỗi ngày. Buổi tối, tôi sẽ ngoi lên Spiderum để đọc những bài viết của những người mà tôi ngưỡng mộ. Trước khi ngủ, tôi nghe video của Thầy Minh Niệm. Tôi xem viết lách là cách để chữa lành. Nếu bạn hỏi, tôi có giận bố mẹ mình hay không? Thật lòng là không, vì tôi biết rằng, "bố mẹ cũng là lần đầu làm bố mẹ". Tôi đã trải qua nhiều chuyện như vậy, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ quẩn. Bởi một điều duy nhất, tôi rất sợ bố mẹ tôi đau lòng. 
Tôi đã nhận ra rằng mình gặp nhiều chuyện buồn trong đời là vì tôi không biết vạch ra giới hạn để người khác phải tuân theo, tôi đã vô tình một cách gián tiếp cho phép họ làm tổn thương tôi mà không biết cách tự bảo vệ bản thân mình. Tôi trở nên lạnh lùng vì tôi sợ mở lòng, bộc lộ trước mắt một ai đó hình ảnh đứa trẻ bên trong tôi. Khi để người khác biết quá nhiều thứ về mình, tôi sợ họ có thể làm tổn thương tôi. 
 Ai cũng có những vấn đề của riêng mình, dù ngoại hình họ thế nào, dù gia cảnh họ ra sao, vậy nên, đừng nên nghĩ rằng một câu chuyện khó tin với bạn thì nó không thể xảy ra. Đừng nên nghĩ rằng một người có lợi thế về ngoại hình thì cuộc đời họ chỉ toàn màu hồng. Đừng nên đánh giá ai đó chỉ qua vẻ bề ngoài của họ. 
24 tuổi rưỡi, tôi đang trên hành trình trưởng thành. Tôi lần đầu dám nói với rất nhiều người biết rằng "Tôi không thích mình được khen xinh". 
Tôi hy vọng sau này, khi tôi 25 tuổi, 25 tuổi rưỡi, 30 tuổi, 30 tuổi rưỡi, 60 tuổi, 60 tuổi rưỡi,... tôi sẽ không còn ghét việc được khen xinh nữa. 
Tôi hy vọng, sẽ đến một ngày, nếu có ai đó khen tôi xinh, tôi sẽ thấy lòng mình ngập tràn hạnh phúc.