CẢNH BÁO: Đây là tâm sự trải nghiệm của bản thân tôi, mọi hành động giao dịch của các bạn đều phải tự chịu trách nhiệm dù có thắng hay thua vì chúng ta đều đã hơn 18 tuổi.
Với bất kỳ một trader hay một nhà đầu tư thì "quản lý vốn" luôn là một trong những yếu tố hàng đầu phải quan tâm và để ý. Chúng ta đã quá quen câu nói "hết vốn thì lấy gì để trả thù thị trường", nhưng đôi khi chúng ta đã để cho con quỷ trong tâm trí mình điều khiển và vào lệnh quá mức chịu đựng của tài khoản. Sau đây là những điều tôi rút ra được khi giao dịch:
1. Chỉ vào khối lượng giao dịch nhỏ nhất khi bản thân không chắc chắn
Chẳng có gì là chắc chắn trong giao dịch, nhưng con người chúng ta lại luôn mong muốn mọi lệnh đều là xanh. Đó là vọng tưởng xa vời của những trader, và tôi cũng như vậy. Thay vì vào một lệnh với khối lượng bình thường thì tôi sẽ vào lệnh với khối lượng giao dịch nhỏ nhất (0,01 lot) với những lệnh mà bản thân mình thấy lấn cấn, đắn đo và biết khả năng thua là rất cao. Nếu không thể thuyết phục bản thân vào những lệnh chắc chắn thì hãy để những lệnh kém chất lượng hơn nếu thua thì sẽ mất mát ít nhất.
Điều này có thể áp dụng vào thị trường cổ phiếu rất hay, tôi đã liên hệ với bên công ty chứng khoán và chỉ mua mỗi mã 10 cổ phiếu để đó quan sát. Dù giá có tăng hay giảm cũng chẳng ảnh hưởng đến cuộc sống và trạng thái tinh thần của tôi. Hơn thế nữa, việc dùng tiền thực để mua cũng sẽ khiến bản thân bạn làm việc chăm chỉ hơn để chọn lựa ra những cổ phiếu thực sự tốt.
2. Quản lý vốn theo tỷ lệ R:R là chìa khóa để tài khoản của bạn không bị "đoản mệnh" giữa chừng
Tỷ lệ R:R cho bạn biết nếu bạn bỏ một đồng để giao dịch thì bạn sẽ nhận lại được bao nhiêu đồng. Với giao dịch của tôi thì tỷ lệ R:R thường là 1:4 đến 1:7, thi thoảng sẽ là 1:10. Điều này ý nghĩa cho tài khoản của tôi rất nhiều, Nếu đặt cược 1% tài khoản thì tôi sẽ có thể nhận ít nhất 4% lợi nhuận hoặc hơn thế.
Có một điều chắc chắn, tỷ lệ R:R phụ thuộc vào khoảng cách từ điểm entry đến điểm dừng lỗ và chốt lời. Điểm dừng lỗ càng gần thì R:R sẽ cao nhưng bạn sẽ có tỷ lệ thắng thấp. Điểm dừng lỗ xa thì R:R sẽ giảm nhưng tỷ lệ thắng sẽ cao lên. Bạn cần cân bằng điều này, theo trải nghiệm cá nhân thì với tỷ lệ thắng khoảng 40% thì R:R tầm 1:6 là vừa ổn. Hãy tìm cho bản thân bạn tỷ lệ R:R và tỷ lệ thắng khiến bạn hài lòng.
3. Hãy thực thi các lệnh với khối lượng giao dịch đủ lớn để cho bạn có thể tự do điều chỉnh
Điều này là cực kỳ quan trọng, bạn sẽ không thể biết trước liệu thị trường sẽ tăng đến điểm chốt lời của mình hay không. Sẽ có rất nhiều lúc thị trường đến gần điểm vào lệnh của bạn là rồi đột ngột quay đầu và cán qua điểm dừng lỗ. Đó là điều phải chấp nhận khi tham gia thị trường. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bản thân sẽ có nhiều hơn 2 điểm chốt lời và điểm chốt lời đầu tiên sẽ đảm bảo bạn phải lớn hơn số tiền dừng lỗ - đó là bắt buộc.
Đấy cũng là lý do mọi người thường nói nếu tài khoản lớn chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Nếu tài khoản của bạn nhỏ hơn $500 thì tôi khuyên bạn nên giao dịch tài khoản cent. Dù có vài hạn chế nhưng bạn sẽ được giao dịch với khối lượng lớn hơn, dễ điều chỉnh lệnh hơn khi thị trường có biến động. Còn khi tài khoản bạn lớn hơn $1000 thì cứ tự nhiên thôi.
4. Vào lệnh với khối lượng cố định
Với một con người lười phải tính toán khối lượng giao dịch, tôi chọn cách cố định khối lượng giao dịch.
Nếu tài khoản là $500 thì tôi sẽ đổi qua tài khoản cent (khoảng 50000 cent) và khối lượng giao dịch sẽ là 5 lot. Vì tôi biết rằng khoảng SL của tôi sẽ là 10-30pip. Nếu tài khoản của tôi tăng lên $1000 thì tôi sẽ cố định SL là 0.15 lot. Bằng cách này là 3 năm qua tôi chưa từng cháy một tài khoản nào cả, dù thắng/thua bất thường nhưng tôi hài lòng với lợi nhuận nó mang lại.
Tổng kết: Thật ra cháy tài khoản đến từ việc bản thân bạn không cài dừng lỗ hoặc vào khối lượng quá sức chịu đựng của tài khoản. Hãy tìm cho mình khối lượng giao dịch phù hợp với bản thân để còn có sức để "đôi co" với thị trường